Biện pháp bảo đảm là gì? Có các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nào?
Biện pháp bảo đảm là gì? Có các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nào?
Hiện nay pháp luật hiện hành không quy định nội dung biện pháp bảo đảm là gì. Tuy nhiên căn cứ theo phạm vi quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về biện pháp thực hiện nghĩa vụ thì có thể giải thích biện pháp bảo đảm là các phương án, giải pháp bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự một cách chắc chắn và an toàn hơn.
Theo quy định Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015, hiện nay có 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như sau:
[1] Cầm cố tài sản: Là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015).
[2] Thế chấp tài sản: là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp (theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015).
[3] Đặt cọc: Là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015).
[4] Ký cược: là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. (theo Điều 329 Bộ luật Dân sự 2015)
[5] Ký quỹ: là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. (theo Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015)
[6] Bảo lưu quyền sở hữu: Là quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ trong hợp đồng mua bán (theo Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015).
[7] Bảo lãnh: là việc bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (theo Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015).
[8] Tín chấp: Là hình thức bảo đảm của tổ chức chính trị - xã hội cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật (theo Điều 344 Bộ luật Dân sự 2015).
[9] Cầm giữ tài sản: là việc bên cầm giữ đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (theo Điều 346 Bộ luật Dân sự 2015).
Biện pháp bảo đảm là gì? Có các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nào? (Hình từ Internet)
Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là ai?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
[1] Bên bảo đảm bao gồm:
- Bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc.
- Bên ký cược, bên ký quỹ.
- Bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
- Bên bảo lãnh, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong trường hợp tín chấp, bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.
[2] Bên nhận bảo đảm bao gồm:
- Bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên có quyền trong ký quỹ.
- Bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
- Bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp, bên có quyền trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.
Có được bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp khác nhau hay không?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm, bằng nhiều tài sản quy định như sau:
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm, bằng nhiều tài sản
1. Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ này bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm thì bên nhận bảo đảm lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm.
2. Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Như vậy, trong hợp đồng dân sự, một nghĩa vụ có thể được bảo đảm bằng nhiều biện pháp bảo đảm khác nhau.
Trường hợp, nghĩa vụ này bị vi phạm mà không có thỏa thuận về việc lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng thì việc xác định biện pháp bảo đảm sẽ do bên nhận bảo đảm thực hiện (có thế áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm).
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?