Trường hợp nào bị tước một số quyền công dân? Người bị tước một số quyền công dân có được tham gia nghĩa vụ quân sự không?
Trường hợp nào bị tước một số quyền công dân?
Căn cứ khoản 1 Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Tước một số quyền công dân
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên cạnh đó, tại Điều 122 Bộ luật Hình sự 2015 cũng có quy định như sau:
Tước một số quyền công dân
Người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo các quy định trên, tước một số quyền công dân được xem là một hình phạt bổ sung áp dụng cho Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp nào bị tước một số quyền công dân? (Hình từ Internet)
Thời hạn tước một số quyền công dân là bao lâu?
Tại khoản 2 Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:
Tước một số quyền công dân
...
2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Như vậy, căn cứ theo quy đinh trên, thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm.
Thời hạn này được tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Thủ tục thi hành án phạt tước một số quyền công dân được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 125 Luật Thi hành án hình sự 2019, thủ tục thi hành án phạt tước một số quyền công dân được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1:
02 tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân.
Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong trường hợp phạm nhân chấp hành án tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về hình phạt bổ sung mà phạm nhân còn phải chấp hành cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Sở Tư pháp nơi người đó về cư trú.
Bước 2:
Ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người đó chấp hành án phải gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.
Bước 3:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt tước một số quyền công dân và thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.
Hồ sơ bao gồm:
- Bản sao bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;
- Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;
- Tài liệu khác có liên quan.
Người bị tước một số quyền công dân có được tham gia nghĩa vụ quân sự không?
Căn cứ Điều 128 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định như sau:
Tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân
1. Trong thời gian bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người chấp hành án không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, dự tuyển hoặc tiếp tục làm công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân, dự tuyển hoặc tiếp tục phục vụ trong Công an nhân dân.
2. Trường hợp người chấp hành án đang là quân nhân, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân hoặc đang phục vụ trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân thì cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc người đó ra khỏi lực lượng vũ trang nhân dân.
Như vậy, theo quy định trên, trong thời gian bị tước một số quyền công dân về quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân thì người chấp hành án sẽ không được đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Tháng 11 âm lịch là tháng mấy dương lịch 2024? Xem lịch âm Tháng 11 2024 chi tiết?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?