Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Công văn 5189/TCHQ-GSQL 2019 chống gian lận hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Số hiệu: 5189/TCHQ-GSQL Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan Người ký: Mai Xuân Thành
Ngày ban hành: 13/08/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5189/TCHQ-GSQL
V/v kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2019

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Trong quá trình theo dõi, quản lý, giám sát, kiểm soát, kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước; đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Dự báo hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào các thị trường lớn để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, làm mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này. Một số mặt hàng đã bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thép cuộn cán nguội, thép cuộn không gỉ, thép mạ kẽm, nhôm ép, tôn mạ...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát hải quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

I. Cơ sở pháp lý để kiểm tra, xác định xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp

Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo đúng các cam kết quốc tế về ưu đãi thuế quan, thực hiện quản lý ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu; ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp trong quá trình làm thủ tục hải quan và khi thanh tra, kiểm tra sau thông quan theo các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

1. Đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa

a) Khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Hải quan ngày 23/6/2014 quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý ngoại thương ngày 12/6/2017 quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;

c) Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan quy định cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định xuất xứ hàng hóa;

d) Điều 32 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa quy định thẩm quyền của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, gửi thông tin xác minh với cơ quan cấp, thành lập đoàn kiểm tra tại nước ngoài, xây dựng văn bản pháp luật, tổ chức thực hiện quy chế, tổ chức mạng lưới thông tin, chế độ báo cáo, xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu;

đ) Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018);

e) Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quy định thẩm quyền xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan hải quan và các văn bản có liên quan khác;

g) Các văn bản nội luật hóa quy tắc xuất xứ theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Đối với lĩnh vực ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

a) Luật Hải quan ngày 23/6/2014 (từ Điều 73 đến Điều 76);

b) Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/6/2009;

c) Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ;

d) Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa;

đ) Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

3. Đối với lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính

a) Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/6/2009;

b) Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

c) Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

d) Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

đ) Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;

e) Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ;

g) Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

II. Các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp

1. Đối với lĩnh vực ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

a) Hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”...hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu;

b) Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”...;

c) Lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu hàng hóa sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên hàng hóa để tiêu thụ nội địa;

d) Nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

2. Đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa

2.1. Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do

a) Sử dụng C/O giả, C/O không hợp lệ khi làm thủ tục hải quan;

b) Khai sai các thông tin trên C/O để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi làm thủ tục hải quan như khai không đúng hàm lượng giá trị khu vực (RVC), khai sai tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC),..., khai sai người đứng tên tại ô số 1 (đối với C/O mẫu E), khai không đúng hóa đơn tại ô số 10...

2.2. Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu

a) Doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu thì ghi xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam;

b) Thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu;

d) Nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba;

đ) Lợi dụng sự lỏng lẻo trong việc cấp C/O để hợp thức hóa hồ sơ đề nghị cấp C/O như không khai nguồn gốc nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, ký khống các hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nước, sử dụng hóa đơn GTGT cho nhiều tờ khai xuất khẩu, quay vòng hồ sơ xin cấp C/O.

III. Kiểm tra, giám sát và kiểm soát xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Trên cơ sở thông tin về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, tiêu chí phân luồng trên hệ thống và các thông tin khác, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan và các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát và kiểm soát xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015, quy trình kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 của Tổng cục Hải quan; ngoài ra cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nội dung sau:

1. Chi cục Hải quan làm thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu

1.1. Đối với hàng hóa nhập khẩu:

a) Đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu:

Cơ quan hải quan không đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu nếu người khai hải quan không khai thông tin xuất xứ hàng hóa tại ô mã nước xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu.

b) Trường hợp kiểm tra hồ sơ hải quan:

b.1) Kiểm tra nội dung khai xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu:

- Khai thông tin nước xuất xứ: Phải khai chính xác mã nước, vũng lãnh thổ nơi hàng hóa được chế tạo, sản xuất theo đúng bảng mã UN/LOCODE đã được Tổng cục Hải quan thông báo;

- Khai thông tin về hàng hóa: Phải khai đầy đủ, chính xác tên hàng, nhãn hiệu hàng hóa, quy cách phẩm chất, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hóa theo quy định tại Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC);

b.2) Trường hợp người khai hải quan nộp C/O theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC , cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra như sau:

b.2.1) Kiểm tra, đối chiếu dấu và/hoặc chữ ký trên C/O với mẫu dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp C/O và/hoặc chữ ký của người có thẩm quyền cấp C/O đã được Tổng cục Hải quan thông báo cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố (trừ C/O truyền qua Cổng thông tin một cửa quốc gia) để xác định mẫu dấu, chữ ký là hợp lệ;

b.2.2) Kiểm tra thời hạn hiệu lực của C/O;

b.2.3) Kiểm tra thông tin về người nhập khẩu: C/O phải thể hiện tên, địa chỉ người nhập khẩu phù hợp với tên, địa chỉ người nhập khẩu trên tờ khai hải quan;

b.2.4) Kiểm tra nội dung khai thông tin về quy cách phẩm chất, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký/mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hóa khai trên tờ khai nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) để xác định sự phù hợp hay không phù hợp của các thông tin này với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;

b.2.5) Kiểm tra nội dung về tên hàng, mô tả hàng hóa, số lượng, mã số HS, trị giá với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để xác định nội dung khai của người khai hải quan hợp lệ, thống nhất và đủ cơ sở để xác định xuất xứ hàng hóa, cụ thể:

- Tên hàng, mô tả hàng hóa: Tên hàng, mô tả hàng hóa trên C/O phải phù hợp với tên hàng, mô tả hàng hóa khai trên tờ khai nhập khẩu, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;

- Lượng hàng: Kiểm tra, đối chiếu lượng hàng hóa khai trên C/O với lượng hàng hóa khai trên tờ khai nhập khẩu để xác định lượng hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt:

+ Trường hợp số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa nhập khẩu thực tế lớn hơn số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng nhập khẩu trên C/O thì công chức hải quan xem xét áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng ghi trên C/O;

+ Trường hợp số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng nhập khẩu thực tế nhỏ hơn số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng trên C/O thì công chức hải quan chấp nhận C/O đối với phần hàng hóa thực nhập khẩu;

- Mã số HS: Kiểm tra, đối chiếu mã số HS trên C/O với mã số HS trên tờ khai nhập khẩu để xác định việc khai mã số HS là phù hợp;

- Trị giá: Kiểm tra trị giá khai trên C/O với trị giá khai trên tờ khai nhập khẩu;

Trường hợp có sự khác biệt về trị giá khai trên C/O với trị giá khai trên các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan như hóa đơn thương mại,...do hàng hóa khi xuất khẩu vào Việt Nam khai theo trị giá FOB (trên C/O khai theo trị giá CIF) nhưng khi nhập khẩu vào Việt Nam người khai hải quan khai theo trị giá CIF thì không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O;

- Hóa đơn thương mại: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên hóa đơn thương mại để xác định phù hợp với các thông tin trên tờ khai nhập khẩu và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;

Trường hợp trên C/O thể hiện hóa đơn thương mại do bên thứ ba phát hành, công chức hải quan kiểm tra thông tin số và ngày hóa đơn tại ô số 10; tên và nước công ty phát hành hóa đơn tại ô số 7 và việc đánh dấu hóa đơn bên thứ 3 vào ô số 13 trên C/O theo quy định tại Hiệp định thương mại tự do và văn bản pháp luật liên quan. Tên và nước công ty phát hành hóa đơn bên thứ ba phải phù hợp với tên, nước của người xuất khẩu trên tờ khai nhập khẩu.

b.2.6) Kiểm tra tiêu chí xuất xứ:

b.2.6.1) Kiểm tra tiêu chí xuất xứ của hàng hóa trên C/O (theo tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng hoặc tiêu chí chuyển đổi mã số HS hàng hóa hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến hàng hóa hoặc tiêu chí xuất xứ thuần túy,...) được quy định tại các Thông tư/Quyết định do Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do và phần hướng dẫn tại mặt sau C/O để xác định tiêu chí xuất xứ hàng hóa;

b.2.6.2) Xác định quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa theo mã số HS quy định tại Hiệp định thương mại tự do có liên quan, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP , Thông tư số 05/2018/TT-BTC , cụ thể:

- Trường hợp người khai hải quan khai hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ thuần túy (WO): Kiểm tra điều kiện đáp ứng tiêu chí WO của hàng hóa nhập khẩu căn cứ vào thông tin thị trường, địa lý, quy trình sản xuất hàng hóa,...đối chiếu với quy định tại Thông tư/Quyết định của Bộ Công Thương về xuất xứ thuần túy để xác định xuất xứ hàng hóa người khai hải quan khai có phù hợp với quy định hay không và không phải xem xét đến các tiêu chí xuất xứ quy định tại danh mục PSR hay tiêu chí chung (nếu có);

- Trường hợp người khai hải quan khai hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên từ các nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên khác (PE): Công chức hải quan không phải xem xét đến các tiêu chí xuất xứ quy định tại danh mục PSR hay tiêu chí chung (nếu có);

- Trường hợp người khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, việc xác định tiêu chí xuất xứ thực hiện theo trình tự sau:

+ Hàng hóa thuộc danh mục PSR, xác định tiêu chí xuất xứ theo quy định tại danh mục này;

+ Hàng hóa không thuộc danh mục PSR hoặc Hiệp định thương mại tự do không quy định danh mục PSR, việc xác định tiêu chí xuất xứ theo tiêu chí chung.

b.2.7) Kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ:

b.2.7.1) Kiểm tra hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ:

- Nội dung khai xuất xứ phải được thể hiện trên hóa đơn thương mại hoặc trên các chứng từ thương mại khác;

- Đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 của Bộ Công Thương quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Thông tư số 27/2017/TT-BCT ngày 06/12/2017 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BCT , việc khai xuất xứ phải được thể hiện trên hóa đơn thương mại. Mẫu khai xuất xứ thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 28/2015/TT-BCT;

- Kiểm tra tính đầy đủ của các thông tin bắt buộc phải thể hiện trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại các Hiệp định thương mại tự do và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Trường hợp tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BCT , Thông tư số 27/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BCT , công chức hải quan kiểm tra các thông tin bắt buộc sau: mã số tự chứng nhận xuất xứ (mã số của thương nhân được cấp phép), mã số HS, nước xuất xứ, tiêu chí xuất xứ, chữ ký của người có thẩm quyền được tự khai xuất xứ;

b.2.7.2) Kiểm tra nội dung chứng từ tự chứng nhận xuất xứ

- Kiểm tra, đối chiếu tên thương mại, địa chỉ, mã số tự chứng nhận xuất xứ của thương nhân; tên hàng, mã số HS của hàng hóa, chữ ký và thời hạn hiệu lực của giấy phép tự chứng nhận xuất xứ trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ với danh sách thương nhân đã được Tổng cục Hải quan thông báo;

- Kiểm tra tiêu chí xuất xứ và các thông tin khác: Cách thức kiểm tra tương tự hướng dẫn tại tiết b.2.6, điểm 1.1, mục III công văn này;

- Đối với việc nợ C/O điện tử được truyền qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, khi người khai hải quan khai bổ sung thì công chức hải quan thực hiện việc kiểm tra C/O điện tử theo hướng dẫn tại từ tiết b.2.2 đến tiết b.2.6, tiết b.2.8, điểm 1.1, mục III công văn này;

b.2.8) Kiểm tra thông tin về hành trình của lô hàng ghi trên C/O, vận đơn và các chứng từ khác (nếu có) để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đáp ứng điều kiện vận tải trực tiếp theo quy định tại các Thông tư/Quyết định của Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn các Hiệp định thương mại tự do và Điều 18 Thông tư số 38/2018/TT-BTC.

