Hành trình trên các hệ thống phân luồng của tàu thuyền trên biển được quy định như thế nào?
Hành trình trên các hệ thống phân luồng của tàu thuyền trên biển được quy định tại Điều 10 Thông tư 19/2013/TT-BGTVT quy định việc áp dụng Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, cụ thể như sau:
- Điều này áp dụng đối với hệ thống phân luồng đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế chấp nhận và nó không giảm nhẹ nghĩa vụ cho bất kỳ tàu thuyền nào đối với quy định tại bất kỳ điều nào khác.
- Tàu thuyền hành trình trong hệ thống phân luồng phải:
+ Đi theo đúng tuyến đường giao thông đã quy định và theo đúng hướng đi chung quy định ở tuyến đường đó;
+ Trong chừng mực có thể được, giữ hướng đi cách xa đường phân cách hoặc dải phân cách của hệ thống phân luồng;
+ Theo quy định chung, phải đi vào hoặc rời hệ thống phân luồng ở hai đầu hệ thống phân luồng, nhưng khi tàu thuyền phải đi vào hoặc rời từ mỗi phía trong giới hạn của hệ thống phân luồng, thì phải đi theo hướng tạo với hướng đi chung một góc càng bé càng tốt.
- Nếu thực tế cho phép, tàu thuyền phải hết sức tránh đi cắt ngang hệ thống phân luồng, nhưng nếu bắt buộc phải cắt ngang hệ thống phân luồng thì phải đi theo hướng mũi tàu tạo với hướng chính của luồng một góc càng gần 9° càng tốt.
- Sử dụng vùng nước phía bờ:
+ Tàu thuyền không được sử dụng vùng nước phía bờ để qua lại khi tàu thuyền đó có thể đi lại an toàn trong tuyến giao thông thích hợp liền kề hệ thống phân luồng. Tuy nhiên, tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét, tàu thuyền buồm và tàu thuyền đang đánh cá có thể sử dụng vùng nước phía bờ.
+ Bất kể quy định tại điểm a khoản này, tàu thuyền có thể sử dụng vùng nước phía bờ khi tàu thuyền đó đang trên đường vào hoặc rời cảng, cấu trúc hoặc thiết bị xa bờ, trạm hoa tiêu hoặc bất kỳ địa điểm khác trong vùng nước phía bờ hoặc để tránh một nguy cơ trước mắt.
- Thông thường, tàu thuyền không phải là tàu thuyền vào, rời hoặc cắt ngang hệ thống phân luồng thì không được đi vào hoặc cắt ngang đường phân cách hoặc dải phân cách của hệ thống phân luồng, trừ:
+ Trường hợp khẩn nguy để tránh một nguy cơ trước mắt;
+ Trường hợp đánh cá ở trong vùng phân chia luồng.
- Tàu thuyền hành trình trong những khu vực gần đoạn cuối của hệ thống phân luồng phải hết sức thận trọng.
- Trong chừng mực có thể được, tàu thuyền tránh thả neo trong phạm vi hệ thống phân luồng hoặc trong các vùng gần hai đầu hệ thống phân luồng.
- Tàu thuyền không sử dụng hệ thống phân luồng phải hành trình cách xa hệ thống đó một khoảng cách đủ lớn mà thực tế cho phép.
- Tàu thuyền đang đánh cá không được cản trở đường đi của bất kỳ tàu thuyền nào đang hành trình trong hệ thống luồng.
- Tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét hoặc tàu thuyền buồm không được cản trở đường đi của các tàu thuyền máy đang hành trình trong hệ thống luồng.
- Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động khi làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải trong hệ thống phân luồng được miễn trừ việc thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều này đến chừng mực cần thiết để thực hiện công việc đó.
- Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động khi tiến hành công việc đặt, bảo dưỡng hoặc thu hồi cáp ngầm trong phạm vi hệ thống phân luồng được miễn trừ việc thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều này đến chừng mực cần thiết để thực hiện những công việc đó.
Trên đây là nội dung trả lời về hành trình trên các hệ thống phân luồng của tàu thuyền trên biển. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 19/2013/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?