Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Đường bộ 2024 số 35/2024/QH15

Số hiệu: 35/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 27/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ từ ngày 01/01/2025

Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Đường bộ 2024 thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008.

Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ từ ngày 01/01/2025

Theo đó, chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ được quy định cụ thể như sau:

- Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

+ Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ;

+ Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

+ Ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông; các tuyến đường tuần tra biên giới, đường ven biển để phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Phát triển hợp lý các loại hình kinh doanh vận tải; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải khác.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường bộ.

Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2024.

 

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 35/2024/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2024

LUẬT

ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đường bộ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động đường bộ bao gồm: hoạt động về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ.

2. Đường bộ bao gồm: đường, cầu đường bộ, cống đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ, đường cứu nạn và các công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ.

3. Công trình đường bộ bao gồm: đường bộ; công trình phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác đường bộ; công trình thuộc hệ thống quản lý giao thông thông minh; nhà hạt quản lý đường bộ; kho chứa trang thiết bị, vật tư dự phòng trong lĩnh vực đường bộ; công trình kiểm soát tải trọng xe; trạm thu phí và các công trình khác của đường bộ.

4. Kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm: công trình đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ; điểm dừng xe, đỗ xe; đất của đường bộ; hành lang an toàn đường bộ và các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ.

5. Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tầm nhìn xe chạy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

6. Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã.

7. Người quản lý, sử dụng đường bộ là chủ sở hữu trực tiếp quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động đường bộ

1. Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hội nhập quốc tế.

2. Phát triển đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.

3. Thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Điều 4. Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ

1. Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

a) Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ;

b) Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

c) Ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông; các tuyến đường tuần tra biên giới, đường ven biển để phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Phát triển hợp lý các loại hình kinh doanh vận tải; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải khác.

3. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường bộ.

Điều 5. Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Quy hoạch mạng lưới đường bộ được quy định như sau:

a) Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ;

b) Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác;

c) Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như sau:

a) Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và kết cấu hạ tầng đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ;

b) Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: xác định hướng tuyến cơ bản, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định sơ bộ quy mô của cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định các điểm giao cắt chính; phương án kết nối đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch; giải pháp thực hiện quy hoạch;

c) Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và được công bố công khai.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung về phát triển đường bộ trong phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nội dung về phát triển đường bộ đô thị được xác định trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Quy hoạch quy định tại Điều này phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Kết nối giao thông đường bộ giữa các đô thị, địa bàn, khu vực, bến xe;

b) Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, xác định các tuyến đường bộ nối đến cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa.

6. Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ.

Điều 6. Cơ sở dữ liệu đường bộ

1. Cơ sở dữ liệu đường bộ được thiết kế, xây dựng, vận hành theo Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số, bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Cơ sở dữ liệu về tình hình đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ;

c) Cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng đường bộ đã đưa vào khai thác;

d) Cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ;

đ) Cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải bằng xe ô tô, trừ cơ sở dữ liệu về hành trình của phương tiện giao thông đường bộ, hình ảnh người lái xe và cơ sở dữ liệu về quản lý thời gian điều khiển phương tiện của người lái xe theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở dữ liệu đường bộ được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định việc thu thập, quản lý, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu đường bộ.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật.

2. Đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

3. Lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

4. Lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ trái quy định của pháp luật; gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ hoặc làm sai lệch báo hiệu đường bộ.

5. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép.

6. Lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật.

Chương II

KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Mục 1. PHÂN LOẠI, ĐẶT TÊN, SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ

Điều 8. Phân loại đường bộ theo cấp quản lý

1. Đường bộ theo cấp quản lý bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng và được xác định như sau:

a) Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, khu vực;

b) Đường tỉnh là đường nằm trong địa bàn một tỉnh nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

c) Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;

d) Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) và điểm dân cư nông thôn hoặc đường nối với xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;

đ) Đường thôn là đường trong khu vực thôn, đường trục nối thôn với khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn;

e) Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, bao gồm: đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị;

g) Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ giao thông cho một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân và đường nội bộ.

2. Đường địa phương bao gồm: đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn.

3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý quốc lộ, trừ quốc lộ quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và đường gom, đường bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý các loại đường sau đây:

a) Quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ không còn trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

b) Quy định việc quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn;

c) Quản lý đường gom, đường bên tách khỏi quốc lộ.

5. Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng có trách nhiệm quản lý đường chuyên dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 9. Phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ

1. Đường chính là đường phục vụ giao thông chủ yếu trong khu vực, kết nối giao thông các khu vực, vùng.

2. Đường nhánh là đường nối vào đường chính, có chức năng kết nối giao thông các khu vực hai bên đường chính; kết nối giao thông từ đường gom vào đường chính thông qua nút giao.

3. Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính. Đường gom có thể là đường bên theo quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Đường bên là đường được xây dựng bên cạnh các đoạn đường chính để ngăn cách giao thông khu vực hai bên đường với đường chính. Đường bên được tách khỏi đường chính hoặc ngăn cách với đường chính bằng dải phân cách, tường bảo vệ, rào chắn.

5. Đường dành cho giao thông công cộng là đường phục vụ cho tất cả mọi người, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Đường nội bộ là đường trong phạm vi khu chung cư, đô thị, công nghiệp, kinh tế, thương mại - dịch vụ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và chỉ phục vụ các đối tượng được phép vào, ra bên trong phạm vi các khu vực quy định tại khoản này.

7. Đường dành riêng cho người đi bộ, người đi xe đạp và các đường khác.

Điều 10. Cấp kỹ thuật của đường bộ

1. Cấp kỹ thuật của đường bộ phải được xác định trong dự án đầu tư xây dựng đường bộ. Việc thiết kế, thi công xây dựng đường bộ phải thực hiện đúng quy định về cấp kỹ thuật tuyến đường trong dự án đầu tư xây dựng đường bộ được duyệt; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cấp kỹ thuật của đường bộ.

2. Cấp kỹ thuật của đường bộ được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của đường bộ, bao gồm:

a) Đường cao tốc;

b) Đường cấp I, II, III, IV, V, VI;

c) Đường đô thị;

d) Đường cấp A, B, C, D, đường khác.

3. Cấp kỹ thuật của đường bộ quy định tại các điểm a, b và d khoản 2 Điều này thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố.

4. Cấp kỹ thuật của đường bộ quy định tại điểm c khoản 2 Điều này thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố.

Điều 11. Đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ

1. Việc đặt tên, số hiệu đường bộ được quy định như sau:

a) Tên đường bộ được đặt theo tên danh nhân, người có công với đất nước; di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa; tên địa danh hoặc tên theo tập quán. Số hiệu đường bộ được đặt theo số tự nhiên hoặc số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết. Trường hợp đường đô thị trùng với đường khác thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu của đường khác;

b) Tên, số hiệu đường bộ tham gia vào mạng lưới đường bộ quốc tế thực hiện theo điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan. Đường bộ kết nối vào mạng lưới đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu đường bộ trong nước và tên, số hiệu đường bộ quốc tế.

2. Trường hợp có tuyến, đoạn tuyến đường bộ đi trùng nhau thì sử dụng tên, số hiệu đường bộ thuộc cấp quản lý cao hơn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Không bắt buộc đặt tên, số hiệu đường bộ đối với đường xã, đường thôn, đường nội bộ, đường chuyên dùng; không bắt buộc đổi tên, số hiệu đường bộ trong trường hợp đường đó đi qua địa bàn được cấp có thẩm quyền quyết định giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính của địa phương.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. ĐẤT DÀNH CHO KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 12. Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác có liên quan.

2. Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị là một bộ phận của đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị.

3. Tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt từ 11% đến 26%, phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan khu vực nội thành, nội thị của từng loại đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tối thiểu đạt 50% tỷ lệ đất quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 13. Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

a) Đất của đường bộ gồm phần đất để xây dựng công trình đường bộ và phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ;

b) Đất để xây dựng bến xe; bãi đỗ xe; điểm dừng xe, đỗ xe; trạm dừng nghỉ; các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ;

c) Hành lang an toàn đường bộ.

2. Việc quản lý, sử dụng đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp do vị trí tự nhiên mà việc thoát nước từ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ buộc phải qua bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có hệ thống thoát nước đi qua phải dành một lối thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn hệ thống thoát nước.

Người quản lý, sử dụng đường bộ phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản khi xây dựng, lắp đặt hệ thống thoát nước; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ

1. Chiều rộng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ ngoài đô thị phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Đối với đường bộ có nền đắp, phần đất để bảo vệ, bảo trì được xác định từ chân ta luy nền đường ra bên ngoài;

b) Đối với đường bộ có nền đào, phần đất để bảo vệ, bảo trì được xác định từ mép ngoài cùng của rãnh đỉnh ra bên ngoài; ở nơi không xây dựng rãnh đỉnh thì xác định từ mép trên cùng đỉnh mái ta luy dương nền đường ra bên ngoài;

c) Đối với cầu, cống, rãnh, hố thu và các hạng mục công trình của đường bộ thì phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định từ mép ngoài bộ phận kết cấu ngoài cùng của công trình trở ra; đối với cầu cạn, cầu vượt trên cao, phạm vi đất để bảo vệ, bảo trì cầu được xác định từ mép ngoài trở ra của móng các hạng mục công trình mố, trụ, mép ngoài của kết cấu cầu;

d) Đối với trường hợp không thuộc quy định tại các điểm a, b và c khoản này, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ nằm dọc phía ngoài lề đường và cách lề đường một khoảng đủ để xây dựng rãnh thoát nước, nhưng không nhỏ hơn 01 mét.

2. Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Đường đô thị đã có hè phố thì sử dụng một phần hè phố để thực hiện bảo vệ, bảo trì đường đô thị;

b) Trường hợp đường đô thị đi sát với tường bao nhà ở, tường bao công trình xây dựng khác, đường không có hè phố, đường nằm trong ngõ, ngách, kiệt, hẻm, đường nội bộ khu dân cư đô thị thì được sử dụng một phần mặt đường khi thực hiện bảo vệ, bảo trì đường đô thị;

c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được xác định tương tự đường ngoài đô thị;

d) Phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu, cống, rãnh, hố thu và các hạng mục công trình của đường đô thị được xác định theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Trường hợp cầu, cống, rãnh, hố thu và các hạng mục công trình của đường đô thị nằm liền kề với công trình xây dựng khác thì phần đất để bảo vệ, bảo trì là ranh giới của các công trình.

3. Tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn; đối với các đường liền kề nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định từ mép của đường ngoài cùng trở ra.

4. Trường hợp phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với phạm vi đất dành cho đường sắt thì việc sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn công trình đường sắt.

5. Trường hợp phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với hành lang bảo vệ đê, việc sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến vận hành và an toàn công trình đê điều. Trường hợp phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, việc sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến vận hành và an toàn công trình thủy lợi; nếu bị ảnh hưởng thì người quản lý, sử dụng đường bộ, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý công trình thủy lợi phải có biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn công trình đường bộ, công trình thủy lợi và an toàn giao thông.

6. Phần đất để bảo vệ, bảo trì hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ, công trình kè, tường chắn được xác định như sau:

a) Phần đất để bảo vệ, bảo trì hầm đường bộ phụ thuộc vào cấp công trình hầm và được xác định từ mép ngoài cửa hầm chính, cửa hầm phụ, cửa hầm thông gió và các hạng mục công trình khác ra xung quanh;

b) Phần đất để bảo vệ, bảo trì bến phà đường bộ phụ thuộc vào cấp công trình phà và được xác định từ mép ngoài đường xuống bến, công trình bến; phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu phao đường bộ được xác định từ mép ngoài đường đầu cầu phao và mố, trụ cầu phao;

c) Trường hợp đường bộ có phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với công trình đường thủy nội địa, ranh giới đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ là chân móng của đường, các hạng mục thuộc công trình đường bộ;

d) Phần đất bảo vệ, bảo trì công trình kè, tường chắn được xác định từ mép ngoài của bộ phận ngoài cùng của công trình ra xung quanh.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 15. Hành lang an toàn đường bộ

1. Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Đối với đường ngoài đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ, theo quy mô, cấp kỹ thuật của đường; trường hợp đường hiện hữu chưa xác định cấp kỹ thuật, thì căn cứ chiều rộng mặt đường và tiêu chuẩn thiết kế đường để xác định cấp kỹ thuật tương ứng làm căn cứ xác định chiều rộng hành lang an toàn đường bộ;

b) Đối với đường đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị đến chỉ giới đường đỏ nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang của đường ngoài đô thị cùng cấp;

c) Đối với cầu, bến phà, cầu phao đường bộ, xác định theo chiều dọc, chiều ngang công trình và phụ thuộc cấp sông, quy mô công trình; đối với cầu cạn, cầu vượt trên cao, xác định từ mép ngoài của phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu;

d) Đối với hầm đường bộ, xác định từ mép ngoài của phần đất bảo vệ công trình hầm ra xung quanh;

đ) Đường bộ có kè, tường chắn bảo vệ nằm trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, xác định từ mép ngoài của kè, tường chắn bảo vệ trở ra nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang an toàn đường bộ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này;

e) Đối với đường thôn, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị và đường khác không cho xe ô tô di chuyển thì không bắt buộc bố trí hành lang an toàn đường bộ.

2. Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với các công trình khác thì được phân định theo nguyên tắc sau đây:

a) Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt. Việc quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường sắt không được làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường bộ và an toàn giao thông;

b) Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, việc quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ đường thủy nội địa không được ảnh hưởng đến chất lượng công trình và an toàn giao thông;

c) Đường bộ đi chung với đê hoặc có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đê, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang bảo vệ đê; trường hợp hành lang an toàn đường bộ lớn hơn hành lang bảo vệ đê thì tính theo hành lang an toàn đường bộ;

d) Tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau, hành lang an toàn đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn; các đường liền kề nhau thì xác định hành lang an toàn đường bộ theo đường ngoài cùng.

3. Việc xác định và quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

a) Mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được xác định theo quy mô, cấp kỹ thuật, hướng tuyến, phạm vi xây dựng công trình đường bộ;

b) Chủ đầu tư xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ; bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ;

c) Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm công bố công khai mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ; điều chỉnh, bổ sung mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong thời gian quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

d) Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 16. Quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ

1. Đất hành lang an toàn đường bộ đã được Nhà nước thu hồi phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Bảo đảm an toàn công trình đường bộ và công trình khác trong hành lang an toàn đường bộ;

b) Không che lấp báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Bảo vệ cảnh quan, môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Việc trồng, chăm sóc và khai thác cây trong hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều này và các quy định sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ gãy, đổ cây gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; gây hư hại công trình đường bộ và công trình liền kề;

b) Cắt xén khi cây che lấp báo hiệu đường bộ, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường bộ;

c) Không được ảnh hưởng tới chất lượng và hoạt động bảo trì đường bộ.

5. Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ chồng lấn với phạm vi bảo vệ đê điều, vùng phụ cận công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ đường sắt phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật Đường sắt, Luật Đất đai, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Đường gom phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, trừ trường hợp đường gom đồng thời là đường bên. Trường hợp không thể bố trí được đường gom ngoài hành lang an toàn đường bộ thì có thể bố trí trong hành lang an toàn đường bộ, nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ còn lại đủ để mở rộng đường theo quy hoạch;

b) Bảo đảm an toàn công trình đường bộ;

c) Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và tầm nhìn xe chạy.

Điều 17. Phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ

1. Phạm vi bảo vệ trên không của phần đường theo phương thẳng đứng không thấp hơn chiều cao tĩnh không của đường. Đối với đoạn đường có dự phòng chiều cao tăng cường lớp mặt đường, chiều cao bù lún và các trường hợp cần dự phòng tôn cao mặt đường thì phải cộng chiều cao này với chiều cao tĩnh không.

2. Phạm vi bảo vệ trên không của cầu đường bộ được quy định như sau:

a) Phạm vi bảo vệ trên không của cầu đường bộ tính từ điểm cao nhất của kết cấu trên các mặt cắt ngang cầu trở lên theo phương thẳng đứng là 02 mét nhưng không thấp hơn chiều cao tĩnh không quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cầu đường bộ xây dựng vượt đường sắt, đường bộ khác phải bảo đảm tĩnh không của đường sắt, đường bộ bên dưới;

c) Cầu đường bộ xây dựng trên khu vực có hoạt động giao thông đường thủy nội địa, giao thông hàng hải phải bảo đảm khổ thông thuyền cho tàu, thuyền lưu thông an toàn theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa và pháp luật về hàng hải.

3. Phạm vi bảo vệ công trình hầm đường bộ được xác định từ các bộ phận kết cấu của hầm đường bộ ra xung quanh đủ để bảo đảm an toàn đối với công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng và bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế; phạm vi bảo vệ bên ngoài của hầm đường bộ là khoảng không đủ để bảo đảm an toàn cho vận hành, khai thác và sử dụng hầm đường bộ và các thiết bị của hầm đường bộ.

4. Giới hạn theo phương thẳng đứng của đường dây thông tin, viễn thông đi phía trên đường bộ không nhỏ hơn 5,5 mét tính từ điểm thấp nhất của đường dây thông tin, viễn thông đi qua đường bộ tới điểm cao nhất trên mặt đường. Trường hợp đường dây đi phía trên cầu đường bộ phải đáp ứng đồng thời quy định tại khoản này và điểm a khoản 2 Điều này.

5. Giới hạn theo phương thẳng đứng của đường dây tải điện, dây dẫn điện đi phía trên đường bộ được quy định như sau:

a) Trường hợp đường dây tải điện, dây dẫn điện đi phía trên đường bộ thì khoảng cách theo phương thẳng đứng tính từ điểm cao nhất của mặt đường bộ tới điểm thấp nhất của đường dây tải điện, dây dẫn điện đi phía trên đường bộ không nhỏ hơn chiều cao tĩnh không của đường bộ cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo quy định của pháp luật về điện lực;

b) Trường hợp đường dây tải điện, dây dẫn điện đi phía trên cầu phải đáp ứng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo quy định của pháp luật về điện lực, nhưng không thấp hơn quy định tại điểm a khoản này;

c) Đường dây tải điện, dây dẫn điện đi phía trên cột đèn chiếu sáng của đường bộ phải bảo đảm khoảng cách theo phương thẳng đứng tính từ điểm cao nhất của cột đèn chiếu sáng tới điểm thấp nhất của đường dây tải điện, dây dẫn điện không nhỏ hơn 02 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

6. Trường hợp đường dây thông tin, viễn thông, đường dây tải điện, dây dẫn điện đi phía trên cầu dây treo, ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều này còn phải bảo đảm an toàn cho hệ thống dây treo và trụ tháp của cầu.

7. Giới hạn khoảng cách an toàn trên không đối với trạm thu phí và các hạng mục công trình đường bộ khác được tính từ điểm cao nhất của công trình trở lên theo phương thẳng đứng là 02 mét; đối với đường dây tải điện, dây dẫn điện còn phải bảo đảm khoảng cách an toàn phóng điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

8. Khi tiến hành xây dựng, khai thác, bảo trì công trình ngầm bên dưới công trình đường bộ phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo đảm an toàn cho công trình đường bộ, công trình liền kề.

9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 Điều này.

Điều 18. Xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Biển quảng cáo gồm bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Biển quảng cáo được xây dựng, lắp đặt tại các vị trí sau đây:

a) Trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, trừ hành lang an toàn đường cao tốc và hành lang an toàn đường bộ tại nút giao;

b) Trường hợp nút giao có đường kính lớn hơn 02 lần chiều rộng hành lang an toàn đường bộ, thì được xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo trong phạm vi đất giữa nút giao nhưng phải bảo đảm khoảng cách từ biển quảng cáo đến mép ngoài mặt đường theo các hướng không nhỏ hơn chiều rộng hành lang an toàn đường bộ.

2. Việc xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Không được che khuất báo hiệu đường bộ; không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

b) Không ảnh hưởng đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì đường bộ, không ảnh hưởng đến an toàn công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, an toàn giao thông đường bộ;

c) Biển quảng cáo phải được lắp đặt bảo đảm bền vững, an toàn, chịu được tác động của tải trọng và các tác động khác; phải được thiết kế, thẩm định và xây dựng theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quảng cáo.

3. Việc xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều này phải được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận bằng văn bản về vị trí, quy mô, kích thước biển quảng cáo, phương án thi công để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho công trình đường bộ và công trình liền kề khác.

4. Tổ chức, cá nhân xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo đáp ứng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Việc tháo dỡ biển quảng cáo, các bộ phận của biển quảng cáo không được làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ và không được bồi thường khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ;

c) Tuân thủ quy định khác của Luật này, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quảng cáo;

5. Việc xây dựng, lắp đặt biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2, khoản 3, điểm b và điểm c khoản 4 Điều này.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 19. Xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, không được xây dựng công trình khác, trừ trường hợp sau đây:

a) Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Công trình thông tin, viễn thông, đường dây tải điện, dây dẫn điện, cột viễn thông, trạm thu phát sóng di động, cột điện;

c) Công trình cấp năng lượng, cấp nước, thoát nước, trừ nhà máy nước, nhà máy sản xuất năng lượng;

d) Công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, thủy điện;

đ) Băng tải phục vụ sản xuất, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình đặc biệt khác;

e) Tuyến đường khác giao cắt hoặc đi song song với đường hiện hữu.

2. Công trình quy định tại khoản 1 Điều này khi xây dựng, lắp đặt trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong xây dựng, an toàn giao thông đường bộ, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ.

