Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động được hay không?
- Có được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động?
- Chuyển người lao động sang công việc khác so với hợp đồng lao động có cần báo trước không?
- Không thông báo khi chuyển người lao động sang làm công việc khác bị xử phạt như thế nào?
- Người lao động được chuyển làm công việc khác so với hợp đồng được trả lương như thế nào?
Có được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động?
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 người sử dụng lao động được quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng phải thuộc các trường hợp như sau:
- Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm;
- Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước;
- Nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Lưu ý:
- Thời hạn chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm.
- Trường hợp chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm thì phải thỏa thuận với người lao động và được người lao động đồng ý bằng văn bản.
Có được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động hay không? (Hình từ Internet)
Chuyển người lao động sang công việc khác so với hợp đồng lao động có cần báo trước không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
...
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
...
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.
Như vậy, khi người sử dụng lao động chuyển người lao động sang công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải có trách nhiệm báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thông báo rõ thời hạn làm tạm thời công việc khác so với hợp đồng là bao lâu. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
Tuy nhiên, nếu người lao động không đồng ý làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì cũng phải có trách nhiệm thông báo ngừng việc để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc.
Không thông báo khi chuyển người lao động sang làm công việc khác bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động như sau:
Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo hoặc thông báo không rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
...
Như vây, nếu người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động biết khi chuyển sang công việc khác so với hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Người lao động được chuyển làm công việc khác so với hợp đồng được trả lương như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
...
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu
Khi chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người lao động sẽ được trả lương theo công việc mới. Tiền lương theo công việc mới phải bằng ít nhất 85% tiền lương công việc cũ nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu.
Tuy nhiên nếu tiền lương công việc mới thấp hơn công việc cũ thì người lao động được giữ nguyên tiền lương công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?