Cách định giá tài sản góp vốn chi tiết năm 2024?
Tài sản góp vốn là gì?
Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:
Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tài sản góp vốn là tài sản được dùng để góp thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm các loại tài sản sau: đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Ngoài ra, chỉ có các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng hợp pháp với tài sản thì mới có quyền sử dụng tài sản đó để tham gia góp vốn.
Cách định giá tài sản góp vốn chi tiết năm 2024? (Hình từ Internet)
Cách định giá tài sản góp vốn chi tiết năm 2024?
Căn cứ Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:
Định giá tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Như vậy, các tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được định giá và thể hiện thành Đồng Việt Nam. Việc định giá tài sản góp vốn sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Việc định giá có thể được thực hiện bởi các thành viên, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đồng thuận hoặc giao cho một tổ chức thẩm định giá thực hiện;
- Nếu tổ chức thẩm định giá định giá tại thời điểm góp vốn thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận; còn trong quá trình hoạt động thì phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận;
- Nếu tài sản được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì thành viên, cổ đông sáng lập phải góp thêm số tiền chênh lệch và chịu thiệt hại về hành vi này;
- Nếu tài sản được định giá cao hơn giá trị thực tế trong quá trình hoạt động thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị phải góp thêm số tiền chênh lệch và chịu thiệt hại về hành vi này.
Mẫu biên bản giao nhận tài sản góp vốn mới nhất năm 2024?
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về biên bản giao nhận tài sản góp vốn như sau:
Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
...
2. Biên bản giao nhận tài sản góp vốn phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn;
c) Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
d) Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.
...
Như vậy, biên bản giao nhận tài sản góp vốn cần đảm bảo có các nội dung về:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức của người góp vốn;
- Loại tài sản và số đơn vị tài sản; tổng giá trị và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
- Ngày giao nhận;
- Chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của công ty.
Doanh nghiệp có thể tham khảo Mẫu biên bản giao nhận tài sản góp vốn dưới đây tại đây:
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?