Việc đặt cọc mua bán nhà đất có được lập vi bằng không?
Việc đặt cọc mua bán nhà đất có được lập vi bằng không?
Đầu tiên, căn cứ theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc đặt cọc cụ thể như sau:
Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, việc đặt cọc hiện nay pháp luật Việt Nam không có văn bản pháp luật nào quy định bắt buộc được lập bằng văn bản và cũng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Mặc khác, tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP có định nghĩa vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này (Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP).
Từ những căn cứ trên có thể hiểu một cách đơn giản rằng sự kiện đặt cọc tiền mua bán nhà đất và Thừa phát lại có chứng kiến theo vai trò lên bên thứ ba, chứng nhận rằng trên thực tế có hoạt động đặt cọc xảy ra.
Do đó nếu các người dân khi mua bán đất muốn đảm bảo quyền lợi của mình, tránh xảy ra tranh chấp về việc đặt cọc thì hoàn toàn có thể dùng hình thức lập vi bằng để đặt cọc mua bán nhà đất.
Việc đặt cọc mua bán nhà đất có được lập vi bằng không? (Hình từ Internet)
Việc lập vi bằng đặt cọc mua bán nhà đất phải đảm bảo được những nội dung nào?
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thỏa thuận về việc lập vi bằng cụ thể như sau:
Thỏa thuận về việc lập vi bằng
1. Người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nội dung vi bằng cần lập;
b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;
c) Chi phí lập vi bằng;
d) Các thỏa thuận khác (nếu có).
2. Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Như vậy, đối với việc lập vi bằng đặt cọc mua bán nhà đất phải đảm bảo được những nội dung. bao gồm:
- Thể hiện rõ nội dung cần phải lập vi bằng.
- Địa điểm, thời gian lập vi bằng lúc nào, ở đâu.
- Chi phí lập vi bằng là bao nhiêu.
- Các thỏa thuận khác (nếu có).
Lưu ý: Việc thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Thủ tục lập vi bằng đặt cọc mua bán nhà đất được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ban hành về thủ tục lập vi bằng đặt cọc mua bán nhà đất được quy định, bao gồm:
Bước 1: Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập.
Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Bước 2: Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Bước 3: Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?
- Luật tổ chức chính quyền địa phương hợp nhất mới nhất năm 2024?