Kính gửi:
|
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo1;
- Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.
|
Căn cứ Nghị định số
55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP); Công
văn số 3878/BGDĐT-PC ngày 24/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn
tổ chức làm công tác pháp chế trong các cơ sở giáo dục đại học (Công văn số
3878/BGDĐT-PC) và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào
tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục
thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục
và Đào tạo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 về công tác pháp chế như sau:
I. NHIỆM VỤ
CHUNG
1. Tiếp tục xây dựng và phát
huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ người làm công tác pháp chế và thực
hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (đối với các
Sở Giáo dục và Đào tạo) và Công văn số 3878/BGDĐT-PC (đối với các cơ sở giáo dục
đại học, trường cao đẳng sư phạm).
2. Tiếp tục hoàn thiện và nâng
cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt
là các văn bản dưới luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDĐT). Bám sát chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu của thực tiễn để
xác định các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật
về giáo dục.
3. Chủ động rà soát VBQPPL luật
theo từng chuyên đề để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, kịp thời xử lý
những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với các
văn bản cấp trên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thiết lập hệ thống
pháp luật về giáo dục đồng bộ, hiệu quả.
4. Đẩy mạnh hoạt động theo dõi,
đánh giá tình hình thi hành pháp luật về giáo dục của địa phương, sở, trường để
kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành
pháp luật.
5. Đẩy mạnh công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật trong nhà trường; xác định giáo dục pháp luật là tiền đề
mang tính quyết định đến việc hình thành và nâng cao ý thức pháp luật cho mọi
người, là một trong những biện pháp cơ bản có ý nghĩa chiến lược nhằm bồi dưỡng,
xây dựng, hình thành nhân cách con người mới.
II. NHIỆM VỤ
CỤ THỂ
1. Đối với
các Sở Giáo dục và Đào tạo
Các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ
chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số
55/2011/NĐ-CP , đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
a) Kiện toàn tổ chức pháp chế:
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức
pháp chế tại đơn vị theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Công văn số
5592/VPCP-TCCV ngày 17/7/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức và hoạt động
của phòng pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Tiếp tục phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng công
tác pháp chế nhằm nâng cao chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ người
làm công tác pháp chế tại địa phương;
- Cử người làm công tác pháp chế
tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế do Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Sở Tư pháp và các Bộ, ngành tổ chức.
b) Về công tác xây dựng VBQPPL:
- Nâng cao chất lượng công tác
xây dựng VBQPPL; chủ trì soạn thảo hoặc cử người tham gia soạn thảo các VBQPPL
của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh liên quan đến
lĩnh vực giáo dục ở địa phương;
- Tham gia góp ý đầy đủ, có chất
lượng đối với các dự thảo VBQPPL liên quan đến giáo dục do các cơ quan, đơn vị
khác soạn thảo theo quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL.
c) Về công tác kiểm tra, xử lý;
rà soát, hệ thống hóa VBQPPL:
- Phối hợp với Sở Tư pháp giúp
HĐND, UBND cấp tỉnh trong công tác tự kiểm tra, xử lý VBQPPL trong lĩnh vực
giáo dục do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành;
- Thực hiện tự kiểm tra, xử lý
văn bản cá biệt có chứa quy phạm pháp luật do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Chủ động và phối hợp với các
cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong lĩnh
vực giáo dục nhằm phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo,
hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với các văn bản cấp trên và tình hình phát
triển kinh tế - xã hội để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ văn
bản; nhằm thiết lập hệ thống pháp luật về giáo dục đồng bộ, hiệu quả;
- Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo
về kết quả kiểm tra, xử lý VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
d) Về công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật:
- Thực hiện tổng kết Đề án
“Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” từ
năm 2009 đến 2013 và từ 2013 đến 20162, được Thủ
tướng Chính phủ cho phép kéo dài từ 2017 đến 2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg
ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục
pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 (Quyết định số 705/QĐ-TTg); Quyết định số
3957/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế
hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 (Quyết định số
3957/QĐ-BGDĐT);
- Tiếp tục triển khai thực hiện
Quyết định số 159/KH-BGDĐT ngày 01/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của ngành giáo
dục (Quyết định số 159/KH-BGDĐT); tổ chức phổ biến kịp thời, thường xuyên chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện Nghị
quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các văn bản pháp luật mới
ban hành liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo và các quy định pháp luật
phù hợp với từng đối tượng thuộc phạm vi quản lý;
- Chỉ đạo giáo viên bộ môn chú
ý lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp
lý, phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, gắn việc giảng dạy và học
tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức
pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo
trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống
thực tế;
- Đa dạng hóa các hình thức phổ
biến, giáo dục pháp luật; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người học; tăng cường sự phối hợp
giữa ngành giáo dục, ngành tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc
triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Tiếp tục quan tâm tăng cường
triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch bệnh
Covid-19 với nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền phù hợp với điều kiện,
tình hình phòng, chống dịch bệnh của địa phương và hướng dẫn của các cơ quan chức
năng. Trong đó tập trung phổ biến các quy định về cách ly y tế; trách nhiệm của
tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh; tình hình thi hành pháp luật và
xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang gây
bức xúc dư luận xã hội3 (có thể tham khảo một số
tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, tài liệu liên quan phục vụ công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đăng tải trên Trang
Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông tin điện tử của
Bộ Tư pháp (tại địa chỉ: https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-pgbdpltw.aspx?ItemID=1364);
- Tổ chức hoạt động hưởng ứng
Ngày Pháp luật 09/11 với định hướng sau đây: về nội dung, bám sát các nội dung
cần phổ biến theo hướng dẫn tại Công văn này; về hình thức, tập trung tuyên
truyền, phổ biến pháp luật trên báo, đài, Cổng/Trang thông tin điện tử; truyền
thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật,
đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật trực tiếp; tổ chức lồng ghép hoạt động
hưởng ứng Ngày Pháp luật kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể
thao... ; về khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đề nghị địa phương,
nhà trường chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật
(có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp tại chuyên
mục “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Cổng
thông tin điện tử của Bộ Tư pháp từ ngày 01/10/2021); các hoạt động hưởng ứng
Ngày Pháp luật cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt trong
02 tháng cao điểm là tháng 10 và 11/2021.
e) Về công tác theo dõi tình
hình thi hành pháp luật và quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính:
- Đẩy mạnh thực hiện công tác
theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực giáo dục ở địa phương theo
quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo
dõi tình hình thi hành pháp luật; Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày
23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Quyết định số
566/QĐ-BGDĐT ngày 29/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế
hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác theo dõi thi
hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Tăng cường công tác theo dõi,
giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, các văn bản
chỉ đạo của ngành; kết hợp chặt chẽ giữa công tác theo dõi tình hình thi hành
pháp luật với tăng cường hoạt động kiểm tra việc thực hiện pháp luật; phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra, xử lý việc chấp hành
pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn để kiến nghị các biện
pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.
2. Đối với
các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm
Các cơ sở giáo dục đại học, trường
cao đẳng sư phạm thực hiện đầy đủ các nội dung đã được hướng dẫn tại Công văn số
3878/BGDĐT-PC , đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Kiện toàn tổ chức, xây dựng
đội ngũ người làm công tác pháp chế:
- Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội
ngũ người làm công tác pháp chế theo Công văn số 3878/BGDĐT-PC ;
- Cử người làm công tác pháp chế
tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế do Bộ Giáo
dục và Đào tạo và các Bộ, ngành tổ chức.
b) Về công tác tham mưu, tư vấn
những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của nhà trường:
- Tham gia góp ý dự thảo
VBQPPL, văn bản quản lý, điều hành do các cơ quan, đơn vị gửi lấy ý kiến; kiến
nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành
văn bản để đảm bảo phù hợp với quy định với các văn bản cấp trên và tình hình
phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ
văn bản; nhằm thiết lập hệ thống pháp luật về giáo dục đồng bộ, hiệu quả;
- Tổ chức pháp chế chủ trì, phối
hợp với các bộ phận liên quan tư vấn, tham mưu những vấn đề pháp lý trong tổ chức
và hoạt động của nhà trường, trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán
bộ, giảng viên, nhân viên và người học.
c) Về công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật:
- Thực hiện tổng kết Đề án
“Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”
theo Quyết định 705/QĐ-TTg ; Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ;
- Tiếp tục triển khai thực hiện
Quyết định số 159/KH-BGDĐT ; tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về đổi mới
quản lý giáo dục đại học, các văn bản mới ban hành liên quan đến tổ chức, hoạt
động, nhiệm vụ của nhà trường; văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của viên
chức, nhà giáo, người lao động, người học;
- Chủ động đổi mới phương pháp
giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên và đổi mới việc
học, thi, kiểm tra, đánh giá môn học pháp luật đại cương;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin, sử dụng phương tiện điện tử, tin học phục vụ việc giảng dạy, học tập
kiến thức pháp luật;
- Tiếp tục quan tâm tăng cường
triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch bệnh
COVID-19 và tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật với định hướng nêu tại điểm d khoản
1 Phần II Công văn này.
d) Về công tác theo dõi tình
hình thi hành pháp luật và quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính:
- Thực hiện công tác theo dõi
tình hình thi hành pháp luật tại nhà trường theo Quyết định số 566/QĐ-BGDĐT
ngày 29/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch theo dõi
tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về
xử lý vi phạm hành chính năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ được giao;
- Tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện các VBQPPL của Nhà nước; văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành
của nhà trường.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Giám đốc các Sở Giáo dục và
Đào tạo tổ chức quán triệt hướng dẫn này đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và
người lao động, chỉ đạo Phòng Pháp chế, tổ chức pháp chế hoặc người làm công
tác pháp chế xây dựng kế hoạch công tác pháp chế; phê duyệt kế hoạch công tác
pháp chế năm học 2021 - 2022.
Ngoài những báo cáo đột xuất và
báo cáo chuyên đề theo yêu cầu, các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo kế hoạch
công tác pháp chế năm học 2021 - 2022 trước ngày 15/11/2021; báo cáo tổng kết
công tác pháp chế năm học kèm theo báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu công
tác pháp chế năm học 2021 - 2022 trước ngày 15/6/2022.
2. Giám đốc đại học, học viện;
hiệu trưởng trường đại học; hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm tổ chức quán
triệt hướng dẫn này đến cán bộ, giảng viên, nhân viên, người học; chỉ đạo Phòng
Pháp chế, tổ chức pháp chế hoặc người làm công tác pháp chế xây dựng kế hoạch
công tác pháp chế; phê duyệt kế hoạch công tác pháp chế năm học 2021 - 2022; thực
hiện chế độ báo cáo tổng kết công tác pháp chế năm học kèm theo báo cáo kết quả
thực hiện các chỉ tiêu công tác pháp chế năm học trước ngày 30/6/2022; thực hiện
chế độ báo cáo đột xuất khi được yêu cầu.
Trong quá trình triển khai nhiệm
vụ năm học về công tác pháp chế, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề nghị các
Sở Giáo dục và Đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm phản
ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Pháp chế) để phối hợp giải quyết.
Địa chỉ liên hệ: Vụ Pháp chế -
Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35, Đại Cồ Việt, Hà Nội; email: [email protected];
điện thoại: 0243.6231059.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Bộ Tư pháp (để phối hợp);
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Phúc
|
1 Đối với Tỉnh Bạc
Liêu là Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.
2 Ngày 20/11/2009,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1928/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng
cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường (Đề án
1928); Ngày 09/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 409/QĐ-TTg ban
hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của
Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, theo đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục
và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch để
triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật trong nhà trường” được ban hành kèm theo Quyết định số 1928/QĐ-TTg
ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2016.
3 Hành vi trốn khỏi
nơi cách ly; đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông
tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh; hành vi dùng vũ lực,
đe dọa dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh
COVID…