Bảo đảm an toàn thông tin đối với mạng máy tính của Bộ Thông tin và Truyền thông
Bảo đảm an toàn thông tin đối với mạng máy tính của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định tại Điều 8 Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-BTTTT năm 2017, cụ thể:
1. Hệ thống mạng nội bộ (LAN) phải được thiết kế phân vùng theo chức năng cơ bản (theo các chính sách an toàn thông tin riêng), bao gồm: vùng mạng người dùng; vùng mạng kết nối hệ thống ra bên ngoài Internet và các mạng khác; vùng mạng máy chủ công cộng; vùng mạng máy chủ nội bộ; vùng mạng máy chủ quản trị. Dữ liệu trao đổi giữa các vùng mạng phải được quản lý giám sát bởi các hệ thống các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật.
Căn cứ điều kiện, yêu cầu thực tế về bảo mật dữ liệu, cơ quan, đơn vị là chủ quản hệ thống mạng nội bộ chủ động triển khai xây dựng mô hình, giải pháp an toàn bảo mật, bao gồm các biện pháp kỹ thuật sau đây:
a) Kiểm soát truy nhập từ bên ngoài mạng (sử dụng các giao thức mạng có hỗ trợ chức năng mã hóa thông tin như SSH, SSL/TLS, VPN hoặc tương đương).
b) Kiểm soát truy nhập từ bên trong mạng (quản lý các thiết bị đầu cuối, máy tính người sử dụng kết nối vào hệ thống mạng; giám sát, phát hiện và ngăn chặn truy nhập từ bên trong mạng đến các địa chỉ Internet bị cấm truy nhập).
c) Phòng, chống xâm nhập và phần mềm độc hại, bảo vệ các vùng mạng máy chủ công cộng, máy chủ nội bộ, máy chủ cơ sở dữ liệu và vùng mạng nội bộ; có khả năng tự động cập nhật thời gian thực cơ sở dữ liệu, dấu hiệu phát hiện tấn công. Vô hiệu hóa tất cả các dịch vụ không cần thiết tại từng vùng mạng.
d) Cấu hình chức năng xác thực trên các thiết bị kết nối mạng để xác thực người sử dụng quản trị thiết bị trực tiếp hoặc từ xa.
đ) Mạng không dây phải có cơ chế bảo toàn tính toàn vẹn và bí mật của thông tin được truyền đưa trên môi trường mạng, có hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin dành cho các thiết bị đầu cuối khi kết nối vào mạng; được thiết lập các tham số: tên, nhận dạng dịch vụ (SSID), mật khẩu, cấp phép truy nhập đối với địa chỉ vật lý (MAC address), mã hóa dữ liệu. Thường xuyên thay đổi mật khẩu. Các điểm truy nhập không dây phải được bảo vệ, tránh bị tiếp cận trái phép.
e) Hệ thống máy chủ phải có chức năng tự động cập nhật bản ghi nhật ký hệ thống trong khoảng thời gian nhất định (tối thiểu là 03 tháng), lưu trữ thông tin kết nối mạng, quá trình đăng nhập vào máy chủ, các thao tác cấu hình hệ thống, lỗi phát sinh trong quá trình hoạt động và các thông tin liên quan về an toàn thông tin để phục vụ công tác khắc phục sự cố và điều tra về an toàn thông tin khi xảy ra. Xóa sạch thông tin, dữ liệu trên máy chủ khi chuyển giao hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
2. Cơ quan, đơn vị tham gia kết nối, sử dụng hệ thống mạng diện rộng (WAN) của Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng Truyền số liệu chuyên dùng có trách nhiệm:
a) Bảo đảm an toàn thông tin đối với hệ thống mạng nội bộ và các thiết bị của mình khi thực hiện kết nối vào hệ thống mạng diện rộng; thông báo sự cố hoặc các hành vi phá hoại, xâm nhập về Trung tâm Thông tin để thống nhất xử lý.
b) Phối hợp với Trung tâm Thông tin rà soát đánh giá tính hợp lệ cấu hình địa chỉ IP kết nối mạng diện rộng trong quá trình vận hành và sử dụng các hệ thống thông tin, máy chủ, thiết bị công nghệ thông tin của mình có kết nối với hệ thống mạng diện rộng.
c) Định kỳ sao lưu thông tin, dữ liệu dùng chung lưu trữ trên mạng diện rộng.
d) Không tiết lộ phương thức (tên đăng ký, mật khẩu, tiện ích, tệp hỗ trợ và các cách thức khác) để truy nhập vào hệ thống mạng diện rộng cho tổ chức, cá nhân khác; không được tìm cách truy nhập dưới bất cứ hình thức nào vào các khu vực không được phép truy nhập.
3. Cơ quan, đơn vị phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động kết nối Internet, tối thiểu đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có hệ thống tường lửa và hệ thống bảo vệ kiểm soát truy nhập Internet, đáp ứng nhu cầu kết nối đồng thời, hỗ trợ các công nghệ mạng riêng ảo thông dụng và có phần cứng mã hóa tích hợp để tăng tốc độ mã hóa dữ liệu, cung cấp đầy đủ các cơ chế bảo mật cơ bản như NAT, PAT, quản lý luồng dữ liệu ra, vào và có khả năng bảo vệ hệ thống trước các loại tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).
b) Lọc bỏ, không cho phép truy nhập các trang tin có nghi ngờ chứa mã độc hoặc các nội dung không phù hợp.
c) Không mở trang tin hoặc ứng dụng Internet trên máy tính chứa dữ liệu quan trọng hoặc có khả năng tiếp cận các dữ liệu, ứng dụng quan trọng; chi thiết lập kết nối Internet cho các máy chủ và thiết bị công nghệ thông tin cần phải có giao tiếp với Internet (các máy chủ, thiết bị cung cấp giao diện ra Internet của trang tin điện tử, dịch vụ công, thư điện tử; thiết bị cập nhật bản và hệ điều hành, mẫu mã độc, mẫu điểm yếu, mẫu tấn công).
Trên đây là tư vấn về bảo đảm an toàn thông tin đối với mạng máy tính của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Quyết định 856/QĐ-BTTTT năm 2017. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?