3. Việc xây dựng, lắp đặt công trình quy định tại khoản 1 Điều này trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản, trừ công trình đê điều và trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Đường dây tải điện, dây dẫn điện, đường dây thông tin, viễn thông xây dựng bên trên đường bộ không cần có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền khi đáp ứng các quy định sau đây:

a) Cột công trình hạ tầng nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ;

b) Chiều cao đường dây đi bên trên đường bộ đáp ứng quy định tại Điều 17 của Luật này;

c) Đường dây không ảnh hưởng đến an toàn trong vận hành, khai thác công trình đường bộ.

5. Công trình hạ tầng xây dựng, lắp đặt trong phạm vi bảo vệ đường chuyên dùng phải được sự đồng ý của người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng.

6. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình quy định tại khoản 1 Điều này, trừ công trình đê điều, công trình quốc phòng, an ninh phải hoàn trả công trình đường bộ bị ảnh hưởng, bố trí kinh phí và tổ chức di dời công trình trong các trường hợp sau đây:

a) Khi cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền, người quản lý, sử dụng đường bộ có yêu cầu di dời công trình để đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, cải tạo, sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ;

b) Công trình ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, an toàn công trình đường bộ mà không có biện pháp khắc phục;

c) Công trình xây dựng trái phép.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 20. Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ

1. Công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ là công trình được xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây thông tin, viễn thông, đường dây tải điện, dây dẫn điện, chiếu sáng công cộng; đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng.

2. Việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch, quy mô của dự án, cấp kỹ thuật của đường bộ;

b) Bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng; bảo đảm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm an toàn công trình, bảo đảm cảnh quan và môi trường;

c) Tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ được thực hiện đối với các trường hợp sau đây:

a) Đầu tư xây dựng đường đô thị phải kết hợp với bố trí, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để bảo đảm tính đồng bộ nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư, xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác các công trình và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong giai đoạn vận hành, khai thác, sử dụng đường đô thị;

b) Đầu tư xây dựng cầu đường bộ phải thiết kế, bố trí vị trí để lắp đặt đường dây thông tin, viễn thông, đường ống cấp nước, đường dây tải điện, dây dẫn điện, trừ dây dẫn điện cao thế và dây dẫn điện không có bộ phận cách điện;

c) Đầu tư xây dựng hầm đường bộ phải thiết kế, lắp đặt cống cáp, hào hoặc tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đường ống cấp nước, thoát nước và các công trình quy định tại điểm b khoản này;

d) Trường hợp cần thiết khác.

4. Việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Không ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông đường bộ; không cản trở công tác bảo trì công trình đường bộ;

b) Bảo đảm quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;

c) Thực hiện di dời, tháo dỡ công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, công trình lắp đặt trong công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung khi có yêu cầu của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ để đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng và bảo trì công trình đường bộ; thực hiện biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho công trình đường bộ, an toàn phòng, chống cháy, nổ; tổ chức giao thông và các trường hợp cần thiết khác;

d) Người quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ, người quản lý, sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm phối hợp trong quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì các công trình để bảo đảm an toàn trong khai thác, sử dụng các công trình, bảo đảm chất lượng, thời hạn khai thác, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm d khoản này, trừ trường hợp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, có trách nhiệm đóng góp chi phí để thực hiện vận hành, khai thác, bảo trì công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 21. Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

a) Hoạt động bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi hủy hoại, lấn, chiếm, sử dụng trái phép kết cấu hạ tầng đường bộ, đấu nối trái phép vào đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

2. Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ là giới hạn trên mặt đất, trên mặt nước, trên không và phần dưới mặt đất, dưới mặt nước của kết cấu hạ tầng đường bộ.

3. Trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ quy định như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý, trừ quy định tại điểm b khoản này;

b) Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với người quản lý, sử dụng đường bộ để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; công bố công khai mốc lộ giới sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ; kịp thời xử lý trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ;

c) Người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng, nguy cơ gây ra sự cố công trình, nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ thì phải xử lý, sửa chữa, khắc phục kịp thời; công khai về mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 của Luật này, báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang an toàn đường bộ bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý; thực hiện các công việc khác về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo quy định của Luật này, Luật Đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Tổ chức, cá nhân phát hiện công trình đường bộ bị hư hỏng hoặc bị xâm hại, hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm phải kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quản lý đường bộ hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý; trường hợp cần thiết có biện pháp báo hiệu ngay cho người tham gia giao thông đường bộ biết. Khi nhận được tin báo, cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 3. CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ GẮN LIỀN VỚI ĐƯỜNG BỘ; PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHỤC VỤ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC ĐƯỜNG BỘ VÀ TỔ CHỨC GIAO THÔNG

Điều 22. Công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ; phương tiện, thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác đường bộ

1. Công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ bao gồm:

a) Báo hiệu đường bộ, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

b) Công trình an toàn giao thông đường bộ;

c) Hệ thống thoát nước đường bộ;

d) Tường chắn, kè bảo vệ đường bộ;

đ) Cọc mốc giải phóng mặt bằng;

e) Công trình, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình thuộc hệ thống quản lý giao thông thông minh; hệ thống thu thập xử lý và lưu giữ dữ liệu kết cấu hạ tầng đường bộ; hệ thống theo dõi tình trạng kỹ thuật và quan trắc đường, cầu đường bộ và công trình phụ trợ khác.

2. Phương tiện, thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác công trình đường bộ bao gồm:

a) Thiết bị lắp đặt vào các công trình, bộ phận công trình quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

b) Phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường bộ; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ giao thông đường bộ;

c) Phà, phương tiện, thiết bị khác phục vụ quản lý, vận hành, khai thác bến phà đường bộ;

d) Phương tiện, thiết bị khác phục vụ quản lý, vận hành, khai thác đường bộ.

3. Đường bộ đang khai thác phải được điều chỉnh, bổ sung công trình phụ trợ, phương tiện, thiết bị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình đường bộ bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, an toàn công trình.

Điều 23. Lắp đặt báo hiệu đường bộ

1. Báo hiệu đường bộ được lắp đặt bao gồm:

a) Đèn tín hiệu giao thông;

b) Biển báo hiệu đường bộ gồm: biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn, biển phụ;

c) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường (gọi chung là vạch kẻ đường);

d) Cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H, mốc lộ giới;

đ) Tường bảo vệ và rào chắn;

e) Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

2. Nguyên tắc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông được quy định như sau:

a) Mặt đèn quay về hướng đối diện chiều đi và phải đặt ở vị trí để người tham gia giao thông đường bộ dễ quan sát;

b) Thứ tự lắp đặt đèn tín hiệu giao thông theo chiều thẳng đứng: đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới;

c) Thứ tự lắp đặt đèn tín hiệu giao thông theo chiều ngang: đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở phía bên phải theo chiều đi;

d) Hệ thống đèn tín hiệu giao thông sau khi lắp đặt xong phải được chủ đầu tư, cơ quan quản lý đường bộ tổ chức vận hành thử phù hợp với yêu cầu tổ chức giao thông trên đường bộ trước khi nghiệm thu, đưa vào khai thác.

3. Nguyên tắc lắp đặt biển báo hiệu đường bộ được quy định như sau:

a) Mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi;

b) Được đặt về phía bên phải hoặc phía trên phần đường xe chạy. Trong một số trường hợp cụ thể có thể đặt bổ sung biển báo ở phía bên trái theo chiều đi để chỉ dẫn, báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ;

c) Đặt ở vị trí để người tham gia giao thông đường bộ dễ quan sát và thực hiện;

d) Biển phụ được sử dụng kết hợp để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

4. Nguyên tắc bố trí vạch kẻ đường được quy định như sau:

a) Vạch kẻ đường là hình thức báo hiệu đường bộ được kẻ trên mặt đường và trên các công trình đường bộ;

b) Vạch kẻ đường có thể bố trí độc lập và có thể kết hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông.

5. Nguyên tắc lắp, đặt cọc tiêu, tường bảo vệ, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H, rào chắn, mốc lộ giới được quy định như sau:

a) Cọc tiêu được lắp đặt ở các đoạn đường nguy hiểm và vị trí cần thiết để hướng dẫn cho người tham gia giao thông đường bộ biết phần đường an toàn và hướng đi của tuyến đường;

b) Đinh phản quang được lắp đặt trên mặt đường theo chiều dọc hoặc chiều ngang đường để dẫn hướng, phân làn đường;

c) Tiêu phản quang được lắp đặt tại các nơi mà tuyến đường có thể gây nhầm lẫn về hướng đường để dẫn hướng xe chạy vào ban đêm hoặc trong điều kiện sương mù, điều kiện hạn chế tầm nhìn;

d) Cột Km được lắp đặt bảo đảm khoảng cách giữa hai cột Km liền kề là 1.000 mét, trường hợp đặc biệt, khoảng cách giữa hai cột liền kề có chiều dài lớn hơn hoặc nhỏ hơn 1.000 mét. Cột Km được sử dụng trong quản lý, vận hành, khai thác, xây dựng, cải tạo, bảo trì đường bộ và xác định vị trí sự cố công trình, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ; giúp người tham gia giao thông đường bộ xác định khoảng cách các đoạn đường;

đ) Cọc H được lắp đặt trong phạm vi giữa hai cột Km liền kề và bảo đảm khoảng cách giữa 02 cọc liền kề là 100 mét;

e) Mốc lộ giới là cọc mốc được đặt ở mép ngoài cùng xác định ranh giới của hành lang an toàn đường bộ theo chiều ngang đường;

g) Việc lắp đặt tường bảo vệ, rào chắn thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.

6. Việc lắp đặt thiết bị báo hiệu đường bộ bằng âm thanh thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

7. Việc lắp đặt, điều chỉnh, bổ sung, thay thế báo hiệu đường bộ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan.

8. Trách nhiệm lắp đặt, điều chỉnh, bổ sung, thay thế báo hiệu đường bộ được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thiết kế, lắp đặt đầy đủ báo hiệu đường bộ trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ và báo hiệu đường bộ chỉ dẫn tại các điểm đấu nối đường khác với đường bộ do mình đầu tư xây dựng;

b) Người quản lý, sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm quản lý, sử dụng báo hiệu đường bộ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thay thế báo hiệu đường bộ theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ trong phạm vi

Điều 24. Công trình an toàn giao thông đường bộ

Công trình an toàn giao thông đường bộ được xây dựng, lắp đặt, bố trí để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bao gồm:

1. Đường cứu nạn được xây dựng tại các đoạn đường đèo dốc, để xe mất kiểm soát khi xuống dốc có thể rời khỏi đường chính đi vào, giảm tốc độ và bảo đảm dừng lại;

2. Hầm cứu nạn gắn liền với hầm đường bộ, phục vụ việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn khi hầm chính xảy ra sự cố hoặc sử dụng trong công tác bảo trì hầm đường bộ. Không sử dụng hầm cứu nạn phục vụ mục đích lưu thông của các phương tiện giao thông;

3. Tường bảo vệ, rào chắn, hàng rào hộ lan được bố trí tại vị trí nguy hiểm, có tác dụng ngăn ngừa các phương tiện tham gia giao thông đường bộ lao ra khỏi phần đường xe chạy khi gặp sự cố không kiểm soát được phương tiện.

Trường hợp không đồng thời bố trí cọc tiêu thì trên tường bảo vệ, hàng rào hộ lan phải được gắn tiêu phản quang hoặc sơn phản quang để cảnh báo cho người tham gia giao thông đường bộ về vị trí nguy hiểm và chỉ dẫn người tham gia giao thông đường bộ đi đúng theo hướng của phần đường xe chạy;

4. Công trình chống chói được bố trí trên dải phân cách giữa, có tác dụng giảm bớt tác động, giảm bớt ánh sáng đèn của phương tiện lưu thông ngược chiều tới mắt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

5. Gương cầu lồi được lắp đặt tại lưng đường cong bán kính nhỏ, các vị trí giao cắt có tầm nhìn hạn chế hoặc bị che khuất, giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có thể quan sát được từ xa phương tiện lưu thông ngược chiều để điều chỉnh tốc độ cho phù hợp;

6. Hệ thống chiếu sáng được xây dựng để chiếu sáng bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông; thời gian thắp sáng trong hầm đường bộ theo quy trình vận hành, khai thác của công trình hầm;

7. Dải phân cách được lắp đặt để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều đường;

8. Tường chống ồn được xây dựng tại các vị trí cần thiết để giảm tiếng ồn do phương tiện giao thông đường bộ gây ra;

9. Gờ, gồ giảm tốc được lắp đặt ở các vị trí cần cảnh báo hoặc bắt buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ giảm tốc độ để bảo đảm an toàn giao thông;

10. Công trình khác phục vụ an toàn giao thông đường bộ.

Điều 25. Tổ chức giao thông

1. Tổ chức giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư, xây dựng đến giai đoạn quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả.

2. Nội dung tổ chức giao thông đường bộ trong giai đoạn thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì công trình đường bộ bao gồm:

a) Quy định số làn đường, phần đường dành cho xe ô tô và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác, phần đường dành cho người đi bộ; chiều đi, tốc độ các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ;

b) Tổ chức phân làn, phân luồng trên tuyến đường đang đầu tư xây dựng và tại các tuyến đường bộ kết nối;

c) Quy định giao thông tại các nút giao, vị trí đấu nối với đường khác; quy định về tránh, vượt xe trên đường, các điểm được phép dừng xe, đỗ xe trên đường, vị trí đón, trả khách;

d) Quy định khổ giới hạn và tải trọng cho phép phương tiện tham gia giao thông đường bộ an toàn;

đ) Quy định thời gian cho phép tham gia giao thông; thời gian cho phép đi theo các hướng của đèn tín hiệu giao thông;

e) Quy định thời gian bật, tắt hệ thống chiếu sáng trên đường;

g) Quy định về các trường hợp tạm dừng khai thác một phần hoặc toàn bộ tuyến đường;

h) Khai thác, sử dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh, trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc và các thiết bị công nghệ khác phục vụ cung cấp thông tin, chỉ dẫn cho người tham gia giao thông đường bộ;

i) Lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ và thực hiện các công việc cần thiết khác;

k) Phê duyệt phương án tổ chức giao thông đối với đường cao tốc.

3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm lắp đặt, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ báo hiệu đường bộ, công trình an toàn giao thông đường bộ đối với dự án và tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; thực hiện phương án tổ chức giao thông đường cao tốc được phê duyệt.

4. Việc theo dõi, đánh giá tình hình giao thông trên tuyến đường, điều chỉnh tổ chức giao thông để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì đường bộ.

5. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

6. Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên đường chuyên dùng; trường hợp đường chuyên dùng có hoạt động giao thông công cộng thì phải tổ chức giao thông theo quy định của Điều này.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 26. Tốc độ thiết kế, tốc độ khai thác và khoảng cách giữa các xe

1. Tốc độ thiết kế của đường bộ là giá trị vận tốc được dùng để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật của đường bộ. Tốc độ thiết kế của đường bộ được xác định trong giai đoạn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường bộ nhằm bảo đảm cho phương tiện di chuyển an toàn.

2. Tốc độ khai thác trên đường bộ được quy định như sau:

a) Tốc độ khai thác trên đường bộ là giá trị giới hạn tốc độ (tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu) cho phép phương tiện tham gia giao thông đường bộ bảo đảm an toàn giao thông và khai thác hiệu quả tuyến đường;

b) Tốc độ khai thác trên đường bộ được xác định trên cơ sở tốc độ thiết kế, hiện trạng của tuyến đường, thời gian lưu thông trong ngày, điều kiện thời tiết, khí hậu, lưu lượng, chủng loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên đường;

c) Đối với đường đôi, giá trị giới hạn tốc độ cho từng chiều đường có thể khác nhau;

d) Trên cùng một chiều đường có nhiều làn đường, giá trị giới hạn tốc độ của các làn đường có thể khác nhau. Làn đường phải bảo đảm yêu cầu về mục đích sử dụng, bề rộng để lưu thông thông suốt, an toàn.

3. Khoảng cách giữa các xe trên đường bộ là cự ly tối thiểu giữa các phương tiện tham gia giao thông đường bộ liền nhau trên cùng làn đường, phần đường; bảo đảm an toàn của phương tiện chạy sau với phương tiện chạy trước.

Khoảng cách giữa các xe phụ thuộc vào tốc độ khai thác của tuyến đường, thời tiết, mật độ phương tiện và điều kiện giao thông thực tế khác.

4. Đường cao tốc trước khi đưa vào khai thác phải bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu tốc độ, khoảng cách giữa các xe; đối với các tuyến đường khác, căn cứ vào hiện trạng của công trình đường bộ và tình hình giao thông thực tế của từng đoạn tuyến, cơ quan quản lý đường bộ quyết định việc bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ để bảo đảm khả năng thông hành và an toàn giao thông đường bộ.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều này.

Điều 27. Tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ

1. Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của đường bộ để bảo đảm khai thác an toàn và tuổi thọ công trình đường bộ.

2. Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều rộng, chiều cao của đường bộ để các xe, bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn và được xác định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của đường bộ.

3. Trách nhiệm công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ được quy định như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ thuộc phạm vi quản lý và đường chuyên dùng quy định tại điểm c khoản này trên địa bàn;

c) Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng có hoạt động giao thông công cộng có trách nhiệm cung cấp thông tin về tải trọng, khổ giới hạn của đường chuyên dùng để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;

d) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin về tải trọng, khổ giới hạn cho các cơ quan quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

4. Đối với các tuyến đường đi chung với đê, tải trọng khai thác của tuyến đường không lớn hơn tải trọng cho phép của phương tiện tham gia giao thông đường bộ được phép đi trên đê.

Mục 4. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 28. Đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ là việc đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, cải tạo công trình đường bộ và các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ.

2. Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải phù hợp với quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước, và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Giao thông vận tải đầu tư tuyến, đoạn tuyến quốc lộ và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Ủy ban nhân dân các cấp đầu tư các loại đường bộ và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch;

b) Bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp kỹ thuật của đường bộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường và có giải pháp đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; có giải pháp thiết kế, xây dựng công trình để phục vụ người khuyết tật, người già và các đối tượng khác tham gia giao thông thuận lợi, an toàn;

c) Công trình đường bộ có thể phân kỳ theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư;

d) Trường hợp đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ liên quan đến đê, hành lang bảo vệ nguồn nước, lòng, bờ, bãi sông, hồ phải bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật về đê điều và an toàn đê điều; bảo đảm không gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, không gây cản trở dòng chảy; hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai, biến đổi khí hậu.

6. Đường bên được xây dựng khi đầu tư xây dựng đường cao tốc, đường cấp I, cấp II đi qua khu đô thị, khu vực tập trung đông dân cư và các trường hợp cần thiết khác.

7. Tuyến đường có hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, trừ đường cao tốc, phải xây dựng điểm dừng xe để đón, trả khách.

8. Tại đoạn đường có trường học xây dựng mới, chủ đầu tư trường học phải phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ để xây dựng điểm dừng xe, đỗ xe phù hợp với tổ chức giao thông của tuyến đường.

9. Việc nâng cấp, mở rộng, cải tạo công trình đường bộ, công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ đang khai thác theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Điều 48 của Luật này.

10. Công trình đường bộ đang khai thác chưa bảo đảm cấp kỹ thuật, quá thời hạn khai thác, không đáp ứng lưu lượng vận tải phải từng bước đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ.

Điều 29. Thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ

1. Đường bộ được thẩm tra, thẩm định về an toàn giao thông trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; trước khi đưa công trình đường bộ vào khai thác và trong quá trình khai thác công trình đường bộ.

Trong giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, việc thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông được thực hiện cùng với công tác thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng.

2. Thẩm tra an toàn giao thông đường bộ là việc tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông nghiên cứu, phân tích thiết kế cơ sở, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, hồ sơ hoàn thành công trình, hồ sơ quản lý tuyến đường, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và tiến hành kiểm tra hiện trường để phát hiện các khả năng tiềm ẩn tai nạn giao thông hoặc đánh giá nguyên nhân gây tai nạn giao thông để đề xuất giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm giao thông trên tuyến thông suốt, an toàn.

3. Việc thẩm định an toàn giao thông của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở báo cáo thẩm tra an toàn giao thông của tổ chức tư vấn thẩm tra an toàn giao thông để phục vụ các hoạt động sau đây:

a) Phê duyệt dự án;

b) Phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở;

c) Quyết định đưa công trình vào khai thác đối với công trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo;

d) Tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường điều kiện bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn đối với công trình đang khai thác.

4. Tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề đầu tư kinh doanh, bảo đảm độc lập với đơn vị thi công và tổ chức tư vấn thiết kế đã lập hồ sơ dự án, thiết kế công trình đối với công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc tổ chức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường đối với công trình đường bộ đang khai thác.

5. Chi phí thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ được tính vào tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình đối với công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo; được sử dụng trong nguồn tài chính dành cho quản lý, bảo trì đường bộ đối với công trình đường bộ đang khai thác.

6. Thẩm tra viên thực hiện việc thẩm tra an toàn giao thông phải được đào tạo. Việc đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông do cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông có đủ năng lực, điều kiện thực hiện.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Kết nối giao thông đường bộ

1. Kết nối các tuyến đường bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm hiệu quả hoạt động giao thông vận tải thông suốt, an toàn.

2. Kết nối giao thông đường bộ bao gồm:

a) Kết nối các tuyến đường bộ;

b) Kết nối đường bộ đến các vùng, khu vực, địa bàn khu dân cư, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các địa điểm khác;

c) Kết nối giao thông đường bộ với đầu mối giao thông của các phương thức vận tải khác.

3. Việc kết nối đường nhánh vào đường chính và giữa các tuyến đường với nhau, được thực hiện tại vị trí đấu nối và phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Vị trí đấu nối được thiết kế, xây dựng tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; phù hợp với cấp đường và bảo đảm an toàn giao thông, năng lực thông hành của tuyến đường;

b) Trường hợp đấu nối đường khác với đường cao tốc, ngoài việc thực hiện quy định tại điểm a và điểm c khoản này, khoảng cách giữa các vị trí đấu nối phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế đường cao tốc;

c) Việc kết nối giao thông đường bộ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Trách nhiệm xây dựng đường nhánh, đường gom, đường bên kết nối với đường chính trong từng địa bàn, khu vực được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu hành chính, nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cảng hàng không, bến xe, ga đường sắt, cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn và các đầu mối giao thông khác có trách nhiệm xây dựng đường bộ để kết nối giao thông từ các khu vực, cơ sở này với đường đi qua khu vực, cơ sở;

b) Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng, cải tạo đường bộ thuộc phạm vi quản lý kết nối giao thông thuận lợi đến các cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, ga đường sắt.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp phép thi công nút giao đối với đường quốc lộ đang khai thác; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp phép thi công nút giao đối với đường địa phương đang khai thác.

Điều 31. Bàn giao, đưa công trình đường bộ vào khai thác

1. Công trình đường bộ sau khi đã hoàn thành được bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, công trình, từng phần công trình, hạng mục công trình đường bộ đã hoàn thành và nghiệm thu theo quy định được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc người quản lý, sử dụng đường bộ.

Điều 32. Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

1. Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác bao gồm: xây dựng, nâng cấp, mở rộng, cải tạo, sửa chữa đường bộ đang khai thác; thi công xây dựng công trình hạ tầng trong phạm vi đất dành cho đường bộ; thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi đất dành cho đường bộ; xây dựng, lắp đặt biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được thi công công trình trên đường bộ đang khai thác khi có giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép thi công bao gồm:

a) Thi công công trình bí mật nhà nước;

b) Thi công trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ đối với dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư; dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư trên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

c) Thi công trên đường chuyên dùng;

d) Thi công trên đường thôn; đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị;

đ) Bảo hành, bảo dưỡng công trình đường bộ; sửa chữa cấp bách đường bộ để khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ; cứu hộ, cứu nạn giao thông và các trường hợp cấp bách khác;

e) Thi công sửa chữa, thay thế các bộ phận, hạng mục, thiết bị khi đáp ứng đồng thời các điều kiện: không đào, khoan, xẻ công trình đường bộ; không ảnh hưởng đến chất lượng, tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; không gây ùn tắc giao thông; không thu hẹp phạm vi mặt đường dành cho giao thông; không phải điều chỉnh, phân luồng, phân làn giao thông;

g) Thi công trên đường bộ đang khai thác mà cơ quan cấp phép tự thực hiện hoặc là chủ đầu tư dự án thi công trên đường bộ đang khai thác; cơ quan cấp phép trực thuộc chủ đầu tư dự án;

h) Thi công ở nơi đường bộ giao nhau đồng mức với đường sắt hoặc thi công trên mặt cầu đường bộ đi chung với đường sắt đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về đường sắt;

i) Xây dựng công trình trong hành lang an toàn đường bộ đáp ứng đồng thời các quy định: không làm ảnh hưởng tầm nhìn xe chạy, an toàn giao thông, không sử dụng đất của đường bộ và công trình đường bộ làm mặt bằng thi công và đã được chấp thuận xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này;

k) Xử lý cấp bách bảo đảm an toàn đê điều, công trình phòng, chống thiên tai;

l) Trường hợp đã được cấp phép xây dựng và đã có phương án bảo đảm giao thông trên đường đang khai thác được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận.

4. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trong quá trình thi công, tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác thực hiện đầy đủ quy định trong giấy phép thi công; phải bố trí người cảnh báo, hướng dẫn giao thông, bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông, bảo vệ môi trường và các nội dung khác; người tham gia các hoạt động thi công, bảo trì trên đường bộ đang khai thác phải mặc trang phục bảo hộ lao động có báo hiệu an toàn; máy móc thi công phải lắp thiết bị cảnh báo trên phương tiện.

5. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác có trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ, đồng thời gửi biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình trước khi thi công trên đường bộ đang khai thác đến cơ quan quản lý đường bộ để kiểm tra, giám sát. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền nếu việc thi công gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình.

6. Tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác vi phạm giấy phép thi công, gây ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông đường bộ, gây hư hỏng, hủy hoại công trình đang khai thác, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật khác phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

7. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; trách nhiệm cung cấp thông tin và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn khi thi công.

Điều 33. Thi công xây dựng, sửa chữa đoạn đường giao nhau đồng mức giữa đường bộ với đường sắt; thi công sửa chữa mặt cầu đường bộ đi chung với đường sắt, đường bộ giao cắt với đường sắt

1. Khi thi công xây dựng, sửa chữa đường bộ ở nơi giao nhau đồng mức với đường sắt, sửa chữa mặt cầu đường bộ đi chung với đường sắt phải được cấp phép theo quy định của pháp luật về đường sắt; trường hợp thi công xây dựng, sửa chữa trên đường bộ đang khai thác còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật này.

2. Khi thi công sửa chữa mặt cầu đường bộ đi chung với đường sắt, sửa chữa ở nơi đường bộ giao cắt với đường sắt phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định sau đây:

a) Chủ đầu tư dự án sửa chữa đường bộ thống nhất với cơ quan quản lý đường sắt về thời gian, phương án thi công và phương án tổ chức giao thông, trừ trường hợp cần khắc phục sự cố nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông; nguy cơ sập đổ công trình;

b) Thực hiện quy định khác có liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật về đường sắt;

c) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về đường sắt, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thi công và công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường sắt và đường bộ.

Điều 34. Thi công xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác

1. Khi thi công xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác phải thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 32 của Luật này.

2. Khi thi công xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện giao cắt với đường bộ đang khai thác phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định sau đây:

a) Vị trí xây dựng không ảnh hưởng đến vận hành, khai thác và hoạt động bình thường của các công trình đường bộ hiện có, trừ quy định tại điểm d khoản này;

b) Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình đường bộ hiện có, công trình liền kề, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và bảo vệ môi trường; bảo đảm các quy định về tĩnh không của đường bộ, phạm vi bảo vệ trên không, phạm vi bảo vệ bên dưới của công trình đường bộ;

c) Không được làm xói lở mố, trụ cầu, tường chắn bảo vệ công trình đường bộ khi nạo vét và thi công trên sông, kênh, mương trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ;

d) Trước khi xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện cắt ngang, chồng lấn lên vị trí đường bộ hoặc ảnh hưởng đến công trình đường bộ đang khai thác, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện phải xây dựng công trình đường bộ để bồi hoàn, thay thế cho phần công trình đường bộ bị ảnh hưởng hoặc bồi hoàn bằng kinh phí xây dựng đoạn đường thay thế. Công trình đường bộ để bồi hoàn có cấp kỹ thuật, quy mô không thấp hơn công trình đường bộ bị ảnh hưởng;

đ) Sau khi hoàn thành xây dựng công trình đường bộ để bồi hoàn, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm bàn giao công trình đường bộ để bồi hoàn và hồ sơ hoàn thành công trình, quy trình bảo trì cho cơ quan quản lý đường bộ hoặc người quản lý, sử dụng đường bộ.

3. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm thực hiện bảo hành công trình đường bộ để bồi hoàn theo quy định của pháp luật về xây dựng.

4. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý công trình thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm bảo trì, vận hành, khai thác công trình thủy lợi, thủy điện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm yêu cầu về an toàn giao thông và an toàn công trình đường bộ.

5. Bộ phận, hạng mục công trình sử dụng chung cho giao thông đường bộ và phục vụ công trình thủy lợi, thủy điện thì trách nhiệm bảo trì, vận hành, khai thác thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 37 của Luật này.

6. Trường hợp xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ảnh hưởng đến đường chuyên dùng thì các bên tự thỏa thuận hoặc thực hiện đền bù, bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 35. Bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì hoạt động bình thường, an toàn của kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định của thiết kế trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng, bao gồm:

a) Bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ;

c) Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, đánh giá an toàn kết cấu hạ tầng đường bộ.

2. Bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như sau:

a) Bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ gồm bảo dưỡng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ và được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Kết quả thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ phải được ghi chép và lập hồ sơ; người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm xác nhận việc hoàn thành bảo dưỡng và quản lý trong hồ sơ bảo trì công trình đường bộ;

c) Việc áp dụng hình thức bảo dưỡng đối với kết cấu hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đấu thầu.

3. Sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất để khắc phục hư hỏng, xuống cấp phát sinh trong thời gian vận hành, khai thác, sử dụng bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ, hạn chế việc xuống cấp của kết cấu hạ tầng đường bộ.

4. Sửa chữa định kỳ bao gồm:

a) Sửa chữa khiếm khuyết, hư hỏng công trình, hạng mục công trình, thiết bị, thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác, sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Bổ sung báo hiệu đường bộ, công trình an toàn giao thông đường bộ và các hạng mục công trình, thiết bị công trình khác để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và cải thiện tình trạng kỹ thuật của công trình đang khai thác;

c) Sửa chữa, nâng cấp kho chứa trang thiết bị, vật tư dự phòng trong lĩnh vực đường bộ; mua sắm bổ sung vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

d) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống quản lý giao thông thông minh; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc; phương tiện, thiết bị, hệ thống công nghệ phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ; hệ thống quản lý, vận hành giao thông đường bộ; hệ thống thu phí; công trình kiểm soát tải trọng xe.

5. Sửa chữa đột xuất bao gồm:

a) Sửa chữa khắc phục điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ;

b) Sửa chữa khắc phục hậu quả thiên tai;

c) Sửa chữa khi bộ phận công trình bị hư hỏng đột xuất trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng và các trường hợp cần thiết khác để bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông trong thời gian vận hành, khai thác, sử dụng.

6. Việc sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng lưu lượng, tải trọng khai thác và tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định của Luật này.

7. Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ và đánh giá an toàn công trình được quy định như sau:

a) Việc kiểm tra chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ gồm các công việc tuần đường, tuần kiểm và các công việc kiểm tra khác theo quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Việc quan trắc, kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ và đánh giá an toàn công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều này.

Điều 36. Quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm hiệu quả, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và tuân thủ quy định của pháp luật.

2. Nội dung quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

a) Tiếp nhận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, hồ sơ hoàn thành công trình sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng; lập, bảo quản hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Tổ chức giao thông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này;

c) Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý, sử dụng đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ;

d) Quản lý, vận hành, khai thác hệ thống quản lý giao thông thông minh; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc, công trình kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thu phí và các thiết bị gắn vào kết cấu hạ tầng đường bộ;

đ) Thu thập, quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu đường bộ;

e) Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường bộ theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định của Luật này;

g) Thực hiện các công việc khác theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều này.

Điều 37. Trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đối với quốc lộ quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật này và kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đối với các loại đường bộ quy định tại khoản 4 Điều 8 của Luật này và kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

3. Doanh nghiệp được Nhà nước giao đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ phải thực hiện việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về xây dựng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang trong giai đoạn vận hành, khai thác, khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư mà chưa hoàn thành các thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân, trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ do cơ quan ký kết hợp đồng thực hiện.

5. Đối với kết cấu hạ tầng đường bộ là tài sản công trong thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản hoặc phương thức chuyển giao quyền khai thác khác thì việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định khác của pháp luật có liên quan và hợp đồng ký kết.

6. Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng, chủ sở hữu hoặc người quản lý bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và kết cấu hạ tầng đường bộ khác có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình bảo đảm an toàn, tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Công trình có nhiều chủ sở hữu hoặc nhiều tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, khai thác chung, ngoài việc chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì phần công trình thuộc sở hữu riêng của mình, các chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, khai thác có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì cả phần công trình thuộc sở hữu, sử dụng chung.

8. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã đưa toàn bộ hoặc một số đoạn đường, hạng mục công trình thuộc dự án vào vận hành, khai thác, khai thác tạm nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao cho người quản lý, sử dụng đường bộ thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm thời quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

9. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 38. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ

1. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải được thiết kế, xây dựng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thoát lũ và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai.

2. Việc thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với các tuyến đường đã đưa vào khai thác, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:

a) Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

b) Người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đối với đường bộ được giao quản lý, tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn; sửa chữa, khắc phục ngay hư hỏng công trình đường bộ đối với các trường hợp không bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; khắc phục nguy cơ sập đổ công trình đường bộ, công trình liền kề; tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều này.

Điều 39. Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, trạm thu phí đường bộ, công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ

1. Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ được quy định như sau:

a) Bến xe phải được xây dựng tại các đô thị là trung tâm hành chính cấp huyện trở lên và các khu vực cần thiết khác để phục vụ vận tải hành khách công cộng;

b) Bãi đỗ xe được xây dựng phù hợp với nhu cầu đỗ xe tại các khu vực trong đô thị, ngoại ô thành phố, thị xã, đường có lưu lượng vận tải lớn và các khu vực khác khi cần thiết để phục vụ đỗ xe, trông giữ xe. Bãi đỗ xe gồm: bãi đỗ xe tải; bãi đỗ xe khách, xe con; bãi đỗ xe dùng cho nhiều loại xe;

c) Bến xe được đầu tư, xây dựng đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với bãi đỗ xe đô thị thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành;

d) Trạm dừng nghỉ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;

đ) Trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ưu tiên bố trí hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện tại bãi đỗ xe. Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ được kết hợp đầu tư, xây dựng để thực hiện hoạt động dịch vụ thương mại.

2. Điểm dừng xe được quy định như sau:

a) Điểm dừng xe trong đô thị và trong các khu dân cư, cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu dừng xe phục vụ giao thông đô thị và các khu vực, địa điểm này;

b) Điểm dừng xe trong phạm vi đường bộ được bố trí tại một số vị trí nhất định dành cho xe ô tô để đón, trả khách;

c) Đối với các đường ngoài đô thị được đầu tư, xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo thì điểm dừng xe phải được xây dựng ngoài phạm vi đường bộ.

3. Trạm thu phí đường bộ là nơi thu tiền sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

4. Công trình kiểm soát tải trọng xe được quy định như sau:

a) Công trình kiểm soát tải trọng xe để xác định tải trọng trục xe, khối lượng toàn bộ của xe tham gia giao thông trên đường bộ, bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;

b) Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vị trí xây dựng, lắp đặt công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

c) Cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan chức năng có thẩm quyền, tổ chức được giao quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ sử dụng công trình kiểm soát tải trọng xe để thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng trục xe, khối lượng toàn bộ của xe đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ; phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe phải được kết nối, chia sẻ kịp thời với lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý vi phạm pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, trạm thu phí đường bộ, công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác.

Điều 40. Giao thông thông minh

1. Giao thông thông minh là việc ứng dụng các công nghệ điện tử, thông tin, truyền thông, khoa học quản lý mới, hiện đại nhằm tối ưu hiệu suất quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ; bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, kịp thời, tiện lợi và thân thiện với môi trường.

2. Hệ thống quản lý giao thông thông minh được thiết lập để tích hợp, lưu trữ, phân tích dữ liệu phục vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; hỗ trợ hoạt động vận tải, thanh toán điện tử giao thông; cung cấp các dịch vụ giao thông thông minh, được kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm chỉ huy giao thông và cơ quan, tổ chức có liên quan,

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 41. Chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ gồm chi phí cho các hoạt động quy định tại các điều 21, 35, 36 và 38 của Luật này.

2. Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

3. Đối với kết cấu hạ tầng đường bộ là tài sản công trong thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản hoặc phương thức chuyển giao quyền khai thác khác, chi phí quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 37 của Luật này thì chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng trong tổng mức đầu tư của dự án để chủ đầu tư tổ chức thực hiện.

5. Đối với kết cấu hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư đã được bàn giao, đưa vào khai thác nhưng chưa hoàn thành việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ thì chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được bố trí từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.

6. Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng phải bảo đảm kinh phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ đường chuyên dùng.

Điều 42. Nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ

1 . Nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô;

b) Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác;

c) Nguồn thu của Nhà nước liên quan đến khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, nguồn thu từ khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn thu từ dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư, xây dựng đường bộ để kinh doanh; hợp đồng nhượng quyền kinh doanh - quản lý, khai thác đường bộ cao tốc là tài sản công được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 43. Thanh toán điện tử giao thông đường bộ

1. Thanh toán điện tử giao thông đường bộ là việc thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.

2. Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

3. Thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc phải thực hiện theo hình thức điện tử không dừng.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương III

ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC

Điều 44. Quy định chung đối với đường bộ cao tốc

1. Đường bộ cao tốc (sau đây gọi là đường cao tốc) là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông theo quy định của pháp luật, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.

2. Đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

3. Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm:

a) Đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 của Luật này;

b) Đất để xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.

Điều 45. Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng khoa học và công nghệ đối với đường cao tốc

1. Đường cao tốc được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

2. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc bảo đảm khoa học kỹ thuật hiện đại, số hóa, phát triển bền vững, giao thông xanh.

3. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ mới, vật liệu mới, ứng dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương.

Điều 46. Chính sách phát triển đường cao tốc

Chính sách phát triển đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và hình thức khác theo quy định của pháp luật;

2. Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng các dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách;

3. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, nguồn lực khác trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

b) Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc đang đầu tư hoặc đã khai thác theo quy mô phân kỳ.

Điều 47. Đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc

1. Việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc phù hợp với quy định tại Điều 28 của Luật này.

2. Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình sau đây:

a) Đường gom hoặc đường bên;

b) Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc;

c) Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe;

d) Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ;

đ) Công trình kiểm soát tải trọng xe.

3. Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực đầu tư và quy hoạch, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư, xác định việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy mô làn xe quy hoạch hoặc tiến độ dự án được xác định trong quyết định chủ trương đầu tư.

4. Việc đầu tư đường cao tốc qua đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị và quy định của pháp luật có liên quan; có giải pháp phù hợp để phát triển không gian, kết nối giao thông khu vực hai bên đường, bảo đảm môi trường.

5. Cấp quyết định đầu tư được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh tiểu dự án, dự án thành phần trong trường hợp kinh phí các tiểu dự án, dự án thành phần có sự thay đổi so với sơ bộ tổng mức đầu tư của tiêu dự án, dự án thành phần được duyệt nhưng không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư.

Trường hợp quyết định tách dự án thành các tiểu dự án, dự án thành phần, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; chịu trách nhiệm rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư giữa các tiểu dự án, dự án thành phần, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư.

Điều 48. Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc

1. Việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc được thực hiện để đáp ứng yêu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với dự án đã được đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng thỏa thuận với nhà đầu tư về việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc theo một trong các phương án sau đây:

a) Nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh dự án đầu tư để mở rộng, nâng cấp;

b) Nhà nước tổ chức lập dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp theo phương thức đối tác công tư hoặc đầu tư công, trừ trường hợp trùng lặp với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định dự án hoặc trùng lặp với dự án đầu tư công đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư công.

3. Trường hợp thỏa thuận được với nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và tổ chức đàm phán với nhà đầu tư hiện hữu để điều chỉnh hợp đồng.

4. Trường hợp không thỏa thuận được với nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 49. Quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc

Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức khác thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định tại Chương II của Luật này và các quy định sau đây:

1. Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường cao tốc nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho người tham gia giao thông đường bộ; phát hiện, cảnh báo và xử lý sự cố trên đường cao tốc; theo dõi phương tiện, thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu giao thông;

2. Công tác kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý sự cố trên đường cao tốc;

3. Đối với các hạng mục liên quan đến an toàn xe chạy, các công trình cầu, hầm đường bộ và các công trình, thiết bị liên quan đến an toàn trong vận hành, khai thác phải được kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ; sửa chữa, khắc phục kịp thời;

4. Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 50. Phí sử dụng đường cao tốc

1. Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, bao gồm:

a) Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công;

b) Đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

2. Quản lý, sử dụng các nguồn thu từ phí sử dụng đường cao tốc được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức khai thác tài sản nộp số phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;

b) Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách nhà nước; số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc; việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với đường cao tốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 2 Điều 47 của Luật này.

Điều 51. Tạm dừng khai thác đường cao tốc

1. Tạm dừng khai thác đường cao tốc là trường hợp tạm không cho phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên một chiều, hai chiều, một đoạn hoặc cả tuyến đường cao tốc, trừ phương tiện làm nhiệm vụ của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cứu thương, hộ đê, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

2. Các trường hợp đường cao tốc phải tạm dừng khai thác bao gồm:

a) Công trình bị hư hỏng do xảy ra sự cố công trình, do hậu quả của thiên tai không thể khai thác, sử dụng an toàn;

b) Khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm dừng khai thác để phục vụ cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ;

c) Khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc các trường hợp đặc biệt khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện giao thông, tài sản khác thì người quản lý, sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm sau đây:

a) Kịp thời dừng sử dụng đường cao tốc, trong thời hạn không quá 60 phút kể từ thời điểm dừng phải thông báo cho người có thẩm quyền về nguyên nhân phải tạm dừng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

b) Thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông, tài sản khác; hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình;

c) Bảo vệ hiện trường; tham gia cứu nạn, cứu hộ, giải quyết ùn tắc giao thông;

d) Thông báo cho Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến, cơ quan quản lý đường bộ, trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc, chính quyền địa phương.

4. Khi tạm dừng khai thác đường cao tốc phải thực hiện các công việc sau đây:

a) Người quản lý, sử dụng đường cao tốc phải khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông; điều chỉnh, bổ sung các công trình báo hiệu đường bộ và các công trình khác phục vụ bảo đảm giao thông; tham gia hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; phối hợp với Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương trong việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc; sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại trên đường cao tốc để bảo đảm đưa đường cao tốc vào khai thác, sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế;

b) Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông;

c) Chính quyền địa phương phối hợp thực hiện bảo đảm giao thông khi cần điều tiết các phương tiện tham gia giao thông đường cao tốc sang đường do địa phương quản lý;

d) Công tác cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 52. Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe

1. Trạm dừng nghỉ được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố để phục vụ khai thác đồng bộ với công trình đường cao tốc, cung cấp các dịch vụ cho người tham gia giao thông đường bộ, hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

2. Việc đầu tư trạm dừng nghỉ được thực hiện như sau:

a) Trường hợp dự án đường cao tốc được đầu tư theo hình thức đầu tư công, trạm dừng nghỉ được đầu tư cùng với dự án theo hình thức đầu tư công hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

b) Đối với dự án đường cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trạm dừng nghỉ được đầu tư xây dựng cùng với dự án theo phương thức đối tác công tư;

c) Đối với công trình trạm dừng nghỉ sẵn có là tài sản công, Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư vận hành, khai thác hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo, hiện đại hóa, vận hành, khai thác theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hoặc kết hợp thực hiện trong dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

3. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ nhu cầu sử dụng dịch vụ, tính chất dự án, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe để phục vụ người tham gia giao thông đường bộ trên đường cao tốc.

4. Vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe được xác định khi lập dự án, thiết kế xây dựng.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 53. Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc

1. Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc là một thành phần của hệ thống quản lý giao thông thông minh, được đầu tư đồng thời khi xây dựng đường cao tốc để phục vụ quản lý, điều hành, bảo trì cho một hoặc một số tuyến cao tốc kết nối với nhau; hỗ trợ người tham gia giao thông đường bộ.

2. Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc bao gồm:

a) Nhà làm việc của người quản lý, vận hành đường cao tốc; các cơ sở hạ tầng, công trình dân dụng phục vụ quản lý, điều hành và lắp đặt các thiết bị công nghệ; các công trình hạ tầng kỹ thuật cần thiết khác; hệ thống thiết bị công nghệ để lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị thông tin về tình hình giao thông trên tuyến hoặc một số tuyến cao tốc kết nối với nhau;

b) Cơ sở hạ tầng phục vụ làm việc của lực lượng Cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường cao tốc;

c) Thiết bị lắp đặt dọc tuyến đường cao tốc bao gồm các hệ thống thiết bị công nghệ để thu thập thông tin phục vụ việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông đường bộ, phương tiện giao thông thông minh.

3. Chi phí quản lý, vận hành và bảo trì trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc được tính trong chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ công trình đường cao tốc.

Điều 54. Thông tin phục vụ quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác đường cao tốc

1. Thông tin phục vụ quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác đường cao tốc bao gồm thông tin cố định, thông tin thay đổi được kết nối với trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc để điều hành giao thông.

2. Thông tin cố định trên đường cao tốc bao gồm các thông tin trên các công trình báo hiệu đường bộ, trừ thông tin quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

3. Thông tin thay đổi bao gồm:

a) Thông tin điều chỉnh tổ chức giao thông trong một thời gian nhất định phục vụ sửa chữa, bảo trì công trình; thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Thông tin về tình hình giao thông trên đường cao tốc; thông tin về vị trí, thời gian xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông, sự cố công trình, sự cố cháy, nổ, vị trí sửa chữa, bảo trì công trình;

c) Thông tin thời tiết, sự kiện thiên tai ảnh hưởng đến giao thông;

d) Hiệu lệnh của người chỉ huy, điều khiển giao thông, thông tin trên đèn tín hiệu giao thông, thông tin trên biển báo điện tử và các thông tin khác.

4. Hình thức hiển thị thông tin thay đổi phục vụ người tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:

a) Thông tin quy định tại khoản 3 Điều này có thể được đăng tải trên radio, báo điện tử và các phương tiện truyền thông khác được phép hoạt động;

b) Thông tin tại điểm a khoản 3 Điều này phải được thực hiện trên biển báo hiệu đường bộ, biển báo hiệu tạm thời;

c) Hệ thống biển báo điện tử đã lắp đặt trên các tuyến đường có thể hiển thị một số thông tin quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Thông tin do người quản lý, sử dụng đường cao tốc cung cấp theo hình thức trực tiếp, điện thoại, thư điện tử và các nền tảng mạng công nghệ thông tin cho người tham gia giao thông đường bộ và các đối tượng liên quan.

5. Việc cung cấp, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin được quy định như sau:

a) Người quản lý, sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm cung cấp các thông tin quy định tại khoản 2, các điểm a, b và c khoản 3 Điều này cho trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc, Cảnh sát giao thông và các phương tiện truyền thông quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

b) Cảnh sát giao thông cung cấp thông tin về tình hình tai nạn giao thông đường bộ, chỉ huy điều hành giao thông cho trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyên đường cao tốc, người quản lý, sử dụng đường cao tốc và các phương tiện truyền thông quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Tổ chức được giao bảo trì đường cao tốc cung cấp thông tin tình hình giao thông, tai nạn giao thông đường bộ, tình trạng hư hỏng, sự cố công trình, các vị trí đang thực hiện bảo trì và các thông tin cần thiết khác cho trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc, Cảnh sát giao thông, người quản lý, sử dụng đường cao tốc;

d) Việc cung cấp thông tin tại các điểm a, b và c khoản này phải bảo đảm chính xác, kịp thời, được lưu giữ, bảo quản tại trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.

Điều 55. Chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ đường cao tốc

Chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Đối với đường cao tốc do Nhà nước quản lý, khai thác thì chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ được bảo đảm từ ngân sách nhà nước;

2. Đối với đường cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chương IV

VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 56. Hoạt động vận tải đường bộ

1. Hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ trong nước, quốc tế. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ.

2. Hoạt động vận tải đường bộ trong nước là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

3. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa qua lại giữa Việt Nam với các nước. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Xe cơ giới hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế của nước khác không được vận tải người, hàng hóa có điểm bắt đầu và điểm kết thúc cùng nằm trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Kinh doanh vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là đơn vị kinh doanh vận tải) sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để cung cấp dịch vụ vận tải người, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

5. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, trừ các hoạt động vận tải nội bộ được quy định tại khoản 12 Điều này.

6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.

7. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình xác định.

8. Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định điểm đầu, điểm cuối, các điểm dừng xe để đón, trả khách với lịch trình, hành trình xác định; bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh, cụ thể như sau:

a) Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

9. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người dưới 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách; tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau đây:

a) Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền;

b) Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử;

c) Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.

10. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.

11. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng để vận tải hàng hóa trên đường bộ.

12. Hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là hoạt động vận tải không kinh doanh, không thu tiền cước, chi phí vận tải được tính vào chi phí quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của người vận tải; bao gồm hoạt động vận tải người nội bộ và hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ và được quy định như sau:

a) Hoạt động vận tải người nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc cơ quan, tổ chức sử dụng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên của cơ quan, tổ chức đó;

b) Hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng, xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó sản xuất hoặc trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu để phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

13. Đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ phải bảo đảm công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.

14. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 57. Vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách;

b) Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và sử dụng người lái xe bảo đảm đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật;

c) Công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải;

d) Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu về hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật;

đ) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật;

e) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật.

2. Việc vận tải hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật này và thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

4. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguồn lực địa phương quyết định hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải hành khách công cộng băng xe buýt; hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông qua chính sách miễn, giảm giá vé.

Điều 58. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các quyền sau đây:

a) Thu tiền vận tải;

b) Từ chối vận tải hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng trên xe ô tô, cản trở hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, gian lận vé;

c) Quyết định các chính sách ưu đãi để phục vụ khách hàng và mở rộng thị trường kinh doanh.

2. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành và thực hiện đầy đủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;

b) Mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé, giá trị hợp đồng vận tải;

c) Thực hiện kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá; cung cấp vé, chứng từ thu tiền vận tải;

d) Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện việc miễn giảm giá vé đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật;

e) Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hành khách thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách;

g) Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hành khách.

Điều 59. Quyền và nghĩa vụ của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách

1. Từ chối vận tải hành khách có một trong các hành vi sau đây:

a) Gây rối trật tự công cộng trên xe ô tô;

b) Cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô;

c) Gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trên xe ô tô;

d) Gian lận vé;

đ) Vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 60 của Luật này.

2. Từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Không được từ chối vận tải hành khách, trừ lý do quy định tại khoản 1 Điều này; không được gây khó khăn đối với hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai; không được chuyển hành khách sang phương tiện khác khi chưa được sự đồng ý của hành khách, trừ trường hợp bất khả kháng.

4. Thu tiền đúng giá vé niêm yết hoặc theo hợp đồng vận tải.

5. Có thái độ, lời nói, hành vi văn minh, lịch sự; hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định, bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.

6. Thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 60. Quyền và nghĩa vụ của hành khách

1. Hành khách có các quyền sau đây:

a) Được vận tải theo đúng vé, hợp đồng vận tải, cam kết của người kinh doanh vận tải về chất lượng vận tải;

b) Được nhận vé hoặc chứng từ thay vé; được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé theo quy định;

c) Được miễn, giảm giá vé theo quy định của pháp luật.

2. Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán tiền cước chuyến đi theo giá vé niêm yết hoặc theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải;

b) Chấp hành quy định về vận tải; thực hiện đúng hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô;

c) Không mang theo hàng hóa cấm lưu thông, hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã; hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường;

d) Xuất trình giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm giá vé với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 61. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Giấy vận tải là giấy tờ để xác nhận việc người lái xe đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng hàng hóa để vận tải đến nơi trả hàng; là bằng chứng của hợp đồng vận tải hàng hóa.

2. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;

b) Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật;

c) Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu về hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật;

d) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật;

đ) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Việc vận tải hàng hóa bằng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật này, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi vận tải hàng hóa trên đường bộ phải có giấy vận tải theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Điều 62. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận tải và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;

b) Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ tiền cước và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;

đ) Lưu giữ hàng hóa trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ tiền cước và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.

2. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có nghĩa vụ sau đây:

a) Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hàng hóa thay mình thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;

b) Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa;

c) Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; cấp giấy vận tải cho lái xe trước khi thực hiện vận tải;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện bảo đảm không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe và thực hiện các chỉ dẫn an toàn trong quá trình vận tải, giao nhận hàng hóa;

đ) Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Quyền và nghĩa vụ của người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền sau đây:

a) Từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn; phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe theo quy định của pháp luật hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động; phương tiện xếp hàng hóa vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành theo quy định của pháp luật; hàng hóa cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; không có giấy vận tải;

b) Trước khi thực hiện vận tải hàng hóa, lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào giấy vận tải; từ chối vận tải trong trường hợp xếp hàng trên xe không đúng quy định của pháp luật.

2. Người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Người thuê vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền sau đây:

a) Từ chối xếp hàng hóa lên phương tiện khi phương tiện đó không đúng thỏa thuận;

b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô giao hàng hóa đúng thời gian, địa điểm và nội dung khác theo thỏa thuận;

c) Yêu cầu người kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người thuê vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có nghĩa vụ sau đây:

a) Có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về hàng hóa và cung cấp cho người kinh doanh vận tải trước khi thực hiện vận chuyển; đóng gói hàng hóa đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu hàng hóa đầy đủ, rõ ràng; giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải đúng thời gian, địa điểm và nội dung khác theo thỏa thuận;

b) Không được yêu cầu hoặc xếp hàng hóa vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành theo quy định của pháp luật;

c) Thanh toán đủ tiền cước và chi phí phát sinh cho người kinh doanh vận tải hàng hóa;

d) Cử người áp tải hàng hóa trong quá trình vận tải đối với loại hàng hóa bắt buộc phải có người áp tải.

Điều 65. Vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh để kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa phải thực hiện quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh phải chấp hành quy định tại Điều 80 của Luật này.

Điều 66. Vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải phải thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật và có giấy phép kinh doanh vận tải được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải.

3. Cá nhân không được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải người nội bộ, trừ mục đích kinh doanh vận tải hành khách. Tổ chức được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải nội bộ và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 67. Vận tải đa phương thức

1. Vận tải đa phương thức là việc vận tải hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất 02 phương thức vận tải, trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.

2. Việc đầu tư, xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, đầu mối trung chuyển hàng hóa phải bảo đảm tính kết nối với phương thức vận tải khác và các yêu cầu về tổ chức giao thông.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, đầu mối trung chuyển hàng hóa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Điều 68. Hàng hóa ký gửi

1. Hàng hóa ký gửi là hàng hóa gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi không đi cùng trên xe, được thực hiện theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người gửi hàng.

2. Chỉ được nhận vận tải hàng hóa có kích thước, trọng lượng phù hợp với phương tiện và không thuộc hàng hóa cấm lưu thông, hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã, hàng có mùi hôi thối, động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường.

3. Người có hàng hóa ký gửi phải lập tờ khai gửi hàng hóa, trong đó kê khai tên, số lượng, khối lượng hàng hóa; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân của người gửi và người nhận hàng hóa.

4. Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa ký gửi theo tờ khai gửi hàng hóa và xác nhận vào tờ khai gửi hàng hóa. Tờ khai gửi hàng hóa được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản.

5. Người nhận hàng hóa ký gửi phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi nhận hàng.

6. Việc bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

7. Đơn vị kinh doanh vận tải được miễn bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi trong các trường hợp sau đây:

a) Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa ký gửi hoặc hao hụt ở mức cho phép;

b) Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa ký gửi;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng;

d) Do lỗi của người thuê vận tải, người áp tải hàng hóa của người thuê vận tải hoặc người nhận hàng hóa.

Điều 69. Hoạt động vận tải người bệnh bằng xe ô tô cứu thương

1. Dịch vụ vận tải người bệnh là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô cứu thương có thiết bị y tế chuyên dùng để vận tải người bệnh cấp cứu hoặc vận tải người bệnh.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải người bệnh và sử dụng xe ô tô cứu thương để vận tải người bệnh phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Xe ô tô cứu thương vận tải người bệnh phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 70. Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô

1. Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô là hoạt động sử dụng xe ô tô để đưa đón trẻ em mầm non, học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác.

2. Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện và được quy định như sau:

a) Trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô;

b) Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

3. Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 71. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ bao gồm: kinh doanh dịch vụ bến xe, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, đại lý vận tải hàng hóa, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hóa, dịch vụ xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dịch vụ cho thuê phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ, dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.

Điều 72. Dịch vụ bến xe, trạm dừng nghỉ

1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe, trạm dừng nghỉ được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã.

2. Hoạt động của bến xe, trạm dừng nghỉ phải bảo đảm chất lượng, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.

3. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách có quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Sắp xếp xe ô tô có đủ điều kiện kinh doanh vận tải vào bến đón, trả khách;

b) Cho thuê nơi bán vé hoặc tổ chức bán vé cho hành khách theo hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải;

c) Kê khai, niêm yết, công bố thông tin về giá dịch vụ xe ra, vào bến xe khách theo quy định của pháp luật về giá.

4. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng có quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Sắp xếp xe ô tô ra, vào bến để xếp, dỡ hàng hóa;

b) Tổ chức dịch vụ kho bãi, ký gửi, đóng gói, bảo quản, xếp, dỡ hàng hóa trên xe ô tô theo quy định của Luật này;

c) Kê khai, niêm yết, công bố thông tin về giá dịch vụ xe ra, vào bến xe hàng theo quy định của pháp luật về giá.

5. Đơn vị kinh doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ có quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

b) Thực hiện công việc theo hợp đồng ủy thác với đơn vị kinh doanh vận tải.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe để định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe theo quy định của pháp luật về giá.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí quỹ đất xây dựng bến xe khách, bến xe hàng hoặc điểm trung chuyển hành khách tại các khu vực trung tâm của đô thị để kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải hành khách trong và ngoài đô thị. Bến xe khách phải được bố trí ổn định tại khu vực đầu mối kết nối giao thông.

Điều 73. Dịch vụ bãi đỗ xe

1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bãi đỗ xe được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã.

2. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bãi đỗ xe được thực hiện các dịch vụ sau đây:

a) Trông giữ phương tiện giao thông đường bộ;

b) Bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông đường bộ;

c) Cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho phương tiện giao thông đường bộ;

d) Dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bãi đỗ xe có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe;

b) Niêm yết công khai nội quy, giá dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;

c) Bồi thường thiệt hại nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện giao thông đường bộ nhận trông giữ;

d) Thu tiền trông giữ phương tiện giao thông đường bộ;

đ) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp, dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải hàng hóa;

e) Từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện giao thông đường bộ không chấp hành nội quy bãi đỗ xe;

g) Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 74. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa

1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã.

2. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa là việc tổ chức, cá nhân được đơn vị kinh doanh vận tải thuê thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình vận tải, trừ công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện và người lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải.

3. Đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa được hưởng tiền công dịch vụ đại lý vận tải theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.

4. Đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa khi xếp, dỡ hàng hóa trên xe phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 75. Dịch vụ đại lý bán vé

1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã.

2. Đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé phải có hợp đồng đại lý bán vé với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định.

3. Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách.

Điều 76. Dịch vụ thu gom hàng, chuyển tải, kho bãi hàng hóa trong hoạt động vận tải đường bộ

1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hóa được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã.

2. Đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hóa phải bảo quản hàng hóa theo quy định của chủ hàng và phải có hợp đồng về việc thu gom hàng, chuyển tải hàng hoặc cho thuê kho bãi hàng hóa với chủ hàng.

3. Việc xếp hàng hóa lên xe ô tô phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 77. Dịch vụ xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã.

2. Việc xếp hàng hóa trên phương tiện không được vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ và thực hiện quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Người xếp hàng hóa chịu trách nhiệm khi vi phạm các quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô.

4. Người xếp, dỡ hàng hóa chịu trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 78. Dịch vụ cho thuê phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

1. Dịch vụ cho thuê phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm:

a) Dịch vụ cho thuê phương tiện để tự lái là việc tổ chức, cá nhân cho thuê xe ô tô chở người dưới 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh để người thuê xe tự điều khiển phương tiện;

b) Dịch vụ cho thuê phương tiện để kinh doanh vận tải, vận tải nội bộ là việc tổ chức, cá nhân cho thuê xe ô tô (không bao gồm thuê người lái xe) để bên thuê xe tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hoặc vận tải nội bộ.

2. Đơn vị kinh doanh cho thuê phương tiện để tự lái phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Chỉ được cho thuê phương tiện khi người thuê có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe cho thuê;

b) Không được bố trí lái xe cho người thuê phương tiện;

c) Phải ký kết hợp đồng cho thuê phương tiện để tự lái với người thuê kèm theo bản phô tô giấy phép lái xe của người thuê.

3. Người thuê phương tiện để tự lái không được sử dụng phương tiện đi thuê để vận tải hành khách, hàng hóa có thu tiền.

4. Đơn vị kinh doanh dịch vụ cho thuê phương tiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vận tải nội bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã. Đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam theo tỷ lệ vốn góp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật có liên quan;

b) Phải ký kết hợp đồng cho thuê phương tiện không kèm người lái xe với bên thuê.

Điều 79. Dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã;

b) Phải bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình thực hiện cứu hộ;

c) Không được sử dụng xe cứu hộ để kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 80. Dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô

1. Phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là giao thức kết nối giữa đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe với hành khách hoặc người thuê vận tải diễn ra trong môi trường điện tử.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sử dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô phải tuân thủ các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, pháp luật về giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô cho các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải tuân thủ quy định của pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương V

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 81. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ

1. Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về hoạt động đường bộ.

2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch về hoạt động đường bộ.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động đường bộ.

4. Đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

5. Quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

6. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong hoạt động đường bộ.

7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đường bộ.

8. Hợp tác quốc tế trong hoạt động đường bộ.

Điều 82. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

2. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Điều 83. Thanh tra đường bộ

Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ sau đây:

1. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận tải;

2. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lối xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

3. Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 84. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.1, bổ sung điểm 1.1a vào sau điểm 1.1, tiểu mục 1 thuộc phần V- Phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14, Luật số 23/2018/QH14, Luật số 72/2020/QH14, Luật số 16/2023/QH15, Luật số 20/2023/QH15 và Luật số 24/2023/QH15 như sau:

1.1

Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô

Chính phủ

1.1a

Phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác

Chính phủ đối với đường bộ cao tốc do Bộ Giao thông vận tải quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với đường bộ cao tốc do địa phương quản lý

2. Sửa đổi, bổ sung mục 23 trong Danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2023/QH15, Luật số 16/2023/QH15, Luật số 28/2023/QH15 và Luật số 31/2024/QH15 như sau:

STT

TÊN QUY HOẠCH

VĂN BẢN QUY ĐỊNH

23

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ

Luật Đường bộ số 36/2024/QH15

3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15 và Luật số 28/2023/QH15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 45 như sau:

“4. Đối với dự án quy định tại điểm b khoản 9 Điều 3 của Luật này, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng, trừ trường hợp cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ cao tốc sẵn có hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc nhưng phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 52 như sau:

“b) Trong thời gian chưa thực hiện phương án xử lý, chưa lựa chọn được nhà đầu tư thay thế, cơ quan ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm tổ chức bảo đảm an toàn, chống xuống cấp cho công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án đang trong giai đoạn xây dựng; tổ chức vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công đối với dự án đang trong giai đoạn vận hành. Đối với kết cấu hạ tầng đường bộ, cơ quan ký kết hợp đồng còn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.

c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 70 như sau:

“b) Giá trị tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ cao tốc sẵn có hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc, không tính giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ hiện hữu vào tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 51 của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14, Luật số 03/2022/QH15 và Luật số 16/2023/QH15 như sau:

“5. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường sắt, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 4,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.

Trường hợp điểm cao nhất trên phương tiện vận chuyển có chiều cao lớn hơn 4,5 mét thì chủ phương tiện phải liên hệ với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp để thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.

5a. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường bộ, khoảng cách theo phương thẳng đứng tính từ điểm cao nhất của mặt đường bộ tới điểm thấp nhất của đường dây tải điện, dây dẫn điện đi phía trên đường bộ không nhỏ hơn chiều cao tĩnh không của đường bộ cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.

Trường hợp điểm cao nhất trên phương tiện vận chuyển có chiều cao lớn hơn khoảng cách quy định tại khoản này thì chủ phương tiện phải liên hệ với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp để thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.”.

Điều 85. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2024.

3. Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 của Luật này.

Điều 86. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này thì được tiếp tục đầu tư theo quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật này và các tuyến đường cao tốc quy định tại khoản 1 Điều này thì lộ trình đầu tư xây dựng đáp ứng quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2024.

E-pass: 56294

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Law No. 35/2024/QH15

Hanoi, June 27 of 2024

 

LAW

ON ROAD

Pursuant to Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Road.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law prescribes road operations and state management of road operations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Road operation consists of: operations relating to planning, investment, construction, management, use, operation, utilization, maintenance, and protection of road infrastructures; road transportation.

2. Road includes: road, road bridges, road drains, tunnels, ferry stations, pontoon bridges, runaway truck ramps, and auxiliary structures attached to road.

3. Road structures include: road; structures for road management, operation, utilization; structures affiliated to smart traffic management system; road administration buildings; storage units of backup equipment and instruments for road; vehicle load control facilities; tollbooths and other structures of road.

4. Road infrastructure includes: road structures; transport stations; parking lots; rest areas; stopping, parking spaces; land of road; road margin, and auxiliary structures for road operations.

5. Road margin means two strips of land on both sides of the road stretching from the outer edges of plots for road protection and maintenance towards the sides for the purpose of road traffic safety, driving sight distance and with minimum impact on surrounding environment.

6. Road authority means an authority affiliated to the Ministry of Transport whose task is to assist the Minister of Transport in performing state management functions regarding road operations; authority affiliated to People’s Committees of provinces (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”); authority affiliated to People’s Committees of districts; People’s Committees of communes.

7. Management and use personnel of road are owners who directly manage, use, operate, utilize road structures or organizations and individuals assigned to manage, use, operate, utilize road structures.

Article 3. Road operation principles

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Develop road as per planning; effectively utilize resources; connect road transportation mode with other transportation modes; increase application of advanced science and technology in a civilized, modern, and synchronous manner.

3. Carry out uniform implementation on the basis of assignment of specific responsibilities and powers; conduct close cooperation between ministries, central departments, and local governments.

4. All violations of the law pertaining to road operations must be promptly detected, deterred, and strictly dealt with.

Article 4. Development policies for road operations

1. Development policies for road infrastructures include:

a) Focus resources in developing modern road infrastructures, adapting to climate change and environmental friendliness; connect roads, connect other transportation modes with road transportation.

b) Develop regulations on promoting mobilization of societal resources, diversify forms and methods of investment, development, management, operation, utilization, and maintenance of road infrastructures;

c) Prioritize developing important expressways, structures, road projects connecting national and international regions, areas, major cities, centers; road infrastructures in ethnic minority areas, mountainous regions, islands, border areas; accessible and safe road infrastructures for vulnerable entities; road infrastructures in urban areas for reducing traffic congestion; border and coastal patrol routes for implementation of combined socio-economic development and national defense and security.

2. Reasonably develop transportation service models; create healthy competition between transportation service models utilizing motor vehicles; develop smart traffic; prioritize public passenger transportation utilizing buses and other means of transportation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 5. Road network planning, road infrastructure planning

1. Regulations on road network planning:

a) Road network planning is national sector planning, identifies development directions, and organizes national highway spaces to act as the basis for producing road infrastructure planning and developing road network;

b) Development, appraisal, approval, and revision of road network planning must conform to regulations of the law on planning and connect road transportation to other modes of transportation;

c) The Ministry of Transport shall develop and submit road network planning to the Prime Minister for approval.

2. Regulations on road infrastructure planning:

a) Road infrastructure planning is a technical and field-specific planning, sets out road network planning, and identifies development solutions for road structures and other road infrastructures for each road;

b) Road infrastructure planning consists of the following basic details: basic lines and direction, main constraints, length, scale of road in each area and region; evaluation of scale of bridges, tunnels, ferry stations on road; main intersections; solutions for connecting roads to other transportation modes, to cities, economic zones, industrial parks; land use demand, investment demand, roadmap for planning implementation; solutions for planning implementation;

c) The Ministry of Transport shall develop and submit road infrastructure planning to Prime Minister for approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Road infrastructure planning is reviewed on a 5-yearly basis for adjustment appropriate to socio-economic development situations from time to time and is publicly posted.

4. Provincial People’s Committees shall include road development details in traffic network development solutions in the planning in accordance with regulations of the law on planning and other relevant law provisions.

Details pertaining to urban road development are determined under planning in accordance with regulations of the law on planning and other relevant law provisions.

5. Planning under this Article must meet the following regulations:

a) Connect road transportation between cities, areas, regions, transport stations;

b) Effectively connect modes of transportation, identify roads connecting international border checkpoints, primary border checkpoints, airports, ports, inland ports, inland waterway ports.

6. The Government shall elaborate details, procedures for developing, appraising, approving, and amending road infrastructure planning.

Article 6. Road database

1. Road database is designed, developed, and operated in accordance with the Overall architecture framework for digital nation, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Database on investment and construction of road infrastructure;

c) Database on active road infrastructures;

d) Database on electronic payment for road traffic;

dd) Database on motor vehicle transportation, except for database on journey of road vehicles, driver images, and database on driving time of drivers as per the law.

2. Road database is connected and with database on road traffic order and safety and other relevant databases.

3. The Government shall elaborate Clause 1 and Clause 2 of this Article; regulate collection, management, and use of information on database on road.

Article 7. Prohibited actions

1. Destroying road infrastructures; utilizing, using road infrastructures in a manner contradicting the law.

2. Illegally connecting to major arterial roads, minor arterial roads; illegally removing, relocating, or otherwise altering road structures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Installing, removing, relocating, adjusting, obstructing road signals in a manner contradicting the law; attaching, hanging objects that are not related to the interpretation or purpose of road signals to road signals or otherwise altering road signals.

5. Providing transport services utilizing motor vehicles or four-wheeled motorized vehicles without possessing or adhering to transport service license.

6. Establishing passenger pick-up, drop-off points or goods loading, unloading points in a manner contradicting the law.

Chapter II

ROAD INFRASTRUCTURES

Section 1. ROAD CLASSIFICATION, NAMING, AND NUMBERING

Article 8. Road classification by decentralization

1. Decentralized roads include: national highways, provincial roads, district roads, commune roads, hamlet roads, city roads, specialized roads and are determined as follows:

a) National highways are roads connecting Hanoi with administrative centers of provinces; roads connecting administrative centers of provinces; roads that are vital to socio-economic development and national defense security of regions and areas;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) District roads are roads connecting administrative centers of districts to administrative centers of communes or administrative centers of adjacent districts; roads that are vital to socio-economic development of districts;

d) Commune roads are roads connecting administrative centers of communes to hamlets, villages, village equivalent (hereinafter referred to as “hamlets”) and rural residential areas or roads connecting to adjacent communes; roads that are vital to socio-economic development of communes;

dd) Hamlet roads are roads in hamlets, main roads connecting hamlets to agriculture, forestry areas and other manufacturing, business facilities in hamlets;

e) City roads are roads in cities and urban areas, including: city expressways, streets, alleys;

g) Specialized roads are roads for used by specific agencies, organizations, individuals and internal roads.

2. Local roads include: provincial roads, city roads, district roads, commune roads, hamlet roads.

3. The Ministry of Transport is responsible for managing national highways other than those under Point a Clause 4 of this Article and collector roads, frontage roads under Point c Clause 4 of this Article.

4. Provincial People’s Committees are responsible for managing:

a) Provincial roads, national highways crossing special cities; national highways where authorization is given; national highway segments whose detour has been built appropriate to road network planning; national highway segments that are no longer included in road network planning, except for national highways with special requirements regarding national defense and security; national highway segments assigned by the Prime Minister at request of provincial People's Committees to meet socio-economic development demands, satisfy national interest, national defense and security, and resource capacity of provinces; national highway segments that have been reassigned to provincial People’s Committees for management in accordance with public property management and use laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Collector roads and frontage roads separated from national highways.

5. Managing and use personnel of specialized roads are responsible for managing specialized roads in accordance with this Law and relevant law provisions.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 9. Road classification by function

1. Major arterial roads are roads for primary traffic in the area and connecting traffic from other areas and regions.

2. Minor arterial roads are roads connected to major arterial roads, facilitating traffic on both sides of major arterial roads; connecting traffic from collector road to major arterial roads via intersections.

3. Collector roads are roads that collect roads of cities, industrial parks, economic zones, residential areas, commercial - service sectors and other roads into major arterial roads or minor arterial roads before connecting to major arterial roads. Collector roads can be frontage roads in accordance with Clause 4 of this Article.

4. Frontage roads are roads parallel to major arterial roads to separate traffic on both sides of arterial roads from the major arterial roads. Frontage roads are isolated from major arterial roads or physically separated from major arterial roads by barriers or walls.

5. Public roads are roads for use by the general public and road vehicles in accordance with this Law and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Roads dedicated for pedestrians, cyclists, and other roads.

Article 10. Technical grade of road

1. Technical grade of roads must be determined in road construction and investment projects. Design, construction of roads must conform to regulations on technical grade of roads under approved road construction and investment projects, comply with technical regulations and standards on technical grade of roads.

2. Technical grade of roads are specified under design regulations and standards of roads, including:

a) Expressway;

b) Class I, II, III, IV, V, VI roads;

c) City roads;

d) Grade A, B, C, D roads and other roads.

3. Technical grade of roads under Points a, b, and d Clause 2 of this Article conforms to national technical regulations of Minister of Transport and technical standards promulgated by competent authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 11. Road naming, re-naming, and numbering

1. The naming and numbering of roads are regulated as follows:

a) Roads are named after historical figures, individuals with meritorious services to the country; historical, cultural heritages and events; geographical locations or customs. Roads are numbered after natural number or natural number accompanied by a letter where necessary. Where city roads overlap other roads, use both name of the city roads and name, number of the other roads;

b) Name and number of roads within international road network conform to international treaties between the Socialist Republic of Vietnam and relevant countries, international organizations. Where roads connected to international road network, both domestic and international name, number of these roads will be used.

2. Where road segments overlap, name and number of roads affiliated to higher management level will be used except for cases under Point a Clause 1 of this Article.

3. Commune roads, hamlet roads, internal roads, and specialized roads are not required to be named or numbered; are not required to be renamed or renumbered in case such roads travel across areas subject to division, acquisition, merging, adjustment of administrative divisions.

4. The Government shall elaborate this Article.

Section 2. LAND FOR ROAD INFRASTRUCTURES, PROTECTING ROAD INFRASTRUCTURES

Article 12. Land fund for road infrastructures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Land fund for road infrastructures in cities is a factor of land for transportation and land for city construction.

3. Ratio of land for transportation to land for city construction ranges from 11% to 26%, conforms to development level of inner city infrastructures and scenery of each city type in accordance with urban planning laws and other relevant law provisions.

4. Where cities contain specific elements according to regulations of the Standing Committee of the National Assembly, ratio of land for transportation to land for city construction must at least equal 50% of the ratio under Clause 3 of this Article.

Article 13. Land for road infrastructures

1. Land for road infrastructures includes:

a) Land for road consists of land for construction of road structures and land for road protection, maintenance;

b) Land for construction of transport stations; parking lots; stopping, parking spaces; rest areas; auxiliary structures for road operations;

c) Road margin.

2. Management and use of land for road infrastructures must conform to land laws, planning laws, urban planning laws, construction laws, this Law, and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Management and use personnel of road must minimize damage done to owner(s) of the real estate(s) in the process of building and installing drainage system and must compensate for any damage done as per the law.

Article 14. Land for road protection and maintenance

1. Width of land for road protection and maintenance depends on technical grade of the roads and is determined in accordance with the following principles:

a) In respect of embankment road base, land for road protection and maintenance is determined from the bottom of the embankment to the sides;

b) In respect of cutting road base, land for road protection and maintenance is determined from the outermost point of berm gutters to the sides or from the top of cut to the sides where berm gutters are not built;

c) In respect of bridges, sewer drains, collector drains, and road structures, land for road protection and maintenance is determined from the outermost point of exterior elements of the structures to the sides; in respect of road bridges and overpasses, land for road protection and maintenance is determined from the outermost point of foundation of abutments, piers, bridge structures;

d) In respect of cases other than Points a, b, and c of this Clause, land for road protection and maintenance must be located outside of the shoulder and at least 1 m away from the shoulder for the purpose of building drain gutters.

2. Land for city road protection and maintenance is determined in accordance with the following principles:

a) Where city roads have had pavement, a part the pavement will be used for the purpose of road protection and maintenance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In respect of cases other than those under Point a and Point b of this Clause, such cases will be determined in the same manner as roads outside of cities;

d) Land for protection and maintenance of bridges, drain sewers, collector drains, and work items of city roads is determined in accordance with Point c Clause 1 of this Article. Where bridges, drain sewers, collector drains, and work items of city roads are adjacent to other structures, land for protection and maintenance will be boundary of these structures.

3. Where roads overlap or intersect, land for road protection and maintenance will be determined by roads with higher technical grade; where roads are adjacent to one another, land for road protection and maintenance will be determined from the boundary of the outermost road to the sides.

4. Where land for road protection and maintenance overlaps land for railway transport, usage of the land for road protection and maintenance must not interfere with railway traffic and structural safety.

5. Where land for road protection and maintenance overlaps with safety perimeter of embankments, usage of the land for road protection and maintenance must not interfere with embankment structure operation and safety. Where land for road protection and maintenance overlaps separation distance of irrigation structures, usage of the land for road protection and maintenance must not interfere with irrigation structure operation and safety; where irrigation structure operation or safety is affected, management and use personnel of roads, owners, or managers of irrigation structures must adopt rectifying measures to maintain safety to road structures, irrigation structures and traffic safety.

6. Land for protection and maintenance of tunnels, ferry stations, pontoon bridges, embankment and wall structures is determined as follows:

a) Land for protection and maintenance of tunnels depends on grade of the tunnels and is determined from the entrance of main tunnels, auxiliary tunnels, ventilation tunnels, and other work items to the sides;

b) Land for protection and maintenance of ferry stations depends on grade of ferry structures and is determined from the outermost point of entrance to the stations, station structures; land for protection and maintenance of pontoon bridges is determined from the outer edges of approaches to pontoon bridges, and pontoon bridge abutment, piers;

c) Where land for protection and maintenance of roads overlaps inland waterway structures, boundary of the land for protection and maintenance of roads will be foundation of the roads and work items affiliated to road structures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. The Government shall elaborate this Article.

Article 15. Road margin

1. Width of road margin is determined as follows:

a) In respect of roads outside of cities, road margin is determined from the outer edge of land for road protection and maintenance depending on scale and technical grade of roads; where technical grade of existing roads cannot be identified, rely on roadway width and design standards to determine corresponding technical grade which serves as the basis for determining road margin width;

b) In respect of city roads, road margin is determined from the outer edge of land for protection and maintenance of roads to the property line and is not greater than road margin width of roads of the same grade outside of cities;

c) In respect of bridges, ferry stations, and pontoon bridges, road margin is determined by width and length of the structures and dependent on river grade, structure scales; in respect of road bridges and overpasses, road margin is determined from the outer edges of land for protection and maintenance of bridges;

d) In respect of tunnels, road margin is determined from the outer edges of land for structure protection to the sides;

dd) In respect of roads with protective embankments and walls within land for road infrastructures, road margin is determined from the outer edges of embankments and walls to the sides and is not greater than road margin width determined under Points a, b, c, and d of this Clause;

e) In respect of hamlet roads, alleys in cities, and other roads that do not accommodate motor vehicles, road margin is not required.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Where road margin overlaps railway safety perimeter, the boundary will be determined in a manner that prioritizes railway safety perimeter. Management and use of railway safety perimeter must not affect quality of road structures and traffic safety;

b) Where road margin overlaps safety perimeter of inland waterway, management and use of inland waterway safety perimeter must not affect quality of traffic structures and safety;

c) Where roads overlap embankments or road margin overlaps safety perimeter of embankments, the boundary will be determined in a manner that prioritizes embankment safety perimeter; where road margin is greater than embankment safety perimeter, road margin will prevail;

d) Where roads overlap or intersect, road margin is determined for roads with higher technical grade; where multiple roads are parallel, road margin of the outermost roads will prevail.

3. Determination and management of road margin markers:

a) Road margin markers are determined in accordance with scale, technical grade, route, range of road structures;

b) Developers of road structures are responsible for installing road margin markers within the scope of road structure construction projects and transferring to road authority, management and use personnel of roads;

c) Road authority and management and use personnel of roads are responsible for publicizing road margin markers, adjusting, adding more road margin markers during periods in which they manage, operate, utilize, and maintain road structures;

d) Road authority, management and use personnel of roads, People’s Committees of all levels are responsible for managing road margin markers in accordance with this Law, land laws, and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 16. Management and use of land for road margin

1. Land for road margin expropriated by the Government must be managed and used in accordance with this Law, land laws, public property management and use laws, and other relevant law provisions.

2. The use of land for road margin must:

a) maintain safety for road structures and other structures within road margin;

b) not obscure road signals, not affect sight distance, and ensure road traffic order and safety;

c) protect scenery and environment as per the law.

3. Where land for road margin has not been expropriated by the Government, land users thereof may continue in accordance with Land Law and in a manner that satisfies Clause 2 of this Article.

4. Planting, care, and utilization of trees within road margin must satisfy Clause 2 of this Article and:

a) adopt necessary measures to prevent trees from falling, endangering road users and vehicles, damaging road structures and adjacent structures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) not affect road quality and road maintenance.

5. The use of land for road margin that overlaps safety perimeter of embankments, vicinity of irrigation structures, safety perimeter of irrigation structures, or safety perimeter of railway must conform to the Law on Dykes, Law on Irrigation, Law on Railway, Land Law, this Law, and other relevant law provisions.

6. Collector roads must be located outside of road margin unless collector roads also act as frontage roads. Where collector roads cannot be located outside of road margin, collector roads can be located in road margin as long as such arrangement satisfies the following conditions:

a) Remaining width of road margin is sufficient for road expansion as per planning;

b) Safety to road structures is guaranteed;

c) Road traffic safety and sight distance are guaranteed.

Article 17. Vertical clearance of roads

1. Vertical clearance of road must not be lower than clear height of the roads. Where height of road segments is reserved for road surface fortification, depression, and other cases where height of road surface must be elevated, this height must be added to clear height of roads.

2. Vertical clearance of road bridges:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Where road bridges are built above railway or other roads, vertical clearance of the railway and other roads below must be satisfied;

c) Where road bridges are built in areas where inland water way traffic activities or maritime traffic activities are conducted, vertical clearance for safety vessel operation is required in accordance with inland waterway and maritime laws.

3. Clearance of tunnels is determined from structures of tunnels and is sufficient to maintain safety for structures, equipment attached to the structures, safety in operation, utilization, use, and service life according to design; external clearance of tunnels must be sufficient to maintain safety in operation, utilization, and use of tunnels and equipment thereof.

4. Minimum clearance from the lowest point of communication and telecommunication lines above roads to the highest point of roads is 5,5 meters. Where communication and telecommunication lines travel above road bridges, both the requirements under this Clause and Point a Clause 2 of this Article must be met.

5. Vertical clearance of power lines above roads:

a) Where power lines travel above roads, vertical clearance from the lower point of power lines to the highest point of roads must not be lower than the sum of clear height of roads and electrical safe distance in accordance with electrical laws;

b) Where power lines travel above bridges, vertical clearance must meet requirements under Point a Clause 2 of this Article plus electrical safe distance in accordance with electrical laws and must not be lower than value determined under Point a of this Clause;

c) Where power lines travel above street lamp posts, vertical clearance from the highest point of the lamp posts to the lowest point of power lines must not be lower than 2 meters plus electrical safe distance in accordance with electrical laws.

6. Where communication, telecommunication, and power lines travel above suspension bridges, safety for suspension system and piers of the bridges must be guaranteed in addition to meeting requirements under Clauses 2, 4, and 5 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Construction, utilization, and maintenance of subway structures below road structures must conform to technical regulations and standards and ensure safety for adjacent structures and road structures.

9. The Government shall elaborate Clause 5 of this Article.

Article 18. Construction, placement of advertising panels, political propaganda posters within safety perimeter of road infrastructures

1. Advertising panels include advertising posts, banners, signs, signboards, screens in accordance with advertising laws. Advertising panels can be built and erected:

a) Within road margin, except for road margin of expressways and intersections;

b) On the plot in the middle of intersections whose diameter is 2 times greater than road margin as long as distance from the advertising panels to the edge of roadway in all direction is not lower than the road margin.

2. Construction and placement of advertising panels must meet requirements below:

a) Such construction and placement activities must not obscure road signals or affect visibility of vehicle operators;

b) Such placement and placement activities must not affect the management, utilization, use, and maintenance of road or affect infrastructure safety within safety perimeter of road infrastructures and traffic safety;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Construction and placement of advertising panels under Clause 1 of this Article must receive written approval from road authority for locations, scale, dimensions of advertising panels, construction solutions for maintaining traffic safety and safety for road structures and other adjacent structures.

4. Organizations and individuals building, placing advertising panels have the responsibility to:

a) build and erect advertising panels in a manner that satisfies Clauses 1, 2, and 3 of this Article;

b) disassemble advertising panels or parts thereof in a manner that does not affect road infrastructures and without receiving compensation at request of road authority or management and use personnel of roads;

c) comply with other regulations of this Law, construction and advertising laws;

5. Construction and placement of political propaganda posters must meet requirements under Clause 2, Clause 3, Point b and Point c Clause 4 of this Article.

6. The Government shall elaborate Clause 3 of this Article.

Article 19. Construction and placement of infrastructures within safety perimeter of road infrastructures

1. Within safety perimeter of road infrastructures, construction of other structures is prohibited except for:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Communication, telecommunication structures, power lines, telecommunication posts, base transceiver stations, utility posts;

c) Power supply, water supply, water drainage structures, excluding water plants and power generating facilities;

d) Irrigation, embankment, natural disaster preparedness and remediation, hydroelectricity structures;

dd) Conveyors serving production purposes, city technical infrastructures, and other special structures;

e) Other roads intersecting or parallel to existing roads.

2. Structures under Clause 1 of this Article, upon being built and placed in safety perimeter of road infrastructures, must meet technical regulations, standards, safety requirements in construction, road traffic safety, regulations of the law on environment protection and must not affect utilization and use of the road infrastructures.

3. Construction and placement of structures under Clause 1 of this Article within safety perimeter of road infrastructures must be approved in writing by competent authority except for embankment structures and cases under Clause 4 of this Article.

4. Construction and placement of power lines, communication and telecommunication lines above roads within safety perimeter of road infrastructures do not require written approval of competent road authority if the following requirements are met:

a) Pillars of infrastructures are located outside of road margin;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The lines do not affect safety in operation and utilization of road structures.

5. Infrastructures built and placed in road margin of specialized roads require consent of management and use personnel of specialized roads.

6. Owners or management and use personnel of structures under Clause 1 of this Article, other than embankment and national defense and security structures, must return affected road structures, allocate expenditure and organize relocation efforts:

a) Where competent road authority and management and use personnel of roads request relocation of the structures for investment, re-construction, upgrade, expansion, renovation, repair, and maintenance;

b) Where structures affect road traffic safety or road structure safety without rectifying measures;

c) Where structures are built illegally.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 20. Construction, management, operation, utilization, and maintenance of technical structures used with roads

1. Technical structures used with roads are structures built to accommodate communication, telecommunication, power lines, public lighting, water supply and drainage pipes, energy supply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) conform to planning, scale of projects and technical grade of roads;

b) conform to technical regulations and standards in construction; adhere to regulations of the law on fire prevention and firefighting and rescue; maintain structure safety, scenery, and environment;

c) comply with this Law, regulations of the law on construction, and other relevant law provisions.

3. Construction of technical structures used with roads is implemented where:

a) investment and construction of city roads must incorporate arrangement, construction of the technical structures in order to maintain consistency, land resource efficiency, investment and construction efficiency, preserve the scenery and environment, increase usage effectiveness of structures, and assure road traffic order and safety in operation, utilization, and use of city roads;

b) investment and construction of road bridges must design and provide for installation of communication, telecommunication lines, power supply pipes, and power lines, other than high-voltage power lines and uninsulated power lines;

c) investment and construction of tunnels require design and installation of cable ducts, trenches, or technical tunnels in order to accommodate fire prevention and firefighting systems, water supply and drainage pipes, and structures under Point b of this Clause;

d) other necessary cases occur.

4. The management, operation, utilization, and maintenance of technical structures used with roads must:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) satisfy Point b and Point c Clause 2 of this Article;

c) relocate or disassemble technical structures used with roads and structures built therein at request of management and use personnel of road structures for the purpose of investing, constructing, upgrading, expanding, and maintaining road structures; adopting solutions for maintaining safety of road structures and fire safety; organizing traffic and in other necessary cases;

d) be responsibilities of management and use personnel of technical structures used with roads, management and use personnel of roads for the purpose of assuring safety in utilization and use of the structures, quality, service life of the structures as per the law;

dd) be funded via contributions of organizations and individuals under Point d of this Clause except where the operation, utilization, and maintenance of technical structures used with roads serve national defense and security.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 21. Protecting road infrastructures

1. Protecting road infrastructure includes:

a) Activities assuring safety of road infrastructures;

b) Solutions for preventing, dealing with destruction, encroachment, appropriation, illegitimate use of road infrastructures, illegitimate connection to roads, and other violations of the law within safety perimeter of road infrastructures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Responsibilities for protecting road infrastructures:

a) Ministry of Transport shall organize protection of road infrastructures under their management, except for cases under Point b of this Clause;

b) People’s Committees of all levels shall implement protection of road infrastructures under their management; cooperate with management and use personnel of roads in communicating, publicizing the law regarding protection of road infrastructures; publicize land use markers in road margin; promptly deal with encroachment, appropriation, illegitimate use of road margin, land for road;

c) Management and use personnel of roads are responsible for protecting road infrastructures under their management; promptly take actions and repair, remediate where structures are damaged and potentially causing accidents or loss of traffic safety; publicize road margin markers in accordance with Point c Clause 3 Article 15 hereof, report and request People’s Committees of communes where road margin is encroached, appropriated, or illegitimately used to take actions; carry out other tasks pertaining to management and protection of road margin in accordance with this Law, Land Law, and other relevant law provisions.

4. Organizations and individuals discovering damaged or violated road structures or encroached road margin must promptly notify People’s Committees of communes, road authority or the nearest police authority and warn other road users where necessary. Upon receiving notice, agencies in charge must adopt rectifying measures in a timely manner to maintain coherent and safe traffic.

5. The Government shall elaborate this Article.

Section 3. AUXILIARY STRUCTURES ATTACHED TO ROADS; INSTRUMENTS AND EQUIPMENT FOR MANAGEMENT, OPERATION, AND UTILIZATION OF ROADS AND TRAFFIC ARRANGEMENT

Article 22. Auxiliary structures attached to roads; instruments and equipment for management, operation, and utilization of roads

1. Auxiliary structures attached to roads include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Road traffic safety structures;

c) Road drainage system;

d) Protective barriers and walls of roads;

dd) Markers of site preparation;

e) Structures, structure parts, equipment outfitted to structures within smart traffic management system; system for collecting, processing, and storing road infrastructure data; system for monitoring technical conditions and surveying roads, road bridges, and other auxiliary structures.

2. Instruments and equipment for management, operation, and utilization of road structures include:

a) Equipment outfitted to structures and structure parts under Point e Clause 1 of this Article;

b) Instruments and equipment for preparedness, remediation of natural disasters and search and rescue; instruments and equipment for road rescue;

c) Ferries and other instruments, equipment for management, operation, and utilization of ferry stations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Existing roads must have their auxiliary structures, instruments, and equipment under Clause 1 and Clause 2 of this Article revised and added for management, operation, utilization, and use of road structures in order to maintain traffic safety and structure safety.

Article 23. Road signal installation

1. Installed road signals include:

a) Traffic lights;

b) Road signs include: prohibitory signs, danger signs, regulatory signs, guidance signs, auxiliary signs;

c) Road markings and other signs on road surface (hereinafter referred to as “road markings”);

d) Traffic cones, reflective studs, Kilometer posts, H post, road margin markers;

dd) Protective walls and barriers;

e) Audible warning devices for road traffic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Traffic lights must face the oncoming traffic and be located where road users can observe with ease;

b) Where traffic lights are arranged in vertical lines: the red light is on top, the yellow light is in the middle, and the green light is at the bottom;

c) Where traffic lights are arranged in horizontal lines: the red light is on the left, the yellow light is in the middle, and the green light is on the right in the direction of travel;

d) After installation, traffic lights must undergo test operation set up by project developers and road authority before undergoing commissioning and entering into operation.

3. Installation principles of road signs:

a) Road signs must face oncoming traffic;

b) Road signs are installed to the right or above of roadway. In specific circumstances, it is permissible to install additional signs to the left of the direction of travel;

c) Road signs must be placed where road users can observe with ease and comply;

d) Auxiliary signs are used in combination to provide explanation for prohibitory signs, warning signs, regulatory signs, and direction signs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Road markings serve as means of warning and are painted on road surface and road structures;

b) Road markings can be installed on their own or in combination with other road signs and traffic lights.

5. Installation principles of traffic cones, protective walls, reflective studs, reflective posts, Kilometer posts, H posts, barriers, and road margin markers:

a) Traffic cones are installed in dangerous road segments and where necessary to inform road users about safe roadway and direction of travel;

b) Reflective studs are installed on road surface in a vertical or horizontal arrangement for the purpose of providing directions or separating lanes;

c) Reflective posts are installed on road segments where confusion regarding direction of travel may occur to provide driving aid at night or during fog or during limited visibility;

d) Kilometer posts are installed 1.000 meters away from the next Kilometer posts; in special cases, the distance between two adjacent posts can be greater or lower than 1.000 meters. Kilometer posts are used in management, operation, utilization, construction, renovation, and maintenance of roads, identification of location of structural incidents, traffic congestion, traffic accidents, and identification of distance between road segments by road users;

dd) H posts are installed in-between Kilometer posts in a manner than each H post is 100 m away from one another;

e) Road margin markers are markers are installed on both sides of the boundary of road margin;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Installation of audible warning devices for road traffic shall conform to manufacturer’s instructions.

7. Installation, adjustment, addition, and replacement of road signals shall conform to principles under Clauses 2, 3, 4, and 5 of this Article and adhere to technical regulations and relevant law provisions.

8. Responsibility for installing, revising, adjusting , replacing road signals:

a) Developers of road structure investment projects are responsible of designing and installing road signals on roads within the investment projects and where roads that they have built intersect other roads;

b) Management and use personnel of road structures are responsible for managing, using road signals; reviewing, adjusting, replacing road signals in accordance with this Law, regulations of the law on road traffic order and safety, and national technical regulations on road signals.

Article 24. Road traffic safety structures

Road traffic safety structures are built, installed, and arranged in a manner that ensures safety for road users and vehicles, including:

1. Runaway truck ramps are built on slopes to allow out of control vehicles going downhill to enter and decelerate o a halt;

2. Evacuation tunnels are attached to tunnels for evacuation and rescue where primary tunnels deal with emergencies or undergo maintenance. Evacuation tunnels must not accommodate travel needs of vehicles;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where traffic cones are not also installed, protective walls and crash barriers must be outfitted with reflective posts or reflective coat of paint to inform road users about dangerous positions and guide road users to adhere to roadway;

4. Anti-glare structures are installed on median strips to minimize the effect of headlamps of oncoming vehicles on vehicle operators;

5. Convex mirrors are installed at the apex of curved road segments with small radius, intersections with limited or obstructed visions to allow vehicle operators to observe oncoming vehicles from afar and adjust speed accordingly;

6. Lighting systems are built to illuminate and ensure safety for road users and vehicles; illumination duration in tunnels conforms to operating procedures of the tunnels;

7. Median strips are installed to separate roadways by direction of travel or to separate road sections reserved for motorized vehicles and non-motorized vehicles or different vehicle types on the same direction of travel;

8. Noise barriers are built where necessary to reduce noise emitted by road vehicles;

9. Speed bumps and speed humps are installed where vehicle operators must be warned for forced to decelerate to ensure traffic safety;

10. Other structures serve road traffic.

Article 25. Traffic arrangement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Details of traffic arrangement in design, construction, management, operation, utilization, use, and maintenance stage of road structures include:

a) Number of lanes, road segments for motor vehicles and other vehicles, road segments for pedestrians; direction of travel and speed of motorized vehicles in road traffic;

b) Distribution of lane and travel direction on routes under construction and connected routes;

c) Traffic regulations at intersections, junction with other roads; regulations on yielding, overtaking, allowable spots for stopping and parking, passenger pick-up and drop-off locations;

d) Regulations on dimensional limits and load limits of road vehicles;

dd) Regulations on traffic hours; duration of each traffic light signal;

e) Working hours of road lighting system;

g) Regulations on temporary suspension of roads in part or in whole;

h) Utilization of smart traffic management system, expressway management and coordination centers, and other technology system for providing information, guidance for road users;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Approved traffic arrangement solutions for expressways.

3. Developers of road structure construction projects, management and use personnel of roads, and relevant organizations and individuals are responsible for installing, amending, and adding road signals, road traffic safety structures for projects and routes under their management; implementing approved expressway traffic arrangement.

4. Monitoring and evaluation of traffic situations, adjustment to traffic arrangement to rectify traffic congestion, maintain road traffic order and safety are implemented throughout road operation, utilization, use, and maintenance.

5. The Ministry of Transport and People’s Committees of all levels are responsible for organizing traffic on roads under their management.

6. Management and use personnel of specialized roads are responsible for organizing traffic on specialized roads; where public transport is implemented on specialized roads, traffic arrangement shall conform to this Article.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 26. Design speed, allowable speed, and distance between vehicles

1. Design speed of roads is a value used for calculating technical parameters of roads. Design speed of road is determined during road construction, upgrade, and renovation of roads to ensure safe vehicle operation.

2. Allowable speed on road:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Allowable speed of roads is determined on the basis of design speed, conditions of roads, traffic hours, weather conditions, climate conditions, flow rate, composition of road vehicles;

c) In respect of dual carriageways, speed limits of each direction of travel may vary;

d) Speed limits of lanes travelling in the same direction may vary. Lanes must satisfy use purposes and have sufficient width for coherent and safe operation.

3. Distance between vehicles on roads means the minimum distance between vehicles on the same lane, road segment and ensures safety of vehicles.

Distance between vehicles varies depending on allowable speed of the routes, weather conditions, density of vehicles, and other practical traffic conditions.

4. Expressways must be adequately outfitted with systems for signaling speed limits and distance between vehicles before entering into operation; in respect of other roads, depending on current conditions of road structures and practical traffic situations, road authority shall decide on road signaling system to maintain functionality and road traffic safety.

5. The Minister of Transport shall elaborate this Article.

Article 27. Dimensional limits and load limit of road

1. Load limit of roads refers to road’s ability to withstand load while maintaining safe operation and service life of roads.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Responsibility to declare dimensional limits and load limits of roads:

a) The Ministry of Transport shall declare dimensional limits and load limits of roads under their management;

b) Provincial People’s Committees shall declare dimensional limits and weight limits of roads under their management and specialized roads under Point c of this Clause in their provinces;

c) Management and use personnel of specialized roads on which public transportation is implemented are responsible for providing information relating to dimensional limits and load limits of specialized roads to provincial People’s Committees;

d) Developers of road structure constructions are responsible for providing information relating to dimensional limits and load limits to agencies under Points a, b, and c of this Clause.

4. Where roads are built on embankments, permissible load of the roads must not exceed permissible load of road vehicles allowed to move on top of the embankments.

Section 4. INVESTMENT, CONSTRUCTION, MANAGEMENT, OPERATION, UTILIZATION, AND MAINTENANCE OF ROAD INFRASTRUCTURES

Article 28. Investment and construction of structures affiliated to road infrastructures

1. Investment and construction of structures affiliated to road infrastructures refer to investment, construction, upgrade, expansion, renovation of road structures and other structures affiliated to road infrastructures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Ministry of Transport shall invest in national highways and structures affiliated to road infrastructures under their management in accordance with the Law on Public Investment, the Law on Public-Private Partnerships Investment, and other relevant regulations of the law.

4. People’s Committees of all levels shall investment in roads and structures affiliated to road infrastructures under their management in accordance with the Law on Public Investment, the Law on Public-Private Partnerships Investment, and other relevant regulations of the law.

5. Investment and construction of structures affiliated to road infrastructures must:

a) conform to planning;

b) conform to technical regulations and standards, technical grade of roads, protect scenery and environment, develop solutions for adapting to climate change; develop design and construction solutions to serve people with disabilities, the elderly, and other entities;

c) be divided into stages depending on transport demand and ability to mobilize resources to maintain investment effectiveness;

d) conform to regulations of the law pertaining to dyke and dyke safety, prevent erosion and failure river bed, banks, shoals, not obstruct flow, minimize or otherwise not increase the risk of natural disasters, and maintain stability of structure in case of natural disasters and climate change where structures affiliated road infrastructures to be invested and built are related to dykes, water source protection corridor, river bed and shoals.

6. Frontage roads are built where expressways, class I and class II roads travel across urban areas, dense residential areas, and in order necessary cases.

7. Where passenger transport services utilizing motor vehicles are provided on road segments other than expressways, stopping areas for passenger pick-up and drop-off are required.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Upgrade, expansion, and renovation of existing road structures, other structures affiliated to road infrastructures in public-private partnerships model shall conform to regulations of the law on public-private partnerships investment and Article 48 hereof.

10. Existing road structures that do not meet technical grade, exceed service life, or do not satisfy transport load must be gradually invested, built, upgraded, and renovated to meet technical requirements as per road standards.

Article 29. Appraisal and evaluation of road traffic safety

1. Roads must be appraised and evaluated for traffic safety in preparation phase of investment projects; design following fundamental design; before and during use of road structures.

During preparation of investment projects and design following fundamental design, appraisal and evaluation of traffic safety are implemented together with appraisal and evaluation of feasibility study and construction design.

2. Evaluation of road traffic safety means when traffic safety evaluation service providers study and analyze fundamental design, design following fundamental design, construction technical - economic report, construction completion dossiers, road management dossiers, causes of traffic accidents and conduct accident scene investigation to determine potential accidents or evaluate causes of traffic accidents and propose solutions.

3. Appraisal of road traffic safety is conducted by competent authority on the basis of report on road traffic safety evaluation produced by traffic safety evaluation service providers in order to:

a) approve projects;

b) approve construction design implemented after fundamental design;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) organize implementation of solutions for improving coherent and safe traffic conditions in respect of existing structures.

4. Traffic safety evaluation service providers that conduct traffic safety evaluation must meet requirements pertaining to lines of business, be distinct from construction entities and design counseling organizations that produce project dossiers and design in case of built, upgraded, renovated road structures or management and maintenance organizations in case of existing road structures.

5. Road traffic safety evaluation and appraisal costs are included in total investment and estimates on construction in respect of built, upgraded, renovated road structures; sourced from funding sources for road management and maintenance in respect of existing road structures.

6. Evaluation personnel conducting traffic safety evaluation must undergo training. Training for traffic safety evaluation personnel is provided by competent and eligible traffic safety evaluation personnel training facilities.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 30. Road traffic connectivity

1. Road traffic connectivity serves socio-economic development, national defense and security and ensure coherent and safe transportation.

2. Road traffic connectivity includes:

a) Connecting roads;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Connecting road traffic to other modes of transportation.

3. Connection of minor arterial roads to major arterial roads and between roads is implemented at connection locations and must satisfy requirements below:

a) Connection locations are designed and built to technical regulations and standards; appropriate to technical grade and capable of ensuring traffic safety and travel capacity;

b) Where other roads are connected to expressways, in addition to requirements under Point a and Point c of this Clause, spacing between connection locations must conform to technical regulations and standards on expressway design;

c) Road traffic connectivity conforms to regulations of the Government.

4. Responsibilities for building minor arterial roads, collector roads, and frontage roads connected to major arterial roads in each area:

a) Developers of residential areas, residential communities, commercial and service sectors, administrative areas, workplaces of agencies, organizations, economic zones, industrial parks, manufacturing and business facilities, airports, transport stations, railway stations, inland waterway stations, inland waterway ports, sea ports, inland ports, and other transportation hubs are responsible for building roads to connect these areas and facilities to roads leading to and fro the areas and facilities;

b) Ministry of Transport and People’s Committees of all levels shall invest, build, upgrade, expand, and renovate roads under their management to provide convenient connectivity to airports, sea ports, inland waterway ports, inland waterway stations, railway stations.

5. The Minister of Transport shall prescribe procedures for approving design and permitting construction of intersections consisting of existing national highways; provincial People’s Committees shall prescribe procedures for approving design and permitting construction of constructions of intersections consisting of existing local roads.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Completed road structures will be handed over and brought into operation in accordance with this Law, construction laws, and other relevant law provisions.

2. Depending on specific conditions, road structures, structure parts, and work items that have been completed and commissioned as per the law will be handed over and brought into operation and use as per request of project developers or management and use personnel of roads.

Article 32. Construction on existing roads

1. Construction on existing roads includes: construction, upgrade, expansion, renovation, and repair of existing roads; construction of infrastructures on land for roads; construction of common technical infrastructures on land for roads; construction and installation of political propaganda posters.

2. Organizations and individuals may only commence construction on existing roads after obtaining permit for construction on existing roads from competent authority except for cases detailed under Clause 3 of this Article.

3. Cases where construction on existing roads does not require construction permit:

a) Construction of state secret structures;

b) Construction on land for road infrastructures in respect of investment projects for construction, upgrade, renovation of road structures decided by Prime Minister; projects for construction, upgrade, renovation of road structures decided by Minister of Transport, Chairpersons of provincial People’s Committees on roads under their management;

c) Construction on specialized roads;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Maintenance of road structures; emergency road repair for remediation of natural disasters, storms, flood; traffic rescue, and other emergencies;

e) Repair and replacement of parts, work items, and equipment when all the following conditions are met: road structures are not dug, drilled, or cut open; quality, dimensional limits, load limits of roads are not affected; traffic congestion does not occur; roadway area for traffic is not lessened; traffic is not adjusted, re-arranged;

g) Construction on existing roads that is conducted by permitting authority or project developers of the roads on which the construction takes place; construction on existing roads where permitting authority is affiliated to project developers;

h) Construction at level crossing between road and railway or construction on road-rail bridges permitted by competent authority in accordance with railway laws;

i) Construction in road margin that meets all the following conditions: sighting distance and traffic safety are not affected; land for roads and road structures is not used as construction premise; approval for construction has been granted in accordance with Clause 3 Article 19 hereof;

k) Urgent actions ensure safety for embankments and natural disaster preparedness structures;

l) Where construction permit has been granted and traffic solutions for existing roads have been developed and approved by road authority.

4. In respect of Clause 2 of this Article, organizations and individuals performing construction on roads must adequately comply with construction permit; assign personnel to provide warnings, instructions, install temporary signs and barriers at construction sites and adopt traffic solutions, environmental protection measures, and other details; personnel participating in road construction and maintenance works must wear PPE outfitted with safety warnings; construction machinery must be outfitted with warning devices.

5. In respect of Clause 3 of this Article, organizations and individuals performing construction on existing roads are responsible for ensuring traffic safety, road structure safety and submitting road traffic and road structure safety solutions to road authority before commencing construction activities on existing roads for examination and supervision. Road authority are responsible for taking actions or requesting actions within their powers if construction activities cause loss of traffic safety and/or structure safety.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. The Minister of Transport shall prescribe powers, procedures for issuing permit for construction on existing roads; responsibilities for providing information, principles for cooperating between relevant agencies, organizations, and individuals in maintaining traffic order and safety and construction safety.

Article 31. Construction and repair of road at level railway crossing; repair of road-rail bridges and railway crossing

1. Construction and repair of road at level railway crossing and repair of road-rail bridges must be permitted in accordance with railway laws; repair activities on existing roads must also conform to Article 32 hereof.

2. Repair of road-rail bridges and repair of level railway crossing must conform to Clause 1 of this Article and:

a) Developers of road repair projects shall negotiate with railway authority about construction period and solutions and traffic arrangement solutions, except for cases where emergency remediation efforts are implemented to prevent traffic accidents or risk of collapse;

b) Implement other regulations pertaining to railway traffic safety assurance as per railway laws;

c) Competent authority shall issue construction permit in accordance with regulations of the law on railway, guide and inspect construction activities and traffic safety, railway and road structure safety assurance.

Article 34. Construction of irrigation, hydroelectricity structures in safety perimeter of existing road structures

1. Construction of irrigation, hydroelectricity structures in safety perimeter of existing road structures must conform to Article 19 and Article 32 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Construction locations do not affect operation, utilization, and normal function of existing road structures, except for cases under Point d of this Clause;

b) Safety measures are adopted for existing road structures, adjacent structures, coherent and safe traffic assurance and environmental protection measures are adopted; fulfill regulations on vertical clearance of roads, clear height of road structures;

c) Bridge abutment, piers, road structure walls must not be eroded when dredging and commencing construction activities on rivers, canals, channels in safety perimeter of road infrastructures;

d) Prior to construction of irrigation, hydroelectricity structures that intersect, overlap, or otherwise affect existing road structures, developers of the construction projects must compensate by building road structures to supplement or replace the affected road structure sections or by incurring expenditure on building replacement road segments. Supplemented road structures must have technical grade and scale equal to or higher than those of affected road structures;

dd) Following construction of supplementing or replacement road structures, developers of irrigation and hydroelectricity structure construction projects are responsible for handing over supplementing road structures, construction dossiers, and maintenance procedures to road authority or management and use personnel of roads.

3. Developers and contractors of irrigation, hydroelectricity structures are responsible for maintenance of supplementing road structures in accordance with construction laws.

4. Developers, owners, or managers of irrigation, hydroelectricity structures are responsible for maintenance, operation, utilization of irrigation, hydroelectricity structures in accordance with this Law, construction laws, and other relevant law provisions and satisfy traffic safety and road structure safety requirements.

5. Responsibility for maintenance, operation, and utilization of general parts, work items serving road traffic and irrigation, hydroelectricity structures conforms to Clause 7 Article 37 hereof.

6. In respect of construction of irrigation, hydroelectricity structures that affect specialized roads, the parties shall negotiate or provide compensation as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Road infrastructure maintenance means a combination of tasks for guaranteeing and maintaining normal, safe operation of road infrastructures in accordance with design regulations during operation, utilization, and use, including:

a) Maintaining road infrastructures;

b) Repairing road infrastructures;

c) Inspecting, surveying, performing quality control, and evaluating safety of road infrastructures.

2. Road infrastructure maintenance is prescribed as follows:

a) Road infrastructure maintenance includes regular maintenance, periodic maintenance and conforms to this Law, construction laws, public property management and use laws, technical regulations and standards, and procedures for road infrastructure maintenance;

b) Road infrastructure maintenance must be recorded and kept in written form; management and use personnel of roads are responsible for verifying completion of maintenance and management activities under road structure maintenance dossiers;

c) Form of maintenance of road infrastructures is chosen in accordance with construction laws, public property management and use laws, and bidding laws.

3. Road infrastructure repair includes periodic repair and irregular repair in case of damage, degradation that occurs during operation, utilization, and use to maintain structure safety, road traffic safety and minimize degradation of road infrastructures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Repairing defects, damage of structures, work items, equipment, replacing damaged structures parts and equipment on a periodic basis depending on use frequency or service life in accordance with technical regulations and standards and procedures for road infrastructure maintenance;

b) Installing additional road signs, road traffic safety structures, and other work items, equipment to ensure safe, coherent traffic and improve technical conditions of existing structures;

c) Repairing, upgrading storage units of backup equipment, and materials used in road sector; procuring additional backup materials for remediation of natural disasters and rescue efforts;

d) Repairing and upgrading smart traffic management system; traffic management and coordination centers for expressways; equipment, instrument, and systems for management, operation, utilization, and maintenance of road structures; road traffic management and operation system; tolling system; vehicle load control facilities.

5. Irregular repair includes:

a) Repairing and rectifying areas prone to traffic accidents, areas at risk of traffic accidents;

b) Repairing and remediating traffic accidents;

c) Repairing when structure parts are damaged during operation and use and in other necessary cases to maintain structure safety and traffic safety during operation and use.

6. Road infrastructure repair must conform to technical regulations and standards, satisfy traffic flow and load, and comply with construction laws, natural disaster preparedness and remediation laws, and this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Quality inspection of road infrastructures includes physical examination, inspection and other inspection tasks according to construction laws;

b) Monitoring, quality control of road infrastructures, and safety evaluation conform to construction laws.

8. The Minister of Transport shall elaborate this Article.

Article 36. Management, operation, and utilization of road infrastructures

1. Management, operation, and utilization of road infrastructures must be effective, ensure coherent and safe traffic, and comply with regulations of the law.

2. Management, operation, and utilization of road infrastructures include:

a) Receiving and installing structures, equipment to structures, structure completion dossiers following completion of investment and construction activities; producing and preserving road infrastructure management dossiers;

b) Organizing traffic in accordance with Clause 2 and Clause 3 Article 25 hereof;

c) Protecting road infrastructures; managing and using land for roads and road margin;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Collecting, managing, using, operating, utilizing, and updating road database system;

e) Implementing natural disaster preparedness and remediation in road sector in accordance with natural disaster preparedness and remediation laws and this Law;

g) Adopting other tasks in accordance with this Law, public property management and use laws, and other relevant law provisions.

3. The Minister of Transport shall elaborate this Article.

Article 37. Responsibility for management, operation, utilization, and maintenance of road infrastructures

1. The Ministry of Transport is responsible for organizing management, operation, utilization, and maintenance of national highways under Clause 3 Article 8 hereof and road infrastructures under their management.

2. People’s Committees of all levels are responsible for organizing management, operation, utilization, and maintenance of road types under Clause 4 Article 8 hereof and road infrastructures under their management.

3. Enterprises assigned by the Government to invest, build, manage, operate, and utilize road infrastructures must perform management, operation, utilization, and maintenance in accordance with this Law and other relevant law provisions.

4. Management, operation, utilization, and maintenance of road infrastructures in public-private partnership model shall conform to regulations of the law on public-private partnership, construction laws, this Law, and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. In respect of road infrastructures during period of lease of use right or temporary transfer of use right or other transfer of use right, management, operation, utilization, maintenance of the road infrastructures shall conform to this Law, public property management and use laws, other relevant law provisions, and relevant contracts.

6. Management and use personnel of specialized roads, owners, or managers of transport stations, parking lots, rest areas, and other road infrastructures are responsible for managing, operating, utilizing, and maintaining structures in a manner compliant with this Law and other relevant law provisions.

7. In respect of structures with multiple owners or shared managing, operating, utilizing organizations and individuals, the owners and shared managing, operating, utilizing organizations and individuals are also responsible for managing, operating, utilizing, and maintaining sections under general ownership and use in addition to sections under their ownership and use.

8. Where several road segments and work items under road construction investment projects have been brought into temporary operation and use and have not been handed over by project developers to management and use personnel of roads, the project developers are responsible for temporarily managing, operating, utilizing, and maintaining in accordance with this Law, construction laws, and other relevant law provisions.

9. The Government shall elaborate this Article.

Article 38. Natural disaster preparedness and remediation in road sector

1. Road construction projects must be designed, built with sustainability and adaptation to climate change in mind, in a manner that meets technical regulations and standards, is capable of draining flood, and fulfills natural disaster preparedness and remediation.

2. Implementation of natural disaster preparedness and remediation, search and rescue on existing roads conforms to regulations of the law on natural disaster preparedness and remediation, other relevant law provisions, and the following regulations:

a) The Ministry of Transport and People’s Committees of all levels shall organize implementation of natural disaster preparedness and remediation, search and rescue efforts for roads under their management;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Agencies, organizations, and relevant individuals shall participate in natural disaster preparedness and remediation and rescue.

3. The Minister of Transport shall elaborate this Article.

Article 39. Transport stations, parking lots, rest areas, stopping areas, tollbooths, vehicle load control facilities

1. Transport stations, parking lots, and rest areas are regulated as follows:

a) Transport stations must be built in cities acting as district-level administrative centers or higher and other necessary areas to accommodate public transportation;

b) Parking lots must be built to meet parking demands in areas in cities, outside of cities, communes, high traffic volume roads, and in other areas when necessary to accommodate parking. Parking lots include: truck parking lots; passenger vehicle and car parking lots; mixed-use parking lots;

c) Transport stations are invested and built to national technical regulations promulgated by the Minister of Transport. City parking lots shall conform to national technical regulations promulgated by the Minister of Construction;

d) Rest areas must be built outside of road margin and compliant with national technical regulations promulgated by the Minister of Transport;

dd) Rest areas and transport stations must be outfitted with charging stations for electric-powered motorized vehicles in accordance with regulations of the law pertaining to technical regulations and standards. Prioritize charging stations for electric-powered motorized vehicles at parking lots. Transport stations, parking lots, and rest areas are invested and built to accommodate commercial services and activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Stopping areas in cities, residential areas, agencies, and organizations serve parking and stopping needs in city traffic and these locations;

b) Stopping areas in vicinity of roads are established at specific locations to allow motor vehicles to pick up and drop off passengers;

c) Stopping areas must be established outside of city roads that have been invested, built or upgraded, expanded, renovated.

3. Tollbooths are where road vehicles are charged for road use charges.

4. Vehicle load control facilities are regulated as follows:

a) Vehicle load control facilities allow determination of axle load, gross mass of vehicles participating in road traffic and are compliant with national technical regulations promulgated by the Minister of Transport;

b) The Ministry of Transport and provincial People’s Committees shall decide on location for construction and installation of vehicle load control facilities on roads under their management;

c) Road authority, competent authority, and organizations assigned to manage, operate, utilize, maintain road structures shall rely on vehicle load control facilities to collect, analyze, and evaluate impact of axle load, gross weight to structure safety and traffic safety; detect violations and take actions as per the law;

d) Data from vehicle load control facilities must be connected and promptly shared with traffic police forces for actions against violations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 40. Smart traffic

1. Smart traffic refers to the application of electronic, communication, telecommunication technologies, new and modern management sciences to optimize road structure management and utilization efficiency; ensure coherent, safe, effective, prompt, and environmentally friendly traffic.

2. Smart traffic management system is established to integrate, store, and analyze data for management, operation, utilization, and maintenance of road infrastructures; support transportation, electronic traffic payment; provide smart traffic services and are connected, shared with traffic command centers and relevant agencies, organizations.

3. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Article 41. Expenditure on management, operation, utilization, maintenance, and protection of road infrastructures

1. Expenditure on management, operation, utilization, maintenance, and protection of road infrastructures consists of expenditure on activities under Articles 21, 35, 36, and 38 hereof.

2. In respect of PPP investment projects, expenditure under Clause 1 of this Article conforms to regulations of the law on PPP investment.

3. In respect of road infrastructures that are public property during lease period of use right, transfer of right to charging for property use, temporary transfer of property use right, or other transfer of use right, expenditure under Clause 1 of this Article conforms to signed contracts and relevant law provisions.

4. In respect of cases under Clause 8 Article 37 hereof, expenditure under Clause 1 of this Article is included in total investment of the projects to be implemented by project developers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Management and use personnel of specialized roads must incur expenditure on management, operation, utilization, maintenance, and protection of specialized roads.

Article 42. Funding sources for investment, construction, management, operation, utilization, and maintenance of road infrastructures and revenues generated by road infrastructures

1 . Funding sources for investment, construction, management, operation, utilization, and maintenance of road infrastructures conform to regulations of the law on state budget, investment laws, public investment laws, PPP investment laws, public property management and use laws, and other relevant law provisions.

2. Revenues generated from road infrastructures to be submitted to state budget include:

a) Road use charges collected per motor vehicle;

b) Expressway use fees collected from vehicles operating on expressways invested, owned, managed, and utilized by the Government;

c) Revenues of the Government relating to utilization and use of road traffic infrastructures, revenues generated by utilization and use of technical infrastructures used with roads, and other legitimate revenues as per the law.

3. Revenues generated from services that use roads of road investment, construction projects for business purposes; contract for transfer of right to business - management, utilization of expressways that are public property shall conform to price laws and other relevant law provisions.

Article 43. Electronic payment for road traffic

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Traffic account means account opened by vehicle operators and connected to legitimate payment methods to conduct cashless payment in accordance with banking laws.

3. Payment for road use charges on expressways must utilize stop-less electronic tolling method.

4. The Government shall elaborate this Article.

Chapter III

EXPRESSWAY

Article 44. General provisions regarding expressway

1. Expressway is a technical grade of road, reserved for specific types of motorized vehicles and heavy-duty vehicles as per the law, outfitted with median strip separating two directions of travel, does not meet other roads at at-grade intersection, only allows entry and exit at specific locations, is outfitted with protective barriers, equipment for continuous, safe traffic, and shortens travel time.

2. Expressways within national highway, provincial road, city road system are defined under road network planning, road infrastructure planning, regional planning, provincial planning, city planning, or planning for special administrative - economic divisions.

3. Land for construction of expressway infrastructure includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Land for construction of traffic management and command centers for expressways.

Article 45. Technical regulations and standards, science and technology application in expressway

1. Expressways are designed in accordance with technical regulations and standards on expressways and other relevant technical regulations and standards.

2. Technical regulations and standards applied to surveying, design, construction, management, utilization, and maintenance of expressways must guarantee modern engineering science, digital transformation, sustainable development, green traffic.

3. Study, apply science, develop new technologies, new materials, apply automation and artificial intelligence in surveying, designing, building, managing, operating, utilizing, and maintaining expressways appropriate to specific conditions of each region and administrative division.

Article 46. Expressway development policies

Expressway development policies conform to Article 4 hereof and the following regulations:

1. The Government encourages organizations and individuals to utilize resources and participate in investment, construction, operation, utilization, and maintenance of expressways in PPP model and other models as per the law;

2. Prioritize state budget allocation for investment, construction of projects with national defense and security requirements; projects that travel through areas with disadvantaged socio-economic conditions, particularly disadvantaged socio-economic conditions; connectivity projects for socio-economic development drive and other projects that do not attract non-budget funding sources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) to perform obligations of the Government in accordance with regulations of the law and contracts for PPP projects;

b) to expand, upgrade invested or existing expressways in stages.

Article 47. Expressway inspection, construction, and development

1. Investment and construction of expressways shall conform to Article 28 hereof.

2. Invested and built expressways must conform to planning under Clause 2 Article 44 hereof and be accompanied by investment and construction of the following structures:

a) Collector roads or frontage roads;

b) Traffic management and command centers for expressway;

c) Rest areas, parking and stopping locations;

d) Stop-less electronic tolling system where road use charges are collected;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Depending on transportation demand, investment resources and planning, authority that decides on investment guidelines shall also decide on investment stages, determine compensation, assistance, and relocation depending on lane planning or project schedule under investment guideline decision.

4. Investment in expressways that cross cities must conform to city planning and relevant law provisions; be subject to appropriate solutions for space development and traffic connection for areas on both sides of the expressways and environmental hygiene.

5. Authority that makes investment decision may approve or approve revision to sub-projects, component projects in case expenditure thereof changes relative to total approved investment of the sub-projects and components projects without exceeding total investment evaluation of the entire projects with decided investment guidelines.

Where a project is separated into multiple sub-projects and component projects, authority that makes investment guideline decision shall assign a presiding agency to be responsible for executing the project in a manner that guarantees integrity and consistency of the project; be responsible for reviewing, regulating, balancing, and adjusting total investment among sub-projects and component projects and preventing total expenditure from exceeding total investment evaluation of the entire projects with decided investment guidelines.

Article 48. Expansion and upgrade of expressways or existing roads into expressways

1. Expansion and upgrade of expressways or existing roads into expressways are implemented to satisfy transportation demand, serve socio-economic development, national interest, maintain national defense and security, and conform to planning approved by competent authority.

2. In respect of PPP investment projects during contract execution stage, agencies that sign the contracts shall negotiate with investors about expansion and upgrade of expressways or existing roads into expressways in any of the following manners:

a) Investors propose revision to investment projects for expansion and upgrade;

b) The Government develops PPP or public investment projects for expansion and upgrade unless such projects overlap with PPP investment projects with investment guideline decisions or project decisions, or overlap with public investment projects with investment guideline decisions or with investment decision in accordance with PPP investment laws, and public investment laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Where an agreement with investors is not reached in accordance with Clause 2 or Clause 3 of this Article, competent authority shall terminate the contracts in accordance with the Law on Public Private Partnerships Investment in case such termination serves national interest, national defense and security.

5. The Government shall elaborate Clauses 2, 3, and 4 of this Article.

Article 49. Management, operation, utilization, maintenance, and protection of expressway infrastructures

The Ministry of Transport, provincial People’s Committees, and other organizations shall manage, operate, utilize, maintain, and protect expressway infrastructures in accordance with Chapter II hereof and the following regulations:

1. Apply smart traffic system in managing, operating, utilizing, and maintaining expressway infrastructures in order to inform road users about necessary information; detect, issue warning, and deal with incidents on expressways; monitor vehicles, collect, manage, and utilize traffic data;

2. Inspection and protection of expressway infrastructure are conducted on a regular basis; accidents on expressways are promptly dealt with;

3. Work items relating to traffic safety, bridges, tunnels, and structures and equipment related to safety in operation must evaluated on a regular, periodic basis and promptly repaired, rectified;

4. Utilization of expressway infrastructures shall conforms to regulations of the law on management and use of public property, PPP investment laws, and other relevant law provisions;

5. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Government shall collect expressway use fees for vehicles operating on expressways under public ownership where the Government acts as ownership representatives and directly manages, operates, including:

a) Expressways invested by the Government under public investment model;

b) Expressways invested under other models upon termination of contracts and handed over to the Government.

