Đối tượng nào không được thành lập doanh nghiệp? Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?
Đối tượng nào không được thành lập doanh nghiệp?
Tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định đối tượng không được thành lập doanh nghiệp bao gồm:
(1) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
(2) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010;
(3) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
(4) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
(5) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
(6) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
Các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản 2014, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
(7) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Đối tượng nào không được thành lập doanh nghiệp? Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu? (Hình từ Internet)
Người thành lập doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp thông qua những phương thức nào?
Tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp như sau:
Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
2. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
...
Như vậy, người thành lập doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp thông qua những phương thức sau:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?
Tại Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:
Cơ quan đăng ký kinh doanh
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh có tài khoản và con dấu riêng.
Như vậy, các cơ quan đăng ký kinh doanh bao gồm
- Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (cấp tỉnh), thực hiện đăng ký doanh nghiệp.
- Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (cấp huyện), thực hiện đăng ký hộ kinh doanh.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thành lập doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Mức tiền thưởng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng năm 2025 là bao nhiêu?
- Trộm cắp điện là gì? Hành vi trộm cắp điện bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Xác định chi phí định giá tài sản trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính từ 01/07/2025?