Các loại hình tổ chức tín dụng tại Việt Nam? Cổ đông và người liên quan được sở hữu tối đa bao nhiêu % vốn điều lệ tổ chức tín dụng?
Các loại hình tổ chức tín dụng tại Việt Nam?
Em đang chuẩn bị học luật ngân hàng và muốn nhờ Ban biên tập cung cấp giúp em thông tin về các loại hình tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!
Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định như sau:
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Trong đó:
- Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.
+ Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu lợi nhuận.
+ Ngân hàng chính sách là ngân hàng do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
+ Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
Công ty cho thuê tài chính là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Trên đây là nội dung giải đáp về các loại hình tổ chức tín dụng. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về vấn đề này tại Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Cổ đông và người liên quan được sở hữu tối đa bao nhiêu % vốn điều lệ của tổ chức tín dụng?
Theo tôi được biết tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng quy định rất chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên, cá nhân và người có liên quan. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định mới hiện nay thì cổ đông và người liên quan được sở hữu tối đa bao nhiêu % vốn điều lệ của tổ chức tín dụng?
Trả lời: Tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định:
1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 103, khoản 3 Điều 110 của Luật này;
b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.
3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.
Theo quy định trên thì cổ đông và người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó cổ đông của một tổ chức tín dụng và người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của tổ chức tín dụng khác.
Quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định như thế nào?
Ban biên tập hãy giúp tôi giải đáp thắc mắc sau đây: Quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Điều 7 Luật các tổ chức tín dụng 2010 với nội dung như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Để biết rõ hơn về vấn đề này thì Ban biên tập cũng cung cấp thêm cho bạn thông tin về khái niệm tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
+ Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung giải đáp về quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?