Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2098/BTC-CĐKT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Xuân Hà
Ngày ban hành: 07/02/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2098/BTC-CĐKT
V/v Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán.

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2013

 

Kính gửi:

- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước

 

Ngày 26/11/2011, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 20/2011/QH13 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó đã đưa dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa XIII;

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội; Căn cứ quy định tại điều 60 của Luật Kế toán quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, Cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán thuộc bộ, ngành mình và gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp, cụ thể như sau:

(1) Nội dung đánh giá:

- Các văn bản thực hiện đánh giá: Đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán và các văn bản hướng thực hiện Luật Kế toán (Theo Phụ lục số 01 đính kèm).

- Nội dung đánh giá: Đánh giá theo từng lĩnh vực: Lĩnh vực kế toán Nhà nước; Lĩnh vực kế toán Doanh nghiệp; Lĩnh vực kế toán Ngân hàng và các Tổ chức tài chính theo đề cương đánh giá và các câu hỏi gợi ý đánh giá (Phụ lục số 02 đính kèm).

(2) Hình thức đánh giá: Các Bộ, Cơ quan ngang bộ, Ủy nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách và có báo cáo gửi về Bộ Tài chính theo mẫu Phụ lục số 03 (Đính kèm).

(3) Đề nghị các Bộ, Cơ quan ngang bộ, Ủy nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước gửi báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán về Bộ Tài chính trước ngày 15/5/2013 để Bộ Tài chính tổng hợp.

Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý đơn vị./.

Mọi chi tiết xin liên hệ với Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán: Ông Ngô Văn Thịnh- ĐT 04.22202828(8581); Ông Ngô Chí Cường- ĐT 04.22202828(8624); Ông Dương Quang Hưng- ĐT 04.22202828(8579).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Vụ Pháp chế;
- Các đơn vị trong Bộ;
- Lưu VT, CĐKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

PHỤ LỤC SỐ 01

(Kèm theo công văn số 2098/BTC-CĐKT ngày 7/2/2013 của Bộ Tài chính)

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN THỰC HIỆN TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ THI HÀNH LUẬT KẾ TOÁN

1/ Luật Kế toán;

2/ Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước;

3/ Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh;

4/ Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/05/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP của Chính phủ;

5/ Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC 13/08/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành “Quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước”;

6/ Thông tư số 120/2004/TT-BTC ngày 15/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế toán;

7/ Thông tư số 13/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07/02/2005 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn và xếp lương kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các tổ chức hoạt động kinh doanh;

8/ Thông tư số 50/2005/TTLT-BTC-BNV ngày 15/06/2005 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp phụ cấp kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước;

9/ Thông tư số 103/2005/TT-BTC 24/11/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn tiêu chuẩn và điều kiện của phần mềm kế toán;

10/ Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp; các chế độ kế toán đặc thù cho các ngành thuộc lĩnh vực doanh nghiệp; Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp;

11/ Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; các chế độ kế toán đặc thù thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước; Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

12/ Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp;

13/ Thông tư số 129/2012/TT-BTC ngày 09/08/2012 của Bộ Tài chính quy định về việc thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán;

14/ Thông tư số 199/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc tổ chức bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng;

15/ Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ 02

(Kèm theo công văn số 2098/BTC-CĐKT ngày 7/2/2013 của Bộ Tài chính)

ĐỀ CƯƠNG CÂU HỎI GỢI Ý TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT KẾ TOÁN

TT

Nội dung, điều

Nội dung câu hỏi gợi ý

1

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

- Rà soát lại phạm vi điều chỉnh của Luật Kế toán để đánh giá, khẳng định phạm vi điều chỉnh của Luật Kế toán đảm bảo chứa đựng các đối tượng được điều chỉnh đáp ứng quản lý trong lĩnh vực kế toán chưa?

- Nếu thiếu phạm vi gì đề nghị đơn vị đề xuất bổ sung thêm?

- Các ý kiến đề xuất khác.

2

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Đối tượng áp dụng quy định trong Luật Kế toán 2003 đã đầy đủ và bao gồm tất cả loại hình đơn vị thuộc tất cả các lĩnh vực chưa, còn thiếu loại đơn vị nào đề nghị đơn vị đề xuất bổ sung thêm?

