Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Luật Đường bộ 2024: Văn bản hướng dẫn mới nhất

Luật Đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua ngày 27/06/2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

1. Quy định về phân loại đường bộ

Đường bộ có thể được phân loại theo cấp quản lý hoặc theo chức năng phục vụ, cụ thể:

- Phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8 Luật Đường bộ 2024) gồm các loại đường bộ sau:

+ Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, khu vực;

+ Đường tỉnh là đường nằm trong địa bàn một tỉnh nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

+ Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;

+ Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) và điểm dân cư nông thôn hoặc đường nối với xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;

+ Đường thôn là đường trong khu vực thôn, đường trục nối thôn với khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn;

+ Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, bao gồm: đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị;

+ Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ giao thông cho một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân và đường nội bộ.

Phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ (Điều 9 Luật Đường bộ 2024) như sau:

+ Đường chính là đường phục vụ giao thông chủ yếu trong khu vực, kết nối giao thông các khu vực, vùng.

+ Đường nhánh là đường nối vào đường chính, có chức năng kết nối giao thông các khu vực hai bên đường chính; kết nối giao thông từ đường gom vào đường chính thông qua nút giao.

+ Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính. Đường gom có thể là đường bên theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Đường bộ 2024.

+ Đường bên là đường được xây dựng bên cạnh các đoạn đường chính để ngăn cách giao thông khu vực hai bên đường với đường chính. Đường bên được tách khỏi đường chính hoặc ngăn cách với đường chính bằng dải phân cách, tường bảo vệ, rào chắn.

+ Đường dành cho giao thông công cộng là đường phục vụ cho tất cả mọi người, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Luật Đường bộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Đường nội bộ là đường trong phạm vi khu chung cư, đô thị, công nghiệp, kinh tế, thương mại - dịch vụ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và chỉ phục vụ các đối tượng được phép vào, ra bên trong phạm vi các khu vực  này.

+ Đường dành riêng cho người đi bộ, người đi xe đạp và các đường khác.

Như vậy, đường bộ theo chức năng phục vụ được phân loại thành: Đường chính; Đường nhánh; Đường gom; Đường bên; Đường dành cho giao thông công cộng; Đường nội bộ; Đường dành riêng cho người đi bộ, người đi xe đạp và các đường khác.

- Phân theo cấp kỹ thuật của đường bộ (Điều 10 Luật Đường bộ 2024bao gồm các loại đường sau:

+ Đường cao tốc;

+ Đường cấp I, II, III, IV, V, VI;

+ Đường đô thị;

+ Đường cấp A, B, C, D, đường khác.

Luật Đường bộ 2024: Văn bản hướng dẫn mới nhất (Hình từ Internet)

2. Các hành vi bị cấm theo Luật Đường bộ 2024

Điều 7 Luật Đường bộ 2024 quy định các hành vi bị cấm bao gồm:

- Phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật.

- Đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

- Lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

- Lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ trái quy định của pháp luật; gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ hoặc làm sai lệch báo

- Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép.

- Lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật.

3. Danh sách văn bản hướng dẫn Luật Đường bộ 2024

1

Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ

Nghị định 119/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2024. Khoản 4 Điều 11 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định Đối tượng mở tài khoản giao thông bao gồm:
- Chủ phương tiện là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
- Chủ phương tiện là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2

Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác

Nghị định 130/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/10/2024. Đối tượng chịu phí và người nộp phí và Đối tượng miễn thu phí sử dụng bộ cao tốc được quy định cụ thể tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này.

3

Nghị định 158/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động vận tải đường bộ

Nghị định 158/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ; cấp, thu hồi phù hiệu; hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ; trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ quốc tế, giấy phép liên vận cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện; gia hạn thời gian lưu hành cho phương tiện của nước ngoài tại Việt Nam tham gia vận chuyển người, hàng hóa giữa Việt Nam với các nước theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4

Nghị định 165/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 hướng dẫn Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về:
- Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ.
- Phân loại, phân cấp và trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ.
- Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ; hành lang an toàn đường bộ; xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác.
- Tổ chức giao thông, kết nối giao thông đường bộ.
- Thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ; đào tạo thẩm tra an toàn giao thông đường bộ.
- Đường cao tốc.
- Cơ sở dữ liệu đường bộ.
- Hệ thống quản lý giao thông thông minh.

5

Thông tư 56/2024/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 56/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 ban hành các Quy chuẩn sau:

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách (QCVN 45:2024/BGTVT).

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng (QCVN 114:2024/BGTVT).

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ (QCVN 43:2024/BGTVT).

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ (QCVN 116:2024/BGTVT).

6

Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 34/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Theo Điều 7 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT Hình thức thu tiền sử dụng đường bộ như sau: 
Thu tiền sử dụng đường bộ được thực hiện theo hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng.
- Hình thức điện tử không dừng là hình thức thu tiền sử dụng đường bộ tự động, phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải dừng lại để trả tiền sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí.
- Hình thức một dừng là hình thức thu tiền sử dụng đường bộ mà khi qua trạm thu phí, phương tiện giao thông đường bộ thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn thu phí để trả tiền sử dụng đường bộ.
 

7

Thông tư 58/2024/TT-BGTVT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 58/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 hướng dẫn khoản 3 và khoản 4 Điều 52 Luật Đường bộ về:
- Xem xét quyết định việc đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc;
- Vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

9

Thông tư 41/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 41/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định về:
- Trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác;
- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; trách nhiệm cung cấp thông tin và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn khi thi công;
- Quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;
- Hoạt động của công trình kiểm soát tải trọng xe.

10

Thông tư 40/2024/TT-BGTVT quy định về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Thông tư 40/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này: 
- Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu nạn được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai.
- Khi thiên tai suy yếu hoặc sau khi thời tiết trở lại bình thường các tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ được giao phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục các thiệt hại xảy ra đối với công trình đường bộ để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
- Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong kế hoạch đề ra phải được đáp ứng về nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai và ứng cứu, khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
- Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các công trình giao thông, phương tiện hoạt động trên đường bộ; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.199.101
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!