Thiết bị, phương tiện bảo đảm an ninh hàng không được quy định như thế nào?
1. Quy định về thiết bị, phương tiện bảo đảm an ninh hàng không?
Căn cứ Điều 102 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định về thiết bị, phương tiện bảo đảm an ninh hàng không như sau:
1. Thiết bị, phương tiện bảo đảm an ninh hàng không bao gồm:
a) Máy soi tia X, cổng từ, thiết bị soi chiếu cơ thể, ca-me-ra giám sát an ninh hàng không, thiết bị cảnh báo xâm nhập, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay; thiết bị, dụng cụ chuyên dụng phát hiện chất nổ, vũ khí, vật phẩm nguy hiểm;
b) Phương tiện sử dụng cho tuần tra; thiết bị ghi âm, ghi hình, quan sát, nhận dạng, phát hiện giấy tờ, tài liệu giả chuyên dụng; thiết bị sử dụng cho việc cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không;
c) Phương tiện, thiết bị thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp; mũ, áo giáp và các trang bị, công cụ chuyên dụng cho đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp; hầm, thiết bị phục vụ xử lý bom, mìn, vật phẩm nguy hiểm;
d) Dụng cụ, thiết bị sử dụng cho thử nghiệm, đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không; vũ khí, công cụ hỗ trợ.
2. Yêu cầu đối với thiết bị, phương tiện bảo đảm an ninh hàng không:
a) Thiết bị, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật;
b) Máy soi tia X, cổng từ, thiết bị soi chiếu cơ thể, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay phải có bộ mẫu thử phù hợp với tính năng kỹ thuật và hướng dẫn của nhà sản xuất;
c) Hệ thống thiết bị sử dụng cho việc cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành;
d) Thiết bị, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có đầy đủ hồ sơ, lý lịch; hệ thống máy soi tia X phải được cấp phép an toàn bức xạ của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Khi đầu tư mới thiết bị an ninh hàng không, phải đảm bảo thiết bị đáp ứng công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2025 các điểm kiểm tra an ninh hàng không cần có thiết bị soi chiếu cơ thể phải được trang bị đầy đủ theo quy định.
3. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, danh mục trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ bảo đảm an ninh hàng không.
2. Quy định về khai thác, bảo trì thiết bị, phương tiện an ninh hàng không?
Căn cứ Điều 103 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định về về khai thác, bảo trì thiết bị, phương tiện an ninh hàng không như sau:
1. Khai thác, quản lý, bảo trì thiết bị, phương tiện bảo đảm an ninh hàng không phải tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất và đơn vị khai thác, sử dụng thiết bị, phương tiện; phải có sổ sách theo dõi các hỏng hóc và việc sửa chữa, bảo trì thiết bị, phương tiện.
2. Dữ liệu hình ảnh từ máy soi tia X, ca-me-ra giám sát an ninh phải được lưu giữ tối thiểu 45 ngày.
3. Máy soi tia X, cổng từ, thiết bị soi chiếu cơ thể, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay phải được kiểm tra bằng bộ mẫu thử phù hợp với tính năng kỹ thuật và hướng dẫn của nhà sản xuất.
a) Đối với máy soi tia X: yêu cầu kiểm tra, các bước tiến hành kiểm tra, ghi chép kết quả kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Đối với cổng từ: yêu cầu kiểm tra, cách thức kiểm tra, ghi chép kết quả kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Đối với thiết bị phát hiện kim loại cầm tay: yêu cầu kiểm tra, cách thức kiểm tra, ghi chép kết quả kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục XX ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Đối với thiết bị soi chiếu cơ thể: yêu cầu kiểm tra, cách thức kiểm tra, ghi chép kết quả kiểm tra theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
4. Máy soi tia X, cổng từ, thiết bị soi chiếu cơ thể, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay, thiết bị phát hiện chất nổ, ca-me-ra giám sát an ninh, hệ thống cảnh báo xâm nhập phải định kỳ bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất để bảo đảm các thiết bị hoạt động ổn định. Thiết bị an ninh hàng không khi kiểm tra không đạt tiêu chuẩn phải ngừng khai thác sử dụng, sổ kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa đột xuất phải được ghi chép rõ ràng, chính xác và phải có các thông tin sau:
a) Tên thiết bị, vị trí, người, thời gian lắp đặt;
b) Ngày, tháng, năm tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng; nội dung, kết quả kiểm tra, bảo dưỡng; tên nhân viên kỹ thuật tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng.
5. Các cơ quan, đơn vị quản lý khai thác thiết bị an ninh hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về công tác quản lý thiết bị an ninh hàng không, chi tiết báo cáo như sau:
a) Tên báo cáo: Báo cáo công tác quân lý thiết bị an ninh hàng không;
b) Nội dung báo cáo: Các nội dung liên quan đến công tác quản lý thiết bị an ninh hàng không theo quy định tại Phụ lục XXVIII ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
d) Tần suất báo cáo: Định kỳ hàng năm;
đ) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày ngày 20 tháng 12 hàng năm;
e) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo;
g) Mẫu đề cương báo cáo: Theo quy định tại Phụ lục XXVIII ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Đơn vị quản lý khai thác thiết bị an ninh hàng không chịu trách nhiệm ban hành quy trình quản lý, vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị an ninh hàng không.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quy định có thể đặt câu hỏi tại đây.