Phân biệt loại trừ trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự?
Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?
Loại trừ trách nhiệm hình sự là trường hợp người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này có nghĩa là hành vi của họ không bị xem là tội phạm và không bị xem là có án tích.
Tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, bao gồm:
[1] Sự kiện bất ngờ quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015.
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó.
[2] Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015.
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
[3] Phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015.
Người thực hiện hành vi để bảo vệ bản thân, người khác, tài sản của bản thân hoặc người khác khỏi nguy hiểm hiện hữu do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra.
Lưu ý: Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
[4] Tình thế cấp thiết quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015.
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Lưu ý: Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
[5] Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội quy định tại Điều 24 Bộ luật Hình sự 2015.
Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ.
Lưu ý: Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
[6] Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự 2015.
Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.
Lưu ý: Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
[7] Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên quy định tại Điều 26 Bộ luật Hình sự 2015.
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Lưu ý: Không áp dụng đối với các trường hợp bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.
Phân biệt loại trừ trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự? (Hình từ Internet)
Miễn trách nhiệm hình sự là gì?
Căn cứ Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự do có một trong những căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
[1] Được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Khi có quyết định đại xá.
[2] Có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Ngoài ra, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác;
- Đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả
- Được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Phân biệt loại trừ trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự?
Loại trừ trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự là hai khái niệm gần nhau nhưng có sự khác biệt rõ ràng trong luật hình sự. Cụ thể như sau:
Loại trừ trách nhiệm hình sự | Miễn trách nhiệm hình sự | |
Khái niệm | Là trường hợp người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của họ không được xem là tội phạm. | Là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự do có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. |
Trường hợp được loại trừ/ miễn trách nhiệm hình sự | Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự: - Sự kiện bất ngờ; - Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; - Phòng vệ chính đáng; - Tình thế cấp thiết; - Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; - Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; - Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên | Những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự: - Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; - Khi có quyết định đại xá. - Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; - Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; - Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. |
Hậu quả pháp lý | Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không có án tích | Bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có án tích nhưng có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. |
Ví dụ | Một người bị tâm thần thực hiện hành vi giết người. Do không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nên người này được loại trừ trách nhiệm hình sự. | Một người phạm tội tham nhũng nhưng bị mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa được miễn trách nhiệm hình sự. |
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?