- Dự kiến bổ sung các đối tượng không có tư cách pháp nhân như các ban quản lý dự án đầu tư, các chi nhánh của doanh nghiệp trong nước, các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam (gọi tắt là Nhà thầu nước ngoài), có cơ sở cư trú tại Việt Nam thì có phù hợp và đảm bảo tính khả thi không?

- Các ý kiến đề xuất khác.

3

Điều 3. Áp dụng điều ước quốc tế

- Quy định áp dụng điều ước quốc tế trong Luật Kế toán đã phù hợp chưa?

- Trong việc áp dụng các điều ước quốc tế về kế toán có khó khăn, vướng mắc gì không?, có cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện gì thêm không, đề nghị đơn vị đề xuất?.

- Một số điều ước do Chính phủ Việt Nam ký kết ở cấp Chính phủ mà mâu thuẫn với quy định của Luật Kế toán thì có cần báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt không?.

- Các ý kiến đề xuất khác.

4

Điều 4. Giải thích từ ngữ

- Các thuật ngữ trong Luật Kế toán đã đầy đủ, rõ ràng chưa, đã đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thông lệ chuẩn mực kế toán cũng như các văn bản hướng dẫn dưới Luật chưa?.

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm bớt hoặc cần giải thích làm rõ thêm thuật ngữ nào không?.

- Quy định trong Luật về khái niệm: Đơn vị kế toán là đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Luật này có lập báo cáo tài chính đã đầy đủ chưa, có bỏ sót đối tượng nào không, đề nghị đơn vị đề xuất hướng sửa đổi?.

- Các ý kiến đề xuất bổ sung, sửa đổi khác.

5

Điều 5. Nhiệm vụ kế toán

- Nhiệm vụ kế toán liệt kê trong Luật Kế toán đã đầy đủ chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì khác không?

6

Điều 6. Yêu cầu kế toán

- Yêu cầu của kế toán quy định trong Luật đã đầy đủ chưa, đã phù hợp với Hệ thống Chuẩn mực kế toán chưa?.

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì khác không?.

- Có cần quy định chi tiết yêu cầu kế toán trong Luật Kế toán không hay chỉ nêu nguyên tắc, còn quy định cụ thể sẽ quy định trong văn bản hướng dẫn dưới Luật?.

7

Điều 7. Nguyên tắc kế toán

- Nguyên tắc của kế toán quy định trong Luật Kế toán đã đầy đủ chưa, đã bao gồm hết các lĩnh vực chưa, đã phù hợp với Chuẩn mực kế toán chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì khác không?.

- Có cần quy định chi tiết nguyên tắc kế toán trong Luật Kế toán không hay quy định trong văn bản hướng dẫn dưới Luật?.

8

Điều 8. Chuẩn mực kế toán

- Quy định trong Luật đã đầy đủ và phù hợp chưa?.

- Đối với các công ty niêm yết hoạt động trên thị trường chứng khoán có phải áp dụng tiêu chuẩn kế toán cao hơn không, nhằm đảm bảo tính minh bạch và trung thực về thông tin kế toán áp dụng trong nền kinh tế để bảo vệ nhà đầu tư?.

- Có cần quy định rõ 2 hệ thống chuẩn mực: Hệ thống Chuẩn mực kế toán doanh nghiệp và Hệ thống Chuẩn mực kế toán công không?.

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì khác không?

9

Điều 9. Đối tượng kế toán

- Đối tượng của kế toán quy định trong Luật Kế toán đã đầy đủ chưa, đã bao gồm hết các lĩnh vực chưa, đã phù hợp với Chế độ kế toán, Chuẩn mực kế toán và các văn bản hướng dẫn chưa?.

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì khác không?.

- Có cần quy định chi tiết đối tượng kế toán trong Luật Kế toán không hay Luật chỉ quy định chung mang tính nguyên tắc còn chi tiết sẽ quy định trong văn bản hướng dẫn dưới Luật?.

10

Điều 10. Kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết

- Quy định kế toán tài chính và kế toán quản trị về khái niệm, nội dung đã đảm bảo tính khoa học và phù hợp với các văn bản hướng dẫn dưới Luật chưa?.

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung để làm rõ 2 loại hình kế toán này không?.

- Cơ quan quản lý có cần quy định về kế toán quản trị không, hay để doanh nghiệp tự xây dựng để phù hợp với đặc thù và đáp ứng yêu cầu quản lý của từng đơn vị?.

11

Điều 11. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán

- Việc quy định đơn vị tiền tệ và quy đổi tỷ giá đã phù hợp chưa, có gì vướng mắc trong quá trình thực hiện không?.

- Việc quy định giao dịch ngoại tệ, phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế hoặc quy đổi theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh có phù hợp và đảm bảo tính khả thi không, đơn vị có đề xuất áp dụng tỷ giá nào khác không?.

- Quy định đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thì được chọn một loại ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định làm đơn vị tiền tệ để kế toán, nhưng khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam phải quy đổi ra đồng Việt Nam đã phù hợp với thông lệ chuẩn mực quốc tế chưa? Có cần sửa đổi gì không?.

- Doanh nghiệp có thể lựa chọn đồng tiền chức năng và trình bày báo cáo tài chính theo đồng tiền chức năng hay không (ví dụ USD, VNĐ)?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì khác để phù hợp với thực tế không?

12

Điều 12. Chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán

- Quy định trong Luật có cứng nhắc quá không, đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?.

- Quy định sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, ... phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị có phù hợp không, có gây khó khăn gì cho đơn vị không, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?.

- Đơn vị có đề xuất khác không?.

13

Điều 13. Kỳ kế toán

- Quy định kỳ kế toán đã phù hợp chưa? Đơn vị có đề xuất bổ sung, sửa đổi gì không?.

- Quy định đơn vị kế toán có đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là mười hai tháng tròn đã rõ ràng, cụ thể và thuận tiện trong việc triển khai chưa, có vướng mắc gì không?.

- Trong ngành, lĩnh vực do đơn vị quản lý có đơn vị nào áp dụng kỳ kế toán khác với kỳ kế toán từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12 năm dương lịch không, hãy liệt kê cụ thể các đơn vị đó?.

- Đơn vị có đề xuất khác không?.

14

Điều 14. Các hành vi bị nghiêm cấm

- Các hành vi bị cấm đã đầy đủ chưa, cần bổ sung thêm hành vi nào không?.

- Có cần bổ sung thêm quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm như: cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề kế toán, cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho đối tác cạnh tranh, giữ chứng từ gốc không bàn giao khi thôi việc... không?

- Đơn vị có đề xuất thêm các hành vi bị cấm nào không?.

15

Điều 15. Giá trị của tài liệu, số liệu kế toán

- Quy định của Luật đã phù hợp và đầy đủ chưa?.

- Đơn vị có đề xuất bổ sung, sửa đổi khác không?.

16

Điều 16. Trách nhiệm quản lý, sử dụng, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán

- Quy định của Luật đã phù hợp và đầy đủ chưa?

- Đơn vị có đề xuất bổ sung, sửa đổi khác không?

17

Điều 17. Nội dung chứng từ kế toán

- Điểm e, Khoản 1 có nên sửa lại như sau:

“e) Số lượng, đơn giá (nếu có) và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;”

Vì không phải nghiệp vụ kinh tế nào phát sinh cũng có chỉ tiêu số lượng, đơn giá. Quy định như Luật Kế toán 2003 dẫn đến các đơn vị hiểu máy móc chỉ những nghiệp vụ nào có phát sinh chỉ tiêu số lượng, đơn giá mới được tự lập mẫu chứng từ kế toán.

- Điểm g, Khoản 1 nên sửa lại như sau:

“g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán. Đóng dấu đơn vị (nếu chứng từ gửi ra bên ngoài)”.

- Cần bổ sung quy định gì nữa không?

18

Điều 18. Chứng từ điện tử

- Có nên đưa “chứng từ điện tử” thành 1 chương riêng vì hiện nay giao dịch bằng chứng từ điện tử khá phổ biến đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Nội dung chương này sẽ bao gồm: Khái niệm về chứng từ điện tử; Lập chứng từ điện tử; Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; Chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại (Tabmis đã quy định); Hủy chứng từ điện tử.

- Cần bổ sung quy định gì nữa không?.

19

Điều 20. Ký chứng từ kế toán

- Quy định như điều 20 đã đủ chưa?.

- Có cần phải quy định rõ trách nhiệm từng người ký trên chứng từ kế toán không?.

- Có cần quy định rõ trình tự ký chứng từ không? (ai ký trước, ai ký sau...).

20

Điều 21. Hóa đơn bán hàng

- Khoản 3, Điều 21 có nên sửa lại phù hợp với Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, như sau:

“3. Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức sau:

a) Hóa đơn tự in;

b) Hóa đơn điện tử;

c) Hóa đơn đặt in”.

- Có cần bổ sung nội dung gì về hóa đơn bán hàng?

21

Điều 22, Quản lý, sử dụng chứng từ kế toán

- Quy định như Luật Kế toán đã đủ và rõ ràng chưa?.

- Khi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tịch thu chứng từ kế toán thì cơ quan có thẩm quyền phải sao chụp lại toàn bộ chứng từ đã tạm giữ tịch thu hay đơn vị kế toán bị tạm giữ, tịch thu chứng từ phải sao chụp lại toàn bộ chứng từ?.

- Quy định về tạm giữ, tịch thu, niêm phong chứng từ kế toán ở Điều 22 với tiêu đề là quản lý, sử dụng chứng từ kế toán đã phù hợp chưa?

22

Điều 23 - Tài khoản kế toán

- Quy định về tài khoản kế toán có gây khó khăn gì cho đơn vị không?

- Có đáp ứng được yêu cầu quản lý và thuận lợi cho việc thực hiện tại đơn vị không? Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?

23

Điều 25 - Sổ kế toán và hệ thống sổ kế toán

- Quy định về sổ kế toán có gây khó khăn gì cho đơn vị không?

- Quy định về đóng dấu giáp lai, chữ ký trên sổ kế toán có phù hợp và thuận tiện cho đơn vị không? Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?

24

Điều 26 - Lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán

- Quy định về lựa chọn sổ kế toán có phù hợp với đơn vị không?.

- Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?.

25

Điều 27 - Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán

- Quy định về mở sổ, ghi sổ và khóa sổ kế toán có gây ra khó khăn gì cho đơn vị không?.

- Việc in sổ ra giấy và đóng thành quyển tại các đơn vị ghi sổ kế toán bằng máy vi tính có phù hợp không?.

- Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?.

26

Điều 28 - Sửa chữa sổ kế toán

- Quy định về sửa chữa sổ kế toán có phù hợp với thực tế của đơn vị không?.

- Việc ghi chú vào dòng cuối sổ kế toán đối với đơn vị ghi sổ trên máy vi tính có thực hiện được không?

- Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?.

27

Điều 29 - Báo cáo tài chính

- Các Báo cáo tài chính mà đơn vị phải lập theo Luật định có cung cấp được đầy đủ thông tin cho việc quản lý và điều hành của đơn vị không?

- Có cần bổ sung thêm báo cáo trong hệ thống báo cáo tài chính của đơn vị không?

- Việc trình bày Biến động vốn chủ sở hữu trong Thuyết minh báo cáo tài chính có phù hợp với đơn vị không?

- Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?.

28

Điều 30 - Lập Báo cáo tài chính

- Quy định về lập báo cáo tài chính có rõ ràng và dễ thực hiện không?

- Có cần quy định rõ đối tượng phải báo cáo tài chính tổng hợp và báo cáo tài chính hợp nhất ngay trong Luật không?

- Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không ?.

29

Điều 31 - Thời hạn nộp báo cáo tài chính

- Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm có gây ra khó khăn gì cho đơn vị không? Có đủ để đơn vị lập báo cáo tài chính không?

- Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?.

30

Điều 32 - Nội dung công khai báo cáo tài chính

Các nội dung cần công khai trong báo cáo tài chính đã đầy đủ và bao quát hết chưa? Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không?

31

Điều 33 - Hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính

Hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính có thuận tiện cho doanh nghiệp không? Thời hạn công khai có đủ để đơn vị thực hiện không? Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì không ?.

32

Điều 35. Kiểm tra kế toán

- Quy định về cơ quan có thẩm quyền quyền kiểm tra kế toán đã rõ ràng chưa?.

- Quy định không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm có phù hợp không?.

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi của đơn vị về điều này?.

33

Điều 36. Nội dung kiểm tra kế toán

- Nội dung kiểm tra kế toán quy định trong Luật Kế toán đã đầy đủ chưa? Có cần sửa đổi, bổ sung gì không?

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi của đơn vị về điều này.

34

Điều 37. Quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra kế toán

- Quy định của Luật về quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra kế toán đã đầy đủ chưa, có phù hợp với thực tế thực hiện tại đơn vị không? Có điểm gì bất cập?

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, của đơn vị về điều này.

35

Điều 38. Trách nhiệm và quyền của đơn vị kế toán được kiểm tra kế toán

- Quy định của Luật Kế toán về quyền và trách nhiệm của đơn vị kế toán được kiểm tra kế toán đã đầy đủ chưa, có phù hợp với thực tế thực hiện tại đơn vị không? Có điểm gì bất cập?.

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, của đơn vị về điều này.

36

Câu hỏi chung về kiểm tra kế toán

- Địa phương/đơn vị đã thực hiện bao nhiêu cuộc kiểm tra kế toán từ năm 2004 đến 2012?

- Cơ quan nào thực hiện kiểm tra kế toán trong các cuộc kiểm tra đó?

- Trường hợp không đồng ý với kết luận của cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán thì đơn vị đã thực hiện như thế nào? theo quy định của văn bản nào?.

37

Điều 39. Kiểm kê tài sản

- Nội dung kiểm kê và các trường hợp phải kiểm kê của Luật Kế toán đã quy định đầy đủ cho tất cả các loại hình và lĩnh vực hoạt động của đơn vị chưa?

- Nếu thiếu nội dung kiểm kê và các trường hợp phải kiểm kê đề nghị đơn vị đề xuất bổ sung thêm?

- Các ý kiến đề xuất khác.

38

Điều 40. Bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán

- Tài liệu kế toán lưu trữ quy định trong Luật Kế toán đã đầy đủ chưa? Việc lưu trữ có nên chia theo từng loại hình, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp để quy định lưu trữ bằng giấy hay bằng file điện tử? để tránh lãng phí về diện tích kho chứa cho doanh nghiệp.

- Thời hạn lưu trữ đối với từng loại tài liệu kế toán đã phù hợp chưa? có còn loại tài liệu kế toán nào cần quy định lưu trữ nữa không? nếu còn thiếu và thời hạn lưu trữ chưa phù hợp, đề nghị đơn vị đề xuất bổ sung thêm?

- Các ý kiến đề xuất khác.

39

Điều 41. Công việc kế toán trong trường hợp tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại

- Quy định tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại và cách khôi phục như trong Luật Kế toán đã bao quát, đầy đủ chưa? có khó khăn, vướng mắc gì cho đơn vị khi áp dụng không?.

- Nếu chưa quy định đầy đủ và có vướng mắc, đề nghị đơn vị đề xuất sửa đổi, bổ sung?

40

Điều 42. Công việc kế toán trong trường hợp chia đơn vị kế toán

- Quy định trong Luật Kế toán về đơn vị kế toán bị chia thành các đơn vị kế toán mới; đơn vị kế toán bị chia và đơn vị kế toán mới phải làm các công việc như quy định trong Luật Kế toán đã đầy đủ chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?.

41

Điều 43. Công việc kế toán trong trường hợp tách đơn vị kế toán

- Quy định trong Luật Kế toán về đơn vị kế toán bị tách một bộ phận để thành lập đơn vị kế toán mới; đơn vị kế toán bị tách một bộ phận và đơn vị kế toán mới phải làm các công việc như quy định trong Luật đã đầy đủ chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?.

42

Điều 44. Công việc kế toán trong trường hợp hợp nhât các đơn vị kế toán

- Quy định trong Luật Kế toán về đơn vị kế toán bị hợp nhất và đơn vị kế toán hợp nhất phải làm các công việc như quy định trong Luật Kế toán đã đầy đủ chưa?.

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?.

43

Điều 45. Công việc kế toán trong trường hợp sáp nhập đơn vị kế toán

- Quy định trong Luật Kế toán về đơn vị kế toán sáp nhập và đơn vị kế toán nhận sáp nhập phải làm các công việc như quy định trong Luật đã đầy đủ chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?

44

Điều 46. Công việc kế toán trong trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu

- Quy định trong Luật Kế toán về đơn vị kế toán chuyển đổi hình thức sở hữu và đơn vị kế toán có hình thức sở hữu mới phải làm các công việc như quy định trong Luật đã đầy đủ chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?

45

Điều 47. Công việc kế toán trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản

- Quy định trong Luật Kế toán về đơn vị kế toán bị giải thể hoặc chấm dứt hoạt động và đơn vị kế toán nhận bàn giao tài liệu kế toán của đơn vị kế toán bị giải thể hoặc chấm dứt hoạt động phải làm các công việc như quy định trong Luật đã đầy đủ chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?

- Quy định về công việc kế toán trong trường hợp phá sản như trong Luật Kế toán đã đầy đủ và phù hợp chưa?

- Đơn vị có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì không?

46

Điều 48. Tổ chức bộ máy kế toán

- Khoản 2 Điều 48 quy định trường hợp đơn vị chưa bố trí người làm kế toán trưởng thì phải cử người phụ trách kế toán. Việc bố trí kế toán trưởng và cử phụ trách kế toán đã phù hợp chưa hay phải là bổ nhiệm?

- Điều này có cần sửa đổi, bổ sung gì nữa không?.

47

Điều 49. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán

- Có cần bổ sung thêm chức danh thủ quỹ, thủ kho trong bộ máy kế toán không? Vì hiện nay thủ quỹ, thủ kho cũng là nhân viên phòng kế toán (tham chiếu điểm a, khoản 3, Điều 54).

- Ngoài ra cần bổ sung thêm nội dung gì?.

48

Điều 50. Tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán

- Khoản 3, Điều 50 có cần sửa lại chi tiết bàn giao những tài liệu gì không? (vì có tài liệu đã đưa vào lưu trữ)

- Có cần quy định rõ khi bàn giao phải có biên bản bàn giao, có sự chứng kiến của những thành phần nào không?.

- Ngoài ra cần bổ sung thêm nội dung gì?.

49

Điều 51. Những người không được làm kế toán

- Có cần giải thích rõ ai là người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị không (Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị, Phó thủ trưởng đơn vị....).

- Khoản 3, có cần quy định rõ là “Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ruột, anh ruột, chị ruột, em ruột” không?.

- Khoản 3, có cần bổ sung thêm cả mối quan hệ với cấp phó của người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị cho phù hợp với Luật phòng chống tham nhũng không?.

- Ngoài ra cần bổ sung thêm nội dung gì?.

50

Điều 53. Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng

- Có cần giải thích rõ thế nào là người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán không?.

- Đối với lĩnh vực nhà nước có cần bổ sung thêm điều kiện “thuộc biên chế của đơn vị” hay không?.

- Có cần kinh nghiệm về làm kế toán tổng hợp không?.

- Ngoài ra cần bổ sung thêm tiêu chuẩn, điều kiện gì?.

51

Điều 54. Trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng

- Có cần bổ sung thêm trách nhiệm, quyền gì cho kế toán trưởng không?.

- Có cần quy định 1 khoản về việc xếp phụ cấp trách nhiệm cho kế toán trưởng không? (Để có cơ sở xây dựng thông tư hướng dẫn sau này).

52

Điều 55. Hành nghề kế toán

- Điều kiện hành nghề kế toán đối với tổ chức, cá nhân quy định trong Luật Kế toán đã rõ ràng và đầy đủ chưa? Những điểm bất cập là gì? Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, của đơn vị về điều này.

