Viện kiểm sát không tống đạt được Cáo trạng truy tố cho 01 bị can bỏ trốn trong vụ án có nhiều bị can thì xử lý như thế nào?
Viện kiểm sát không tống đạt được Cáo trạng truy tố cho 01 bị can bỏ trốn trong vụ án có nhiều bị can thì xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về tạm đình chỉ vụ án như sau:
Điều 247. Tạm đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong các trường hợp:
...
b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này;
...
2. Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do, căn cứ tạm đình chỉ vụ án, các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
Căn cứ khoản 2 Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tách vụ án như sau:
Điều 242. Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố
...
2. Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:
a) Bị can bỏ trốn;
b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Như vậy, khi Viện kiểm sát không tống đạt được Cáo trạng truy tố cho 01 bị can bỏ trốn trong vụ án có nhiều bị can thì thực hiện xử lý như sau:
- Trường hợp còn thời hạn quyết định truy tố: yêu cầu cơ quan điều tra xác minh, nếu đúng là bị can bỏ trốn thì yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can.
- Trường hợp hết thời hạn quyết định truy tố:
+ Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can. Sau đó xem xét thực hiện tạm đình chỉ vụ án và tách vụ án đối với bị can bỏ trốn. Viện kiểm sát ban hành Cáo trạng mới truy tố các bị can còn lại;
+ Trường hợp truy nã bị can không có kết quả, Viện kiểm sát xem xét tiếp tục truy tố bị can theo Cáo trạng ban đầu và có thể xét xử vắng mặt.
Viện kiểm sát không tống đạt được Cáo trạng truy tố cho 01 bị can bỏ trốn trong vụ án có nhiều bị can thì xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Khi bị can bỏ trốn thì có bắt buộc phải ra quyết định truy nã bị can hay không?
Căn cứ Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về truy nã bị can như sau:
Điều 231. Truy nã bị can
1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
2. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này; kèm theo ảnh bị can (nếu có).
Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
3. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.
Như vậy, khi bị can bỏ trốn, Cơ quan điều tra bắt buộc phải ra quyết định truy nã bị can gửi về Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
Viện kiểm sát phải ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án trong thời hạn bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn quyết định truy tố bị can trước Tòa án như sau:
Điều 240. Thời hạn quyết định việc truy tố
1. Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:
a) Truy tố bị can trước Tòa án;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
...
Như vậy, Viện kiểm sát phải ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Năm 2025: Bộ Y tế thanh tra việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức?
- Dụ dỗ người khác gian lận trong hoạt động thể thao bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Truyền thống Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam được khái quát như thế nào?
- Biển báo hiệu hình tròn có nền xanh lam có hình vẽ màu trắng là loại biển gì?