Các trường hợp phạm tội cụ thể của tội tổ chức đua xe trái phép

Các trường hợp phạm tội cụ thể của Tội tổ chức đua xe trái phép được pháp luật quy định như thế nào?

Theo quy định của pháp luật Tội tổ chức đua xe trái phép có các trường hợp cụ thể sau đây:

1.      Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206

Theo quy định tại khoản 1 Điều 206, thì người phạm tội bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

            Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép theo khoản 1 Điều 206, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54).

            Nếu người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng dưới một năm tù, nhưng không được dưới ba tháng tù vì đối với hình phạt tù mức thấp nhất là ba tháng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng  quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

2.      Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206

a)      Tổ chức đua xe có quy mô lớn

Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là tổ chức đua xe trái phép có quy mô lớn; thực tiễn xét xử cũng chưa nhiều, nên việc xác định thế nào là tổ chức đua xe có quy mô lớn là khó khăn. Tuy nhiên, nghiên cứu các tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự có tình tiết với quy mô lớn như tội tổ chức đáng bạc đã có hướng dẫn thì có thể coi trường hợp tổ chức đua xe trái phép có quy mô lớn là tổ chức cho từ 5 xe ô tô, 10 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trở lên.

            Nếu tổ chức cho 3 hoặc 4 xe ô tô, 5 đến 9 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ mà có huy động, lôi kéo, mua chuộc từ 50 người trở lên cổ vũ cho cuộc đua.

b)      Tổ chức cá cược

Cùng với việc tổ chức đua xe trái phép, người phạm tội có thể còn có hành vi tổ chức cá cược. Thực chất hành vi tổ chức cá cược là hành vi tổ chức đánh bạc, nhưng là đánh bạc bằng hình thức đua xe. Cá cược là đánh bạc ăn tiền về việc thắng thua của những chiếc xe đua, một số địa phương gọi là “cá độ”.

            Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý:

- Chỉ người  tổ chức đua xe trái phép mà tổ chức cá cược về việc thắng thua của cuộc đua do mình tổ chức thì mới thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 206, nếu không phải là người tổ chức đua xe trái phép mà là người khác tổ chức cá cược thì hành vi cá cược này là hành vi tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp quy định tại Điều 249 Bộ luật hình sự. Ví dụ: A biết có cuộc đua xe do B tổ chức, nên đã tổ chức cho một số đối tượng cá cược, thì A phạm tội tổ chức đánh bạc, còn B chỉ phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

            - Người phạm tội nếu đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc theo Điều 249, nhưng đối với người tham gia cá cược vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc nếu có đủ dấu hiệu quy định tại Điều 248.

         c) Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép

            Trường hợp phạm tội này là trường hợp người phạm tội vừa tổ chức đua xe, vừa tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép. Nếu người phạm tội tổ chức đua xe không tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép, mà hành vi chống lại do người khác thực hiện thì người phạm tội không bị áp dụng điểm c khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự. Nếu có việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép do người khác thực hiện, thì tùy trường hợp họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

            Vì vậy, khi xác định tình tiết này cần chú ý: không phải căn cứ có việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép là đã xác định người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, mà phải xác định người phạm tội có tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép hay không hay người khác tổ chức, hoặc việc chống lại do người đua xe hoặc người cổ cũ thực hiện. Nếu người đua xe trái phép hoặc người cổ vũ tự ý có hành vi chống lại người có  trách nhiệm thì họ phải chịu trách nhiệm độc lập về hành vi chống người thi hành công vụ.

            Hành vi tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm  trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép cũng tương tự như hành vi tổ chức đua xe trái phép hay tổ chức thực hiện một công việc nào khác, tức là người phạm tội phải có hành vi cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc chống lại người có trách nhiệm.

d      Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư

Nơi tập trung đông dân cư là nơi có đông dân cư trú, sinh sống, làm việc như thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp, khu nghỉ mát, du lịch,…

            Cũng coi là nơi tập trung đông dân cư, nếu trong một không gian, thời gian nhất định ở đó có  tập trung đông người như: sân vận động, nhà thi đấu, nơi tổ chức lễ hội, mít tinh, biểu tình. Những nơi này bình thường không có đông người nhưng trong một không gian, thời gian nhất định số người tập trung đến những nơi này đông đúc.

            Không coi là tổ chức đua xe trái phép nơi tập trung đông dân cư, nếu người tổ chức đua xe trái phép đã lôi kéo đông người đứng hai bên đường cổ vũ cho đoàn đua xe đi qua mà đoạn đường đua  đó không phải nơi đông dân cư.

      e Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua

            Các phương tiện tham gia vào cuộc đua như: ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ là các phương tiện đã được nhà sản xuất chế tạo với một mẫu thiết kế theo một tiêu chuẩn kỹ thuật được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm an toàn cho người điều khiển. Nói chung, việc tổ chức đua xe trái phép, người tổ chức không chủ trương tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện, mà việc tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện lại do chính người đua xe thực hiện. Dù người phạm tội tổ chức đua xe có chủ trương hay không có chủ trương tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện, nhưng người đua xe có hành vi tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện thì người tổ chức đua xe trái phép vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 206, vì điều luật chỉ quy định tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua mà không quy định tổ chức tháo dỡ.

            Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua là hành vi tháo bỏ hoặc thay đổi cấu trúc các bộ phận của phương tiện như: tháo bỏ phanh (thắng), tháo bỏ ống bô (ống xả), xoáy xi lanh,…Do tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện nên tính chất của hành vi tổ chức đua xe trái phép nguy hiểm hơn, tiềm ẩn những hậu quả nguy hiểm cao hơn.

g      Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác

- Gây thiệt hại cho tính mạng

            Người tổ chức đua  xe trái phép dẫn đến thiệt hại cho tính mạng của người khác là gây thiệt hại đến tính mạng cho người đua xe và người không tham gia đua xe (có thể là người đi đường, người cổ vũ hoặc người khác).

            Người bị thiệt hại đến tính mạng có thể là do đua xe gây ra, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác nhưng phải do hành vi tổ chức đua xe gây ra như: do tổ chức đua xe nên có việc cá cược và vì cay cú được thua nên dẫn đến án mạng.

- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác

Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác là do hành vi tổ chức đua xe trái phép mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Có thể gây ra cho một người và có thể gây ra cho nhiều người. Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác.

- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác

Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp do tổ chức đua xe trái phép mà gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia đua hoặc của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Nếu gây thiệt hại trên 500 triệu đồng thì phải coi trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 206.

Khi áp dụng tình tiết quy định tại điểm e khoản 2 Điều 206 đối với người phạm tội cần chú ý:

- Người khác quy định ở đây không phải là người tổ chức đua xe (người phạm tội), họ chỉ có thể là tham gia đua xe, người cổ vũ đua xe, người đi đường hoặc người khác.

- Nếu người tổ chức đua xe lại cùng tham gia đua xe thì những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản gây ra cho chính họ thì không tính để xác định tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đối với người phạm tội.

h) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép

Tái phạm về tội này là trường hợp đã bị kết án về tội tổ chức đua xe trái phép, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

Tái phạm về tội đua xe trái phép là trường hợp đã bị kết án về tội đua xe trái phép, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

Khi áp dụng tình tiết tái phạm về tội đua xe trái phép cũng cần chú ý: điều luật chỉ quy định “tái phạm về tội đua xe trái phép” mà không quy định “tái phạm về hành vi đua xe trái phép” nên đối với trường hợp một người tuy có hành vi đua xe trái phép nhưng lại bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng thì không bị coi là tái phạm về tội đua xe trái phép. Ví dụ: A, B, C và D đều có hành vi đua xe trái phép, nhưng chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép vì A đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, còn B, C và D vì chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này cũng chưa bị kết án về tội này nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Sau khi bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, B lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thì B không bị coi là tái phạm về tội đua xe trái phép.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự, người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới ba năm tù.

Nếu tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười năm tù. 

3.      Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 206

a) Tái phạm nguy hiểm

            Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại tái phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

            Khi xác định tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép cần chú ý:

- Điều luật không quy định tái phạm nguy hiểm về tội này hoặc tội đua xe trái phép nên chỉ cần trước khi phạm tội tổ chức đua xe trái phép người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý (không phân biệt đó là tội phạm nào), chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự (khoản 2 Điều 206 là tội phạm rất nghiêm trọng).

            - Người phạm tội cũng có thể đã bị kết án về tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 206 hoặc tội đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 207 nhưng chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì không coi là trường hợp đã “tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 206 nữa. Tuy nhiên, tái phạm nguy hiểm về tội tổ chức đua xe trái phép hoặc tội đua xe trái phép thì tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp tái phạm nguy hiểm khác.

            - Người phạm tội đã tái phạm (không phân biệt đã tái phạm tội phạm nào), chưa được xóa án tích mà lại tái phạm tội tổ chức đua xe trái phép (không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật). Nếu tái phạm tội tổ chức đua xe trái phép hoặc tội đua xe trái phép chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thì tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn.

            b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng

            Gây hậu quả rất nghiêm trọng là gây ra những thiệt hại rất lớn cho tính mạng, sức khỏe, tài sản và những thiệt hại khác cho xã hội.

            Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này, tham khảo hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác thì có thể coi hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nếu:

- Làm chết hai người;

- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 200% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng

            Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫ trên dây, thực tiễn cho thấy có thể còn có thiệt hại phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến an tình, trật tự, an toàn xã hội,…thì phải tùy vào trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra có phải là rất nghiêm trọng hay không.

            Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 206, người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

            Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, không có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm.

            Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng còn tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt mười lăm năm tù.

4.      Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 206

Khoản 4 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra, nên có thể tham khảo hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác để xác định hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu:

- Làm chết ba người trở lên;

- Làm chết hai người và còn gây tổn hại đến cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31 % trở lên;

- Làm chết một người và còn gây tổn hại đến sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

            Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có thiệt hại phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội,…thì tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra có phải là đặc biệt nghiêm trọng hay không.

            Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 206, người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

            Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới mười hai năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù.

            Nếu ngoài trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà còn tập trung nhiều tình tiết thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tù đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân. 

5.      Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép cần chú ý:

- Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu người phạm tội không bị áp dụng phạt tiền là hình phạt chính;

- Chỉ áp dụng mức phạt tiền trong khung hình phạt đã quy định;

- Nếu không áp dụng hình phạt tiền thì phải nêu rõ lý do trong bản án

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào