Tố giác tội phạm ở đâu là đúng pháp luật? Ai có quyền tố giác tội phạm?
Ai có quyền tố giác tội phạm?
Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm như sau:
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
4. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
5. Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.
6. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, trách nhiệm phòng ngừa tội phạm, trong đó có phát hiện, tố giác tội phạm, báo tin về tội phạm là nghĩa vụ của toàn dân. Như vậy, ai cũng có quyền tố giác tội phạm nhằm thực hiện đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Tố giác tội phạm ở đâu là đúng pháp luật? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm như sau:
Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
a) Cơ quan điều tra;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Viện kiểm sát các cấp;
d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
...
Như vậy, khi có được thông tin về tội phạm, bất kì ai cũng có thể đến một trong các cơ quan sau: để tố giác:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;
- Tòa án các cấp;
- Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác
Tổ chức tiếp nhận đơn tố giác tội phạm được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về tổ chức nơi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
Tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Trường hợp người phạm tội đến tự thú, đầu thú thì thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Như vậy, để đảm bảo việc tiếp nhận tin báo tội phạm, tố giác được nhanh chóng, hiệu quả thì các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tin báo tội phạm, tố giác phải thực hiện như sau:
- Có người trực ban và tổ chức nghiệp vụ 24/24;
- Phân loại và chuyển ngay thông tin cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
- Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi dễ tìm thấy, có biển ghi tên cơ quan;
- Ghi nhận lại tin báo tội phạm, tố giác theo đúng quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- Chuyển mục đích đất phi nông nghiệp sang đất nông nghiệp có cần phải làm thủ tục xin chuyển mục đích không?