Đối tượng áp dụng các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 205/2013/TT-BTC thì đối tượng áp dụng các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần bao gồm:
1. Theo Hiệp định, thuật ngữ “đối tượng cư trú của một Nước ký kết” là đối tượng mà theo luật của một Nước ký kết là đối tượng chịu thuế tại nước đó do:
1.1. Có nhà ở, có thời gian cư trú tại nước đó hoặc các tiêu thức có tính chất tương tự trong trường hợp đối tượng đó là một cá nhân; hoặc
1.2. Có trụ sở điều hành, trụ sở đăng ký, hoặc được thành lập tại nước đó hoặc các tiêu thức có tính chất tương tự trong trường hợp đối tượng đó là một tổ chức; hoặc
1.3. Thuật ngữ này cũng bao gồm cả Nhà nước hoặc chính quyền địa phương của nước đó, trong trường hợp Hiệp định có quy định.
2. Theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam, các đối tượng sau đây được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam:
2.1. Các cá nhân là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo quy định tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
- Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú;
- Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại điểm này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam.
Ví dụ 1: Trong năm 2010, một chuyên gia Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam trong vòng 10 tháng. Hai tháng trong năm 2010 (tháng 6 và tháng 12) chuyên gia này về phép thăm gia đình. Trong năm 2009, chuyên gia sống và làm việc tại Nhật Bản. Năm tính thuế của Nhật Bản từ ngày 01/4 đến ngày 31/3 năm sau. Như vậy, trong năm 2010, do chuyên gia Nhật Bản đã chủ yếu làm việc tại Việt Nam và thường xuyên sống tại Việt Nam, nên mặc dù chuyên gia vẫn có nhà ở và có gia đình tại Nhật Bản và mang quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia vẫn được coi là một đối tượng cư trú của Việt Nam cho mục đích thuế. (Quy định tại Điều 4, Khoản b, Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản). Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 01/2010 đến ngày 30/3/2010, chuyên gia được coi như đối tượng cư trú của Nhật Bản cho mục đích quyết toán thuế tại Việt Nam và Nhật Bản.
2.2. Các tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Việt Nam.
3. Trường hợp căn cứ vào quy định tại các Khoản 1 và 2 của Điều này, nếu một đối tượng vừa là đối tượng cư trú của Việt Nam vừa là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thì vị thế cư trú của đối tượng đó được xác định như sau:
3.1. Đối với cá nhân:
Căn cứ vào các tiêu thức theo thứ tự ưu tiên dưới đây để xác định một cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam:
a) Nếu cá nhân đó có nhà ở thường trú ở Việt Nam (nhà thuộc sở hữu hoặc nhà thuê hoặc nhà thuộc quyền sử dụng của đối tượng đó);
b) Nếu cá nhân đó có nhà ở thường trú tại cả hai nước nhưng cá nhân đó có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn tại Việt Nam như: có việc làm; có địa điểm kinh doanh; nơi quản lý tài sản cá nhân; hoặc có quan hệ cá nhân chặt chẽ hơn tại Việt Nam như quan hệ gia đình (người thân như bố, mẹ, vợ/chồng, con, ...), xã hội (hội viên các đoàn thể xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, ...);
c) Nếu không xác định được cá nhân đó có quan hệ kinh tế, quan hệ cá nhân tại nước nào chặt chẽ hơn hoặc nếu cá nhân đó không có nhà ở thường trú ở nước nào, nhưng cá nhân đó có thời gian có mặt tại Việt Nam nhiều hơn trong năm tính thuế;
d) Nếu cá nhân đó thường xuyên có mặt ở cả Việt Nam và Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam cũng như không có mặt thường xuyên ở cả hai nước nhưng cá nhân đó mang quốc tịch Việt Nam hoặc được xác định là công dân Việt Nam theo nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu Việt Nam;
đ) Nếu cá nhân đó vừa mang quốc tịch Việt Nam vừa mang quốc tịch Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam hoặc không mang quốc tịch cả hai nước thì Nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này thông qua thủ tục thỏa thuận song phương với Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.
3.2. Đối với một đối tượng không phải là cá nhân:
Tùy theo quy định cụ thể tại mỗi Hiệp định để xác định một đối tượng không phải là cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam. Tại các Hiệp định thường quy định các tiêu thức dưới đây:
a) Nếu đối tượng đó được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam thì đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam; hoặc
b) Nếu đối tượng đó có trụ sở chính tại Việt Nam thì đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam; hoặc
c) Nếu đối tượng đó có trụ sở điều hành thực tế tại Việt Nam thì đối tượng đó được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam (trụ sở điều hành thực tế thường là nơi các cán bộ cao cấp hoặc ban lãnh đạo của doanh nghiệp tiến hành họp, xem xét, thảo luận và đưa ra các quyết định quản lý hoặc các quyết định về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc nơi các sổ sách kế toán quan trọng nhất được lưu giữ); hoặc
d) Trường hợp đối tượng đó thành lập hoặc đăng ký tại cả hai nước hoặc có trụ sở chính, hoặc trụ sở điều hành thực tế tại cả hai nước thì nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam và Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam sẽ xác định đối tượng đó chỉ là đối tượng cư trú của một trong hai nước thông qua thủ tục thỏa thuận song phương. Trường hợp hai Nước ký kết không đạt được thỏa thuận chung, đối tượng đó không được coi là đối tượng cư trú thuế của bất kỳ nước nào vì mục đích áp dụng Hiệp định.
Các quy định về đối tượng cư trú như trên được nêu tại Điều khoản Đối tượng cư trú (thường là Điều 4) của Hiệp định.
Trên đây là nội dung quy định về đối tượng áp dụng các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 205/2013/TT-BTC.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?