Các trường hợp phạm tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn
Theo quy định của pháp luật thì tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn có các trường hợp cụ thể sau:
1. Phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 204, là cấu thành cơ bản của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn, người phạm tội bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 204, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.
Hiện nay Điều 204 Bộ luật hình sự cũng chưa có hướng dẫn chính thức, nên có thể vận dụng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với Điều 202 Bộ luật hình sự về trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây ra.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn không trực tiếp gây ra thiệt hại mà chỉ gián tiếp gây ra thiệt hại. Nếu chưa có hướng dẫn cụ thể thì nên vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12- 2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định thiệt hại tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn gây ra.
2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 204
Khoản 2 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là: Gây hậu quả rất nghiêm trọng và Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng là một trong nhiều trường hợp nhà làm luật quy định hai trường hợp phạm tội có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau nhưng lại có cùng một khung hình phạt. Về kỹ thuật lập pháp, việc quy định như vậy rõ ràng là không khoa học. Nếu cần phân biệt hai trường hợp phạm tội khác nhau, thì nên ở hai khung hình phạt khác nhau, còn nếu không cần phân biệt thì chỉ cần quy định “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” là đủ, còn nếu thực tế xảy ra trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 của điều luật. Do nhà làm luật đã quy định hai tình tiết trong cùng một khung hình phạt nên việc phân biệt cũng có ý nghĩa nhất định trong việc cá thể hóa hình phạt. Người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Cũng như trường hợp gây thiệt hại tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn gây ra, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 của điều luật, chúng ta có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn gây ra.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 204, Tòa án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?