Lấy vợ dưới 18 tuổi thì có vi phạm pháp luật không?
Lấy vợ dưới 18 tuổi thì có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về độ tuổi kết hôn như sau:
Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Ngoài ra căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc kết hôn khi chưa đủ tuổi như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
..
8. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
...
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các hành vi bị cấm trong quan hệ hôn nhân và gia đình như sau:
Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
...
Theo đó, pháp luật quy định độ tuổi được phép kết hôn đối với nam giới là từ đủ 20 tuổi trở lên và từ đủ 18 tuổi trở lên đối với nữ giới.
Việc lấy vợ dưới 18 tuổi được xem là hành vi tảo hôn, thuộc các hành vi bị cấm trong quan hệ hôn nhân. Do đó, lấy vợ dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật về điều kiện kết hôn.
Lấy vợ dưới 18 tuổi thì có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Lấy vợ dưới 18 tuổi có bị xử phạt không?
Căn cứ Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm khi lấy vợ dưới 18 tuổi như sau:
Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Ngoài ra, căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, việc tổ chức lấy vợ dưới 18 tuổi có thể bị xử phạt vi phạm với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Sau khi đã có bản án, quyết định về việc kết hôn trái pháp luật mà vẫn duy trì quan hệ vợ chồng với người dưới 18 tuổi thì sẽ bị xử phạt vi phạm với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, đối với tổ chức vi phạm thì áp dụng mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thủ tục đăng ký kết hôn hợp pháp được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Quyết định 2466/QĐ-BTP năm 2023 và hướng dẫn trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì thủ tục đăng ký kết hôn trong trường hợp hai bên là người Việt Nam được thực hiện như sau:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
+ 01 Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu tại đây, có đủ thông tin của hai bên nam, nữ;
+ 01 Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại nơi làm thủ tục.
- Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã có thẩm quyền và xuất trình các giấy tờ sau:
+ Giấy tờ tùy thân như Hộ chiếu, CMND hoặc CCCD;
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền;
+ Trích lục ghi chú ly hôn đối với người đăng ký thường trú tại nơi làm thủ tục đăng ký kết hôn, mà đã được giải quyết việc ly hôn, hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
- Bước 3: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì bổ sung theo hướng dẫn. Nếu hồ sơ đầy đủ thì nhận phiếu hẹn, trả kết quả.
- Bước 4: Kiểm tra nội dung trong Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn.
- Bước 5: Cả hai bên có mặt ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn. Mỗi bên vợ, chồng sẽ được nhận một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến:
- Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, đăng nhập tài khoản hoặc đăng ký tài khoản (nếu chưa có tài khoản), chọn đúng thủ tục và UBND xã có thẩm quyền;
- Bước 2: Điền đầy đủ thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác đăng ký kết hôn;
- Bước 3: Đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định và hoàn tất việc nộp hồ sơ;
- Bước 4: Kiểm tra thông tin trên biểu mẫu Giấy chứng nhận kết hôn điện tử được gửi từ công chức tư pháp và xác nhận (tối đa một ngày);
- Bước 5: Cả hai bên đều phải có mặt tại Bộ phận một cửa xuất trình giấy tờ tuỳ thân để đối chiếu thông tin và ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn. Mỗi bên vợ, chồng sẽ được nhận một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?