Hướng dẫn cách hưởng trợ cấp thất nghiệp 2023?
Trợ cấp thất nghiệp là gì?
Tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 có quy định về khái niệm trợ cấp thất nghiệp như sau:
Giải thích từ ngữ
...
4. Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
...
Từ khái niệm bảo hiểm thất nghiệp, có thể hiểu trợ cấp thất nghiệp là một trong những chế độ dành cho người lao động khi họ tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm.
Trường hợp nào được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Tại Điều 46 Luật Việc làm 2013 có quy định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:
Hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 có quy định về điều kiện hưởng như sau:
Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Theo đó, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và đang đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên:
+ Trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp ký hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn.
+ Trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ;
Những trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày vì các lý do:
- Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Người lao động đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Người lao động chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người lao động bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Người lao động ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người lao động chết.
Hướng dẫn cách hưởng trợ cấp thất nghiệp 2023? (Hình từ Internet)
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 là bao nhiêu?
Tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 có quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như sau:
Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = (mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp) * 60%
Mức tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở. Hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP), tương đương không quá 7.450.000 đồng/tháng.
Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = (mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp) * 60%
Mức tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng. Ví dụ đối với người lao động tại Quận 3, TP. Hồ Chí Minh sẽ là: 23.400.000 đồng (Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh là 4.680.000 đồng/tháng, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP)
Số tháng được nhận được tính như sau:
Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ví dụ: Đóng đủ 48 tháng thì được hưởng 4 tháng;....đến tối đa 144 tháng thì được hưởng 12 tháng trợ cấp.
Hướng dẫn cách nhận trợ cấp thất nghiệp 2023?
* Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP có quy định về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
- Giấy đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu
Tải mẫu giấy đề nghị tại đây: tải về
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
+ Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;
+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
* Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP; Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, Điều 2 Nghị định 61/2020/NĐ-CP có quy định về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người lao động trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp như đã hướng dẫn trên cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Lưu ý: Thời hạn nộp hồ sơ phải trong vòng 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả và trao phiếu trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện đối với người nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định thì trả lại người nộp và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Người lao động chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bước 4: Chi trả trợ cấp
Thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động.
Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?