Việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử được thực hiện như thế nào?

Việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là giảng viên tập sự khoa Luật Thương mại của trường Đại học Luật TP.HCM. Trong quá trình công tác, tôi được biết, hiện nay ở Việt Nam, chúng ta chính thức thừa nhận việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, vì đây là một nội dung mới trong hoạt động tố tụng của nước ta nên các Tòa án vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và áp dụng. Vậy, có quy định nào hướng dẫn việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử hay không? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập dành thời gian giải đáp giúp tôi. Xin trân trọng cảm ơn! Hoài Thương (thuong***@gmail.com)

Án lệ (tiếng Pháp-Jurisprudence) được hiểu là: Đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Nói nôm na, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Ở Việt Nam, án lệ được sử dụng trong những vụ án có tình tiết và sự kiện pháp lý giống nhau để thống nhất giải quyết vụ án đúng pháp luật. Đây cũng là những vụ án được Tòa án nhân dân tối cao chọn lọc qua các quy trình xét duyệt để trở thành vụ án mẫu mực, áp dụng cho các thẩm phán giải quyết những vụ án có tình tiết tương tự. Việc áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết vụ việc là một bước tiến mới trong quá trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, vì án lệ mang tính thực tiễn cao, có khả năng khắc phục những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời.

Theo đó, trên cơ sở các quy định của luật và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, ngày 06-4-2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA công bố 06 án lệ đầu tiên, và đến ngày 17/10/2016 ban hành Quyết định số 698/QĐ-CA công bố thêm 04 án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử được quy định tại Công văn 146/TANDTC-PC năm 2017 viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử do Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các đạo luật tố tụng thì khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự phải được giải quyết như nhau.

Việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng án lệ khi xét xử, giải quyết những vụ việc cụ thể phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, khi xét xử, giải quyết những vụ việc đã có án lệ thì Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu án lệ đó để quyết định việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng. Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự.

Ví dụ: Theo Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01-7-1991 được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23-9-2013 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì: “Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01-7-1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà. Trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận”. Hội đồng xét xử xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, theo quy định tại ...

(nêu rõ các điều luật có liên quan) và theo Án lệ số 07/2016/AL, có đủ cơ sở để công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông A và ông B.

Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm thấy rằng án lệ và vụ việc mà Tòa án đang giải quyết không có tính chất tương tự hoặc do pháp luật đã thay đổi, do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng một trong các bên đương sự, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ ... đề nghị áp dụng án lệ thì việc không áp dụng án lệ cũng phải được nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Công văn 146/TANDTC-PC năm 2017

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
276 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào