BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4355/BKHĐT-GSTĐĐT
V/v tổng hợp công tác giám sát, đánh
giá tổng thể đầu tư năm 2016
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2017
|
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ quy định của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP
ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, báo cáo giám sát,
đánh giá tổng thể đầu tư năm 2016 của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, Tập
đoàn kinh tế, tổng công ty (dưới đây gọi tắt là cơ quan), Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác giám sát,
đánh giá tổng thể đầu tư năm 2016 như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
BÁO CÁO GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
1. Căn cứ pháp lý:
Công tác giám sát, đánh giá đầu tư được
thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Nghị
định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu
tư, Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy
định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư, Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT
ngày 29/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chế độ báo cáo trực tuyến và
quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình,
dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
Theo quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ,
thời điểm các cơ quan gửi báo cáo tổng thể đầu tư năm 2016 trước ngày 01/3/2017.
Ngày 06/01/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã có văn bản số 152/BKHĐT-GSTĐĐT gửi các cơ quan đề nghị lập và gửi báo cáo
giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư năm 2016 phải đầy đủ các nội dung và đúng
thời gian quy định. Cập nhật báo cáo trên Hệ thống
thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn
nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
chỉ tổng hợp các báo cáo của các cơ quan được cập nhật trên Hệ thống thông tin.
2. Về
Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng
vốn nhà nước (Hệ thống thông tin):
Thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát, đánh giá
đầu tư, nhằm từng bước hiện đại hóa công tác giám sát, đánh giá đầu tư cũng như
công khai, minh bạch thông tin các chương trình, dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã xây dựng Hệ thống thông tin đầu tư sử dụng vốn nhà nước và đưa vào vận
hành từ cuối năm 2015. Các thông tin trên Hệ thống này cũng như các thông tin về
tài liệu hướng dẫn sử dụng, tình hình thực hiện báo cáo của các bộ, ngành Trung
ương, địa phương, tập đoàn, tổng công ty được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu
tư tại địa chỉ http://giamsatdautuquocgia.mpi.gov.vn.
Trong năm 2015 và đầu năm 2016, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư đã triển khai và hoàn thiện công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp
vụ liên quan đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư; hướng dẫn việc sử dụng Hệ
thống thông tin đến các cơ quan trên phạm vi cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã
xây dựng Hệ thống đăng ký tài khoản tập trung tại địa chỉ https://taikhoan.mpi.gov.vn
để các cơ quan, chủ đầu tư có thể đăng ký tài khoản trực tuyến và cơ quan chủ
quản có thể chủ động trong việc xác nhận đăng ký tài khoản cũng như quản lý tài
khoản của các chủ đầu tư, cơ quan cấp dưới.
3. Về
tình hình thực hiện chế độ báo cáo
a) Về Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư:
Đến ngày 30/4/2017, trên Hệ thống
thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng
thể đầu tư năm 2016 của 94/123 cơ quan, đạt 76,4%; trong đó: 54/63 tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (đạt 85,71%); 19/32 cơ quan Bộ và tương đương (đạt
59,38%); 6/9 cơ quan thuộc Chính phủ (đạt 66,67%); 15/19 Tập đoàn kinh tế và Tổng
công ty 91 (đạt 78,95%).
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do có các dự
án mật, không cập nhật báo cáo lên Hệ thống thông tin. 27
cơ quan (9 địa phương; 11 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 3 cơ quan thuộc Chính
phủ; 4 Tập đoàn/Tổng công ty) chưa cập nhật được thông tin tổng hợp trên Hệ thống
thông tin như (Danh sách như Phụ lục kèm theo). Một số cơ quan đã thực hiện báo
cáo bằng văn bản, nhưng các thông tin chưa được triển khai cập nhật vào Hệ thống
thông tin hoặc mới cập nhật được phần thuyết minh nhưng
chưa cập nhật được các bảng biểu số liệu như các tỉnh: Lai Châu, Ninh Bình, Bình
Định, thành phố Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bộ
Công Thương, Yên Bái...
Các cơ quan thực hiện tốt việc tổng hợp
báo cáo giám sát tổng thể đầu tư thông qua việc triển khai tổng hợp trực tuyến trên Hệ thống từ báo cáo của các cơ quan cấp dưới, cụ
thể như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Tập đoàn
Công nghiệp than khoáng sản, UBND Thành
phố Hồ Chí Minh.
Một số cơ quan báo cáo muộn (sau thời
điểm 01/3/2017) như: Bến Tre (25/4/2017), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (25/4/2017),
Bộ Nội vụ (25/4/2017), Lâm Đồng (24/4/2017), Tổng công ty Giấy Việt Nam (19/4/2017),
Bà Rịa - Vũng Tàu (19/4/2017), Hà Nội (18/4/2017), Đài Truyền hình Việt Nam (14/4/2017), Tập đoàn Bưu chính viễn
thông (13/4/2017), Ninh Bình (12/4/2017), Thái Bình (11/4/2017), Đồng Nai (10/4/2017),
Phú Thọ (10/4/2017),...
Tình hình báo cáo giám sát, đánh giá
tổng thể đầu tư trực tuyến của các cơ quan theo từng kỳ báo cáo được Bộ Kế hoạch
và Đầu tư công khai tại Cổng thông tin quốc gia về giám
sát và đánh giá đầu tư tại địa chỉ http://giamsatdautuquocgia.mpi.gov.vn.
b) Về các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư
số 13/2016/TT-BKHĐT , các chủ đầu tư đã đăng ký tài khoản và cập nhật thông tin
về các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương và các dự
án sử dụng vốn nhà nước của các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 trên Hệ thống
thông tin.
Hiện tại, trên Hệ thống thông tin đã
có gần 5.000 tài khoản của các cơ quan, chủ đầu tư trên toàn quốc.
Số lượng dự án sử dụng vốn nhà nước đã cập nhật thông tin trên Hệ
thống thông tin là 11.900 dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện công
khai số lượng dự án của từng cơ quan trên Cổng thông tin
quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư quốc gia (chi tiết được công khai tại
http://giamsatdautuquocgia.mpi.gov.vn/Pages/tongsodachitiet.aspx).
Một số địa phương triển khai tốt
trong việc chỉ đạo các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật thông tin về dự án theo
quy định trên Hệ thống thông tin như:
STT
|
Tên
cơ quan
|
Số
lượng dự án đã cập nhật trên Hệ thống
|
I
|
Địa phương
|
1
|
Thành phố Hồ Chí Minh
|
1716
|
2
|
Gia Lai
|
416
|
3
|
Thành phố Đà Nẵng
|
390
|
4
|
Bình Dương
|
362
|
5
|
Đồng Nai
|
251
|
II
|
Bộ, ngành trung ương; Tập đoàn
và tổng công ty
|
1
|
Bộ Tài chính
|
247
|
2
|
Bộ Giao thông vận tải
|
105
|
3
|
Bộ Thông tin và Truyền thông
|
82
|
4
|
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
|
49
|
5
|
Đài Truyền hình Việt Nam
|
35
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục
hoàn thiện và nâng cấp Hệ thống thông tin để theo dõi, cập nhật thông tin của tất
cả các dự án sử dụng vốn nhà nước; công khai, chia sẻ thông tin về đầu tư tới tất
cả các cơ quan, tổ chức và người dân để cùng phối hợp giám sát, đánh giá theo
quy định của pháp luật.
c) Đánh giá chung về nội dung
báo cáo
Nhìn chung các cơ quan đã có nhiều cố
gắng trong cập nhật các quy định mới, cũng như cập nhật các số liệu vào Hệ thống
thông tin. Việc cập nhật số liệu vào Hệ thống thông tin sẽ giúp công tác tổng hợp
nhanh và chính xác, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác giám sát,
đánh giá đầu tư, giảm bớt khối lượng báo cáo giấy, hướng đến
mục tiêu các thông tin của các chương trình, dự án sử dụng vốn nhà nước sẽ được
đăng tải trên mạng internet theo quy định để các tổ chức, cá nhân và xã hội tra
cứu và cùng giám sát, đánh giá.
Tuy nhiên, do đây là những quy định mới
có hiệu lực, một số cơ quan cán bộ, công chức còn hạn chế về công nghệ thông tin; do vậy, mặc dù đã có nhiều cố gắng song vẫn không tránh khỏi các
sai sót. Đặc biệt khi số liệu của một cơ quan không chính xác (sai đơn vị tính)
đã ảnh hưởng đến độ chính xác, tiến độ tổng hợp số liệu chung tại Bộ Kế hoạch
và Đầu tư.
Trong thời gian tới, đề nghị các cơ
quan tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các quy định hiện hành,
hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá đầu tư của cơ quan,
đặc biệt là cập nhật số liệu báo cáo đầy đủ, chính xác trên Hệ thống thông tin.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Tình hình ban hành các văn bản
hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu
tư
Năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật
số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh
mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, theo
đó số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã giảm từ 267 ngành,
nghề xuống còn 243 ngành nghề nhằm tạo điều kiện, khuyến khích, cải thiện hơn
môi trường đầu tư, kinh doanh.
Theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền,
các Bộ, ngành cũng đang tiến hành rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh, bổ
sung các quy định pháp luật liên quan để tiếp tục hoàn thiện các quy định liên
quan đến hoạt động đầu tư, nhằm phù hợp hơn với điều kiện thực tế, tháo gỡ các
vướng mắc khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ
các chương trình, dự án đầu tư.
2. Tình hình quản lý Quy hoạch
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày
16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối
hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch; Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quy hoạch trong
kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Về tình hình chung việc lập, thẩm định
và phê duyệt các dự án quy hoạch trên phạm vi cả nước như sau:
a) Đối với quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội cấp vùng, địa phương:
Năm 2016 là năm thứ 6 triển khai thực
hiện các quy hoạch của thời kỳ 2011 - 2020; theo quy định
của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và
quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP
ngày 11/01/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/9/2006 của Chính phủ, các địa phương đã tiến hành rà soát và điều chỉnh
các quy hoạch. Kết quả cụ thể như sau:
+ Đối với quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội các vùng: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch 02 vùng: (1) Vùng Tây Nguyên dự
kiến trình sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2017; (2) Vùng
Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2018.
+ Đối với quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội các địa phương: Trong năm 2016 đã có 20 tỉnh,
thành phố hoàn thành việc điều chỉnh và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
22 tỉnh thành phố đang tiến hành rà soát, điều chỉnh; dự kiến hoàn thành trong
6 tháng đầu năm 2017.
b) Đối với Quy hoạch phát triển
ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu:
Trong năm 2016, các Bộ ngành đã tiến hành lập mới và điều chỉnh 79 quy hoạch ngành, lĩnh vực và
sản phẩm.
c) Đánh giá chung:
Phần lớn các Quy hoạch được các Bộ
ngành và địa phương lập và điều chỉnh trong năm 2016 đã đảm bảo tuân thủ theo
quy định của Nghị định 92/2006/NĐ-CP và Nghị định 04/2008/NĐ-CP cũng như các
văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên qua tổng hợp còn một số tồn tại
sau:
- Chất lượng nhiều bản quy hoạch chưa
cao, chủ yếu tập trung xây dựng các chỉ tiêu, chưa quan tâm tổ chức không gian
phát triển, vì thế các bản quy hoạch không có tính ổn định lâu dài;
- Một số bản quy hoạch có thời gian
quy hoạch ngắn (cho thời kỳ 2016-2020) là không đúng với quy định;
- Nhiều bản quy hoạch sản phẩm chủ yếu
không phù hợp với cơ chế thị trường vẫn được triển khai lập và điều chỉnh trong
năm 2016, gây lãng phí về nguồn lực và khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
- Việc công bố và cung cấp thông tin
về quy hoạch sau khi được phê duyệt chưa được các Bộ ngành và địa phương quan
tâm.
3. Về
các chương trình đầu tư công:
a) Về các chương
trình mục tiêu quốc gia:
Tại Nghị quyết số 100/2015/QH13, Quốc
hội đã phê duyệt 02 Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2016-2020 gồm:
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai
đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016-2020.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định
số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg
ngày 02/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2016-2020.
Hiện tại, các bộ, ngành Trung ương và
các địa phương đang tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc các Chương
trình.
b) Về các chương
trình đầu tư công khác:
Tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016,
Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn
2016-2020 thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Chính phủ.
Ngày 09/3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
đã có văn bản số 1808/BKHĐT-GSĐTĐT gửi các Chủ trương trình để hoàn thiện Báo
cáo nghiên cứu khả thi. Đề nghị các chủ Chương trình căn cứ các quy định hiện
hành, sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư
công và hướng dẫn tại văn bản số 1808/BKHĐT-GSĐTĐT của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư.
4. Về
các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước
4.1. Về công tác quản lý kế hoạch vốn đầu tư:
Tại Nghị quyết số 98/2015/QH13, Nghị
quyết số 99/2015/QH13, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và kế hoạch ngân sách năm 2016.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã
có Quyết định số 2526/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển
nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2016; Quyết định số 2397/QĐ-TTg ngày 28/12/2015
giao kế hoạch vốn TPCP năm 2016; Quyết định số 2527/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 giao
kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối
ngân sách nhà nước năm 2016; Quyết định số 2525/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 giao kế
hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước năm 2016.
Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư đã triển khai giao vốn chi tiết cho các bộ,
ngành Trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đầu tư. Chi tiết các nguồn
vốn, phân bổ cho từng cơ quan được tổng hợp báo cáo trong Sổ tay kế hoạch năm
2016.
Trên cơ sở kế hoạch vốn Trung ương được
giao và các nguồn vốn tự cân đối của ngân sách của các bộ, ngành Trung ương và
địa phương, các cơ quan triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của
pháp luật hiện hành.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo, một số
cơ quan có giá trị giải ngân thấp so với kế hoạch như: thành phố Hà Nội, Điện
Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng
Ngãi, Gia Lai, thành phố Cần Thơ, An Giang,... Đề nghị các cơ quan: rà soát, kiểm tra, đối với những
chương trình, dự án có giá trị khối lượng thực hiện, giá
trị giải ngân thấp cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó
khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, điều chỉnh kế hoạch vốn đối với
các dự án, chương trình không hoàn thành kế hoạch, bảo đảm hiệu quả của nguồn vốn
đầu tư.
4.2. Về các dự án đầu tư:
Theo số liệu báo cáo của 94 cơ quan
trên Hệ thống thông tin, tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước
được tổng hợp như sau:
a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ
trương đầu tư và quyết định đầu tư
- Về chủ trương
đầu tư: Trong năm 2016, theo số liệu tổng hợp của 94 cơ quan, có 19.559 dự án
có kế hoạch lập hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư, đã được thẩm định 19.921 dự
án, đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương là 19.387 dự án (đạt 99,12%
so với kế hoạch, trong đó có 19 dự án nhóm A, 991 dự án nhóm B, 18.377 dự án
nhóm C).
- Về quyết định
đầu tư: Trong năm đã có 20.307 dự án được thẩm định; các cấp có thẩm quyền quyết
định đầu tư 21.958 dự án (trong đó có 16 dự án nhóm A, 739 dự án nhóm B, 21.149
dự án nhóm C); trong số các dự án được quyết định đầu tư có 2.060 dự án sử dụng
vốn ngân sách Trung ương, 575 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, 174 dự án
sử dụng vốn ODA, 11.089 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, 330 dự án sử dụng
vốn đầu tư công khác, 7.730 dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.
Đây là năm thứ 2 thực hiện các quy định
của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng năm 2014, theo báo cáo của các cơ quan,
nhìn chung công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu
tư các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước phù hợp với quy định hiện hành.
b) Tình hình thực hiện các dự án
Năm 2016 có 45.147 dự án thực hiện đầu
tư, trong đó có 19.362 dự án chuyển tiếp, chiếm 42,89%; 25.785 dự án khởi công
mới, chiếm 57,11% (trong số các dự án khởi công mới có 34 dự án nhóm A, 930 dự
án nhóm B, dự án nhóm C với 24.821 dự án, chiếm 96,26%);
trong năm có 22.324 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng chiếm
49,45% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (trong đó có 51 dự án nhóm A, 656 dự
án nhóm B, 21.617 dự án nhóm C). Trong số các dự án kết thúc đầu tư đưa vào
khai thác sử dụng có 253 dự án có vấn đề về kỹ thuật, không có hiệu quả.
Một số cơ quan có số dự án khởi công
lớn là: Hà Nội (1.440 dự án khởi công mới/tổng số 4.313 dự án thực hiện trong kỳ,
chiếm tỷ lệ 33,39%), Sơn La (831 dự án/1.223 dự án, tỷ lệ 67,95%), Phú Thọ (708
dự án/1.054 dự án, tỷ lệ 67,17%), Bắc Giang (873 dự án/1.435 dự án, tỷ lệ
60,84%), Bắc Ninh (560 dự án/1.082 dự án, tỷ lệ 51,76%), Thanh Hóa (622 dự án/961
dự án, tỷ lệ 66,81%), Quảng Ngãi (1.003 dự án/1.411 dự án, tỷ lệ 71,08%), Khánh
Hòa (743 dự án/977 dự án, tỷ lệ 76,05%), Thành phố Hồ Chí
Minh (1.090 dự án/2.660 dự án, tỷ lệ 40,98%), Long An (538 dự án/875 dự án, tỷ
lệ 61,49%), Đồng Tháp (616 dự án/865 dự án, tỷ lệ 71,21%), An Giang (729 dự án/1.033 dự án, tỷ lệ 70,57%),...
Theo số liệu báo cáo, trong năm 2016
có 1.448 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,21% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ
(trong đó số dự án nhóm A là 34 dự án, nhóm B là 391 dự án, nhóm C là 1.023 dự án). Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là: do công tác
giải phóng mặt bằng (779 dự án, chiếm 1,73% số dự án thực hiện trong kỳ); do bố
trí vốn không kịp thời (423 dự án, chiếm 0,94% số dự án thực hiện trong kỳ); do
năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (148 dự án, chiếm
0,33% số dự án thực hiện trong kỳ); do thủ tục đầu tư (220
dự án, chiếm 0,49% số dự án thực hiện trong kỳ) và do các nguyên nhân khác (512
dự án, chiếm 1,13% số dự án thực hiện trong kỳ).
Phân tích số liệu của các cơ quan có
báo cáo, có 3.023 dự án thực hiện đầu tư
trong năm phải điều chỉnh, chiếm 6,70% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong
đó chủ yếu là: điều chỉnh vốn đầu tư (960 dự án, chiếm 2,13% số dự án thực hiện
trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (842 dự án, chiếm 1,87% số dự án thực hiện
trong kỳ); điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (737 dự án, chiếm 1,63% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh
do các nguyên nhân khác (658 dự án, chiếm 1,46% số dự án
thực hiện trong kỳ).
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan trong năm 2016 có 35.904 dự án trên tổng số 45.147 dự án đầu tư sử
dụng vốn nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh
giá đầu tư, đạt tỷ lệ 79,53%.
Theo số liệu báo
cáo, trong năm 2016, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 11.335
dự án (chiếm 25,11% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá
13.200 dự án (chiếm 29,24% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ).
Trong năm 2016 đã phát hiện 27 dự án
vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 39 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 590
dự án có thất thoát, lãng phí; 726 dự án
phải ngừng thực hiện. Các dự án có thất thoát
lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn
thanh, quyết toán, kiểm toán.
c) Tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng
cơ bản
Theo số liệu tổng hợp của các cơ quan
trên Hệ thống thông tin, trong năm 2016, các cơ quan đã ưu tiên bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà
nước theo quy định của Luật Đầu tư công; số nợ đọng còn lại
là 43.310 tỷ đồng.
4.3. Đánh giá chung:
Trong thời gian qua, công tác đầu tư
từ ngân sách Trung ương được chấn chỉnh và có nhiều chuyển
biến tích cực, nguồn vốn ngân sách được
bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Việc đầu tư từ
các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn
đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu có chuyển biến. Tuy
nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại cần khắc phục:
- Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải
điều chỉnh vẫn còn khá cao. Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ
yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến
nền kinh tế; các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là
tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho
công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư. Trách nhiệm về tình trạng nêu trên trước
hết thuộc về các chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
- Số lượng các dự án có báo cáo giám
sát, được kiểm tra, đánh giá còn thấp so với tổng số các dự án thực hiện trong
kỳ.
- Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư và số dự
án hoàn thành các thủ tục quyết toán trong thời gian qua ở một số cơ quan còn
thấp, đòi hỏi phải có giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và quyết
toán vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng quá 6
tháng.
Trong thời gian tới, điều kiện nguồn
vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, đề nghị các cơ quan xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa
chọn các chương trình, dự án (đặc biệt các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách địa
phương) để thực hiện các thủ tục quyết định đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các
dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của
nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Các cơ quan cần tích cực
theo dõi, kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh
trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu
tư, tiến độ đầu tư, thanh quyết toán đầu tư.
5. Tình hình quản lý các dự án đầu
tư theo hình thức PPP
Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn rất
hạn chế so với nhu cầu đầu tư, việc khuyến khích và mở rộng thu hút đầu tư từ
các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hình thức
PPP là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, số liệu về các dự án PPP
còn hạn chế, trong số các Cơ quan báo cáo chỉ có 10 cơ quan có số liệu về dự án
PPP, gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Định, thành phố Hồ
Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và Bộ Giao thông vận tải.
Theo số liệu tổng hợp của 10 cơ quan
trên, trong năm 2016 có 220 dự án theo hình thức PPP thực hiện các thủ tục đề
xuất dự án (trong đó có 120 dự án do cơ quan nhà nước đề xuất, 100 dự án do nhà
đầu tư tự đề xuất); 18 dự án có quyết định đầu tư, 28 dự án hoàn thành lựa chọn
nhà đầu tư, 30 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 26 dự án hoàn tất
thủ tục về Hợp đồng dự án.
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ
quan trong năm 2016 có 68 dự án trên tổng số 130 dự án đầu tư theo hình thức
PPP thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, đạt
tỷ lệ 52,31 %, trong đó 56 dự án được kiểm tra, 10 dự án được đánh giá.
Tổng vốn đầu tư của các dự án PPP
theo kế hoạch trong năm là 50.922 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công tham gia là
416 tỷ đồng, chiếm 0,82%; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 10.190 tỷ đồng,
chiếm 20%; vốn vay thương mại là 40.331 tỷ đồng, chiếm 79,2%. Tổng giá trị thực
hiện là 43.360 tỷ đồng, đạt 85,15% so với kế hoạch.
6. Tình hình quản lý các dự án đầu
tư sử dụng các nguồn vốn khác
Tổng hợp số liệu từ các cơ quan, năm
2016 có 3.965 dự án nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó có
296 dự án đầu tư nước ngoài, 3.669 dự án đầu tư trong nước), 3.362 dự án được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 3.533 dự án được điều chỉnh Giấy chứng nhận
đăng ký đầu tư. Số dự án thực hiện đầu tư trong năm là
5.530 dự án (trong đó 3.700 dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư; 1.830 dự án thuộc diện không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Tổng vốn
đầu tư đăng ký trong năm là 742.379 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là
410.423 tỷ đồng, đạt 55,29%.
Theo chức năng nhiệm vụ, hằng năm các
cơ quan đều xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều dự án đầu
tư. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý sai phạm; hoạt
động đầu tư của các cơ quan, chủ đầu tư được chấn chỉnh và dần đi vào nề nếp.
Trong năm 2016 có 3.750 dự án trên tổng
số 5.530 dự án sử dụng nguồn vốn khác được kiểm tra, đánh giá, đạt tỷ lệ
67,81%.
Qua kiểm tra, đánh giá phát hiện có
230 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư (chiếm 6,13% tổng số
dự án được kiểm tra); 159 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường (chiếm 4,24% tổng
số dự án được kiểm tra), 85 dự án có vi phạm về sử dụng đất và quản lý tài
nguyên (chiếm 2,27% tổng số dự án được kiểm tra); đã thu hồi 370 Giấy chứng nhận
đầu tư (chiếm 9,87% tổng số dự án được kiểm tra).
Trong năm có 487 dự án kết thúc đầu
tư (197 dự án đầu tư nước ngoài, 290 dự án đầu tư trong nước), 103 dự án đưa
vào khai thác sử dụng; tổng số tiền từ các dự án sử dụng nguồn vốn khác nộp
ngân sách là khoảng 58.188 tỷ đồng (trong đó các dự án đầu tư nước ngoài nộp
51.726 tỷ đồng).
Theo báo cáo của các cơ quan, chất lượng
báo cáo của một số chủ đầu tư gửi đến các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng
yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không
báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các
thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng
không đủ các số liệu cụ thể.
Để bảo đảm việc đầu tư phù hợp với
các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương cũng như phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vấn đề tiêu cực có thể phát
sinh từ việc đầu tư các dự án (đặc biệt là vấn đề môi trường, sử dụng đất đai,
tài nguyên, lao động,...), các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác giám
sát, đánh giá đầu tư các dự án sử dụng các nguồn vốn khác phù hợp các quy định
hiện hành.
7. Tình hình giám sát đầu tư của cộng
đồng:
Trong số 63 tỉnh/thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ có số liệu giám sát đầu tư của cộng đồng của 29 tỉnh/thành phố.
Theo số liệu của 29 tỉnh/thành phố
thuộc Trung ương có 10.831 dự án được giám sát đầu tư của cộng đồng, trong đó:
6.007 dự án sử dụng vốn và công sức cộng đồng, vốn ngân sách cấp xã, vốn tài trợ
trực tiếp cho xã; 4.037 dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài vốn đầu
tư công, dự án PPP; 787 dự án sử dụng nguồn vốn khác.
Trong số 10.831 dự án đã được cộng đồng
giám sát, có 384 dự án phát hiện vi phạm; 1.760 dự án chưa được cộng đồng giám
sát, trong đó có 326 dự án do các cơ quan, chủ đầu tư chưa công khai thông tin.
Theo số liệu trên, kết quả công tác
triển khai hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng còn rất hạn chế. Nhằm phát
huy quyền dân chủ của nhân dân, phù hợp với chủ trương, chính sách của đảng,
các quy định của pháp luật, đề nghị các địa phương cần quan tâm triển khai mạnh
mẽ hơn nữa công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án trên địa
bàn.
8. Về
các kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty:
Trong các báo cáo tổng hợp công tác
giám sát, đánh giá đầu tư; các cuộc kiểm tra tổng thể đầu tư, các cơ quan có một
số kiến nghị, đề xuất tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Chính phủ, các cơ quan các cấp cần
bố trí đủ vốn theo kế hoạch cho các chương trình, dự án đầu tư; xem xét việc
phân cấp cho các cơ quan cấp dưới được điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư trong cơ
cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân cấp quản lý.
- Xem xét phân cấp trong việc thực hiện
các thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt thiết
kế kỹ thuật, dự toán.
- Cho phép lựa chọn hình thức chỉ định
thầu đối với các nhà thầu tư vấn lập quy hoạch, các dự án đặc thù, ở những địa
bàn khó khăn.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tăng
cường bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát, đánh giá đầu tư cho các cơ quan.
- Các cơ quan bổ sung kinh phí sự
nghiệp cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư các dự án; bổ sung kinh phí bố
trí cho cấp xã thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng.
- Năng lực cán bộ, khả năng sử dụng,
kết nối công nghệ thông tin ở một số cơ
quan, địa bàn còn hạn chế. Nhân sự bố trí thực hiện công tác giám sát, đánh giá
đầu tư còn có tính chất kiêm nhiệm, biến động thường xuyên, ảnh hưởng đến chất
lượng, tiến độ thực hiện các báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.
- Một số Tập đoàn, Tổng công ty địa
bàn hoạt động rộng, nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện giám sát, đánh giá đầu
tư còn hạn chế.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ,
ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều
cố gắng trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, công cụ hỗ trợ thực hiện công tác
giám sát, đánh giá đầu tư, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và
hoàn thiện Hệ thống thông tin đưa vào ứng dụng trong việc tiếp nhận báo cáo, tổng
hợp báo cáo, công khai các số liệu các dự án đầu tư trên hệ thống công nghệ thông tin.
Thông qua công tác giám sát, đánh giá
đầu tư, nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện một số dự
án đã được giải quyết, tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả
các dự án đầu tư. Cũng thông qua công tác giám sát, đánh giá đầu tư các cơ quan
có thẩm quyền đã xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhiều dự án có
vi phạm, không có khả năng thực hiện.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và mục tiêu
đề ra, kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế như: vẫn còn một số cơ quan chưa
gửi báo cáo, chưa cập nhật được lên Hệ thống thông tin, số lượng các dự án phải
báo cáo chưa đầy đủ, các số liệu báo cáo còn sai sót, độ chính xác thấp dẫn đến
số liệu tổng hợp có tính đại diện chưa cao, chưa đánh giá được toàn diện các vấn
đề.
Qua tổng hợp tình hình và kết quả
công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ,
ngành Trung ương, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty:
1. Theo chức năng, nhiệm vụ rà soát sửa
đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các
văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, người
dân; tăng cường phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cho các đơn vị cơ sở.
2. Tích cực triển khai thực hiện tốt
các quy định về quản lý đầu tư nói chung và công tác giám sát, đánh giá đầu tư
nói riêng theo quy định của Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư và các
quy định pháp luật liên quan.
3. Kiện toàn bộ máy và quy trình thực
hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; tổ chức
đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho
các chủ đầu tư, bản quản lý dự án, các doanh nghiệp, ban giám sát đầu tư của cộng
đồng và các đối tượng liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hỗ trợ cử cán bộ
tham gia hướng dẫn nghiệp vụ giám sát đầu tư khi có đề xuất.
4. Chủ động trong việc sử dụng Hệ thống
thông tin trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc,
các chủ đầu tư tổ chức thực hiện tốt việc báo cáo trực tuyến, cập nhật các
thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin theo quy định.
5. Phản hồi, xử lý các kiến nghị của
các chủ đầu tư, của người dân theo thẩm quyền; giải quyết kịp thời các vướng mắc
trong quá trình thực hiện đầu tư, quản lý, kiểm soát tốt kế hoạch đầu tư, chi
phí đầu tư, các vấn đề liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung đẩy
nhanh tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
6. Thực hiện nghiêm việc xử lý hành
vi vi phạm các quy định về Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại
Nghị định số 84/2015/NĐ-CP , Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đặc biệt là xử lý các chủ
đầu tư không thực hiện Báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định; gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả xử lý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
trong kỳ báo cáo 6 tháng năm 2017.
7. Đối với các cơ quan không gửi báo
cáo, chưa cập nhật được báo cáo trên Hệ thống thông tin: yêu cầu lãnh đạo các
cơ quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá
nhân liên quan. Kết quả xử lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 6 năm 2017
để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem
xét và có ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội, UBKT Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng Công ty 91;
- UBND và Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT;
- Lưu: VT, GS&TĐĐT.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|
DANH
MỤC TÀI LIỆU
(Kèm theo văn bản số: 4355/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 29/5/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
1. Tổng hợp danh sách các cơ quan
chưa báo cáo trên Hệ thống thông tin.
2. Phụ biểu 1. Tình hình thực hiện kế
hoạch vốn đầu tư trong kỳ.
3. Phụ biểu 2. Tổng hợp số liệu về chương
trình đầu tư công.
4. Phụ biểu 3. Tình hình thực hiện
giám sát, đánh giá đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước.
5. Biểu tổng hợp Số dự án sử dụng vốn
nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ.
6. Biểu tổng hợp về tình hình thực hiện
dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
7. Phụ biểu 4. Tình hình thực hiện
giám sát, đánh giá đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
8. Biểu tổng hợp về tình hình thực hiện
dự án đầu tư theo hình thức PPP.
9. Phụ biểu 5. Tình hình thực hiện
giám sát đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác.
10. Biểu tổng hợp về tình hình thực
hiện dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác.
11. Phụ biểu 6. Tổng hợp kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng.
12. Biểu tổng hợp về tình hình thực
hiện giám sát đầu tư của cộng đồng.
TỔNG HỢP DANH
SÁCH CÁC CƠ QUAN CHƯA BÁO CÁO TRÊN HỆ THỐNG THÔNG TIN
(Kèm theo văn bản số: 4355/BKHĐT-GSTĐĐT
ngày 29/5/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
I. Địa phương
1. Thành phố Hải Phòng.
2. Thái Nguyên.
3. Yên Bái.
4. Hà Nam.
5. Hải Dương.
6. Nghệ An.
7. Quảng Nam.
8. Tiền Giang.
9. Kiên Giang.
II. Bộ, ngành Trung ương; Tập
đoàn, tổng công ty
1. Bộ Công Thương.
2. Bộ Xây dựng.
3. Ủy ban dân tộc.
4. Văn phòng Trung ương Đảng.
5. Văn phòng Quốc hội.
6. Văn phòng Chính phủ.
7. Văn phòng chủ tịch nước.
8. Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
9. Tòa án nhân dân tối cao.
10. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
11. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
12. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh.
13. Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
14. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
15. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh
vốn Nhà nước.
16. Tổng công ty Cà phê Việt Nam.
17. Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
18. Tổng công ty Lương thực Miền Nam.