Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách các văn bản nổi bật liên quan đến vấn đề đầu tư công

Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật Đầu tư công. Dưới đây là tổng hợp các văn bản hướng dẫn đầu tư công.

1. Đầu tư công là gì? Hoạt động đầu tư công bao gồm những gì?

Căn cứ Khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 thì đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật Đầu tư công.

Căn cứ tiếp Khoản 16 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 có quy định về hoạt động đầu tư công, theo đó hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Như vậy, có thể hiểu rằng đầu tư công là hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn do nhà nước quản lý, đầu tư vào lĩnh vực phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công và vì mục đích công.

Danh sách các văn bản nổi bật liên quan đến vấn đề đầu tư công (Hình từ Internet)

2. Đối tượng đầu tư công bao gồm những gì?

Căn cứ Điều 5 Luật Đầu tư công 2019 có quy định về các đối tượng đầu tư công, theo đó gồm có:

- Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.

- Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

- Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.

- Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

- Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Phân loại dự án đầu tư công

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư công 2019 thì dự án đầu tư công được phân loại theo các tiêu chí sau đây:

- Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

+ Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;

+ Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định.

- Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định tại các điều 7, 8, 9 và 10 của Luật Đầu tư công 2019.

4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn liên quan đến đầu tư công mới nhất 2024

Dưới đây là danh sách các văn bản hướng dẫn đầu tư công mới nhất được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp:

1

Luật Đầu tư công 2019

Luật Đầu tư công 2019 số 39/2019/QH14 quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Trong đó, Chương II Luật này quy định về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công, Chương III quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công.

2

Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Nghị định 122/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Trong đó, nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư công được quy định chi tiết tại Mục 1 Chương II Nghị định này. Với một số nội dung đáng chú ý như quy định về vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động đầu tư công tại Điều 7, hay quy định về vi phạm về sử dụng vốn đầu tư công tại Điều 11.

3

Nghị định 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Nghị định 54/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 21/05/2021 quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư công.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến là quy định về đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Điều 3, quy định về thực hiện, xem xét nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Điều 4.

4

Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư

Nghị định 29/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; trình tự, thủ tục thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư.

Một số nội dung chính liên quan đến đầu tư công tại Nghị định này gồm có:

- Quy định về hồ sơ, thủ tục và nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công tại Mục 1 Chương IV;

- Quy định về hồ sơ, thủ tục và nội dung thẩm định quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công tại Mục 1 Chương V;

- Quy định về hồ sơ, thủ tục và nội dung thẩm định điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công tại Mục 3 Chương V;

- Quy định về giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư công tại Mục 1, Mục 2 Chương VI.

5

Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công

Nghị định 99/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trong đó, Chương II quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công với một số nội dung đáng chú ý như quy định về mở tài khoản để thực hiện thanh toán vốn đầu tư công tại Điều 5, quy định về tạm ứng vốn tại Điều 10. Bên cạnh đó, Chương III Nghị định này quy định về quyết toán vốn đầu tư công, và chương IV quy định về kiểm tra tình hình quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

6

Nghị định 31/2017/NĐ-CP Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm

Nghị định 31/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/05/2017, Nghị định này ban hành Quy chế quy định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức lập, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân xem xét, thẩm tra, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định hoặc cho ý kiến đối với các báo cáo, trong đó có Trình Hội đồng nhân dân quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương.

Một số nội dung đáng chú ý liên quan đến đầu tư công tại Nghị định này là quy định về lập báo cáo kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương tại Điều 4, hay quy định về lập lại, điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương hằng năm tại Điều 15.

7

Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công

Nghị định 40/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, chẳng hạn như về hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, B, C tại nước ngoài,...
Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công, Chương VI quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

8

Thông tư 15/2021/TT-BTC quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 15/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/04/2021 quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công (bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật) thuộc kế hoạch trung hạn và hằng năm.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về nguyên tắc thực hiện chế độ báo cáo tại Điều 3, quy định về báo cáo định kỳ tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công hằng năm tại Điều 4, hay quy định về phương thức gửi, nhận báo cáo tại Điều 7.

9

Thông tư 79/2019/TT-BTC về hướng dẫn Chế đỗ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 79/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán áp dụng đối với các ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công (sau đây gọi là đơn vị) để hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến hoạt động quản lý dự án đầu tư và các hoạt động khác mà cơ quan có thẩm quyền giao cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện theo quy định.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về tài khoản kế toán tại Điều 4, quy định về sổ kế toán tại Điều 5, hay quy định về báo cáo quyết toán tại Điều 6.

10

Thông tư 108/2021/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 108/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/01/2022 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án đầu tư công của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA). Việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của các dự án đầu tư không phải là đầu tư công của các chủ đầu tư, BQLDA không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về các khoản thu tại Điều 2, quy định về sử dụng các khoản thu tại Điều 3, quy định về tài khoản giao dịch tại Điều 4.

11

Thông tư 03/2017/TT-BKHĐT quy định chế độ báo cáo việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công do Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành

Thông tư 03/2017/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 15/06/2017 quy định chế độ báo cáo việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công (dưới đây gọi tắt là các bộ, ngành trung ương và địa phương).

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về Lập, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, Chương III và Chương IV quy định về báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình đầu tư công, dự án đầu tư công.

12

Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội ban hành

Nghị quyết 29/2021/QH15 có hiệu lực từ ngày 11/09/2021 quy định mục tiêu, định hướng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết này có thể kể đến là quy định tại Điều 4 về Nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, quy định về Thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tại Điều 5, hay quy định về các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Điều 6.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.4.250
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!