Chi nhánh công ty quản lý quỹ của nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ những quy định nào?
Chi nhánh công ty quản lý quỹ của nước ngoài tại Việt Nam tại Việt Nam trong quá trình hoạt động phải tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 91/2013/TT-BTC hướng dẫn đăng ký thành lập, tổ chức và hoạt động văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
Chi nhánh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định sau:
a) Chỉ được quản lý tài sản huy động từ nước ngoài, bao gồm cả tài sản phát sinh tại Việt Nam được hình thành từ nguồn vốn huy động ở nước ngoài; không được huy động vốn tại Việt Nam để quản lý dưới mọi hình thức;
b) Trừ trường hợp khách hàng ủy thác có chỉ thị hoặc có quy định tại hợp đồng quản lý đầu tư, điều lệ của tổ chức nước ngoài, khi thực hiện quản lý tài sản cho khách hàng, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài phải tuân thủ các quy định về lưu ký, quản lý tách biệt tài sản tới từng khách hàng; giao dịch tài sản giữa các danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác theo các quy định của pháp luật áp dụng đối với công ty quản lý quỹ trong nước;
c) Bảo mật thông tin của khách hàng, thông tin về giao dịch tài sản, danh mục đầu tư của khách hàng và các thông tin khác liên quan, trừ trường hợp cung cấp thông tin cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo yêu cầu;
d) Tuân thủ các quy định pháp luật ngoại hối, hạn chế sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam, thuế, phí, phòng chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác;
đ) Được sử dụng tài sản huy động từ nước ngoài để tài trợ cho các dự án, doanh nghiệp, cho vay và thực hiện các hợp đồng đầu tư theo quy định tại hợp đồng quản lý đầu tư, điều lệ của tổ chức nước ngoài hoặc chỉ thị của khách hàng;
e) Không được vay trên lãnh thổ Việt Nam cho khách hàng, cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc cho chính mình, dưới mọi hình thức; không được sử dụng tài sản ủy thác, tài sản của mình để thế chấp, cầm cố, ký quỹ, ký cược hoặc đảm bảo cho các khoản vay, bảo lãnh cho các khoản vay trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả cho khách hàng ủy thác, cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc cho chính mình;
g) Không được chào bán, phát hành chứng khoán để huy động vốn trên lãnh thổ Việt Nam;
h) Chuyển lợi nhuận của chi nhánh ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
i) Thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phù hợp với giấy phép thành lập và hoạt động, quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
k) Người làm việc tại chi nhánh phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, các chi nhánh công ty quản lý quỹ của nước ngoài tại Việt Nam không những phải tuân thủ những quy định của công ty mẹ tại nước ngoài mà trong quá trình hoạt động và quản lý của mình, các công ty chi nhánh quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định mà pháp luật Việt Nam có quy định.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về các quy định của pháp luật về hoạt động của các chi nhánh công ty quản lý quỹ của nước ngoài tại Việt Nam. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 91/2013/TT-BTC.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?
- Hồ sơ cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe từ 01/01/2025 bao gồm những giấy tờ gì?