Quy định trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội vì động cơ đê hèn
Phạm tội vì động cơ đê hèn là trường hợp người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ rất xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không kẻ gì đến danh dự, nhân phẩm, tư cách của một con người. Động cơ của bị cáo mang tính chất hèn nhát, bội bạc, phản trắc, ích kỷ …
Phạm tội vì động cơ đê hèn chủ yếu xảy ra đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và các tội xâm phạm đến các quyền tự do dân chủ của công dân. Bộ luật hình sự ngoài việc quy định tình tiết “ vì động cơ đê hèn” là tình tiết định khung của một số tội phạm, mà còn quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
Đối với tội “giết người vì động cơ đê hèn”, thực tiễn xét xử đã coi những trường hợp giết người sau đây là giết người vì động cơ đê hèn:
- Giết vợ hoặc giết chồng để tự do lấy vợ hoặc lấy chồng khác;
- Giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân
- Giết người tình mà biết họ đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm làm cha đứa trẻ - Giết chủ nợ để trốn nợ
- Giết thuê
- Giết người để cướp của
- Giết người là ân nhân của mình.
Trong các trường hợp trên, Bộ luật hình sự đã quy định một số trường hợp giết người vì động cơ đê hèn mà thực tiễn đã tổng kết là các tình tiết định khung hình phạt đối với tội giết người và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Từ thực tiễn xét xử đã được tổng kết đối với tội giết người, chúng ta có thể xác định tình tiết phạm tội vì động cơ đê hèn đối với tội khác, tùy thuộc vào động cơ phạm tội của người phạm tội. Ví dụ: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người tình mà biết là họ đã có thai với mình để ép buộc họ phải phá thai nhằm trốn tránh trách nhiệm làm cha đứa trẻ; hiếp dâm hoặc cưỡng dâm con gái của người mà mình có mâu thuẫn để trả thù; cố ý gây thương tích cho người yêu cũ của mình bằng cách tạt axit làm xấu xí diện mạo để trả thù vì đã yêu người khác; vu khống người khác để tranh giành chức vụ mà người đó đang đảm nhiệm hoặc sắp đảm nhiệm; lây truyền HIV cho người khác để trả thù người này vì không chịu kết hôn với mình, v.v..
Việc xác định động cơ đê hèn của người phạm tội phải gắn với hành vi phạm tội mà người đó thực hiện. Tính chất đê hèn không phải ở hành vi phạm tội mà là ở động cơ phạm tội thuộc mặt chủ quan của cấu thành nên rất khó xác định. Do đó, khi người phạm tội không khai thật động cơ phạm tội của mình, thì cần xem xét, đánh giá tất cả các tình tiết khách quan của vụ án, mối quan hệ gia đình và xã hội giữa người phạm tội với người bị hại và những người thân của người bị hại…
Trên cơ sở đó mà xác định người phạm tội thực hiện hành vi tội phạm có vì động cơ đê hèn hay không. Nếu không có căn cứ để xác định người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ đê hèn thì không nên gò ép kiểu võ đoán, truy chụp cho người phạm tội.
Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ xấu xa, bội bạc, phản trắc, ích kỷ đã thúc đẩy bị cáo phạm tội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?