Đặt tên công ty chứng khoán như thế nào là đúng luật?
Đặt tên công ty chứng khoán như thế nào là đúng luật?
Căn cứ theo Điều 82 Luật Chứng khoán 2019 quy định về tên của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán như sau:
Tên của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
1. Tên của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Tên của công ty chứng khoán bao gồm các thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Cụm từ “chứng khoán”;
c) Tên riêng.
3. Tên của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm các thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Cụm từ “quản lý quỹ”;
c) Tên riêng.
4. Tổ chức không phải là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không được phép sử dụng cụm từ “chứng khoán”, “quản lý quỹ” trong tên của tổ chức; không được sử dụng các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức đó là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Theo đó, tên công ty chứng khoán cần phải đảm bảo đầy đủ các thành tố được sắp xếp theo thứ tự như sau:
(1) Loại hình doanh nghiệp;
(2) Có cụm từ "chứng khoán";
(3) Tên riêng của công ty.
Đặt tên công ty chứng khoán như thế nào là đúng luật? (Hình từ Internet)
Khi nào thi công ty chứng khoán được công nhận là chính thức hoạt động?
Căn cứ theo Điều 84 Luật Chứng khoán 2019 quy định về ngày chính thức hoạt động của công ty chứng khoán như sau:
Ngày chính thức hoạt động
1. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh, văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp phép.
2. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán trước ngày chính thức hoạt động.
3. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được chính thức hoạt động sau khi đáp ứng các quy định sau đây:
a) Thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 71 của Luật này;
b) Có quy trình hoạt động, quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ;
c) Điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.
4. Chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được chính thức hoạt động sau khi đáp ứng quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này.
5. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được cấp giấy phép phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đáp ứng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này ít nhất là 15 ngày trước ngày chính thức hoạt động. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ việc chính thức hoạt động khi công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không đáp ứng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Theo đó, khi công ty chứng khoán đáp ứng hết các yêu cầu sau thì sẽ được công nhận chính thức hoạt động:
- Thực hiện đăng ký doanh nghiệp;
- Có quy trình hoạt động, quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ;
- Phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đáp ứng các điều kiện về hoạt động của công ty chứng khoán;
- Công ty chứng khoán không được tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán trước ngày chính thức hoạt động;
- Công ty chứng khoán phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp phép.
Trách nhiệm của bộ phận kiểm soát nội bộ công ty chứng khoán kiểm soát những nội dung nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 121/2020/TT-BTC ban kiểm soát nội bộ công ty chứng khoán sẽ kiểm soát những nội dung sau:
- Việc tuân thủ các quy định pháp luật, điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, quyết định của Hội đồng quản trị, các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro của công ty, của các bộ phận có liên quan và của người hành nghề chứng khoán trong công ty;
- Giám sát thực thi các quy định nội bộ, các hoạt động tiềm ẩn xung đột lợi ích trong nội bộ công ty;
- Kiểm tra nội dung và giám sát việc thực hiện các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp;
- Giám sát việc tính toán và tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn tài chính;
- Tách biệt tài sản của khách hàng;
- Bảo quản, lưu giữ tài sản của khách hàng;
- Việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
- Nội dung khác theo nhiệm vụ Tổng Giám đốc (Giám đốc) giao.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việt Nam có mấy Viện kiểm sát nhân dân tối cao? Địa chỉ Viện kiểm sát nhân dân tối cao ở đâu?
- Hướng dẫn thủ tục xóa đăng ký tạm trú từ 10/01/2025?
- Lịch âm dương tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Tờ khai đề nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở từ 10/1/2025?
- Những đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng?