Chờ làm căn cước công dân hay phải làm hộ khẩu?
Đối với vướng mắc của bạn chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
Theo khoản 1 điều 9 luật căn cước công dân số 59/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016, các thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Nhóm máu (khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó); Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Những thông tin này được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tàng thư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư. Trong đó, việc xác định nơi thường trú của cá nhân được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về cư trú thông qua việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú. Bên cạnh đó, khoản 1 điều 24 luật cư trú cũng quy định rõ sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú mới là giấy tờ có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Riêng về thẻ căn cước công dân được quy định tại điều 20 luật căn cước công dân, “thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau”. Cơ quan quản lý căn cước công dân khi nhận được tờ khai của công dân sẽ đối chiếu các thông tin của cá nhân được thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác các thông tin về công dân để cấp thẻ căn cước công dân đó. Trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định. Cụ thể trong trường hợp của bạn, nếu thông tin về nơi thường trú của bạn chưa được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi làm thủ tục cấp căn cước công dân, bạn phải xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh nơi cư trú của mình. Như vậy, thẻ căn cước công dân không có giá trị thay thế cho sổ hộ khẩu.
Theo đó, để được xác nhận nơi thường trú thì gia đình bạn phải làm thủ tục đăng ký thường trú để được cấp sổ hộ khẩu chứ không phải làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước công dân.
Về vấn đề hộ khẩu của gia đình bạn, bạn và mẹ bạn chưa đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới nên không thuộc các trường hợp xóa đăng ký thường trú theo khoản 1 điều 22 luật cư trú. Tuy nhiên kể từ năm 1995 đến nay bạn và mẹ bạn không còn cư trú tại quận Hoàn Kiếm và nơi đăng ký thường trú đó cũng không còn là chỗ ở hợp pháp của bạn nữa. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc là chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Mặt khác, theo khoản 1 điều 23 luật cư trú, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn mười hai tháng bạn và mẹ bạn có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Tuy nhiên gia đình bạn lại không tiến hành thủ tục này kể từ năm 1995 đến nay và cũng không thường trú tại quận Hoàn Kiếm. Do vậy nếu bạn trở về cơ quan công an quản lý cư trú tại quận Hoàn Kiếm để nhờ xác nhận thường trú thì cơ quan công an không có căn cứ để xác nhận cho bạn.
Tóm lại để giải quyết vướng mắc của mình, bạn nên thực hiện thủ tục đăng ký thường trú vào nơi ở hiện tại. Như đã đề cập đến ở trên về nơi ở hợp pháp, không nhất thiết phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì mới được đăng ký thường trú mà bạn vẫn có thể đăng ký thường trú vào nhà thuê nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại điểm b khoản 4 điều 19 luật Thủ đô. Các điều kiện để được đăng ký thường trú vào nhà thuê như sau nếu nhà thuê thuộc các quận nội thành Hà Nội: chứng minh được thời gian tạm trú liên tục tại nội thành Hà nội từ 3 năm trở lên (thông qua sổ tạm trú); có nhà thuê ở nội thành của tổ chức/ cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; nhà thuê đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê; trường hợp đăng ký thường trú vào nhà thuê ở huyện ngoại thành Hà nội thì chỉ phải chứng minh thời hạn tạm trú tại Hà nội từ một năm trở lên (khoản 1 điều 20 luật cư trú). Về sổ tạm trú, khi bạn thuê nhà ở và ở ổn định tại nơi đó thì cá nhân, tổ chức cho thuê nhà phải làm thủ tục đăng ký tạm trú cho bạn và mẹ bạn trong thời hạn ba mươi ngày kể từ khi đến theo quy định của pháp luật về cư trú. Do đó nếu bạn không có giấy tờ chứng minh tạm trú, bạn có thể liên hệ cá nhân/ tổ chức cho mình thuê nhà để yêu cầu thực hiện thủ tục này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?
- Có mấy nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
- Luật Phá sản mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn?