Xuất hóa đơn khi bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn như thế nào?
Trường hợp nào doanh nghiệp bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử?
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế khi thuộc các trường hợp dưới đây:
- Doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
- Doanh nghiệp thuộc trường hợp cơ quan thuế xác minh và thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
- Doanh nghiệp thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạm ngừng kinh doanh.
- Doanh nghiệp có thông báo của cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện cưỡng chế nợ thuế.
- Doanh nghiệp có hành vi sử dụng hóa đơn điện tử để bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;
- Doanh nghiệp có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;
- Bị cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Xuất hóa đơn khi bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn như thế nào? (Hình từ Internet)
Xuất hóa đơn khi bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn như thế nào?
Căn cứ theo Công văn 4905/TCT-QLN năm 2023 hướng dẫn về xuất hóa đơn theo từng lần phát sinh cụ thể như:
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về các trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, ngừng sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế;
- Căn cứ quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn;
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Thiên Lộc đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà Công ty có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì Cục Thuế thành phố Cần Thơ tiếp tục cho Công ty sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện Công ty phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước. Cục Thuế thành phố Cần Thơ căn cứ hồ sơ thực tế của Công ty TNHH Thiên Lộc để cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh theo đúng quy định.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn nhưng có yêu cầu xuất hóa đơn để thanh toán tiền lương cho nhân viên và các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì doanh nghiệp cần gửi văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế.
Sau khi có văn bản đồng ý cho sử dụng của cơ quan thuế, doanh nghiệp được xuất hóa đơn theo từng lần phát sinh và phải nộp ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế sẽ cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh cho doanh nghiệp căn cứ vào hồ sơ thực tế của doanh nghiệp.
Ai là người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 35 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn như sau:
Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn
....
3. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn
....
a.3) Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế đối với các quyết định hành chính về quản lý thuế do mình ban hành hoặc cấp dưới ban hành nhưng không có thẩm quyền cưỡng chế hoặc cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế. Trường hợp cấp trưởng vắng mặt có thể giao quyền cho cấp phó xem xét ban hành quyết định cưỡng chế, việc giao quyền được thực hiện bằng văn bản theo Mẫu số 09/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.
Qua đó, người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn bao gồm:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
- Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan.
- Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh.
Các chủ thể trên có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơnđối với các quyết định như sau:
- Quyết định hành chính về quản lý thuế do mình ban hành.
- Quyết định hành chính về quản lý thuế do cấp dưới ban hành nhưng không có thẩm quyền cưỡng chế hoặc cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?