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ kế toán có cần thiết phải là người có chứng chỉ hành nghề kế toán hay không? Vì sao?

- Tổ chức/cá nhân hành nghề kế toán có cần thiết bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hay không? Vì sao?

- Có cần thiết quy định về vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hay không? Vì sao?

53

Điều 56. Thuê làm kế toán, thuê làm kế toán trưởng

- Quy định về thuê làm kế toán, thuê làm kế toán trưởng có phù hợp không? Có điểm gì bất cập cần sửa đổi ? Vì sao?.

- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm thuê kế toán/kế toán trưởng đã rõ ràng chưa? Trong thực tế có gì vướng mắc hay không?

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, của đơn vị về điều này.

54

Điều 57. Chứng chỉ hành nghề kế toán

- Quy định của Luật Kế toán về tiêu chuẩn, điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán có phù hợp không? Có điểm gì bất cập? Vì sao?

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, của đơn vị về điều này.

55

Điều 58. Quyền tham gia tổ chức nghề nghiệp kế toán

- Quy định của Luật Kế toán về quyền tham gia tổ chức nghề nghiệp kế toán có phù hợp không? Vì sao?.

- Nên để thành điều riêng quy định về nội dung này hay gộp chung vào điều về quyền của đơn vị kế toán và người làm kế toán?.

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, của đơn vị về điều này.

56

Câu hỏi chung về hành nghề kế toán

- Địa phương hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán?.

- Địa phương/đơn vị có bao nhiêu người có chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp?

- Thực trạng thuê làm kế toán/kế toán trưởng tại địa phương/đơn vị như thế nào? Những điểm tích cực? Những điểm có hạn chế, tồn tại?.

- Kiến nghị chung về bổ sung, sửa đổi các quy định về hành nghề kế toán.

 

PHỤ LỤC SỐ 03

(Kèm theo công văn số 2098/BTC-CĐKT ngày 7/2/2013 của Bộ Tài chính)

BỘ (ngành, đơn vị)…
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số:     /……

MẪU SỐ 1
(Dành cho các Bộ, ngành, đơn vị)

….., ngày    tháng    năm 2013

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 9 NĂM THI HÀNH LUẬT KẾ TOÁN

I. ĐÁNH GIÁ SỰ TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA LUẬT KẾ TOÁN

Đánh giá sự tác động tích cực của Luật kế toán và thi hành Luật kế toán đối với:

- Việc quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính và cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của ngành, lĩnh vực mình quản lý.

- Sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của ngành nói riêng.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT KẾ TOÁN

II.1. Đánh giá những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật kế toán liên quan đến các vấn đề sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

2. Đối tượng áp dụng

3. Áp dụng điều ước quốc tế

4. Về đơn vị kế toán

5. Nhiệm vụ kế toán

6. Nguyên tắc kế toán

7. Về đối tượng kế toán

8. Chuẩn mực kế toán

9. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán

10. Kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết

11. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán

12. Chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán

13. Kỳ kế toán

14. Các hành vi bị nghiêm cấm

15. Giá trị của tài liệu, số liệu kế toán

16. Chứng từ kế toán

17. Tài khoản kế toán và sổ kế toán

18. Báo cáo tài chính

19. Kiểm tra kế toán

20. Hóa đơn bán hàng

21. Kiểm kê tài sản

22. Bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán

23. Công việc kế toán trong trường hợp chia tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, phá sản.

24. Tổ chức bộ máy kế toán

25. Người làm kế toán, kế toán trưởng

26. Hành nghề kế toán

27. Về quy định những người không được làm kế toán

28. Về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán

Trong những nội dung nêu trên, đề nghị Bộ, ngành đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực tới các đối tượng: Nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức, doanh nghiệp, người dân... Bộ, ngành có thể không đánh giá những nội dung không có trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán ở đơn vị mình. Ngoài ra, nếu có những nội dung phát sinh trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán ở Bộ, ngành không thuộc những nội dung nêu trên thì đề nghị đơn vị tổng kết, đánh giá về nội dung đó.

