Công ty quản lý quỹ nước ngoài được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh tại Việt Nam?
Công ty quản lý quỹ nước ngoài được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh tại Việt Nam?
Căn cứ khoản 3 Điều 76 Luật Chứng khoán 2019 quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam như sau:
Điều 76. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam
...
2. Công ty quản lý quỹ nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được cơ quan quản lý, giám sát trong lĩnh vực chứng khoán ở nước nguyên xứ cấp phép hoạt động quản lý quỹ đại chúng và được chấp thuận thành lập chi nhánh tại Việt Nam;
b) Cơ quan cấp phép của nước nguyên xứ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; thời hạn hoạt động còn lại (nếu có) tối thiểu là 05 năm;
...
e) Đáp ứng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 77 của Luật này.
3. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài chỉ được lập 01 chi nhánh tại Việt Nam.
Như vậy, công ty quản lý quỹ nước ngoài chỉ được phép thành lập một chi nhánh duy nhất tại Việt Nam.
Công ty quản lý quỹ nước ngoài được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra hoạt động của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 9 Thông tư 97/2020/TT-BTC quy định liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam như sau:
Điều 9. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam
1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành.
2. Công ty mẹ và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại nước ngoài nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính trước khi thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam phải thông báo và gửi đề cương nội dung kiểm tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận của công ty mẹ hoặc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại Việt Nam gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kết luận thanh tra, kiểm tra của công ty mẹ, cơ quan quản lý có thẩm quyền tại nước ngoài đối với hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đồng thời, công ty mẹ và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại nước ngoài nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính trước khi thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam cũng phải thông báo và gửi đề cương nội dung kiểm tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải gửi báo cáo tình hình hoạt động tháng cho ai?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 97/2020/TT-BTC quy định như sau:
Điều 21. Chế độ báo cáo, lưu trữ hồ sơ và công bố thông tin của chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam
...
2. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo định kỳ về hoạt động của chi nhánh như sau:
a) Các báo cáo quy định tại Khoản 1 Điều này, trong đó Báo cáo tình hình hoạt động tháng, năm thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Báo cáo tình hình quản lý danh mục đầu tư tháng theo quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này; báo cáo tài chính năm của các quỹ đầu tư thành lập tại nước ngoài, đang thực hiện đầu tư tại Việt Nam, lập theo quy định của nước nguyên xứ.
3. Thời hạn nộp các báo cáo:
a) Đối với báo cáo tháng: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng;
b) Đối với báo cáo quý: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý;
c) Đối với báo cáo 6 tháng: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý II;
d) Đối với báo cáo năm: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm.
...
Theo đó, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải gửi báo cáo tình hình hoạt động tháng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?