Trường hợp hàng hóa quá cảnh qua một nước/lãnh thổ thứ ba không phải là thành viên Hiệp định thương mại tự do (riêng đối với C/O mẫu AK kể cả trường hợp quá cảnh qua một nước là thành viên), công chức hải quan yêu cầu người khai hải quan nộp một trong các chứng từ chứng minh hàng hóa được đảm bảo nguyên trạng theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư số 38/2018/TT-BTC;

b.2.9) Kiểm tra, đối chiếu nội dung khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan với dữ liệu hàng hóa nhập khẩu đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng hóa nhập khẩu có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không;

Trường hợp có nghi vấn hàng hóa nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì thực hiện tiếp các thủ tục quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BTC ;

c) Trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa:

c.1) Kiểm tra, đối chiếu thông tin về xuất xứ, ghi nhãn với nội dung khai về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan (nếu có);

c.2) Kiểm tra mã số, mã vạch của hàng hóa nhập khẩu để xác định nước xuất xứ;

c.3) Kiểm tra trên hàng hóa, bao bì hàng hóa có nhãn hay không; trường hợp hàng hóa không có nhãn (trừ các hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) thì xử lý theo quy định tại tiết d.2.4, điểm 1.1, mục III công văn này. Trường hợp hàng hóa có nhãn thì nhãn hàng hóa phải thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP , cụ thể:

c.3.1) Vị trí nhãn phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa, ở vị trí dễ quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa;

c.3.2) Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa:

- Tên hàng hóa;

- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

- Xuất xứ hàng hóa;

- Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c.3.3) Đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ngoài việc kiểm tra các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định, trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc sau:

c.3.3.1) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là thuốc, nguyên liệu làm thuốc, việc kiểm tra ghi nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ Y tế:

- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc là một phần không thể tách rời của nhãn thuốc và được chứa trong bao bì ngoài của thuốc. Trường hợp thuốc không có bao bì ngoài, tờ hướng dẫn sử dụng phải được in hoặc gắn trên bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc;

- Kích thước nhãn, kích thước của chữ và số trên nhãn, màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn, ngôn ngữ trình bày của nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Điều 5 (trừ nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5) và Điều 6 Thông tư số 01/2018/TT-BYT dẫn trên;

- Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc phải được ghi bằng Tiếng Việt, trừ một số nội dung được phép ghi bằng ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP;

- Trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc sau:

+ Tên thuốc;

+ Thành phần định lượng, hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng dược chất, dược liệu trong công thức thuốc;

+ Số lô sản xuất;

+ Ngày sản xuất;

+ Hạn sử dụng/hạn dùng;

+ Dạng bào chế trừ nguyên liệu làm thuốc;

+ Quy cách đóng gói, tiêu chuẩn chất lượng;

+ Chỉ định, cách dùng, chống chỉ định của thuốc;

+ Các dấu hiệu lưu ý và khuyến cáo khi dùng thuốc;

+ Tên, địa chỉ cơ sở sản xuất thuốc;

+ Xuất xứ của thuốc.

Trường hợp nguyên liệu là dược chất, dược liệu hoặc bán thành phẩm thuốc có chứa dược chất, dược liệu thuộc Danh mục dược chất gây nghiện, hướng thần, tiền chất làm thuốc, nguyên liệu độc làm thuốc, dược liệu độc, nguyên liệu phóng xạ làm thuốc, ngoài các nội dung kiểm tra nêu trên, trên nhãn bao bì ngoài các dòng chữ tương ứng như sau: “Nguyên liệu gây nghiện”, “Nguyên liệu hướng thần”, “Nguyên liệu tiền chất làm thuốc”, “Nguyên liệu độc”, “Dược liệu độc”, “Nguyên liệu phóng xạ” phải được in đậm trong khung và được in trên mặt chính của nhãn có ghi tên nguyên liệu;

- Kiểm tra hạn dùng còn lại của thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu tại thời điểm thông quan theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 90 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, cụ thể:

++ Thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu vào Việt Nam, trừ thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại khoản 3 Điều 90 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP phải có hạn dùng còn lại tối thiểu tại thời điểm thông quan như sau:

+++ 18 tháng đối với trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hạn dùng trên 24 tháng;

+++ 1/2 hạn dùng đối với trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng;

++ Vắc xin, sinh phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 90 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP phải có hạn dùng còn lại tối thiểu là 1/2 hạn dùng tại thời điểm thông quan;

++ Thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu theo quy định tại các Điều 67, Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 82, Điều 83, Điều 84, Điều 85, Điều 86 và điểm b khoản 1 Điều 68 của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP phải còn hạn dùng tại thời điểm thông quan;

++ Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hạn dùng còn lại tại thời điểm thông quan ngắn hơn hạn dùng còn lại quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 90 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP nhưng cần thiết cho nhu cầu sử dụng trong sản xuất, phòng và điều trị bệnh thì Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định cho phép nhập khẩu;

c.3.3.2) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là lương thực:

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:

- Định lượng;

- Ngày sản xuất;

- Hạn sử dụng;

- Thông tin cảnh báo (nếu có).

c.3.3.3) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm:

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau

- Định lượng;

- Ngày sản xuất;

- Hạn sử dụng;

- Thành phần hoặc thành phần định lượng;

- Thông tin, cảnh báo;

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

c.3.3.4) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thực phẩm:

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:

- Tên nguyên liệu;

- Định lượng;

- Ngày sản xuất;

- Hạn sử dụng;

- Hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

c.3.3.5) Đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập khẩu thì kiểm tra việc ghi nhãn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 8/2/2013 của Liên Bộ Y tế-Công Thương ban hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc sau:

- Định lượng;

- Ngày sản xuất;

- Thông tin cảnh báo;

- Ngày hết hạn sử dụng;

- Mã số, mã vạch.

Lưu ý: Trên bao bì thuốc lá phải ghi 01 trong 06 mẫu cảnh báo sức khỏe quy định tại Phụ lục ban hành theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT dẫn trên.

c.3.3.6) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là trang thiết bị y tế:

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:

- Số lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế;

- Số lô hoặc số sê ri của trang thiết bị y tế;

- Ngày sản xuất, hạn sử dụng: Trang thiết bị y tế tiệt trùng, sử dụng một lần, thuốc thử, chất hiệu chuẩn, vật liệu kiểm soát, hóa chất phải ghi hạn sử dụng. Các trường hợp khác ghi ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng;

- Thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, cơ sở bảo hành: Có thể được thể hiện trực tiếp trên nhãn trang thiết bị y tế hoặc ghi rõ hướng dẫn tra cứu các thông tin này trên nhãn trang thiết bị y tế.

c.3.3.7) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là mỹ phẩm

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:

- Định lượng;

- Thành phần hoặc thành phần định lượng;

- Số lô sản xuất;

- Ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng/hạn dùng;

- Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn;

- Hướng dẫn sử dụng trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ cách sử dụng của sản phẩm;

- Thông tin, cảnh báo.

c.3.3.8) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là rượu:

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:

- Định lượng;

- Hàm lượng etanol;

- Hạn sử dụng (nếu có);

- Hướng dẫn bảo quản (đối với rượu vang);

- Thông tin cảnh báo (nếu có);

- Mã nhận diện lô (nếu có).

c.3.3.9) Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là đồ uống (trừ rượu):

Kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:

- Định lượng;

- Ngày sản xuất;

- Hạn sử dụng;

- Thành phần hoặc thành phần định lượng;

- Thông tin cảnh báo;

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

c.4) Kiểm tra thông tin về quyền sở hữu trí tuệ trên hàng hóa nhập khẩu, đối chiếu với dữ liệu trên hệ thống để xác định dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

c.5) Kiểm tra, xác định hàng hóa là sản phẩm hoàn chỉnh hay tháo rời của một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng khai là nguyên liệu, cụm linh kiện;

d) Xử lý kết quả kiểm tra:

d.1) Đối với trường hợp kiểm tra hồ sơ hải quan

- Trường hợp qua kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan chưa đủ cơ sở xác định xuất xứ hàng hóa, có nghi vấn dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo Chi cục Hải quan thực hiện chuyển luồng để kiểm tra thực tế;

- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu nghi vấn sử dụng C/O giả, C/O không hợp lệ thì chuyển thông tin cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu của đơn vị để tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm và xử lý theo quy định;

- Trường hợp lô hàng nhập khẩu có nộp C/O, qua kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) nếu phát hiện khai sai tiêu chí xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt thì từ chối C/O theo quy định;

d.2) Đối với trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa

d.2.1) Trường hợp qua kiểm tra mã số HS của hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu phát hiện hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm hoàn chỉnh hoặc dạng tháo rời của một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng khai mã số HS là nguyên liệu, cụm linh kiện thì yêu cầu doanh nghiệp khai đúng mã số HS theo quy định hoặc doanh nghiệp nhập khẩu nhiều lần, nhiều chuyến linh kiện, cụm linh kiện có dấu hiệu nghi vấn doanh nghiệp chỉ gia công, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng quy tắc xuất xứ để xuất khẩu thì chuyển thông tin cho đơn vị kiểm tra sau thông quan để lập kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan;

d.2.2) Trường hợp phát hiện hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam thì chuyển thông tin cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu thuộc Cục hoặc chuyển Cục Điều tra chống buôn lậu (đối với vụ việc lớn, phức tạp) để thực hiện xác minh, điều tra và xử lý theo quy định;

d.2.3) Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thì xử lý theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP , Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan;

d.2.4) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không có nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì thực hiện xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP), đồng thời chuyển thông tin cho Tổng cục quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát việc dán nhãn phụ trước khi lưu thông;

d.2.6) Trường hợp trên nhãn hàng hóa nhập khẩu không ghi đầy đủ các thông tin bắt buộc theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì thực hiện xử phạt theo quy định, đồng thời chuyển thông tin cho Tổng cục quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát việc dán nhãn phụ trước khi lưu thông;

d.2.7) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu (trừ hàng hóa đã xuất khẩu bị trả lại, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước, hàng hóa nhập khẩu là bao bì để đóng gói hàng hóa sản xuất tại Việt Nam) có nhãn hàng hóa nhưng trên nhãn ghi hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ Việt Nam như “Made in Vietnam” hoặc “Produced in/by Vietnam” hoặc “Origin Vietnam”...thì thực hiện xử lý đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại Điều 13 Nghị định số 185/2015/NĐ-CP;

d.2.8) Trường hợp phát hiện người khai hải quan cố ý không khai hoặc khai sai xuất xứ hàng hóa để trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý theo quy định.

1.2. Đối với hàng hóa xuất khẩu:

a) Kiểm tra nội dung khai xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu/ghi nhãn hàng hóa của người khai hải quan trên tờ khai hải quan xuất khẩu:

- Khai xuất xứ hàng hóa: Kiểm tra việc khai mã nước xuất xứ hàng hóa tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan xuất khẩu theo đúng hướng dẫn tại Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC);

- Khai nhãn hiệu/ghi nhãn hàng hóa: Kiểm tra việc khai nhãn hiệu/ghi nhãn hàng hóa tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan xuất khẩu theo đúng hướng dẫn tại Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), phải khai rõ ràng tên hàng, quy cách phẩm chất, thông số kỹ thuật, ký/mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hóa.

Cơ quan hải quan không đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu nếu người khai hải quan không khai thông tin xuất xứ, nhãn hiệu/ghi nhãn hàng hóa tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan xuất khẩu theo quy định.

b) Trường hợp kiểm tra hồ sơ hải quan:

b.1) Kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mô tả hàng hóa, số lượng, mã số HS, xuất xứ với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để xác định nội dung khai của người khai hải quan là hợp lệ, thống nhất và đủ cơ sở để xác định xuất xứ hàng hóa; kiểm tra việc khai thông tin về model, ký/mã hiệu trên tờ khai xuất khẩu có phù hợp với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan hay không;

b.2) Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ gian lận xuất xứ đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu thì đối chiếu mã số HS khai trên tờ khai hải quan xuất khẩu với mã số HS khai khi làm thủ tục nhập khẩu (nếu có điều kiện kiểm tra);

b.3) Kiểm tra, đối chiếu nội dung khai trên tờ khai hải quan xuất khẩu và hồ sơ hải quan với dữ liệu hàng hóa xuất khẩu đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng hóa xuất khẩu có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo vệ hay không;

c) Trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa:

c.1) Kiểm tra, đối chiếu tên hàng, nội dung ghi nhãn hàng hóa với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan xuất khẩu và chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;

c.2) Trường hợp hàng hóa xuất khẩu trên bao bì, sản phẩm thể hiện dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc “Produced in/by Vietnam” hoặc “Origin Vietnam”..., nếu qua kiểm tra thực tế hàng hóa phát hiện có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thì yêu cầu người khai hải quan giải trình và cung cấp chứng từ chứng minh theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 38/2018/TT-BTC, cụ thể:

- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 01 bản chụp; hoặc

- Quy trình sản xuất: 01 bản chụp; và

- Bảng kê chi phí chi tiết nguyên liệu, vật tư đầu vào, trị giá sản phẩm đầu ra kèm hóa đơn, chứng từ mua bán nguyên liệu, vật tư đối với trường hợp áp dụng tiêu chí xuất xứ “Tỷ lệ phần trăm của giá trị”: 01 bản chụp; hoặc

- Bảng kê chi tiết nguyên liệu, vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra đối với trường hợp áp dụng tiêu chí xuất xứ “Chuyển đổi mã số hàng hóa”: 01 bản chụp;

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu có chứng từ chứng nhận xuất xứ nhưng qua kiểm tra chưa đủ cơ sở xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo Chi cục Hải quan tiến hành xác minh tại cơ quan, tổ chức cấp chứng từ xuất xứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 38/2018/TT-BTC;

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và qua kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa chưa đủ cơ sở xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo Chi cục báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra Quyết định kiểm tra tại cơ sở sản xuất theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 38/2018/TT-BTC;

Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu được thực hiện thủ tục hải quan, thông quan theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 38/2018/TT-BTC;

c.3) Kiểm tra thông tin về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hóa xuất khẩu, đối chiếu với dữ liệu trên hệ thống để xác định hàng hóa có vi phạm hay không;

d) Xử lý kết quả kiểm tra:

d.1) Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu nội dung khai xuất xứ trên tờ khai hải quan xuất khẩu với chứng từ thuộc hồ sơ hải quan xác định có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, người khai hải quan cung cấp chứng từ chứng minh theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 38/2018/TT-BTC nhưng không giải trình, chứng minh được xuất xứ hàng hóa thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo Chi cục thực hiện chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa, đồng thời chuyển thông tin cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu tại đơn vị để điều tra, xác minh, làm rõ dấu hiệu nghi vấn;

d.2) Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu nội dung khai trên tờ khai hải quan xuất khẩu với chứng từ thuộc hồ sơ hải quan xác định có dấu hiệu nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì thực hiện tiếp các thủ tục quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BTC ;

d.3) Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu thì chuyển đơn vị kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan;

d.4) Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thì xử lý theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP , Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và các văn bản có liên quan;

d.5) Trường hợp phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến việc cấp C/O nêu tại điểm 2, mục II công văn này thì thông báo cho phòng cấp C/O có liên quan biết để kiểm soát chặt chẽ việc cấp C/O.

2. Đơn vị quản lý rủi ro

a) Thu thập thông tin, rà soát hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn để chủ động xác định mặt hàng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để cung cấp cho các đơn vị nghiệp vụ tại đơn vị tiến hành kiểm tra trong thông quan, sau thông quan và kiểm soát chống buôn lậu;

b) Đề xuất thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin và tiếp nhận thông tin do các đơn vị hải quan cung cấp.

3. Đơn vị kiểm tra sau thông quan

a) Thu thập, phân tích, xử lý thông tin đối với mặt hàng, doanh nghiệp có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển tải bất hợp pháp;

b) Xác định đối tượng có rủi ro cao có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để xây dựng kế hoạch kiểm tra theo hướng dẫn tại điểm 2.1, 2.2 mục IV công văn này và các trường hợp do Chi cục Hải quan làm thủ tục đề nghị. Ngoài kiểm tra các nội dung theo hướng dẫn tại điểm 1 mục III công văn này còn thực hiện kiểm tra theo các nội dung hướng dẫn tại điểm 2.4, điểm 2.5, điểm 2.6 mục IV công văn này.

4. Đơn vị kiểm soát hải quan

a) Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tổ chức nắm tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm đối với hàng hóa, doanh nghiệp, địa bàn có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan;

b) Tiến hành thu thập, phân tích và xử lý các thông tin nghiệp vụ hải quan có liên quan đến hoạt động gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp;

c) Tiến hành các biện pháp tuần tra hoặc biện pháp nghiệp vụ khác nhằm ngăn ngừa, phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp theo kế hoạch;

d) Phối hợp với các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp hàng hóa qua biên giới;

đ) Thực hiện điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định đối với các trường hợp do Chi cục Hải quan làm thủ tục đề nghị.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Cục CNTT)

a) Thực hiện kết xuất dữ liệu theo các tiêu chí: Mã số doanh nghiệp, tên doanh nghiệp; số, ngày tờ khai, mã loại hình, nhóm hàng, mã số HS (cấp độ 6 số), đơn vị tính, lượng, trị giá, xuất xứ, kim ngạch xuất khẩu/nhập khẩu, nước nhập khẩu/xuất khẩu, cửa khẩu nhập/xuất, Chi cục Hải quan làm thủ tục từ các nguồn thông tin sau:

a.1) Danh sách mặt hàng, doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến (tốc độ tăng trưởng 15%) trong 06 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2017, 2018; giai đoạn tiếp theo định kỳ 30/9 hàng năm chủ động thực hiện kết xuất dữ liệu theo các tiêu chí dẫn trên;

a.2) Danh sách mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp do Cục Giám sát quản lý về Hải quan cung cấp;

b) Chuyển số liệu đã kết xuất cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan;

c) Nghiên cứu xây dựng chức năng kết nối tờ khai hải quan nhập khẩu với tờ khai hải quan xuất khẩu đối với lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu để hỗ trợ xác định lô hàng có nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và hệ thống phần mềm hỗ trợ cập nhật các thông tin liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp;

d) Làm việc với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam để kết nối hệ thống trao đổi dữ liệu về cấp C/O qua cổng thông tin một cửa quốc gia.

2. Cục Kiểm tra sau thông quan

2.1. Xác định đối tượng kiểm tra sau thông quan

a) Trên cơ sở số liệu do Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Cục CNTT), Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục Điều tra chống buôn lậu cung cấp, Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện phân tích số liệu, xác định mặt hàng, doanh nghiệp trọng điểm, có rủi ro cao cần kiểm tra, xác định xuất xứ để ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp theo các tiêu chí sau:

a.1) Doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn đồng thời có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng đột biến so với cùng kỳ;

a.2) Doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn tăng bất thường;

a.3) Năng lực, quy mô sản xuất hàng hóa xuất khẩu không phù hợp với số lượng hàng hóa nhập khẩu; tần suất nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa gia tăng đột biến trong một thời gian nhất định;

a.4) Nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng trùng với mặt hàng các thị trường lớn đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các nước.

b) Sau khi xác định được đối tượng kiểm tra, trường hợp cần thiết, tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các Hiệp hội ngành hàng thông tin về doanh nghiệp, mặt hàng để có đủ cơ sở tiến hành kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan.

2.2. Lập kế hoạch kiểm tra

a) Đối với doanh nghiệp cần thực hiện kiểm tra ngay:

a.1) Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng tăng đột biến từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời xuất khẩu mặt hàng tăng đột biến sang các thị trường lớn;

a.2) Doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa mà các thị trường lớn đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các nước.

b) Đối với doanh nghiệp cần thu thập, củng cố thông tin: tiếp tục phân tích, sàng lọc đối tượng để xác định dấu hiệu nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

c) Đề xuất Tổng cục Hải quan phân công nhiệm vụ cho các Cục Hải quan địa phương tiến hành kiểm tra sau thông quan theo các chuyên đề do Tổng cục Hải quan chỉ đạo.

d) Đối với doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu cần thực hiện chuyển luồng để kiểm tra, giám sát, kiểm soát trong quá trình thông quan: đề xuất Lãnh đạo Tổng cục chuyển Cục Quản lý rủi ro để thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra.

đ) Đối với doanh nghiệp, mặt hàng cần thực hiện điều tra, xác minh, xử lý vi phạm: Đề xuất Lãnh đạo Tổng cục chuyển Cục Điều tra chống buôn lậu để thực hiện.

e) Đề xuất Tổng cục phân công giao nhiệm vụ cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra sau thông quan theo các chuyên đề do Tổng cục Hải quan chỉ đạo.

2.3. Thành phần đoàn kiểm tra: Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan và các đơn vị liên quan.

2.4. Nội dung kiểm tra

Ngoài việc thực hiện kiểm tra các nội dung theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC , Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC , Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quy trình kiểm tra xuất xứ và quy trình kiểm tra sau thông quan hiện hành, đoàn kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra sau:

a) Kiểm tra, đối chiếu chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan:

a.1) Kiểm tra nội dung khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu, xuất khẩu với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để xác định việc khai đầy đủ, hợp lệ thông tin về hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, trong đó chú trọng kiểm tra tên hàng, mã loại hình, mã số HS của hàng hóa; kiểm tra, đối chiếu mã loại hình, tên hàng, mã số HS của hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu để xác định sự phù hợp, thống nhất;

a.2) Kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt có đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định (nếu có);

a.3) Kiểm tra bảng kê chi phí lượng nguyên vật liệu đầu vào; trị giá sản phẩm đầu ra;

a.4) Kiểm tra hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng gia công (nếu là gia công cho thương nhân nước ngoài) hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, vật tư trong nước (nếu mua trong nước);

a.5) Kiểm tra giấy phép xuất khẩu (nếu có);

a.6) Kiểm tra lượng hàng tồn kho, hóa đơn mua hàng nội địa, các hợp đồng xuất khẩu, báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư;

a.7) Kiểm tra số lượng tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu; số lượng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu; tần suất nhập khẩu, xuất khẩu; thời gian sản xuất giữa các đơn hàng xuất khẩu;

a.8) Kiểm tra bảng trả lương, hóa đơn tiêu thụ điện, nước;

a.9) Trường hợp cần thiết, phải kiểm tra để xác định doanh nghiệp có thực hiện việc đóng bảo hiểm cho cán bộ, công nhân viên thì thực hiện xác minh tại cơ quan bảo hiểm;

a.10) Kiểm tra hệ thống sổ, chứng từ kế toán.

b) Kiểm tra quy trình sản xuất:

b.1) Đề nghị doanh nghiệp xuất trình quy trình sản xuất, mô tả hoạt động để sản xuất sản phẩm;

b.2) Kiểm tra thực tế dây chuyền sản xuất: số lượng dây chuyền sản xuất; số lượng, công suất máy móc, thiết bị; số lượng nguyên liệu, vật tư đưa vào dây chuyền sản xuất thông qua phiếu xuất kho, số lượng nhân công;

b.3) Kiểm tra cách thức xây dựng định mức thực tế dùng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu (ví dụ nếu định mức thực tế dùng để sản xuất sản phẩm xây dựng là 1-1 thì có thể nhận định sản phẩm xuất khẩu chỉ thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản);

b.4) Kiểm tra kho chứa nguyên liệu, vật tư, thành phẩm, phế liệu, phế phẩm;

b.5) Kiểm tra các công đoạn sản xuất đảm bảo tạo ra giá trị gia tăng của hàng hóa;

c) Kiểm tra hàng hóa xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/4/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa, cụ thể như sau:

c.1) Trường hợp kê khai hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ thuần túy (WO):

c.1.1) Kiểm tra, xác định nơi khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, sản xuất;

c.1.2) Trường hợp mua nguyên vật liệu trong nước có hóa đơn giá trị gia tăng: kiểm tra hóa đơn giá trị gia tăng, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép kinh doanh của nhà sản xuất/nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước; bản khai báo của nhà sản xuất/nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước;

c1.3) Trường hợp mua nguyên vật liệu trong nước không có hóa đơn giá trị gia tăng: kiểm tra giấy xác nhận của người bán nguyên vật liệu về vùng nuôi trồng, khai thác, số lượng và giá bán cho thương nhân (nếu có).

c.2) Trường hợp kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí sản xuất toàn bộ “PE”:

Kiểm tra bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước;

c.3) Trường hợp kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị (LVC, RVC):

Kiểm tra hóa đơn đầu vào của nguyên vật liệu không có xuất xứ và có xuất xứ/không xác định được xuất xứ (giá CIF hoặc hóa đơn mua bán nội địa);

Kiểm tra các chi phí sản xuất (chi phí cố định, chi phí nhân công, chi phí nhà xưởng, chi phí thường xuyên của doanh nghiệp, lợi nhuận...), trị giá hàng hóa (giá FOB, đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ là giá tương đương), nguyên tắc kế toán doanh nghiệp sử dụng và công thức tính trị giá hàm lượng khu vực để xác định tỉ lệ mà doanh nghiệp khai chính xác hay không chính xác.

Kiểm tra bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước;

c.4) Trường hợp kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CC, CTH, CTSH):

Kiểm tra xuất xứ và mã số HS của nguyên vật liệu đầu vào; kiểm tra, xác định mã số HS của thành phẩm đầu ra để so sánh, đối chiếu, xác định xuất xứ hàng hóa;

d) Kiểm tra điều kiện vận tải trực tiếp:

Kiểm tra thông tin về hành trình của lô hàng ghi trên C/O, vận đơn và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để xác định hàng hóa nhập khẩu đáp ứng điều kiện vận tải trực tiếp theo quy định tại Thông tư/Quyết định của Bộ Công Thương hướng dẫn các Hiệp định thương mại tự do và Điều 18 Thông tư số 38/2018/TT-BTC. Trường hợp hàng hóa quá cảnh qua một nước/lãnh thổ thứ ba không phải là thành viên Hiệp định (riêng đối với C/O mẫu AK kể cả trường hợp quá cảnh qua một nước là thành viên), công chức hải quan yêu cầu người khai hải quan nộp một trong các chứng từ chứng minh hàng hóa được giữ nguyên trạng theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư số 38/2018/TT-BTC.

2.5. Kết luận kiểm tra

a) Trường hợp đủ cơ sở xác định doanh nghiệp có hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp: Đoàn kiểm tra căn cứ các phương thức, thủ đoạn gian lận nêu tại mục II công văn này để kết luận hành vi vi phạm;

b) Trường hợp chưa đủ cơ sở để kết luận hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp: Tiếp tục thu thập thông tin, lập cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu để có biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp hoặc chỉ đạo cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với các lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu của doanh nghiệp. Trường hợp qua thu thập thông tin, theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, xác định doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận xuất xứ thì lập kế hoạch kiểm tra, xác định xuất xứ tại trụ sở người khai hải quan vào năm tiếp theo.

2.6. Xử lý kết quả kiểm tra

a) Kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính (nếu có);

b) Yêu cầu khai đúng xuất xứ hàng hóa;

c) Đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì thực hiện xử lý theo quy định về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

d) Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng tiếp theo và thực hiện các biện pháp chống chuyển tải bất hợp pháp theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP;

đ) Thông báo cho Bộ Công Thương biết về hành vi gian lận của doanh nghiệp để phối hợp, đề xuất biện pháp xử lý (nếu có);

e) Chuyển cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý về tội gian lận, trốn thuế (nếu có).

2.7. Giao Cục Kiểm tra sau thông quan: Phát hiện, xử lý 05 vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ trong năm 2019.

3. Cục Điều tra chống buôn lậu

a) Thu thập thông tin trong và ngoài nước đối với doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Chuyển thông tin doanh nghiệp, mặt hàng có dấu hiệu rủi ro cao cho Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục Giám sát quản lý về Hải quan và Cục Hải quan các tỉnh và thành phố để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan;

b) Triển khai công tác điều tra, xác minh, xử lý đối với doanh nghiệp được xác định nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp do các đơn vị nghiệp vụ chuyển đến (nếu có);

c) Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức điều tra, xác minh, thu thập thông tin làm rõ các dấu hiệu nghi vấn đối với các vụ việc phức tạp;

d) Báo cáo Tổng cục Hải quan kết quả điều tra, xác minh, xử lý vụ việc; sau khi có ý kiến phê duyệt của lãnh đạo Tổng cục, chuyển kết quả điều tra, xác minh, xử lý cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm tra sau thông quan biết.

đ) Giao Cục Điều tra chống buôn lậu điều tra, xác minh, xử lý 05 vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ trong năm 2019.

4. Cục Quản lý rủi ro

a) Tiếp nhận và phân tích số liệu do Cục CNTT cung cấp để xác định danh sách mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao có kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng đột biến (tăng trung bình từ 15% so với quý trước hoặc tăng trung bình 20% so với mức trung bình năm trước); lập danh sách doanh nghiệp, mặt hàng xuất nhập khẩu có rủi ro cao trình Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt trước khi chuyển Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan;

b) Tiếp nhận thông tin từ các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục; chủ động thu thập, phân tích thông tin, đề xuất thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra, cảnh báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, mặt hàng có rủi ro cao khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Phân tích, xác định trọng điểm và lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao để kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan.

d) Giao Cục Quản lý rủi ro đề xuất kiểm tra 10 doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ trong năm 2019.

5. Vụ Thanh tra-Kiểm tra

a) Thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất quá trình giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm của cán bộ, công chức hải quan thừa hành;

b) Báo cáo Tổng cục Hải quan kết quả thanh tra; sau khi có ý kiến phê duyệt của Lãnh đạo Tổng cục, chuyển kết quả thanh tra cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu biết.

6. Cục Thuế xuất nhập khẩu

a) Thực hiện rà soát, xác định và chuyển đổi mã số HS đối với danh mục các mặt hàng do các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có mã số HS không tương thích với mã số HS của Việt Nam và chuyển số liệu cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan;

b) Cung cấp thông tin tên doanh nghiệp, mặt hàng, mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có gian lận về mã số HS (nếu có) cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra thông quan biết.

7. Vụ Hợp tác quốc tế

a) Đầu mối trao đổi với cơ quan, tổ chức nước ngoài để nắm bắt thông tin về các vấn đề liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để kịp thời cung cấp thông tin cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan;

b) Đầu mối phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan để trao đổi với cơ quan, tổ chức nước ngoài các nội dung liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp khi có chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục;

c) Thu thập, biên tập tài liệu về chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp của các nước làm tài liệu tham khảo trong ngành.

8. Cục Giám sát quản lý về Hải quan

a) Thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp trên cơ sở các nguồn thông tin như sau:

a.1) Danh sách mặt hàng đang bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trường hợp mã số HS không tương thích với mã số HS của Việt Nam, lập danh sách chuyển Cục Thuế xuất nhập khẩu để rà soát, xác định và chuyển đổi mã số HS phù hợp;

a.2) Danh sách mặt hàng có rủi ro cao lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và danh sách các ngành sản xuất dư thừa công suất do Bộ Công Thương cung cấp;

b) Định kỳ hàng quý chậm nhất ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo, từ danh sách mặt hàng nêu tại điểm a.1, a.2 dẫn trên, lập danh sách mặt hàng có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, chuyển Cục CNTT thực hiện kết xuất số liệu;

c) Tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thu thập thông tin, điều tra, xác minh, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp, mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu có dấu hiệu rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

d) Phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan;

đ) Đầu mối phối hợp với Bộ Công Thương, VCCI, các cơ quan hữu quan liên quan để thường xuyên cập nhật danh sách mặt hàng bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; danh sách doanh nghiệp được cấp C/O xuất khẩu vào các thị trường lớn nhưng hàng hóa thuộc nhóm mặt hàng bị các nước này áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; thu thập thông tin, xác minh làm rõ xuất xứ hàng hóa và đề xuất biện pháp xử lý khi xác định doanh nghiệp có hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp;

e) Tham vấn các Hiệp hội ngành hàng về danh sách doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp;

g) Nghiên cứu xây dựng yêu cầu bài toán kết nối tờ khai hải quan nhập khẩu với tờ khai hải quan xuất khẩu để hỗ trợ xác định lô hàng có cơ sở nghi ngờ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; xây dựng tiêu chí, thông tin liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp chuyển Cục CNTT nghiên cứu, xây dựng hệ thống;

h) Định kỳ hàng quý, chậm nhất là ngày 15 của quý tiếp theo thực hiện báo cáo, đánh giá công tác kiểm tra chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp và đề xuất Lãnh đạo Tổng cục biện pháp xử lý.

9. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

a) Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập kế hoạch, phân công, tổ chức thực hiện, báo cáo đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo tại công văn này gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) trước ngày 30/9/2019;

b) Từ nay đến hết năm 2019, rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích quyết định kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm và gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) trước ngày 31/12/2019 để có chỉ đạo;

c) Thực hiện kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan đối với doanh nghiệp xác định có dấu hiệu rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc do Tổng cục Hải quan chỉ đạo thực hiện;

d) Phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa bàn quản lý xác định mặt hàng, doanh nghiệp trọng điểm có dấu hiệu rủi ro cao, gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp như các doanh nghiệp mới hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng có nguồn gốc từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn; doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm về hành vi khai sai số lượng, tên hàng, mã số, HS, trị giá, xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu...;

đ) Chủ động phối hợp, cung cấp thông tin về dấu hiệu nghi ngờ gian lận xuất xứ đối với các lô hàng xuất khẩu cho Phòng cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ tại địa bàn hoạt động để cơ quan này lưu ý kiểm tra khi thực hiện cấp C/O hoặc không thực hiện/dừng cấp C/O đối với các lô hàng có vi phạm;

e) Định kỳ hàng quý, chậm nhất là ngày 15 của tháng đầu quý tiếp theo thực hiện báo cáo, đề xuất gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) các nội dung: Đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trọng điểm đã xác định được hoặc đã tiến hành kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan gồm các thông tin: tên doanh nghiệp, tên hàng, số lượng tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu; dấu hiệu vi phạm/hành vi vi phạm đã phát hiện, kết quả xử lý; biện pháp theo dõi tiếp theo.

g) Giao Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phát hiện, kiểm tra, xử lý vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ trong năm 2019 như sau:

- Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh: 05 vụ việc;

- Cục Hải quan TP.Hà Nội: 05 vụ việc;

- Cục Hải quan TP.Hải Phòng: 05 vụ việc.

- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố còn lại trên cơ sở tình hình quản lý thực tế tại địa bàn, đăng ký kế hoạch kiểm tra và số lượng vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ cụ thể với Tổng cục Hải quan để có chỉ đạo thực hiện.

Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tại điểm 9.g dẫn trên về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) trước ngày 15/01/2020.

Nhận được văn bản này, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, các đơn vị báo cáo, đề xuất gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) để có chỉ đạo và điều chỉnh phù hợp./.


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Vũ Thị Mai (để báo cáo);
- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);
- Văn phòng Ban chỉ đạo 389 (để phối hợp);
- Các Bộ: Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ (để phối hợp);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (để phối hợp);
- Lãnh đạo Tổng cục (để chỉ đạo);
- Các đơn vị: GSQL, TXNK, ĐTCBL, QLRR,
CNTT, KTSTQ, Thanh tra- Kiểm tra, Pháp chế, Văn phòng TC, HTQT (để phối hợp thực hiện);
- Lưu: VT, GSQL (Như Hà, 03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

MINISTRY OF FINANCE
GENERAL DEPARTMENT OF CUSTOMS
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 5189/TCHQ-GSQL

Re. inspection and determination of origin of goods; prevention and control of fraud and counterfeiting of goods origin, labeling, infringement on intellectual property rights and illegal transshipment.

Hanoi, August 13, 2019

 

To: Customs Departments of cities and provinces.

In the course of monitoring, administration, oversight, control, post-clearance inspection and assessment pertaining to origin and labeling of goods and goods demanding protection of intellectual property rights, the General Department of Customs has discovered several acts of fraud and counterfeiting of origin of goods, illegal labeling of goods, infringement upon intellectual property rights and illegal transshipment of exported and imported goods.  In addition, countries in the region and around the world have made major changes in trade policies aimed at trade protectionism, such as tax increase, application of technical barriers to protect domestic production; especially, the US - China trade war has a great impact on Vietnam's economy. It is forecasted that goods coming from countries imposing high tariff rates are more likely to find ways to be illegally transshipped into Vietnam and to pirate Vietnamese origin and then being exported to major markets to evade safeguard measures. These acts result in risks to Vietnam's exports when they are investigated by countries, subject to anti-dumping, safeguard and countervailing duties, harming Vietnamese manufacturers and losing their reputation in international markets or restricting exports to these markets. Several goods have already been affected by safeguard measures, including cold rolled steel coil, stainless steel coil, galvanized steel, aluminum extrusion, coated steel, etc.

With the aim of following direction from the Ministry of Finance, enhancing customs inspection and supervision, actively discover, prevent and handle fraudulent and counterfeiting acts on origin of goods, labeling of goods, infringement on intellectual property rights and illegal transshipment; raising awareness and capability of complying with laws on trade remedies, rules of origin and labeling of goods, protecting intellectual property rights, improving compliance with laws of importing and exporting enterprises, the General Department of Customs hereby requests its affiliates and subsidiaries, and Customs Departments of cities and provinces, to follow the following instructions:

I. Legal bases for inspection and verification of origin of goods, labeling of goods, protection of intellectual property rights and illegal transshipment of goods

Customs authorities shall check and determine the origin of goods in order to apply special preferential tariff rates in strict compliance with international commitments on preferential tariffs, take control of goods labeling and protection of intellectual property rights for imports and exports; prevent fraudulent and counterfeiting acts on goods origin, labeling of goods in contravention of regulations, illegal transshipment during the process of implementation of customs procedures and after post-clearance inspection and assessment according to the following legislative instruments:

1. Goods origin

a) Clause 1 and clause 2 of Article 27 in the Law on Customs dated June 23, 2014, regulating customs authority’s powers over inspection and determination of origin of imported and exported goods;

b) Clause 2 of Article 35 in the Law on Foreign Trade Management dated June 12, 2017, regulating that the Ministry of Finance shall direct the customs authority to verify origins of imports and exports when going through the customs procedures in accordance with regulations of law on customs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Article 32 in the Government’s Decree No. 31/2018/ND-CP dated March 8, 2018 elaborating on the Law on Foreign Trade Management regarding origin of goods that regulated powers of the Ministry of Finance over inspection and verification of origin of goods of importing and exporting traders during the process of implementation of customs procedures, delivery of information for verification with issuing agencies, establishment of inspection delegations working abroad, formulation of legislative instruments, implementation of rules, design of communication networks, reporting regimes, development and management of database systems supporting and providing advantage to entities tasked with inspecting origin of exported and imported goods;

dd) Circular No. 38/2015/TT-BTC dated March 25, 2015 of the Minister of Finance on customs procedures; customs inspection and supervision; export and import tariff and management of import and export duties (which are amended and supplemented in the Circular No. 39/2018/TT-BTC dated April 20, 2018);

e) Circular No. 38/2018/TT-BTC dated April 20, 2018 of the Minister of Finance regulating determination of origin of exports and imports, authority over determination of origin of exports and imports granted to customs authorities and other relevant documents;

g) Documents locally legalizing rules of origin according to international treaties of which the Socialist Republic of Vietnam is a member state.

2. Labeling of goods and protection of intellectual property rights

a) Law on Customs dated June 23, 2014 (Article 73 through Article 76);

b) Law on Intellectual Property Rights dated June 29, 2009;

c) Government's Decree No. 105/2006/ND-CP dated September 22, 2006 elaborating and providing guidance on implementation of certain Articles of the Law on Intellectual Property Rights; the Government's Decree No. 119/2010/ND-CP dated December 30, 2010 on amendments and supplements to Decree No.105/2006/ND-CP;

d) Government’s Decree No. 43/2017/ND-CP dated April 14, 2017, regulating product labels;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Penalties for administrative violations

a) Law on Intellectual Property Rights dated June 29, 2009;

b) Law on Penalties for Administrative Violations dated June 20, 2012;

c) Government’s Decree No. 185/2013/ND-CP dated November 15, 2013, regulating penalties for administrative violations arising from trades, production and sale of counterfeit goods, prohibited goods and protection of customer’s interests;

d) Government’s Decree No. 99/2013/ND-CP dated March 29, 2013, regulating administrative penalties for violations arising in the intellectual property sector;

dd) Government’s Decree No. 131/2013/ND-CP dated October 16, 2013 on administrative penalties for violations arising from copyrights and associated rights;

e) Government’s Decree No. 127/2013/ND-CP dated October 15, 2013, regulating administrative penalties for violations and enforcement of administrative decisions in the customs sector; Government’s Decree No. 45/2016/ND-CP dated May 26, 2016 on amendments and supplements to the Decree No. 127/2013/ND-CP;

g) Government’s Decree No. 119/2017/ND-CP dated November 1, 2017 on penalties for administrative violations arising in the product and commodity standard, measurement and quality sector.

II. Fraudulent and counterfeiting schemes and practices of origin of goods, illegal labeling of goods, infringement on intellectual property rights and illegal transshipment of goods

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Goods produced abroad upon arrival in Vietnam have already shown such tags as "Made in Vietnam", "Manufactured in Vietnam or "Product of Vietnamese origin", etc., or information about trademarks, main office addresses, websites and warranty service centers in Vietnam on products and/or product packages or warranty forms for domestic consumption or exporting purposes;

b) Goods that are imported from foreign countries, identified by product labels or indicated as being produced abroad or do not show countries of origin on their labels are re-labeled to say “Made in Vietnam” or “Manufactured in Vietnam” or “Product of Vietnamese origin”, etc. before they are freely sold and consumed on local markets;   

c) Because there is none of legislative documents under which secondary labeling at the customs clearance stage is required for import into Vietnam, identification marks, packages and names of goods without legal secondary labels can be changed for domestic consumption purposes;  

d) Goods with copyrighted brands which are forged have been imported;

dd) Customs transit has been misused for transportation of counterfeit products, goods infringing upon intellectual property rights or goods with pirated origin of Vietnam.

2. Goods origin

2.1. Goods that are imported into Vietnam to receive special preferential tariff rates under Free Trade Agreements

a) Use fakes or invalid C/Os to be submitted to meet customs requirements;

b) Provide incorrect C/O information to receive special preferential tariff rates to complete customs procedures. For example, falsifying regional value contents (RVC), Change in Tariff classification criterion (CTC),…, completing the box No. 1 (with respect to C/O Form E) with incorrect C/O holders, or giving wrong invoices at the box No. 10, etc.   

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Although Vietnamese enterprises (including FDI enterprises) import input materials, semi-finished products, knock-down kits or components for production, manufacturing and assembling of products, whether not processed, manufactured or only treated at simple processing, manufacturing or assembling stages, which fail to meet prescribed origin criteria, they write Vietnamese origin in customs declarations or on product labels, or legalize all documents submitted to apply for certificates of origin of Vietnam when exporting these products;

b) An enterprise establishes multiple companies each of which imports several knock-down kits, components or removable parts for assembling or selling products which are processed and assembled by other enterprises at the simple stages failing to meet prescribed origin criteria, but show that they are made in Vietnam or origin of Vietnam on their labels for domestic consumption, consumer fraud or deception or for export;    

d) Importing enterprises import goods showing foreign countries of origin that are transshipped via Vietnam to legalize their customs documentation or apply for certificates of origin, and then are exported to third countries;     

dd) Importing and exporting enterprises take advantage of loose regulations on grant of C/Os to legalize application packages for grant of C/Os, such as not declaring origin of products imported as input materials, falsely signing contracts to purchase domestic input materials, using VAT invoices for different customs declarations and rotating applications for grant of C/O.     

III. Inspection, supervision and control of origin, labeling of goods, intellectual property protection for imported and exported goods

Based on information about enterprises, types of exported and imported goods at high risks of fraud and counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement on intellectual property right, illegal transshipment, channeling criteria on the customs system and other information, Customs Departments of provinces and cities may direct Customs Subdepartments and their subsidiaries to take measures to inspect, supervise and control origin, labeling of goods, intellectual property protection and illegal transshipment of imports and exports according to relevant legislative documents, customs procedures for exported and imported goods annexed to the Decision No. 1966/QD-TCHQ dated July 10, 2015, procedures for inspection and determination of origin of imports and exports annexed to the Decision No. 4286/QD-TCHQ dated December 31, 2015 of the General Department of Customs. In addition, the followings must be strictly controlled:

1. Customs Subdepartment's processing of application for customs clearance

1.1. Processing of application for clearance of imported goods:

a) Registration of customs declarations for imported goods:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Inspection of customs declarations:

b.1) Checking provided information about origin of goods on import customs declarations;

- Provided information about country of origin: It is mandatory to provide information about code of country or territory where goods are manufactured or made according to the UN/LOCODE table released by the General Department of Customs;

- Provided information about goods: It is mandatory to provide full and accurate information about names, labels,  quality specifications, technical parameters, models, numbers or codes, particularities and utility of goods according to requirements specified in the Appendix II to the Circular No. 38/2015/TT-BTC (amended and supplemented in the Circular No. 39/2018/TT-BTC);

b.2) If customs declarants submit C/Os in compliance with the Circular No. 38/2018/TT-BTC, customs authorities shall carry out the following inspections:

b.2.1) Checking and comparing stamps and/or signatures affixed to C/Os with sample stamps of competent C/O-issuing entities and/or signatures of competent C/O-issuing persons which have already been informed by the General Department of Customs to Departments of Customs of cities or provinces (except C/O sent via the national single-window portal) in order to ensure provided stamps or signatures are valid; 

b.2.2) Checking the validity period of C/O;

b.2.3) Verifying information about importers: This verification is to ensure that C/Os show importer’s names and addresses which are the same as those provided in customs declarations; 

b.2.4) Checking provided information about quality specifications, technical parameters, components, models, codes and signs, particularities and utility of goods in submitted import customs declarations which are stipulated in the Appendix II to the Circular No. 38/2015/TT-BTC (amended and supplemented in the Circular No. 39/2018/TT-BTC) in order to determine whether these information are conformable to those provided in customs documentation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Cargo name and description: Name and description of goods printed in C/Os must be conformable to those provided in import customs declarations, and documents contained in customs documentation;

- Cargo quantity: Checking and verifying information about quantity of goods provided in C/Os with those provided in import customs declarations in order to determine the number of goods obtaining special preferential tariff rate:

+ If the actual quantity, tonnage or volume of imported goods is greater than the one specified in the submitted C/O, customs officers shall consider applying special preferential tariff rates based on the latter;

+ If the actual quantity, tonnage or volume of imported goods is less than the one specified in C/Os, customs officers must accept the C/O for the actual number of imported goods;  

- HS code: Checking and verifying information about HS codes specified in C/Os with those provided in customs declarations in order to determine whether declared information about HS code are relevant;

- Customs value:  Checking information about value of goods specified in C/Os with those provided in customs declarations;

If any difference between value specified in C/Os and value specified in documents included in customs documentation, such as commercial invoices, etc. arises because of the fact that goods imported into Vietnam are declared based on FOB value (however, they are declared based on CIF value on C/Os) but are declared based on CIF value upon import into Vietnam, C/O will remain valid;   

- Commercial invoices: Checking and verifying information provided on commercial invoices in order to determine their relevance to those provided in import customs declarations and documents included in customs documentation;

If commercial invoices issued by third parties are given in C/Os, customs officers must check information about invoicing numbers and date at the box No. 10; name and country of the invoicing company at the box No. 7, and marking of invoices issued by third parties in the box No. 13 of C/Os, to ensure their conformance to regulations laid down in Free Trade Agreements and other relevant legislative documents.    Name and country of the third-party invoicing company must be consistent with name and country of the exporter given in import customs declarations. 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b.2.6.1) Checking criteria for origin of goods specified in C/Os (according to criteria regarding value-added contents or criteria for conversion of HS codes or criteria for processing and manufacturing of goods or WO origin criteria, etc.) according to Circulars/Decisions promulgated by the Ministry of Industry and Trade to provide instructions on implementation of rules of origin in Free Trade Agreements and directions at the back of C/O in order to identify criteria for origin of goods;

b.2.6.2) Determining rules of origin applied to goods according to HS codes prescribed in relevant Free Trade Agreements, Decree No. 31/2018/ND-CP and Circular No. 05/2018/TT-BTC, specifically including:

- If customs declarants provide information about wholly obtained goods (WO): Customs officers must check conditions for meeting WO criteria of imported goods based on market, geographical, production procedure information, etc. in comparison with regulations laid down in Circulars/Decisions of the Ministry of Industry and Trade on WO origin in order to determine whether information about origin of goods that customs declarants have provided conform to regulations, and will not be required to consider origin criteria specified in the PSR list or common criteria (if any);    

- If customs declarants state that goods are produced entirely in the territory of a member state from materials originated from one or multiple other member states (PE):  Customs officers will not be required to take into account origin criteria specified in the PSR list or common criteria (if any);

- If customs declarants state that goods are not wholly obtained goods, origin criteria must be determined according to the following procedures:

+ If goods are in the PSR list, origin criteria must be determined according to regulations laid down in this list;

+ If goods are not in the PSR list, or Free Trade Agreements do not prescribe the PSR list, origin criteria must be determined according to common criteria.

b.2.7) Checking origin self-certification documents:

b.2.7.1) Checking forms of origin self-certification documents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- As for origin self-certification documents specified in the Circular No. 28/2015/TT-BCT dated August 20, 2015 of the Ministry of Industry and Trade, regulating trial self-certification of origin of goods according to the Asean Trade In Goods Agreement and the Circular No. 27/2017/TT-BCT dated December 6, 2017 of the Ministry of Industry and Trade amending and supplementing the Circular No. 28/2015/TT-BCT, declaration of origin of goods must be documented in commercial invoices.  Sample origin declarations shall be given in Article 7 of the Circular No. 28/2015/TT-BCT;

- Checking adequacy of information required to be shown in origin self-certification documents under the provisions of Free Trade Agreements and instructional Circulars of the Ministry of Industry and Trade.

