Con chung giải quyết như thế nào khi không đăng ký kết hôn?
Không đăng ký kết hôn thì con chung giải quyết như thế nào?
Tôi sống chung với một người đàn ông nhưng không đăng ký kết hôn. Chúng tôi có 1 đứa con chung, con tôi lấy họ mẹ. Hiện chúng tôi có mâu thuẫn, gia đình bên kia muốn giành quyền nuôi con họ đe dọa sẽ bắt mất con tôi. Cho tôi hỏi trường hợp này họ có giành quyền nuôi con được không?
Trả lời:
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên, nếu có con chung thì pháp luật vẫn thừa nhận. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định con ngoài hôn nhân và con trong thời kỳ hôn nhân đều được đối xử công bằng. Ở đây, bạn cho biết con bạn được lấy tên theo họ mẹ, điều này pháp luật không cấm. Nếu con bạn có khai sinh ghi tên cha mẹ đầy đủ (hoặc được cha, mẹ thừa nhận) thì cha, mẹ đều có quyền bình đẳng trong việc giáo dục, chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Trong trường hợp không đăng ký kết hôn nhưng có tranh chấp về nuôi con thì vẫn được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên. Trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, dù không đăng ký kết hôn và con mang họ mẹ thì cả hai bên cha, mẹ đều bình đẳng trong việc thỏa thuận ai là người nuôi con. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện trên cơ sở pháp luật, việc tự ý "bắt" con về nuôi mà không có thỏa thuận hoặc quyết định của tòa án là vi phạm pháp luật. Bạn và bố của con bạn cần phải có thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Làm giấy khai sinh cho con có cần viết giấy cam đoan con là con chung không?
Vợ chồng em mới vừa sinh em bé được 15 ngày thì mới đi đăng ký kết hôn để tiện việc làm khai sinh cho bé. Anh chị cho em hỏi tụi em có con trước khi kết hôn thì khi đi làm giấy khai sinh cần những giấy tờ gì? Tụi em có phải làm bất kỳ giấy tờ gì để cam đoan đứa con sinh ra là con chung của vợ chồng em không ạ? Mong anh chị tư vấn giúp em, em cảm ơn anh chị.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc xác định cha, mẹ cho con được thực hiện như sau:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Căn cứ theo quy định nêu trên và theo thông tin bạn cung cấp thì con được sinh ra sau đó 02 bạn mới đăng ký kết hôn và cả 02 bạn đều thừa nhận đứa con là con chung thì không cần có bất kỳ giấy tờ cam đoan nào.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra, bạn chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ với các giấy tờ quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 bao gồm:
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Bạn hoặc chồng bạn đến UBND cấp xã nơi cư trú để thực hiện đăng ký khai sinh hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Sau ly hôn, chồng có được giành quyền nuôi con khi vợ gặp khó khăn về tiền bạc không chăm lo được cho con chung?
Tôi và vợ trước ly hôn đã gần 02 năm, thời gian đó do con chung mới 04 tuổi nên chúng tôi thỏa thuận cho vợ trực tiếp chăm lo, nuôi dưỡng con và tôi cấp dường hàng tháng, tuy nhiên gần đây do công ty của vợ gặp khó khăn, sắp phá sản, do đó àm vấn đề kinh tế, tiền bạc rất eo hẹp, không có khả năng chăm lo tốt cho con, thấy được tình hình đó, nên nay tôi muốn mình là người nuôi con thì có được không? Thủ tục như thế nào? Vui lòng hướng dẫn giúp tôi.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có quy định khi có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật là được phép thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như bạn có trình bày, thì công ty vợ bạn gặp khó khăn về kinh tế, không có khả năng kinh tế cũng như thời gian chăm lo cho con, nên nay bạn muốn yêu cầu bạn là người trực tiếp nuôi dưỡng. Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu khi thấy mình có khả năng chăm lo con tốt hơn. Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo như bạn có nhắc đến thì con bạn nay tầm 06 tuổi do đó, mà không đủ điều kiện để xét nguyện vọng, do đó, bây giờ việc bạn cần làm là:
- Thỏa thuận với vợ cũ về việc được trực tiếp nuôi con và chăm sóc con
- Tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con
- Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Để thực hiện quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, bạn phải gửi hồ sơ tới Tòa án nhân dân quận, huyện nơi vợ cũ của bạn bạn cư trú.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra hình sự Công an cấp huyện như thế nào?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?
- Tải Mẫu 41/UQ-ĐKT Mẫu Giấy uỷ quyền đăng ký thuế từ ngày 06/2/2025?
- Cách gói bánh tét dịp tết Nguyên đán? Người lao động chính thức nghỉ tết Nguyên đán 2025 vào mùng mấy?