Xử lý hình sự và dân sự đối với hành vi hiếp dâm
Do bạn cung cấp thông tin không đầy đủ về độ tuổi của người thực hiện hành vi phạm tội, cho nên trường hợp này chúng tôi khó có thể tư vấn chính xác cho bạn được. Với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin trả lời về một số vấn đề sau:
1. Về độ tuổi của người thực hiện hành vi phạm tội
Trong việc xử lý hình sự, vấn đề độ tuổi của người thực hiện hành vi phạm tội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Độ tuổi là một trong những điều kiện quyết định đến việc một người có phạm tội hay không phạm tội.
Theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp của bạn, bạn chỉ nói chung chung là người thực hiện hành vi phạm tội là người chưa thành niên nhưng không nói rõ là bao nhiêu tuổi. Do vậy, căn cứ vào Điều 12 của Bộ luật Hình sự, nếu người đó là người dưới 14 tuổi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi hiếp dâm tập thể; nếu là người từ đủ 14 tuổi trở lên có hành vi hiếp dâm tập thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm hoặc hiếp dâm trẻ em, tùy từng trường hợp cụ thể.
2. Về hành vi nhiều người hiếp một người
Trường hợp hiếp dâm tập thể (nhiều người hiếp một người) thì có thể bị xử lý về tội hiếp dâm hoặc hiếp dâm trẻ em, cụ thể như sau:
- Nếu nạn nhân là người từ 16 tuổi trở lên thì những người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Hình sự (nhiều người hiếp một người) và khung hình phạt là từbảy năm đến mười lăm năm tù.
- Nếu nạn nhân là người dưới 16 tuổi thì những người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em theo điểm b khoản 3 Điều 112 của Bộ luật Hình sự và khung hình phạt là hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
3. Vấn đề xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
Vấn đề xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được thực hiện trên cơ sở quy định chung của Bộ luật Hình sự và nguyên tắc cụ thể quy định tại Điều 69 của Bộ luật Hình sự là việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm; khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự; không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng...
Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể về việc người chưa thành niên phạm tội sẽ được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hưởng án treo mà không bị phạt tù. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án sẽ xem xét có áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cho hưởng án treo đối với người chưa thành niên phạm tội. Trường hợp mà bạn đưa ra, chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 31 của Bộ luật Hình sự thì hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Theo đó, Bộ luật Hình sự không quy định người chưa thành niên phạm tội thì sẽ được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thay cho hình phạt tù mà chỉ quy định điều kiện chung. Nếu người phạm tội là người chưa thành niên mà đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 31 của Bộ luật Hình sự thì Tòa án sẽ xem xét để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
Thứ hai, về điều kiện hưởng án treo, Điều 61 của Bộ luật Hình sự quy định: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 31 hoặc Điều 61 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội là người chưa thành niên sẽ được Tòa án xem xét để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cho hưởng án treo.
4. Vấn đề bồi thường cho người bị hại
Vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong trường hợp này được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm hoặc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạmcho người bị hại, cụ thể như sau:
- Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 609 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồmchi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 611 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?