Biện pháp tư pháp là gì? Người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp gì?
Biện pháp tư pháp là gì? Người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp gì?
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 không đưa ra định nghĩa về biện pháp tư pháp.
Tuy nhiên, dựa trên các quy định về các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015, có thể hiểu biện pháp tư pháp là một trong các biện pháp cưỡng chế hình sự của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự. Các biện pháp tư pháp do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội và người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không có năng lực trách nhiệm hình sự hay đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm.
Mục đích của các biện pháp tư pháp là nhằm thay thế, hỗ trợ hình phạt, giáo dục, ngăn ngừa người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội hoặc góp phần khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự 2015 thì đối với người chưa thành niên phạm tội sẽ áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm dựa trên tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội hoặc nhân thân và môi trường sống của người đó.
Biện pháp tư pháp là gì? Người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp gì? (Hình từ Internet)
Người chưa thành niên phạm tội bị kết án có đương nhiên được coi là không có án tích không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
...
Ngoài ra, theo Điều 107 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về xóa án tích như sau:
Xóa án tích
1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.
Như vậy, người chưa thành niên được xác định là người chưa đủ mười tám tuổi. Ngoài ra, không phải trong mọi trường hợp người chưa thành niên phạm tội bị kết án đều đương nhiên được coi là không có án tích.
Theo đó, chỉ có các trường hợp người chưa thành niên phạm tội bị kết án mà đương nhiên được coi là không có án tích đó là:
- Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
- Người bị áp dụng biện pháp tư pháp.
Người chưa thành niên phạm tội có áp dụng hình phạt tù có thời hạn không?
Căn cứ theo Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tù có thời hạn như sau:
Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Theo đó, pháp luật ghi nhận về hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi:
+ Nếu bị kết án mà điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù;
+ Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:
+ Nếu bị kết án mà điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù;
+ Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Biện pháp tư pháp có thể đặt câu hỏi tại đây.