Kính
gửi: Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Tín Việt - AICA
- Chi nhánh Hà Nội
Đ/c: Tầng 10, tòa nhà Charmvit Tower, số 117 Trần Duy Hưng, Phường Trung
Hòa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - MST: 0309440694-004
Trả lời công văn số 07/CV ngày
11/12/2020 của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Tín Việt - AICA - Chi nhánh Hà
Nội (sau đây gọi là Công ty) hỏi về khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN. Cục
Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 22 Nghị định
132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với
doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định như sau:
“Điều 22. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh
nghiệp năm 2020.
2. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày
24 tháng 02 năm 2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của
Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hết
hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Kê khai, quyết toán thuế thu nhập
doanh nghiệp năm 2017 và năm 2018:
a) Người nộp thuế thuộc trường hợp
khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, năm
2018 theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng
6 năm 2020 của Chính phủ nhưng chưa thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ quyết toán
thuế thu nhập doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện đến trước ngày 01 tháng 01
năm 2021;
b) Người nộp thuế đã được cơ quan
thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có
kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý đối với kỳ tính thuế năm 2017,
năm 2018 nhưng thuộc trường hợp được xác định lại số thuế phải nộp theo điểm c
khoản 2 Điều 2 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 nhưng đến thời
điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa gửi đề nghị cho cơ quan thuế thì
người nộp thuế có quyền đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số
thuế phải nộp;
c) Trường hợp người nộp thuế có số
tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của năm
2017, năm 2018 lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác
định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ
năm 2020 đến hết năm 2024. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại
chưa bù trừ hết.
4. Đối với trường hợp được chuyển
chi phí lãi vay sang kỳ tính thuế tiếp theo khi quyết toán thuế thu nhập doanh
nghiệp năm 2019 theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP , thời gian chuyển
chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ kỳ tính thuế thu nhập
doanh nghiệp năm 2020. Trường hợp sau 05 năm không chuyển hết thì phần chi phí
lãi vay còn lại không được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo.
- Căn cứ Điều 1, Điều 2 Nghị định số
68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định như sau:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3
Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định
về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:
“3. Tổng chi phí lãi vay được trừ
khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có
giao dịch liên kết:
a) Tổng chi phí lãi vay (sau khi
trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần
từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi
và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
b) Phần chi phí lãi vay không được
trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo
khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi
vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm
a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể
từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
…
Điều 2. Tổ chức thực hiện và hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019.
2. Đối với kỳ tính thuế thu nhập
doanh nghiệp năm 2017, 2018, các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng theo quy định
tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 thì được
áp dụng điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung
tại Điều 1 Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Người nộp thuế được khai bổ
sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017; năm 2018 để xác
định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có)
và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01 tháng 01 năm 2021. Cơ
quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý thuế, kiểm
tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế
và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trường hợp sau khi khai bổ sung, số
thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu
có).
b) Trường hợp người nộp thuế có số
tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn
hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần
chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Trường
hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần
còn lại được bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong các năm tiếp
theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên,
không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
…”
- Tại điểm 2 công văn 2835/TCT-TTKT
ngày 14 tháng 7 năm 2020 của Tổng cục Thuế hướng dẫn như sau:
“2/ Đối với việc xử lý hồi tố cho
kỳ tính thuế TNDN năm 2017, 2018:
a/ Về
phạm vi áp dụng:
Việc xử lý hồi tố chi phí lãi vay
khống chế theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cho các
năm 2017, 2018 chỉ áp dụng đối với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định
số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP , cụ
thể:
- Nâng ngưỡng khống chế chi phí
lãi vay từ 20% lên 30%;
- Áp dụng phương pháp tính chi phí
lãi vay thuần (lãi đi vay trừ (-) lãi tiền gửi, lãi cho vay);
- Không áp dụng hồi tố đối với quy
định sửa đổi, bổ sung tại điểm (b) (chuyển tiếp chi phí) và (c) (mở rộng đối tượng
miễn áp dụng) tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP cho các năm 2017, 2018.”
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP
Hà Nội có ý kiến như sau:
- Người nộp thuế được khai bổ sung hồ
sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017; năm 2018 để xác định
chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp
cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
- Không áp dụng quy định chuyển tiếp
chi phí lãi vay theo quy định tại điểm b Nghị định số 68/2020/NĐ-CP cho các năm
2017, 2018.
Từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
năm 2020, Công ty nghiên cứu, thực hiện theo quy định tại Nghị định
132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ nêu trên.
Trong quá trình thực hiện chính sách
thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn
của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc
liên hệ với Phòng Thanh tra Kiểm tra số 8 để được hỗ trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty
TNHH Kiểm toán và Tư vấn Tín Việt - AICA - Chi nhánh Hà Nội được biết và thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TTKT8;
- Phòng NVDTPC;
- Website Cục Thuế;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT.
CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Trường
|