Điều kiện để xử lý hành chính đối với người đã thành niên thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em

Ngày 20/7/2005, qua công tác kiểm tra hành chính các nhà nghỉ trên địa bàn xã X, huyện Y, tỉnh H, Công an xã X đã phát hiện tại phòng 205 của nhà nghỉ Hướng Dương có một đôi nam nữ đang quan hệ tình dục. Qua kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, Công an xã X phát hiện người con trai tên là Phạm Văn B (chưa có tiền án, tiền sự) sinh ngày 20/12/1979, thường trú tại xã M, huyện Y, tỉnh H; người con gái tên là Phạm Thị X (chưa có tiền án, tiền sự) sinh ngày 20/8/1990, thường trú tại xã N, huyện Y, tỉnh H. Phạm Văn B khai nhận mới quen Phạm Thị X, sau đó hẹn nhau đến nhà nghỉ Hướng Dương để quan hệ tình dục. Công an xã X cần xử lý trường hợp trên như thế nào?

Đây là tình huống liên quan đến thẩm quyền và hình thức xử lý đối với hành vi giao cấu với trẻ em của người đã thành niên (18 tuổi). Để giải quyết tình huống trên theo đúng quy định của pháp luật, cần vận dụng các quy định về thẩm quyền, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hành vi của Phạm Văn B với Phạm Thị X có vi phạm pháp luật và phải bị xử lý không?

- Phạm Văn B sinh ngày 20/12/1979 (theo chứng minh nhân dân), tính đến thời điểm 20/7/2005, B đã là người thành niên. Phạm Thị X sinh ngày 20/8/1990 (theo chứng minh nhân dân), tính đến thời điểm 20/7/2005, X được 14 tuổi 11 tháng. Ngày 20/7/2005, lần đầu tiên Phạm Văn B đã thực hiện hành vi giao cấu với Phạm Thị X (khi được X đồng ý).

- Đối chiếu với khoản 1 Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 1999 (“Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”), thì Phạm Văn B đã thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em.

Thẩm quyền xử lý vụ việc Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 quy định: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân”.

Như vậy, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y có thẩm quyền thụ lý điều tra vụ việc xảy ra tại nhà nghỉ Hướng Dương.

Các bước mà Công an xã X cần tiến hành trong thẩm quyền của mình

- Lập biên bản bắt giữ Phạm Văn B - người có hành vi phạm tội quả tang.

- Chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật (nếu có) và đối tượng đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào