Hành vi gây thương tích và quy định của pháp luật

Tôi có người em năm 17 nó vi phạm hành vi gây thương tích cho người khác.Thương tích đó chỉ có 10%, mà tòa án xử em tôi 6 tháng tù giam. Như thế có đúng luật không? Ông A là người mà em tôi gây thương tích thì thường xuyên gây rối gia đình tôi. Gia đình tôi có nói với chính quyền địa phương, nhưng chính quyền nơi tôi không giải quyết. Ông ta đã một lần lén lút đánh ba tôi, nhưng ba tôi tránh kịp và còn chặn đường đánh em gái tôi nhiều lần, cũng may là tránh kịp. Báo với công an xã thì không giải quyết. Ông ta chặn đánh em trai tôi. Em trai tôi thấy bất bình nên mới chống trả đánh lại ông ta. Ông ta đi thưa thì tòa án xử ông A không có tội gì, bắt gia đình tôi đền tiền thuốc cho ông ta và 90 ngày công cho ông ta, mỗi ngày là 120 ngàn đồng.Trong khi ông ta ở nhà không làm gì.Tòa án xử như thế có hợp lý không? Giấy chứng nhận thương tật của ông ta là do bác sĩ ở đông y bên ngoài chứng nhận như thế có hợp lý không?

1. Về mức phạt tù 6 tháng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự quy định:

“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Do vậy, nếu em của bạn gây thương tích dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều 104 thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù.

2. Về hành vi gây rối của ông A

Theo quy định tại điểm k khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người nào có hành vi trực tiếp xâm hại hoặc thuê người xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Do vậy, nếu ông A còn tiếp tục xâm hại sức khỏe của bố bạn, em gái và em trai bạn thì bạn có thể đề nghị trưởng công an xã hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết. Nếu chính quyền địa phương không giải quyết yêu cầu của bạn thì bạn có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.

3. Về mức bồi thường

Theo quy định tại mục 1 Phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó. Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:

+ Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khoẻ nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

+ Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khoẻ bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

+ Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

+ Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS.

Do vậy, nếu bạn chứng minh được ông A không có việc làm và không có thu nhập thực tế thì bạn sẽ không phải bồi thường thu nhập thực tế cho ông A.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế. Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:

+ Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

+ Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

+ Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc, có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

+ Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

- Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

+  Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

+ Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

Do bạn không nêu rõ việc Tòa án yêu cầu bạn bồi thường 90 ngày công là bồi thường cho thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại hay là chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, cho nên bạn có thể tham khảo vào các quy định nêu trên để giải quyết trường hợp của mình.

4. Về giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật

Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trưng cầu giám định như sau:

“1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.

3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

c) Tình trang tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;

d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.”

Theo quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh Giám định tư pháp thì Tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện việc giám định do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương trưng cầu.

Như vậy, việc xác định tỷ lệ thương tật để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành phải được tiến hành trưng cầu giám định và phải do chủ thể có thẩm quyền giám định tư pháp tiến hành trên cơ sở đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng. Chủ thể có quyền giám định tư pháp là người giám định tư pháp (giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc) hoặc tổ chức giám định pháp y đáp ứng các điều kiện của luật định. Bác sỹ đông y không có quyền thực hiện giám định pháp y, do vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào giấy chứng nhận thương tật do bác sỹ đông y xác nhận để giải quyết vụ việc là không hợp lý.

Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe
Hỏi đáp mới nhất về Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe
Hỏi đáp pháp luật
Cố ý lây truyền HIV cho người khác bị phạt tù bao nhiêu năm?
Hỏi đáp Pháp luật
Điều khiển ô tô gây tai nạn giao thông hàng loạt truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Tài xế xe khách gây tai nạn chết người bị phát hiện dương tính với ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Con giết mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là tử hình? Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp con giết mẹ là bao lâu?
Hỏi đáp Pháp luật
Chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Hỏi đáp pháp luật
Đánh nhau bị thương
Hỏi đáp pháp luật
Hỏi về việc tới nhà người khác đánh nhau bị thương
Hỏi đáp pháp luật
Phòng vệ gây chết người
Hỏi đáp pháp luật
Mức án cao nhất đối với người 16 tuổi tham gia đánh nhau gây chết người.
Hỏi đáp pháp luật
Đánh chết người trộm chó có bị ở tù không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe
Thư Viện Pháp Luật
484 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào