Thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê nhà xưởng tại địa bàn tỉnh khác nơi có trụ sở chính như thế nào?
Thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê nhà xưởng tại địa bàn tỉnh khác nơi có trụ sở chính như thế nào?
Ngày 05 tháng 7 năm 2023, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn 47362/CTHN-TTHT năm 2023 về chính sách thuế đối với việc kê khai thuế giá trị gia tăng trong hoạt động cho thuê nhà xưởng.
Theo Công văn 47362/CTHN-TTHT năm 2023 thì Cục thuế thành phố Hà Nội có ý kiến về việc kê khai thuế giá trị gia tăng trong hoạt động cho thuê nhà xưởng như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về đại điểm nộp hồ sơ khai thuế như sau:
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế
Người nộp thuế thực hiện các quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 45 Luật Quản lý thuế và các quy định sau đây:
1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Khai thuế giá trị gia tăng, của dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định này tại nơi có dự án đầu tư.
b) Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
…
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng như sau:
Khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng
1. Các trường hợp được phân bổ:
...
b) Hoạt động chuyển nhượng bất động sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP;
…
Như vậy, đối với việc kê khai thuế giá trị gia tăng trong hoạt động cho thuê nhà xưởng sẽ thực hiện cụ thể như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động cho thuê nhà xưởng tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính không thuộc trường hợp người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh và trường hợp hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thì doanh nghiệp không phải kê khai thuế giá trị gia tăng riêng cho cơ quan thuế nơi có hoạt động cho thuê nhà xưởng.
Thay vào đó, doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng chung với hoạt động sản xuất kinh doanh khác của doanh nghiệp và nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, không phải phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh này.
- Trường hợp Chi nhánh không phải là bên cho thuê nhà xưởng theo quy định của pháp luật thì không phải là người nộp thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động cho thuê nhà xưởng này. Đề nghị Chi nhánh căn cứ tình hình thực tế phát sinh và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp Chi nhánh để được hướng dẫn cụ thể.
Thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê nhà xưởng tại địa bàn tỉnh khác nơi có trụ sở chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Địa điểm nộp thuế giá trị gia tăng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về nơi nộp thuế như sau:
- Người nộp thuế kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh.
- Người nộp thuế kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất và địa phương nơi đóng trụ sở chính.
- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng phương pháp trực tiếp có cơ sở sản xuất ở tỉnh, thành phố khác nơi đóng trụ sở chính hoặc có hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh thì doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất, nơi bán hàng vãng lai.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ % trên doanh thu tại trụ sở chính đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh đã kê khai, nộp thuế.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông có kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính và thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương đó thì cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông thực hiện khai, nộp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau như sau:
+ Khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu dịch vụ viễn thông cước trả sau của toàn cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính.
+ Nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi đóng trụ sở chính và tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.
Ngày đã thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng được xác định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 58 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về xác định ngày đã nộp thuế như sau:
- Trường hợp nộp tiền thuế không bằng tiền mặt, ngày đã nộp thuế là ngày Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, tổ chức dịch vụ trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế hoặc người nộp thay và được ghi nhận trên chứng từ nộp tiền thuế.
- Trường hợp nộp tiền thuế trực tiếp bằng tiền mặt, ngày đã nộp thuế là ngày Kho bạc Nhà nước, cơ quan quản lý thuế hoặc tổ chức được ủy nhiệm thu thuế cấp chứng từ thu tiền thuế.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?