BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2515/BNN-LN
V/v triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất
lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm
2030
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 4 năm 2024
|
Kính
gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[1]
Thực hiện Quyết định số
171/QĐ-TTg ngày 07/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: Nâng cao chất
lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm
2030 (Đề án). Để triển khai thực hiện Đề án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thuộc
phạm vi Đề án, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Tổ chức công tác
tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai
trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phòng,
chống thiên tai; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia
bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm phát huy các giá trị tổng
hợp của hệ sinh thái rừng.
2. Chỉ đạo rà soát, xác
định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng
phân theo chủ quản lý rừng cần nâng cao chất lượng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và
phòng, chống thiên tai, cụ thể:
- Đối với rừng đặc dụng: khu vực
đại diện cho hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng còn diện tích ít, bị suy giảm
về đa dạng sinh học; rừng trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng.
- Đối với rừng phòng hộ: diện
tích rừng trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng thuộc khu vực rừng
phòng hộ đầu nguồn; lưu vực của con sông, hồ lớn, đập thủy điện, thủy lợi; nơi
có độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở cao.
- Đối với rừng sản xuất là rừng
tự nhiên: thuộc rừng có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng; ưu
tiên đối với khu vực có địa hình dốc, nguy cơ sạt lở cao, lưu vực của sông, hồ,
đập thủy điện, thủy lợi.
3. Chỉ đạo các cơ quan
chuyên môn hướng dẫn xây dựng dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng
rừng và triển khai thực hiện, cụ thể:
- Hướng dẫn các chủ rừng xây dựng
dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng rừng để bảo tồn hệ sinh thái
và phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật
để nâng cao chất lượng rừng trên cơ sở hướng dẫn tại Thông tư số
29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về biện
pháp lâm sinh và Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2022 về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT. Lựa chọn loài cây trồng rừng
để nâng cao chất lượng rừng theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT
ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về danh mục loài cây trồng
Lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng Lâm nghiệp và Thông
tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi,
bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.
- Lựa chọn, xây dựng các mô
hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa
tầng, tán ... đại diện cho từng loại rừng và điều kiện tự nhiên tại địa phương
để làm cơ sở nhân rộng và hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật nâng cao chất lượng
rừng.
- Tăng cường công tác quản lý,
bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và có có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa
các tác động tiêu cực đến diện tích rừng nâng cao chất lượng. Ứng dụng công nghệ
tiên tiến theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học.
- Tổ chức giao rừng, khoán bảo
vệ rừng theo quy định của pháp luật, rà soát diện tích rừng chưa giao, hiện do Ủy
ban nhân dân cấp xã quản lý, để giao cho chủ rừng quản lý theo quy định của
pháp luật.
4. Về nguồn vốn thực hiện
Đa dạng hóa các nguồn vốn thực
hiện nâng cao chất lượng rừng, bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm
(Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện
hành thông qua lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số
1719/QĐ-TTg, ngày 24/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình
Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số
809/QĐ-TTg , ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình, kế hoạch,
dự án về phòng chống thiên tai có liên quan và các Chương trình, đề án, kế hoạch,
dự án khác giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030...
Huy động nguồn xã hội hóa: nguồn
vốn tự có, huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư, nguồn tài chính
khác theo quy định của pháp luật.
5. Về mức hỗ trợ và định
mức
a) Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà
nước thực hiện theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư
hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm
nghiệp; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về chính sách bảo
vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào
dân tộc giai đoạn 2015-2020 và các chương trình, dự án, kế hoạch khác có liên
quan theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về một số chính
sách đầu tư trong lâm nghiệp; sau khi Nghị định được ban hành, thì sẽ áp dụng
thực hiện theo cơ chế, chính sách mới.
b) Định mức kinh tế - kỹ thuật
xác định chi phí thực hiện một số biện pháp lâm sinh, tuần tra bảo vệ rừng thực
hiện theo Thông tư số 21/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và
PTNT.
6. Chỉ đạo tổ chức thực
hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại địa phương; báo
cáo kết quả định kỳ (hàng năm, giai đoạn 3-5 năm) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu)
sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án trên địa bàn, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi Đề án có
ý kiến gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn hoặc tổng hợp
báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố;
- Cục Kiểm lâm, QLĐD và PCTT;
- Lưu: VT, LN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Trị
|
DANH
SÁCH CÁC TỈNH GỬI VĂN BẢN
(Kèm
theo văn bản số: 2515/BNN-LN ngày 08 tháng 4 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và
PTNT)
Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn các tỉnh:
1. Vùng Trung du và miền núi
phía Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà
Giang, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng,
2. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải
Miền trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,
Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận,
Bình Thuận,
3. Vùng Tây Nguyên: Kon Tum,
Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng.