Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ trong phòng chống rửa tiền có bắt buộc phải chờ giao dịch đó đã hoàn thành hay không?
Trường hợp nào cần phải báo cáo giao dịch đáng ngờ?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 26 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ như sau:
Báo cáo giao dịch đáng ngờ
1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp sau đây:
a) Khi biết giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị kết án và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của bị can, bị cáo, người bị kết án đó. Việc xác định bị can, bị cáo, người bị kết án theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được xác định từ việc xem xét, thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ quy định tại các điều 27, 28, 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này và có thể từ các dấu hiệu khác do đối tượng báo cáo xác định.
2. Khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ ngoài các dấu hiệu quy định tại các điều 27, 28, 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này, đối tượng báo cáo, các Bộ, ngành có liên quan thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ theo các ngành, lĩnh vực ngoài các dấu hiệu quy định tại các điều 27, 28, 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này.
4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chế độ báo cáo về giao dịch đáng ngờ.
Như vậy, các đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp sau:
- Khi biết giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị kết án và có cơ sở để nghi ngờ tài sản trong giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của bị can, bị cáo, người bị kết án đó;
- Sau khi xem xét, thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ thì có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền.
Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ trong phòng chống rửa tiền có bắt buộc phải chờ giao dịch đó đã hoàn thành hay không? (Hình từ Internet)
Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ trong phòng chống rửa tiền có bắt buộc phải chờ giao dịch đó đã hoàn thành hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 09/2023/TT-NHNN quy định về chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ như sau:
Chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ
1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền khi phát hiện giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống rửa tiền. Báo cáo được thực hiện bằng văn bản giấy theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc báo cáo bằng dữ liệu điện tử khi triển khai thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho việc báo cáo bằng dữ liệu điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này và không áp dụng trong trường hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Phòng, chống rửa tiền.
2. Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống rửa tiền không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa.
...
Theo đó việc báo cáo giao dịch đáng ngờ của các đối tượng báo cáo không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa.
Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong phòng chống rửa tiền gồm có những gì?
Căn cứ theo Điều 27 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định về các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản như sau:
- Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán.
- Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính.
- Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.
- Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
- Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
- Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này.
- Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Ngày 4 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 4/2/2025 là mùng mấy tết?
- Ngày 6 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 6/2/2025 là mùng mấy tết?
- Tổng hợp mẫu quyết định bổ nhiệm chuẩn nhất cho mọi chức vụ năm 2025?
- Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 01/7/2025?