In case of self-certification of origin under the provisions of the Circular No. 28/2015/TT-BCT and the Circular No. 27/2017/TT-BCT amending and supplementing the Circular No. 28/2015/TT-BCT, customs officers must check the following compulsory information: origin self-certification codes (codes of licensed traders), HS codes, country of origin, origin criteria and signatures of persons vested with origin self-certification authority;

b.2.7.2) Checking information provided in origin self-certification documents:

- Checking and verifying trade name, address, trader’s origin self-certification code; goods name, HS code of goods, signature and validity period of origin self-certification license specified in origin self-certification documents with the list of traders informed by the General Department of Customs;

- Checking origin certificates and other information: The inspection form shall be similar to the one specified in instructions given in b.2.6, point 1.1, section III herein;

- If customs declarants submit digital C/Os to make up for the one not yet submitted before, customs officers must check digital C/Os under the instructions given in b.2.2 through b.2.6, b.2.8 of paragraph 1.1 of section III herein;  

b.2.8) Checking information about the journey of the shipment specified in C/Os, bills of lading and other documents (if any) in order to ensure imported goods meet direct transportation requirements prescribed in Circulars/Decisions of the Ministry of Industry and Trade, providing instructions about Free Trade Agreements and Article 18 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC.

If goods are in transit through a third-party country/territory which is not a member state of a Free Trade Agreement (with respect to AK-formatted C/O, through a member state), customs officers shall requests customs declarants to submit one of the documents evidencing that goods are kept intact in accordance with regulations laid down in clause 3 of Article 18 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If there is any suspicion that imported goods infringe upon intellectual property rights, customs officers can move on to customs procedures specified in Circular No. 13/2015/TT-BTC;

c) In case of physical verification of goods:

c.1) Checking and verifying information about origin and labeling with information about origin or labeling of goods provided in import customs declarations, documents included in customs documentation, and results of inspection of customs documentation (if any);

c.2) Checking codes and bar codes of imported goods for the purposes of determining of country of origin;

c.3) Checking whether there is labels attached to goods or packages. If goods are label-free (except goods specified in clause 2 of Article 1 in the Decree No. 43/2017/ND-CP), customs officers may take actions stipulated in d.2.4 of point 1.1 of section III herein. If goods are labeled, labels must show full information required in the Decree No. 43/2017/ND-CP, specifically including:

c.3.1) Label must be displayed on goods, commercial packages of goods, must be placed in visible, conspicuous positions and must fully show required information without needing to remove other details or parts of goods; 

c.3.2) Compulsory information must be displayed on goods label:

- Cargo name;

- Name and address of entity or person responsible for such goods;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Other information required to be provided depending on characteristics of goods specified in Appendix I to the Decree No. 43/2017/ND-CP and other relevant legislative documents;

c.3.3) As for several headings of imported goods directly affecting consumer's health, in addition to checking of information required to be shown in labels in accordance with regulations, primary labels must fully show the following required information:

c.3.3.1) In case of imported goods, including pharmaceutical products, medicinal ingredients, checking information shown in labels and instruction leaflets shall be subject to Circular No. 01/2018/TT-BYT dated January 18, 2018 of the Ministry of Health:

- Instruction leaflets are considered an integral part of label of a pharmaceutical product and are contained in external packages of that pharmaceutical product. If a pharmaceutical product does not have an external package, an instruction leaflet must be printed or mounted onto the package in direct contact with that medicinal product;

- Sizes of labels, texts and number shown on labels, color of texts, signs and images displayed on labels, languages and instruction leaflets shall be subject to Article 5 (except as provided in point b of clause 2 of Article 5) and Article 6 in the Circular No. 01/2018/TT-BYT mentioned above;

- Information required to be shown on labels of medicinal products, ingredients and instruction leaflets must be printed in Vietnamese, except those information that may be written in other languages derived from Latin characters in accordance with clause 4 of Article 7 in the Decree No. 43/2017/ND-CP; 

- The primary label must display the following required information in full:

+ Name;

+ Quantitative composition, content, concentration or amount of drug substances or herbal ingredients in pharmaceutical formulation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Manufacturing date;

+ Expiration/ best before date;

+ Dosage form, except medicinal ingredients;

+ Packing size, quality standards;

+ Indications for use, use instructions and contraindications;

+ Drug use signs and warnings during use of pharmaceutical products;

+ Name and address of pharmaceutical manufacturer;

+ Origin of pharmaceutical product.

If ingredient is drug substance, herbal ingredient or semi-finished pharmaceutical product containing drug substance or herbal ingredient in the List of narcotic, psychotropic drug substances, precursor drugs, toxic drug materials, toxic herbal ingredients, radioactive drug materials, other than those information subject to inspection as mentioned above, respective text lines must be shown on labels attached to external packages as follows:  “Narcotic drug ingredients”, “psychotropic drug ingredients”, precursor drugs”, toxic ingredients", "toxic herbal ingredients", and "radioactive ingredients" must be printed in bold and framed on the main side of label where ingredient name is printed;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

++ Minimum remaining days to the expiration date of pharmaceutical drugs, herbal drugs, traditional drugs, medicinal ingredients other than drugs or drug ingredients specified in Clause 3 of Article 90 in the Decree No. 54/2017/ND-CP which is determined on the date of customs clearance must be:

+++ 18 month if the official shelf life is longer than 24 months;

+++ 1/2 of the official shelf life if it is equal to or less than 24 months;

++ The minimum days to the expiration date of imported vaccines and biologicals other than those specified in Clause 3 of this Article when customs clearance is granted is 1/2 of the official shelf life;

++ Imported drugs/medicinal ingredients specified in Articles 67, 73, 74, 75, 82, 83, 84, 85, 86 and Clause 1b Article 68 in the Decree No. 54/2017/ND-CP must be unexpired when customs clearance is granted;

++ The Minister of Health shall consider permitting import of drugs/medicinal ingredients whose the remaining days to the expiration date are shorter than those specified in Clause 1 or Clause 2 of Article 90 in the Decree No. 54/2017/ND-CP but they are essential for prevention and treatment of diseases.

c.3.3.2) If imported goods are cereal products:

Customs officers must check that primary labels must fully show information required in Appendix I to the Decree No. 43/2017/ND-CP as follows:

- Quantity;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Expiry date;

- Caution (if any).

c.3.3.3) If imported goods are food products:

Customs officers must check that primary labels must fully show information required in Appendix I to the Decree No. 43/2017/ND-CP as follows:

- Quantity;

- Manufacturing date:

- Expiry date;

- Ingredients or quantitative ingredients;

- Information and warning;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c.3.3.4) If imported goods are food materials:

Customs officers must check that primary labels must fully show information required in Appendix I to the Decree No. 43/2017/ND-CP as follows:

- Name of food material;

- Quantity;

- Manufacturing date:

- Expiry date;

- Use and storage instructions.

c.3.3.5) If imported goods are cigarettes, customs officers must check that labeling of these products must be subject to the Joint Circular No. 05/2013/TTLT-BYT-BCT dated February 8, 2013 of the Ministry of Health in collaboration with the Ministry of Industry and Trade, providing instructions about labeling and printing out of health warnings on cigarette packs.

Checking that the primary label must display the following required information in full:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Manufacturing date:

- Caution;

- Expiration date;

- Code and barcode.

Notes:  One of six health warning messages prescribed in Appendix to the Joint Circular No. 05/2013/TTLT-BYT-BCT mentioned above must be displayed on cigarette packs.

c.3.3.6) If imported goods are medical equipment:

Customs officers must check that primary labels must fully show information required in Appendix I to the Decree No. 43/2017/ND-CP as follows:

- Number of marketing authorization or import permit;

- Lot or serial number;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Information about warning, use instructions, storage instructions and warranty service providers may be shown directly on labels of medical equipment or must be referred to labels of medical equipment for more details.

c.3.3.7) If imported goods are cosmetic products:

Customs officers must check that primary labels must fully show information required in Appendix I to the Decree No. 43/2017/ND-CP as follows:

- Quantity;

- Ingredients or quantitative ingredients;

- Lot number;

- Manufacturing date or expiry date/self life;

- With respect to products of which stability period is less than 30 months, expiry date is required;

- Use instructions, except as presentation forms clearly explain how to use these products;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c.3.3.8) If imported goods are alcohol:

Customs officers must check that primary labels must fully show information required in Appendix I to the Decree No. 43/2017/ND-CP as follows:

- Quantity;

- Ethanol content;

- Expiration date (if any);

- Storage instructions (required for wine);

- Caution (if any);

- Batch identification code (if any).

c.3.3.9) If imported goods are drinks (except alcohol):

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Quantity;

- Manufacturing date:

- Expiry date;

- Ingredients or quantitative ingredients;

- Caution;

- Use instructions and storage instructions.

c.4) Checking information about intellectual property rights displayed on imported goods and comparing such information with data on customs systems in order to identify any act of infringement upon intellectual property rights;

c.5) Checking and defining whether goods are complete products or removables of complete products which are declared as input materials or knock-down kits;

d) Handling of customs inspection results:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If results of inspection of customs documentation have not yet formed sound grounds for determining origin of goods, any suspicious act of fraud or counterfeiting of goods origin or any act of violation against labeling, violation against intellectual property rights, customs officers must send a report to leaders of Customs Sub-departments to advise them to approve channeling changes for physical inspection; 

- In case of discovery of any suspicious act of use of fake or invalid C/Os, customs officers can make referrals to smuggling control forces of their customer authorities in order to request them to conduct investigation, verification and clarification of any sign of violation and take permissible actions; 

- With respect to imported shipments with submitted C/Os, if it is determined that provided information do not conform to origin criteria with the aim of receiving special preferential tariff rates after inspection of customs documentation or physical verification of goods (where available), such C/Os must be rejected in accordance with regulations in force;

d.2) In case of physical verification of goods

d.2.1) After physical verification of HS codes of imported goods for processing and manufacturing of products for export, if it is discovered that these imported goods are complete products or removable forms of complete products, but are defined as goods classified by HS codes of input materials and knock-down kits, customs officers must request importing enterprises to provide correct HS codes in accordance with regulations in force; or if there is any doubt that importing enterprises import these imported goods in multiple times, multiple shipments of components, knock-down kits only for the purposes of the simple processing or assembly which does not meet rules of origin for export, customs officers can make referrals to post-clearance agencies to schedule inspections at customs declarant's workplaces;

d.2.2) If it is discovered that goods in transit may be counterfeit goods or goods infringing upon intellectual property rights or using forged origin of Vietnam, customs officers must make referrals to smuggling control forces affiliated to the Smuggling Investigation and Prevention Department, or directly to the Department (with respect to major and complicated cases), in order to carry out further verification, inspection and imposition of prescribed sanctions in accordance with regulations in force;

d.2.3) If it is discovered that any violation relates to intellectual property rights, actions or sanctions prescribed in the Decree No. 99/2013/ND-CP, the Decree No. 131/2013/ND-CP and other related instructional documents must be imposed;

d.2.4) If imported goods are not labeled in accordance with the Decree No. 43/2017/ND-CP, penalties prescribed in clause 7 of Article 14 in the Decree No. 127/2013/ND-CP (amended and supplemented in clause 11 of Article 1 in the Decree No. 45/2016/ND-CP) must be imposed and referrals must be made to Vietnam Directorate of Market Surveillance for its further inspection and oversight of secondary labeling before they obtain marketing authorization;

d.2.6) If labels of imported goods do not fully show required information prescribed in clause 1 and 2 of Article 10 in the Decree No. 43/2017/ND-CP, prescribed penalties must be imposed and referrals must be made to Vietnam Directorate of Market Surveillance for its further inspection and oversight of secondary labeling before they obtain marketing authorization;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d.2.8) If it is discovered that customs declarants deliberately ignore provision of information, or provide false information, about origin of goods with the intent of tax evasion or tax fraud to the extent that no criminal actions must be taken, sanctions or penalties must be imposed in accordance with regulations in force.

1.2. Exported goods:

a) Checking information about origin of goods or trademarks/labeling of goods by customs declarants which are provided in export customs declarations:

- Provided information about origin of goods: Checking provided information about codes of country of origin at the box of description in export customs declarations according to instructions given in Appendix II to the Circular No. 38/2015/TT-BTC (amended and supplemented in the Circular No. 39/2018/TT-BTC);

- Provided information about trademarks/labeling of goods:  Checking provided information about trademarks/labeling of goods at the box of description in export customs declarations according to instructions given in Appendix II to the Circular No. 38/2015/TT-BTC (amended and supplemented in the Circular No. 39/2018/TT-BTC) in order to ensure clear information about name of goods, quality specifications, technical parameters, signs/codes, particularities and useful functions of goods.

Customs authorities shall be allowed not to grant registration for customs declarations for exported goods if customs declarants have not declared information about origin, trademarks/labeling of goods at the box of description in export customs declarations in accordance with regulations in force.

b) In case of inspection of customs documentation:

b.1) Checking and verifying customs declarant’s provided information about name of goods, description, quantity, HS codes and origin with documents included in customs documentation in order to determine whether customs declarant’s provided information are valid, consistent and form sufficient grounds for determination of origin of goods; checking provided information about models and signs/codes of goods in export customs declarations to determine whether such information are conformable to those provided in documents included in export customs declarations;

b.2) If there is any suspicious fraud on origin with respect to goods processed or produced for export, customs officers must compare HS codes given in export customs declarations with those provided when carrying out import procedures (if possible);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) In case of physical verification of goods:

c.1) Checking and verifying name of goods, label contents with customs declarant's information provided in export customs declarations and documents included in customs documentation.

c.2) With respect to exported goods displaying text lines, including “Made in Vietnam” or “Produced in/by Vietnam or “Origin Vietnam”, etc., on their packages, if it is discovered that there is any sign of fraud or counterfeiting of origin or illegal transshipment after physical verification of these exported goods, customs declarants shall be requested to give explanations and provide evidencing documents stipulated in clause 3 of Article 8 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC, specifically comprising:

- C/O: 01 photocopy; or

- Manufacturing process: 01 photocopy; and

- Detailed list of costs of raw materials, input materials, value of output materials associated with invoices, documents evidencing sale and purchase of raw materials or input materials, which are required in case the "ad valorem” origin criterion is used: 01 photocopy; or 

- Detailed list of raw materials, input materials or output materials, which are required if the “HS code conversion” origin criterion is used: 01 photocopy;

With respect to exported goods with submitted C/Os, if such C/Os do not form a basis to identify origin of these exported goods after customs inspection, customs officers must report to and recommend leaders of Customs Sub-departments to carry out verification at offices of organizations or entities issuing these C/Os in accordance with Article 9 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC;

With respect to exported goods without C/Os, if such C/Os do not form a basis to identify origin of these exported goods after physical verification, customs officers must report to and recommend leaders of Customs Sub-departments to seek decisions on inspection at manufacturing establishments from Customs Departments of provinces or cities under Article 10 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC; 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c.3) Checking information about intellectual property rights for exported goods, comparing these information with data available on the system in order to determine whether there is any violation arising from these goods;

d) Handling of customs inspection results:

d.1) In cases where there is any suspicious sign of fraud or counterfeiting of origin, illegal transshipment after inspecting and verifying provided information about origin on export customs declarations with those information available on documents included in customs documentation, and customs declarants have provided evidencing documents specified in clause 3 of Article 8 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC which fail to prove origin of these goods, customs officers must report to and recommend leaders of Customs Sub-departments to make channeling changes for physical verification of these goods, and make referrals to smuggling control forces under the control of these customs authorities to investigate, verify and clarify any suspicious sign of violation;

d.2) In cases where there is any suspicion that exported goods are infringing upon intellectual property rights after inspecting and verifying information provided on export customs declarations with those information provided in documents included in customs documentation, customs officers shall proceed to carry out customs procedures specified in the Circular No. 13/2015/TT-BTC;

d.3) In cases where there is any suspicious sign of fraud and counterfeiting of origin, illegal transshipment of goods processed and produced for export, customs officers shall make referrals to post-clearance inspection agencies to carry out inspection at customs declarant’s offices;

d.4) If it is discovered that any violation relates to intellectual property rights, actions or sanctions prescribed in the Decree No. 99/2013/ND-CP, the Decree No. 131/2013/ND-CP and other related instructional documents must be imposed;

d.5) In cases where there is any suspicious sign related to issuance of C/Os as specified in point c of section II herein, customs officers must inform relevant C/O issuing offices to request them to take stricter measures to control issuance of C/Os. 

2. Risk management units

a) Collect information, review export businesses under their jurisdiction in order to take initiative in identifying exported and imported goods or enterprises under their jurisdiction which pose high risks related to fraud and counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment and informing them to other specialized units under the control of customs authorities so that during-clearance, post-clearance, smuggling control and prevention measures shall be carried out.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Post-clearance inspection agency:

a) Collect, analyze and process information about goods and enterprises posing risks of fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods and protection of intellectual property rights for exported and imported goods or illegal transshipment;

b) Identify posers of high risks in fraud and counterfeiting of origin, labeling of goods which is false or in breach of intellectual property rights or illegal transshipment in order to develop inspection plans according to instructions given in point 2.1 and 2.2 of section IV herein and upon requests of Customs Sub-departments.    In addition to inspecting information under instructions given in point 1 of section III herein, this agency must carry out inspection according to instructions given in point 2.4, 2.5 and 2.6 of section IV herein.

4. Customs control agency

a) Carry out specialized customs control measures; evaluate situations, develop main and key plans and proposals for goods, enterprises or localities posing risks of fraud and counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights, illegal transshipment in order to prevent and combat smuggling, trade fraud, illegal transportation of goods across borders and other acts of violation against customs laws;  

b) Collect, analyze and process customs information related to fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment;

c) Carry out patrolling or other specialized actions in order to prevent, discover and arrest smuggling, fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment according to the set schedule;

d) Collaborate with smuggling control forces within localities in order to perform duties to prevent and control smuggling, trade fraud, counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment of goods across borders;

dd) Carry out investigation, verification, clarification and impose actions or sanctions for cases requested by Customs Sub-department.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Customs Information Technology and Statistics Department:

a) Gather and input different sources of data according to criteria, including corporate code, name, number, date of customs declaration, trade type code, heading, HS code (6-digit level), unit of measurement, quantity, value, origin, export/import turnover, country of importation/exportation, entry/exit checkpoint, or Customs Sub-department in charge of carrying out customs procedures, from the following sources of information:     

a.1) List of goods or enterprises generating suddenly increased export and import turnover (at the growth rate of 15%) within the first 6 months of 2019 corresponding to the same period of 2017 and 2018; in the next period, actively gather and input data according to the aforesaid criteria on September 30 each year; 

a.2) List of goods or enterprises posing high risks in fraud or counterfeiting of origin or illegal transshipment, which is provided by the Customs Management Supervision Department;

b) Transfer collected data to the Customs Management Supervision Department, the Risk Management Department, the Post-Customs Clearance Inspection Department and the Smuggling Investigation and Prevention Department for implementation of relevant specialized measures;

c) Conduct researches into developing functions to link import customs declarations to export customs declarations with respect to processing and manufacturing of products for export in order to identify shipments suspected of fraud or counterfeiting of origin, illegal transshipment and software systems supporting updated information about fraud and counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights and illegal transshipment;

d) Cooperate with the Ministry of Industry and Trade and Vietnam Chamber of Commerce and Industry in connecting data exchange systems in terms of issuance of C/Os through the national single-window portal.

2. Post-clearance Inspection Department:

2.1. Identifying subjects of post-clearance inspections

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a.1) Enterprises abnormally increases their turnover of export to major markets and their turnover of import from countries subject to safeguard measures in comparison with the same period;

a.2) Newly-established or FDI enterprises abnormally increase their turnover of export to major markets;

a.3) Competence and production of exported products do not correspond to the quantity of imported goods; the frequency rate of import and export is suddenly increased during a specified period of time;

a.4) Imported and exported goods are the same as those of major markets applying safeguard measures against countries.

b) After defining the subjects of post-clearance inspections, where necessary, carry out consultation and collection of opinions from industry associations about enterprises or goods in order to form a basis to carry out post-clearance inspections at customs declarant’s offices.

2.2. Formulating inspection plans

a) Enterprises subject to immediate inspections:

a.1) Enterprises abnormally increases import goods from countries subject to safeguard measures, and export of goods to major markets;

a.2) Enterprises import or export goods in the list of goods from or to major markets applying safeguard measures against countries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Recommend the General Department of Customs to assign duties to local Customs Departments in order to carry out thematic post-clearance inspections at the General Department of Customs’ order.

d) With respect to import or export enterprises or imported or exported goods that need to be re-channeled for the purposes of inspection, supervision and control during the customs clearance process, the Department can recommend the leadership of the General Department of Customs to make referrals to the Risk Management Department in order to set channeling criteria for inspection purposes.

dd) With respect to enterprises or goods under investigation, verification or sanctioning process, Department may recommend the leadership of the General Department of Customs to make referrals to the Smuggling Investigation and Prevention Department to take such actions on these enterprises.

e) Recommend the General Department of Customs to assign duties to local Customs Departments of cities or provinces in order to carry out thematic post-clearance inspections at the General Department of Customs’ order.

2.3. The inspector commission shall be composed of: Customs Post-clearance Inspection Department, Customs Management Supervision Department and other related entities.

2.4. Inspection subject matters:

In addition to inspection of information referred to in Circular No. 38/2015/TT-BTC, and Circular No. 39/2018/TT-BTC amending and supplementing Circular No. 38/2015/TT-BTC, the latter has prescribed that, when determining origin of exported or imported goods, procedures for inspection of origin and procedures for post-clearance inspection currently in effect, the inspector commission shall carry out the following inspections:

a) Inspection and verification of documents included in customs documentation and other related documents:

a.1) Checking information provided on import or export customs declarations with documents included in customs documentation in order to determine whether information about imported or exported goods are sufficient and valid with particular attention paid to inspection of name of goods, business type code, HS code of goods; checking and verifying provided information about business type code, name of goods, HS code of exported goods with those about imported goods for determination of relevance and consistency;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a.3) Checking the list of costs of input materials or value of output products;

a.4) Checking sale and processing contracts (if processing services are rendered to foreign traders) or VAT invoices for sale and purchase of domestic raw materials or input materials (in case of domestic procurement);

a.5) Checking export permits (if any);

a.6) Checking inventory quantity, invoices for purchase of domestic goods, export contracts and reports on settlement of costs incurred from use of raw materials or input materials;

a.7) Checking the number of import or export customs declarations; the number of imported or exported goods; the frequency rate of import or export; interval between production of goods for export orders;

a.8) Checking payrolls, power and water consumption bills;

a.9) Where it is necessary to carry out inspection in order to determine whether enterprises pay insurance contributions to their staff, such inspection must take place at insurance agencies' office;

a.10) Checking accounting books and documents.

b) Checking manufacturing processes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b.2) Carry out physical inspection of production lines, including the number of production lines; the number and capacity of machinery or equipment; the amount of raw materials or input materials used in production lines through dispatch notes, the number of workers;

b.3) Checking methods for setting actual productivity norms of exported products (for example, if the productivity norm for a product is 1-1, this will mean that exported products are made at the simple processing or assembly stage);

b.4) Checking warehouses storing raw materials, input materials, finished products, wastes or scraps;

b.5) Checking production stages in order to ensure added value of goods;

c) Checking exported goods to determine whether they meet origin criteria according to the Circular No. 05/2018/TT-BCT dated April 3, 2018 of the Ministry of Industry and Trade, regulating origin of goods, specifically including:

c.1) In case of declaring WO exported goods:

c.1.1) Checking and defining places where exploitation, harvest, agricultural production, processing and manufacturing activities take place;

c.1.2) In case of purchase of domestic raw materials with VAT invoices, checking VAT invoices, Enterprise Registration Certificates or Business Licenses of manufacturers/suppliers of domestic raw materials; declarations prepared by manufacturers/suppliers of domestic raw materials; 

c1.3) In case of purchase of domestic raw materials without VAT invoices, checking certificates that raw material sellers hold to find information about areas where production and exploitation activities take place, quantity and prices of products sold to traders (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Checking declarations of origin submitted by manufacturers or suppliers of raw materials or input materials or goods of origin which are domestically produced;

c.3) In case of declaration of exported products meeting ad valorem rate (LVC, RVC) criteria:

Checking input invoices of raw materials with or without origin/ of unknown origin (CIF price or domestic sale invoices);

Checking whether production costs (including fixed costs, personnel costs, infrastructure costs, regular costs of enterprises, profits, etc.), goods value (including FOC price. In case of goods transported by road, equivalent prices shall be applied), applied accounting principles and formula for calculation of value of local content for calculation of rates that enterprises have declared are correct or not.

Checking declarations of origin submitted by manufacturers or suppliers of raw materials or input materials or goods of origin which are domestically produced;

c.4) In case of declaration of exported goods meeting goods code conversion (CC, CTH, CTSH) criteria:

Checking origin and HS codes of input materials; checking and identifying HS codes of finished products for comparison, checking and identification of origin of goods;

d) Checking conditions for direct transportation:

Checking information about the journey of the shipment specified in C/Os, bills of lading and other documents (if any) in order to ensure imported goods meet direct transportation requirements prescribed in Circulars/Decisions of the Ministry of Industry and Trade, providing instructions about Free Trade Agreements and Article 18 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC. If goods are in transit through a third-party country/territory which is not a member state of a Free Trade Agreement (with respect to AK-formatted C/O, through a member state), customs officers shall requests customs declarants to submit one of the documents evidencing that goods are kept intact in accordance with regulations laid down in clause 3 of Article 18 in the Circular No. 38/2018/TT-BTC.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) If there are sound and sufficient grounds for determining that enterprises commit acts of fraud or counterfeiting of origin or labeling of goods in breach of regulations, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment: The inspector commission must refer to section II about fraudulent and counterfeiting schemes and practices in order to give their conclusions on these violations;

a) If there are not enough sound and sufficient grounds for determining that enterprises commit acts of fraud or counterfeiting of origin or labeling of goods in breach of regulations, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment: Continue to collect information, set up database of import or export enterprises or imported or exported goods in order to take appropriate inspection or supervision measures, or direct relevant Customs Departments of cities and provinces to strengthen inspection, supervision or control of entry or exit shipments of import or export enterprises. In case where, after collection of information and monitoring of export and import activities of enterprises for a specified time period, the commission finds that import or export enterprises is suspicious of committing origin frauds, it must develop inspection plans to identify origin of goods at customs declarant's offices in the following years.

2.6. Handling of inspection results:

a) Request imposition of administrative penalties (if any);

b) Request correct information about origin of goods to be provided;

c) With respect to counterfeit goods or goods infringing upon intellectual property rights, impose actions or sanctions prescribed in regulations on counterfeit goods or goods infringing upon intellectual property rights;

d) Persuade competent entities and bodies not to issue C/Os for the next shipments and take measures to prevent illegal transshipment in accordance with Article 29 in the Decree No. 31/2018/ND-CP;

dd) Inform the Ministry of Industry and Trade of frauds of these enterprises to cooperate in and recommend actions or sanctions (if any);

e) Make referrals to jurisdictional entities to investigate and take legal actions against offences related to tax fraud or evasion (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Smuggling Investigation and Prevention Department:

a) Collect domestic and foreign information about enterprises, exported or imported goods suspected of fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods or illegal transshipment. Transfer information about enterprises or goods posing high risks to the Customs Post-clearance Inspection Department, the Risk Management Department, the Customs Management Supervision Department and Customs Departments of cities and provinces so that they carry out relevant specialized measures;

b) Carry out inspection, verification and imposition of actions or sanctions on enterprises found to import or export high-risk goods, or enterprises suspected of fraud or counterfeiting of origin of goods, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment after receipt of information transferred from specialized units (if any);

c) Cooperate with functional units to carry out investigation, verification and collection of information to clarify any suspicious sign with respect to complicated cases;

d) Report to the General Department of Customs on results of inspection, verification or handling of cases; after receipt of approval from the leadership of the General Department, transfer these results to the Customs Management Supervision Department, the Risk Management Department or the Customs Post-clearance Inspection Department.

dd) Assign the Smuggling Investigation and Prevention Department to investigate, verify and handle 05 cases of fraud or counterfeiting of origin of goods in 2019.

4. Risk Management Department:

a) Receive and analyze data provided by the IT Department in order to compile the list of high-risk goods or enterprises with abnormally increase import or export turnover (increased by at least 15% on average compared to the previous period or 20% compared to the previous year); compile the list of high-risk import or export enterprises or goods for submission to the leadership of the General Department to seek their consent before making referrals to the Customs Management Supervision Department, the Customs Post-clearance Inspection Department and Customs Departments of cities and provinces in order to take relevant specialized measures;

b) Receive information from specialized units affiliated to the General Department; take initiative in collecting and analyzing information and recommending formulation of criteria for channeling for inspection, and give warnings so that Customs Departments of cities and provinces carry out strict inspection and control of high-risk enterprises or goods during the process of implementation of customs procedures for exported and imported goods; 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Assign the Risk Management Department to propose inspection of 10 enterprises posing high risks in fraud or counterfeiting of origin of goods in 2019.

5. Inspection and Assessment Department

a) Carry out unscheduled inspection or assessment of processing of application for completion of customs clearance procedures, inspection of exported or imported shipments suspected of fraud or counterfeiting of origin, illegal labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment; promptly detect and correct any misconduct of authorized customs staff or officials;

b) Report to the General Department of Customs on results of assessment and verification; after receipt of approval from the leadership of the General Department, transfer these results to the Customs Management Supervision Department, the Risk Management Department, the Customs Post-clearance Inspection Department, and the Smuggling Investigation and Prevention Department, for reporting purposes.

6. Department of Import and Export Duties

a) Review, identify and convert HS codes with respect to the list of goods of countries applying safeguard measures because such HS codes are not compatible to those in Vietnam and transfer data to the Customs Management Supervision Department;

b) Provide information about names of enterprises, goods, HS codes of exported or imported goods committing fraud of HS codes (if any) to the Customs Management Supervision Department, the Risk Management Department, the Smuggling Investigation and Prevention Department or the Customs Post-clearance Inspection Department.

7. International Cooperation Department

a) Act as a main contact with foreign entities and organizations in order to grasp information about fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment in order to provide information for the Customs Management Supervision Department on time;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Collect and edit materials on prevention and control of fraud and counterfeiting of origin or illegal transshipment from foreign countries as reference sources in the customs sector.

8. Customs Management Supervision Department:

a) Collect information and set up the database regarding exported or imported goods, enterprises posing high risks of fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods, goods affected by infringement upon intellectual property rights, illegal transshipment on the basis of the following sources of information:

a.1) List of goods subject to safeguard measures imposed by different countries. If HS codes are not compatible to those of Vietnam, prepare the list for submission to the Department of Import and Export Duties for review, identification and conversion of equivalent HS codes;

a.2) List of goods posing high risks in evading safeguard measures and list of industries with abundant production output provided by the Ministry of Industry and Trade;

b) On a quarterly basis, not later than the 10th day of the month beginning the next quarter, based on the list of goods specified in point a.1 and a.2, compile the list of goods suspected of fraud or counterfeiting of origin, incorrect labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment and transfer such list to the IT Department for the purposes of gathering and inputting data;

c) Counsel and recommend the leadership of the General Department to direct Customs Departments of cities or provinces to enhance tasks of collection of information, investigation, verification, inspection and assessment of enterprises or imported or exported goods suspected of high risks in fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment;

d) Cooperate with the Customs Post-clearance Inspection Department in carrying out post-clearance inspection at customs declarant’s offices;

dd) Act as a focal point cooperating with the Ministry of Industry and Trade, VCCI and other interested entities in regularly updating the list of goods subject to different countries’ safeguard measures; the list of enterprises obtaining C/O for export to major markets whose goods are listed as those subject to safeguard measures imposed by these countries; collect information, verify or clarify origin of goods and propose measures to deal with enterprises' fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Conduct researches into solving issues arising from connection between import and export customs declarations in order to support determination of shipments suspected of fraud of origin or illegal transshipment; develop criteria and information related to fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods or infringement upon intellectual property rights and illegal transshipment for submission to the IT Department for research and system development purposes;

h) On a quarterly basis, not later than the 15th day of the following quarter, prepare review reports on inspection and control of fraud and counterfeiting of origin, labeling of goods or infringement upon intellectual property rights and illegal transshipment, and recommend the leadership of the General Department to approve corrective measures to be taken.

9. Customs Departments of cities and provinces:

a) Customs Departments of cities and provinces shall prepare plans, assign, make arrangement for, make assessment reports on results of implementation of directions given in this document for submission to the General Department of Customs (Customs Management Supervision Department) by September 30, 2019;

b) From now to end of 2019, review and identify any transaction, import or export enterprises with export or import turnover suddenly increased compared to competence and production scale in order to collect and reinforce information and proceed to make analysis before making decisions to inspect, verify and clarify any sign of violation, and then submit final reports on these activities to the General Department of Customs (Customs Management Supervision Department) by December 31, 2019 to seek its further instructions;

c) Carry out post-clearance inspections at customs declarant’s offices with respect to enterprises suspected of posing risks in fraud and counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights, illegal transshipment or at the General Department of Customs' order;

d) Cooperate with competent forces within their remit in order to determine main goods or enterprises suspected of posing high risks in fraud or counterfeiting of origin, labeling of goods, infringement upon intellectual property rights or illegal transshipment, such as enterprises newly involved in export or import activities, FDI enterprises regularly importing goods from countries subject safeguard measures, or exporting goods to major markets; enterprises previously subject to penalties for violation arising from incorrect declaration of quantity, name of goods, codes, HS codes, value or origin of imported or exported goods, etc.;   

dd) Actively and cooperatively report on any suspicious sign of fraud of origin of exported shipments to the C/O-issuing Offices within their ambit in order for them to carry out inspections before issuance of C/Os or refuse to issue/suspend issuance of C/Os for violating shipments;

e) On a quarterly basis, not later than the 15th day of the month beginning the following quarter, report to and send proposal to the General Department of Customs (Customs Management Supervision Department) about the following matters: Assessment of export and import business of suspected enterprises identified or inspected in the form of inspection at customs declarant’s offices, including names, names of goods, quantity of import or export customs declarations; signs of violation/violations discovered, results of handling of violations; further monitoring measures.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Ho Chi Minh city's Customs Department: 05 cases;

- Hanoi's Customs Department: 05 cases;

- Hai Phong city's Customs Department: 05 cases.

- Customs Departments of other cities and provinces shall, based on their actual management, register specific targets for inspection and number of cases of fraud or counterfeiting of origin with the General Department of Customs to seek its approval.

Reporting on results of inspection and handling of cases mentioned in 9.g to the General Department of Customs (Customs Management Supervision Department) by January 15, 2020.

Upon receipt of this document, it is requested that affiliates of the General Department of Customs, Customs Departments of cities or provinces fully implement it. If there is any difficulty arising from implementation, they must report to or send recommendations to the General Department of Customs (Customs Management Supervision Department) to seek their approval of appropriate adjustments./.

 

 

PP. DIRECTOR GENERAL
DEPUTY DIRECTOR GENERAL




Mai Xuan Thanh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Official Dispatch No. 5189/TCHQ-GSQL dated August 13, 2019 inspection and determination of origin of goods; prevention and control of fraud and counterfeiting of goods origin, labeling, infringement on intellectual property rights and illegal transshipment

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.142

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.205.151
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!