Nhãn phụ là gì? Trường hợp nào hàng hóa phải dán thêm nhãn phụ?
Nội dung nào bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa?
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm:
- Tên hàng hóa.
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
- Xuất xứ hàng hóa.
- Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.
*Lưu ý: Nếu hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định.
Nếu kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung như sau:
- Tên hàng hóa.
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
- Xuất xứ hàng hóa.
Riêng những nội dung quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Nhãn phụ là gì? Trường hợp nào hàng hóa phải dán thêm nhãn phụ? (Hình từ Internet)
Nhãn phụ là gì? Trường hợp nào hàng hóa phải dán thêm nhãn phụ?
Theo quy định khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP có giải thích nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa như sau:
Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa
....
3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
....
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn phụ cụ thể như:
Ghi nhãn phụ
1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.
....
Như vậy, hàng hóa phải dán thêm nhãn phụ nếu như trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.
Việc dán thêm nhãn phụ là để thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và vẫn giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Mặt khác, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa nhập khẩu và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Nội dung trên nhãn phụ phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.
- Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Tuy nhiên, đối với những hàng hóa nhập khẩu sau đây không cần phải dán thêm nhãn phụ:
- Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường.
- Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.
Kích thước nhãn hàng hóa được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn như sau:
Kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1. Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này;
2. Kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Kích thước của chữ và số thể hiện đại lượng đo lường thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường;
.....
Như vậy, kích thước nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa xác định.
Ngoài ra, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc.
- Kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường và được thể hiện đại lượng đo lường thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?
- Tải Mẫu 41/UQ-ĐKT Mẫu Giấy uỷ quyền đăng ký thuế từ ngày 06/2/2025?
- Cách gói bánh tét dịp tết Nguyên đán? Người lao động chính thức nghỉ tết Nguyên đán 2025 vào mùng mấy?
- Phải thực hiện gia hạn lưu hành thuốc cổ truyền trước khi giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ năm 2025?