II.2. Đánh giá về mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa quy định của Luật kế toán với quy định của các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.

Ví dụ: Luật kiểm toán nhà nước, Luật kiểm toán độc lập, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật quản lý thuế, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật chứng khoán, Luật quản lý tài sản nhà nước,...

II.3. Xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh

Trong trường hợp, Bộ, ngành thấy có những nội dung phát sinh trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán ở đơn vị nhưng chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh, thì đề nghị Bộ, ngành tổng kết, đánh giá về nội dung đó.

III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN NHẰM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT KẾ TOÁN NĂM 2003 VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

- Về kết cấu của Luật kế toán;

- Theo các vấn đề được nêu ở mục II Báo cáo, trong đó đối với mỗi vấn đề đề xuất sửa đổi, bổ sung, đề nghị các Bộ, ngành đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung.

 

 

Nơi nhận:
- ………;
- ………;

BỘ TRƯỞNG (…)
(Ký tên đóng dấu)

 

ỦY BAN NHÂN DÂN…
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số:     /BC-UBND

MẪU SỐ 2
(Dành cho các cấp địa phương)

….., ngày    tháng    năm 2013

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 9 NĂM THI HÀNH LUẬT KẾ TOÁN

I. ĐÁNH GIÁ SỰ TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA LUẬT KẾ TOÁN

Đánh giá sự tác động tích cực của Luật kế toán và thi hành Luật kế toán đối với:

- Việc quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính và cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

- Sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của địa phương nói riêng.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT KẾ TOÁN

II.1. Đánh giá những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật kế toán liên quan đến các vấn đề sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

2. Đối tượng áp dụng

3. Áp dụng điều ước quốc tế

4. Về đơn vị kế toán

5. Nhiệm vụ kế toán

6. Nguyên tắc kế toán

7. Về đối tượng kế toán

8. Chuẩn mực kế toán

9. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán

10. Kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết

11. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán

12. Chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán

13. Kỳ kế toán

14. Các hành vi bị nghiêm cấm

15. Giá trị của tài liệu, số liệu kế toán

16. Chứng từ kế toán

17. Tài khoản kế toán và sổ kế toán

18. Báo cáo tài chính

19. Kiểm tra kế toán

20. Hóa đơn bán hàng

21. Kiểm kê tài sản

22. Bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán

23. Công việc kế toán trong trường hợp chia tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, phá sản.

24. Tổ chức bộ máy kế toán

25. Người làm kế toán, kế toán trưởng

26. Hành nghề kế toán

27. Về quy định những người không được làm kế toán

28. Về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán

Trong những nội dung nêu trên, đề nghị địa phương đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực tới các đối tượng: Nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức, doanh nghiệp, người dân... địa phương có thể không đánh giá những nội dung không có trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán ở địa phương. Ngoài ra, nếu có những nội dung phát sinh trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán ở địa phương không thuộc những nội dung nêu trên thì đề nghị địa phương tổng kết, đánh giá về nội dung đó.

II.2. Đánh giá về mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa quy định của Luật kế toán với quy định của các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.

Ví dụ: Luật kiểm toán nhà nước, Luật kiểm toán độc lập, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật quản lý thuế, Luật NSNN, Luật chứng khoán, Luật quản lý tài sản nhà nước,...

II.3. Xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh

Trong trường hợp, địa phương thấy có những nội dung phát sinh trong thực tiễn hoạt động tài chính, kế toán ở địa phương nhưng chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh, thì đề nghị địa phương tổng kết, đánh giá về nội dung đó.

III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN NHẰM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT KẾ TOÁN NĂM 2003 VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

- Về kết cấu của Luật kế toán;

- Theo các vấn đề được nêu ở mục II Báo cáo, trong đó đối với mỗi vấn đề đề xuất sửa đổi, bổ sung, đề nghị các địa phương đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung.

 

 

Nơi nhận:
- ………;
- ………;

CHỦ TỊCH
(Ký tên đóng dấu)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 2098/BTC-CĐKT ngày 07/02/2013 tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.788

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.96.159
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!