Đang nghỉ thai sản xin nghỉ việc luôn được không? Nghỉ việc luôn có được nhận tiền bảo hiểm?
Xin nghỉ việc trong thời gian nghỉ thai sản có được không?
Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, người lao động nữ đang nghỉ thai sản vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn, miễn đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước cho người sử dụng lao động biết.
Thời gian báo trước đối với những loại hợp đồng như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Bên cạnh đó, theo Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai:
- Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Đang nghỉ thai sản, xin nghỉ việc luôn được không? Nghỉ việc luôn có được nhận tiền bảo hiểm? (Hình từ Internet)
Đang nghỉ thai sản, nghỉ việc luôn có còn được hưởng chế độ thai sản hay không?
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ mang thai và sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu đáp điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Trường hợp sinh con thông thường: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp thai yếu phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ: Phải đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên, trong đó có từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đồng thời, khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nêu rõ, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Do đó, dù nghỉ việc trong thời gian nghỉ thai sản nhưng đã đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động vẫn được thanh toán tiền trợ cấp thai sản.
Chưa hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có được đi làm không?
Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ thai sản, thì lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Nếu muốn đi làm trước thời gian này, lao động nữ phải đáp ứng được điều kiện tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện đi làm trước thời gian nghỉ thai sản như sau:
Nghỉ thai sản
...
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, để đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản thì lao động nữ đã nghỉ ít nhất được 04 tháng và phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.