Lao động nam vợ sinh vẫn đi làm có được vừa lãnh lương vừa hưởng chế độ thai sản hay không?
Lao động nam vẫn đi làm có được vừa lãnh lương vừa hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh hay không?
Mình hỏi trường hợp nghỉ thai sản đối với nam khi vợ sinh. Nếu anh này công ty mình vợ sinh theo luật là được nghỉ chăm vợ nhưng không nghỉ thì có được vừa hưởng chế độ vừa hưởng lương những ngày làm không? Vì thực ra luật vẫn cho phép nghỉ thì quyền lợi của họ vẫn được bảo hiểm thanh toán đúng không bạn?
Trả lời:
Chế độ thai sản là một trong những chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Theo đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ khi vợ sinh con. Thời gian nghỉ từ 5 đến 14 ngày làm việc tùy từng trường hợp theo Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, theo quy định pháp luật, việc nghỉ làm để hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con là quyền lợi của lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động không sử dụng đến quyền lợi này mà vẫn đi làm thì không thể được hưởng vừa tiền lương vừa tiền chế độ thai sản tương ứng với những ngày lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con mà không nghỉ.
Bởi:
- Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động. (Khoản 2 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012 - hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021).
- Ngược lại, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. (Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Như vậy, đối với lao động nam công ty bạn đã đi làm trong những ngày vợ sinh con thì chỉ được hưởng tiền lương chứ không được hưởng chế độ thai sản. Vì thực tế người lao động này không nghỉ, không bị mất thu nhập từ tiền lương trong những ngày đó, nên cơ quan bảo hiểm sẽ không giải quyết hồ sơ hưởng chế độ thai sản nếu công ty có làm cho người lao động.
Lao động nữ sẩy thai ở tháng thứ 4 nghỉ được bao nhiêu ngày?
Vợ em chẳng may bị sẩy thai khi đang mang thai được 4 tháng. Vậy xin hỏi vợ em được nghỉ việc hưởng Chế độ thai sản tối đa là bao nhiêu ngày ạ?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Vợ bạn mang thai được 4 tháng thì có thể suy đoán thai khoảng ở tuần tuổi thứ 16 hoặc 17. Đối chiếu với quy định trên thì trường hợp của vợ bạn sẽ rơi vào quy định tại tại Điểm c, thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi. Như vậy trường hợp của vợ bạn sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa là 40 ngày.
Doanh nghiệp buộc người lao động làm việc trong thời gian nghỉ thai sản được không?
Nhờ luật sư tư vấn giúp: Ngày 25.10.2020 tới đây, tôi nghỉ Chế độ thai sản là 6 tháng để sinh con. Nhưng do tính chất công việc là kế toán nên cơ quan tôi không có người làm thay, tôi phải làm kế toán trong thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng. Vậy nhờ luật sư tư vấn giúp ngoài Chế độ thai sản do bảo hiểm xã hội chi trả, tôi làm công việc kế toán cho cơ quan như vậy tôi có được hưởng lương không? Công ty tôi làm vậy có bị phạt không?
Trả lời:
Theo quy định pháp luật lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian nghỉ là 6 tháng.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
"Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. [...]"
Như vậy, pháp luật hiện hành ghi nhận quyền được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con. Nghĩa là trong 6 tháng này, lao động nữ không phải làm việc, không hưởng lương của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nhưng được hưởng tiền trợ cấp thai sản một lần và tiền thuộc chế độ thai sản tương ứng với thời gian nghỉ.
Trong trường hợp doanh nghiệp bên bạn vì tình hình thực tế không đủ nhân sự, bắt buộc bạn phải làm công việc kế toán trong thời gian nghỉ thai sản thì chị phải được hưởng cả tiền lương của công việc mà chị đang đảm nhận, vừa được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.
Pháp luật hiện hành chỉ cho phép lao động nữ nghỉ thai sản được đi làm sớm nếu đảm bảo về mặt sức khỏe nhưng ít nhất phải đã nghỉ đủ 4 tháng thai sản. Tuy nhiên, lại chưa có cơ chế xử phạt hành vi doanh nghiệp nhận người lao động nghỉ thai sản đi làm lại sớm hơn so với quy định hoặc trường hợp buộc người lao động phải làm việc trong thời gian nghỉ thai sản. Do vậy, bạn có thể căn cứ quy định về quyền hưởng chế độ thai sản và tình hình sức khỏe của bản thân để đề nghị với công ty bố trí nhân sự làm thay bạn trong thời gian hưởng chế độ thai sản.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Hiệp định Paris được ký vào ngày, tháng, năm nào?
- Tờ khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (Mẫu số 01) áp dụng từ 5/1/2025?