2. Management and use of revenues generated by expressway use fees:

c) Road authority utilizing the property shall submit collected fees to state budget in accordance with fee and charge laws;

b) Organizations acquiring franchise for fee collection and business - management operation shall submit franchise fee to the state budget. Expressway use fee collected during contract term is not required to be submitted to the state budget except for revenue portion that must be submitted to the Government as per the law.

3. The Government shall regulate eligibility and period of expressway use fee collection; expressway use fee collection in respect of expressways under Clause 1 of this Article where Clause 1 Article 45 and Clause 2 Article 47 hereof have not been met.

Article 51. Temporary suspension of expressway

1. Temporary suspension of expressway means to temporarily prohibit vehicles from operating on either or both directions of travel, a segment or segments or the entirety of expressways other than vehicles in the performance of duty of People’s Army, people’s public security or in the performance of firefighting and fire prevention, rescue, medical aid, embankment support, emergency remediation, traffic safety assurance duty.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Structures are damaged as a result of structural failure, natural disasters and thereby incapable of being use, utilized in a safe manner;

b) Fire or traffic accidents of particular severity occur and require temporary suspension for rescue and traffic safety assurance;

c) The suspension serves national defense and security purposes or other special cases at request of competent authority.

3. Where risks to structural safety or risks of failure of expressway structures that potentially affect safety of road users, vehicles and other property are present, management and use personnel of expressways have the responsibility to:

a) promptly suspend expressways and, within 60 minutes after suspending the expressways, inform competent individuals about the causes and be responsible for their decisions;

b) take actions to maintain safety for other road users, vehicles, and property; prevent and minimize potential danger to structures;

c) protect the scene; participate in rescue and settle traffic congestion;

d) inform traffic police in charge of traffic order and safety assurance, road authority, traffic management and command centers for expressways, and local government.

4. Where expressways are temporarily suspended:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Traffic police shall control and command traffic;

c) Local government shall cooperate in maintaining traffic in order to redirect vehicles from expressways to roads under local government management;

d) Rescue efforts must be implemented in accordance with this Law, traffic order and safety laws, and other relevant law provisions.

Article 52. Rest areas, parking and stopping locations

1. Rest areas are built in accordance with national technical regulations promulgated by Minister of Transport and technical regulations published by competent authority in order to be utilized in combination with expressway structures, provide services to road users, assist in traffic rescue, repair, refuel, and power supply for road vehicles.

2. Investment in rest areas is implemented as follows:

a) Where expressway projects are invested in form of public investment, rest areas will also be invested in form of public investment or by selecting investors in accordance with bidding laws;

b) Where expressway projects are invested in PPP model, rest areas will be built together with the projects in PPP model;

c) In respect of existing rest areas that are public property, the Government shall choose investors for operation, utilization or upgrade, expansion, renovation, modernization, operation, and utilization in accordance with bidding laws or public property management and use laws or integrate with expressway investment projects in PPP model.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Location and scale of rest areas, stopping, parking locations will be determined in project development and construction design.

5. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article. The Minister of Transport shall elaborate Clause 3 and Clause 4 of this Article.

Article 53. Traffic management and command centers for expressways

1. Traffic management and command centers for expressways are components of smart traffic management system, invested simultaneously as construction of expressways for management, operation, and maintenance of expressway and connected expressways; support for road users.

2. Traffic management and command centers for expressway include:

a) Working buildings of individuals managing, operating expressways; infrastructures, civil structures for management, operation, and installation of technology equipment; other necessary technical infrastructures; technology equipment system for storage, analysis, processing of data, display of traffic conditions on expressway or connected expressways;

b) Working infrastructures of traffic police in the performance of traffic order and safety assurance on expressways;

c) Equipment installed along expressways includes technology equipment system for collecting information, management, operation, utilization, maintenance, and protection of road infrastructures, providing information for road users and smart vehicles.

3. Management, operation, and maintenance costs for traffic management and command centers for expressways are included in management, operation, utilization, maintenance, and protection costs for expressway structures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Information for management, use, operation, utilization of expressways include fixed information and variable information connected to traffic management and command centers for expressways for traffic coordination purposes.

2. Fixed information on expressways includes information on road signaling structures and does not include information under Point d Clause 3 of this Article.

3. Variable information includes:

a) Information on temporary traffic arrangement adjustment for repair and maintenance; traffic order and safety assurance;

b) Information on traffic situations on expressways; information on location and time of traffic accidents, traffic congestion, structural failure, fire, locations of repair and maintenance;

c) Information on weather and natural disaster affecting traffic;

d) Command of traffic control and command personnel, signals on traffic light, electronic signs, and other information.

4. Methods of displaying variable information are regulated as follows:

a) Information under Clause 3 of this Article can be uploaded on radio, online newspapers, and other allowed media;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Information under Clause 3 of this Article can be displayed on electronic signs installed along specific routes;

d) Information provided by management and use personnel of expressways either directly, via phone, email, other information technology platforms to road users and relevant recipients.

5. Provision, receipt, utilization, and use of information are regulated as follows:

a) Management and use personnel of expressways are responsible for providing information under Clause2, Points a, b, and c Clause 3 of this Article for traffic management and command centers of expressways, traffic police, and medial under Point a Clause 4 of this Article;

b) Traffic police shall provide information on traffic accidents and traffic command to traffic management and command centers of expressways, management and use personnel of expressways, and media under Point a Clause 4 of this Article;

c) Organizations assigned with expressway maintenance shall provide information on traffic situations, traffic accidents, structural damage or failure, locations of maintenance and other necessary information for traffic management and command centers for expressways, traffic police, management and use personnel of expressways;

d) Information under Points a, b, and c of this Clause must be provided on an accurate, timely basis, stored and preserved at traffic management and command centers of expressway.

Article 55. Management, operation, utilization, maintenance, and protection costs of expressways

Management, operation, utilization, maintenance, and protection costs of expressways shall conform to Article 41 hereof and the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In respect of expressways invested in PPP model, management, operation, utilization, maintenance, and protection costs shall conform to PPP investment laws.

Chapter IV

ROAD TRANSPORT

Article 56. Road transport operations

1. Road transport operations mean operations in which organizations and individuals transport goods, passengers using non-motorized vehicles and motorized vehicles on domestic and international roads. Road transport operations include transport services and internal transport operations.

2. Domestic road transport operations mean operations in which organizations and individuals transport passengers, goods using non-motorized vehicles and motorized vehicles in Vietnamese territory.

3. International road transport operations mean operations in which organizations and individuals transport passengers, goods using motorized vehicles between Vietnam and other countries. International road transport operations must conform to this Law, road traffic order and safety laws, and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory. Motorized vehicles engaging in road transport services of other countries must not engage in passenger, goods transport services whose starting and ending points are in Vietnamese territory.

4. Road transport services mean passenger, goods transport operations provided by organizations and individuals (hereinafter referred to as “transport service providers”) using motorized vehicles, non-motorized vehicles on road for profit.

5. Transport services provided using motor vehicles, four-wheeled motorized vehicles include passenger transport services and goods transport services. Providing transport services using motor vehicles and four-wheeled motorized vehicles means when organizations, individuals: coordinate vehicles and drivers or decide passenger, goods transport service fees for profit, other than internal transport operations under Clause 12 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Fixed-route passenger transport services mean passenger transport services in which passenger motor vehicles of at least 8 seats (not including the driver’s seat) are used for passenger transport with defined stations of departure, stations of arrival and defined schedule, itinerary.

8. Public bus passenger transport services mean passenger transport services in which passenger motor vehicles of at least 8 seats (not including the driver’s seat) are used for passenger transport with defined points of departure, points of arrival, passenger pick-up and drop-off locations and defined schedule, itinerary; including provincial bus routes, inter-provincial bus routes, to be specific:

a) Provincial bus routes mean bus routes operating in a province or central-affiliated city;

b) Inter-provincial bus routes mean bus routes operating within at least 2 provinces and central-affiliated cities.

9. Passenger taxi services mean passenger transport services in which passenger motor vehicles under 8 seats (not including the driver’s seat) are used for transport at request of customers; fare is selected among the following options by passengers:

a) Fare calculated by meter;

b) Fare calculated via calculation software directly connected to the passengers via electronic means;

c) Fare agreed with transport service providers.

10. Passenger transport services under contracts mean passenger transport services in which passenger motor vehicles are used for passenger transport under written transport contracts between passenger transport service providers and service buyers and include hiring of drivers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11. Goods transport services using motor vehicles mean transport services in which cargo motor vehicles and specialized motor vehicles are used fro goods transport on roads.

12. Internal transport operations using motor vehicles, four-wheeled motorized vehicles mean transport operations that are not provided as services, not charged and whose costs are included in management, production, consumption or service costs of individuals in charge of transport operations; include internal passenger transport operations and internal goods transport operations and are regulated as follows:

a) Internal passenger transport operations using motor vehicles or four-wheeled motorized vehicles mean transport operations in which agencies and organizations use motor vehicles and four-wheeled motorized vehicles to transport their public officials, public employees, employees, preschool children, students, learners;

b) Internal goods transport operations using motor vehicles or four-wheeled motorized vehicles mean transport operations in which agencies, organizations, and individuals use cargo motor vehicles, specialized motor vehicles, and four-wheeled motorized vehicles to transport products, goods that they manufacture or equipment, instruments, materials, ingredients that serve the production, consumption of their products or services.

13. Transport service providers must be outfitted with safety departments. Transport service providers and internal transport entities must ensure traffic safety in transport operations provided via motor vehicles and four-wheeled motorized vehicles.

14. The Government shall elaborate this Article.

Article 57. Passenger transport using motor vehicles

1. Providers of passenger transport services using motor vehicles have the responsibility to:

a) coordinate vehicles and drivers or decide passenger transport service fees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) declare transport service quality standards;

d) apply information technology in managing and providing transport operation data as per the law;

dd) assume responsibility or joint responsibility for damage caused by employees or representatives of passenger transport service providers as a result of failure to execute request of the passenger transport service providers in a law-compliant manner;

e) assume responsibility or joint responsibility for violations of the law committed by employees or representatives of passenger transport service providers as per the law.

2. Passenger transport operations using motor vehicles must conform to Article 56 hereof and fulfill requirements, conditions pertaining to road traffic order and safety in accordance with road traffic order and safety laws.

3. The Minister of Transport shall elaborate organization and management of passenger transport operations using motor vehicles.

4. Provincial People’s Councils shall, depending on local resources, implement loan interest subsidy at credit institutions in respect of bus investment projects, infrastructure investment and construction projects serving public passenger transport using buses; financially support public passenger transport operations using buses; support customers of public passenger transport services using buses via ticket price reduction and exemption policies.

Article 58. Rights and obligations of passenger transport service providers using motor vehicles

1. Passenger transport service providers using motor vehicles have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) deny transport services to passengers who cause public disorder on motor vehicles, obstruct operation of passenger transport services using motor vehicles, affect health, lives, property of other people or commit ticket fraud;

c) decide incentive policies to serve customers and expand the market.

2. Passenger transport service providers using motor vehicles have the obligation to:

a) adequately comply with and implement regulations on the business of and business conditions of transport services using motor vehicles, and make commitment pertaining to transport service quality and contracts;

b) purchase passenger insurance; insurance premiums are included in transport service ticket price, contract value;

c) publicly post service fees in accordance with price laws; provide tickets and transport service receipt;

d) compensate employees, representatives of passenger transport service providers for damage caused during transport process as per the law;

dd) implement fare reduction and exemption policies for the elderly, people with disabilities, and other policy beneficiaries as per the law;

e) prevent organizations, individuals that do not have license to provide passenger transport services using motor vehicles from coordinating or driving vehicles or deciding passenger transport service fees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 59. Rights and obligations of drivers and attendants on motor vehicles used for passenger transport services

1. Deny transport operations to passengers who:

a) cause public disorder on motor vehicles;

b) obstruct drivers and attendants in the performance of their duty on motor vehicles;

c) affect lives, health, property of other people on motor vehicles;

d) commit ticket fraud;

dd) violate Point c Clause 2 Article 60 hereof.

2. Refuse to operate vehicles that do not meet safety requirements in accordance with road traffic order and safety laws.

3. Do not deny passenger transport for reasons other than those detailed under Clause 1 of this Article; do not pester passengers who are the elderly, people with disabilities, children, pregnant women; do not transfer passengers to other vehicles without their consent except for force majeure.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Behave, talk, and gesture in a civilized, polite manner; guide passengers to their appropriate seats, arrange priority seats for the elderly, people with disability, children, and pregnant women.

6. Assume responsibility in accordance with road traffic order and safety laws and other relevant law provisions.

Article 60. Rights and obligations of passengers

1. Passengers have the right to:

a) be transported in accordance with ticket, transport contracts, commitment of transport service providers regarding transport service quality;

b) receive tickets or ticket equivalents; refuse to travel before departure and receive a refund for their tickets;

c) receive fare exemption and reduction as per the law.

2. Passengers have the obligation to:

a) pay fare publicly posted or negotiated with transport service providers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) not carry goods prohibited from sale, dangerous goods, wild animals; odor goods or other animals, goods that affect health of other passengers and environment;

d) present documents proving eligibility for fare exemption and reduction to transport service providers as per the law;

dd) practice disease prevention and control as per the law.

Article 61. Goods transport using motor vehicles

1. Transport documents are documents verifying that drivers have received goods with defined quantity, type, conditions to transport to destinations; act as proof of goods transport contracts.

2. Providers of transport services using motor vehicles have the responsibility to:

a) coordinate vehicles and drivers or decide goods transport service fees;

b) provide medical examination for drivers and employ drivers who meet health requirements as per the law;

c) apply information technology in managing and providing transport operation data as per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) assume responsibility or joint responsibility for violations of the law committed by employees or representatives of passenger transport service providers as per the law.

3. Goods transport using motor vehicles shall conform to Article 56 hereof, comply with requirements and conditions pertaining to road traffic order and safety in accordance with road traffic order and safety laws and other relevant law provisions. Transport documents are required for the purpose of transporting goods on road as per the law.

4. The Minister of Transport shall elaborate organization and management of goods transport operations using motor vehicles.

Article 62. Rights and obligations of goods transport service providers using motor vehicles

1. Providers of goods transport services using motor vehicles have the right to:

a) request transport service buyers to provide necessary information on the goods and record in transport documents; examine authenticity of information on the goods provided by transport service buyers;

b) request transport service buyers to incur service fees and additional costs; request transport service buyers to compensate for damage caused by violation of the contract;

c) refuse to provide transport services if transport service buyers fail to deliver goods as per contract agreement;

d) request goods inspection when necessary;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Providers of goods transport services using motor vehicles have the obligations to:

a) prevent organizations, individuals that do not possess license to provide goods transport services using motor vehicles from coordinating vehicles, driving vehicles, or deciding goods transport service fees on their behalf;

b) prevent individuals who do not have driver license appropriate to the type of vehicles or whose driver license points have been entirely removed or whose driver license is temporarily suspended or revoked from operating passenger transport vehicles;

c) provide vehicles of the correct types, at the right time and location and deliver goods to recipients as per contract agreement; provide drivers with transport documents prior to delivery;

d) guide, examine goods loading and unloading in order to not exceed goods load permissible for traffic and dimensional, load limits of roads or permissible goods loading dimensions and comply with safe guidelines during goods transport and delivery;

dd) compensate for damage caused by employees, representatives of goods transport service providers in the process of goods transport as per the law.

Article 63. Rights and obligations of drivers in goods transport services using motor vehicles

1. Drivers in goods transport services using motor vehicles have the right to:

a) refuse to operate vehicles that do not meet safety requirements; vehicles that are not outfitted with functioning tracking devices, driver’s image capturing devices as per the law; vehicles on which loaded goods exceed permissible load for traffic, dimensional or load limits of roads or permissible loading dimensions unless operating license is available as per the law; vehicles that carry goods prohibited from sale as per the law; without transport documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Drivers in goods transport services using motor vehicles have the obligations to comply with road traffic order and safety laws and other relevant law provisions.

Article 64. Rights and obligations of buyers in goods transport services using motor vehicles

1. Buyers in goods transport services using motor vehicles have the right to:

a) refuse to load goods onto vehicles that do not conform to agreement;

b) request providers of goods transport services using motor vehicles to deliver goods at the right time, location, and in a manner compliant with agreement;

c) request providers of goods transport services using motor vehicles to compensate as per the law.

2. Buyers of goods transport services using motor vehicles have the obligation to:

a) obtain and provide legitimate documents on goods for transport service providers before delivery; package goods in the correct manner, specify goods code, labels adequately and clearly; deliver goods to transport service providers at the right time and locations, and fulfill other details as per agreement;

b) not request goods to be loaded or load goods in a manner that exceed permissible load for traffic or exceed dimensional limits, load limits of roads or dimensional loading limits of vehicles unless operating license is available as per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) assign personnel to escort goods during transportation in case of types of goods that require escort.

Article 65. Passenger, goods transport using non-motorized vehicles, mopeds, two-wheeled motorbikes, three-wheeled motorbikes

1. Organizations and individuals using non-motorized vehicles, mopeds, two-wheeled motorbikes, and three-wheeled motorbikes in passenger, goods transport services must comply with road traffic order and safety laws.

2. Organizations, individuals providing software services assisting connection of transport in form of non-motorized vehicles, mopeds, two-wheeled motorbikes, and three-wheeled motorbikes must comply with Article 80 hereof.

Article 66. Passenger, goods transport using four-wheeled motorized vehicles

1. Enterprises, cooperatives, and household businesses that use four-wheeled motorized vehicles for transport services must comply with this Law and road traffic order and safety laws.

2. Enterprises, cooperatives, and household businesses that are established as per the law and possess license to provide transport services are allowed to use four-wheeled motorized in their transport services.

3. Individuals are not allowed to use four-wheeled motorized vehicles for internal passenger transport except for passenger transport services. Organizations are allowed to use four-wheeled motorized vehicles for internal transport and must comply with road traffic order and safety laws.

Article 67. Multimodal transport

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Investment and construction of stations, parking lots, goods transportation hubs must guarantee connectivity with other modes of transport and satisfy traffic arrangement requirements.

3. Provincial People’s Committees shall prioritize land fund for construction of stations, parking lots, goods transportation hubs appropriate to road network planning.

Article 68. Checked luggage

1. Checked luggage are goods delivered on motor vehicles used for passenger transport services where the owners do not travel with the vehicles and conform to agreement between transport service providers and senders.

2. Only goods which have dimensions and weight suitable for the vehicles and are not prohibited from sale, are not dangerous goods, are not wild animals, are not odorous, are not containing animals, or are not goods that otherwise affect health of other passengers and the environment are allowed for transport.

3. Individuals sending goods must file checked luggage declaration which includes name, quantity, weight of goods; name, address, personal identification number of senders and recipients.

4. Transport service providers are responsible for inspecting checked luggage on the basis of checked luggage declaration and verify in the declaration. The declaration is made into 2 copies, each of which is held by a party.

5. Recipients of checked luggage must present personal documents upon receiving the goods.

6. Compensation for damage to checked luggage conforms civil laws and other relevant regulations of the law, except for cases under Clause 7 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) in case of natural properties or existing defects of the goods or permissible depreciation;

b) in case of apprehension or suspension of checked luggage imposed by competent authority;

c) in case of other force majeure;

d) in case of faults of transport service buyers, escorts affiliated to transport service providers, or recipients.

Article 69. Patient transport operations using ambulance

1. Patient transport services mean services in which organizations and individuals use ambulances equipped with specialized medical equipment to transport patients for emergency medical aid or to transport patients in general.

2. Medical examination and treatment establishments, organizations, and individuals providing patient transport services and using ambulances for patient transport services must meet requirements pertaining to medical examination and treatment laws and other relevant law provisions.

3. Ambulances must be easily identified by the use of markers, publicly posted information, outfitted with tracking devices, driver’s image capturing devices in accordance with road traffic order and safety laws and other relevant law provisions.

Article 70. Transport operations for preschool children and student using motor vehicles

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Transport operations for preschool children and student using motor vehicles are implemented by education institutions or provided by transport service providers and are regulated as follows:

a) Education institutions that implement transport operations for preschool children and students must conform to regulations on internal transport operations using motor vehicles;

b) Transport service providers that provide transport operations for preschool children using motor vehicles must conform to regulations on transport operations using motor vehicles.

3. Transport operations for preschool children and students using motor vehicles must conform to road traffic order and safety laws.

Article 71. Auxiliary road transport services

Auxiliary road transport services include: transport station services, rest area services, parking lot services, goods transport agencies, ticket agencies, goods consolidation services, transshipment services, goods storage services, goods loading and unloading services to and from vehicles, road motorized vehicle rental services, road rescue services, and software services assisting connection of transport.

Article 72. Transport station and rest area services

1. Providers of transport stations and rest area services are established in accordance with business laws and cooperative laws.

2. Operation of transport stations and rest areas must meet quality, order, safety, environmental hygiene, fire prevention and firefighting requirements and is under management of local competent authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) arrange and grant motor vehicles eligible for transport services entry to transport stations for passenger pick-up, drop-off;

b) lease ticket sale venues or sell tickets to passengers in accordance with contracts signed with transport service providers;

c) declare, publicly post, and announce service fees for vehicle entering, exiting transport stations in accordance with price laws.

4. Providers of goods transport station services have the right and obligation to:

a) arrange and grant motor vehicles entry, exit to and from stations for goods loading and unloading;

b) organize storage, checked luggage, packaging, preservation, goods loading and unloaded activities in accordance with this Law;

c) declare, publicly post, and announce service fees for vehicle entering, exiting stations in accordance with price laws.

5. Providers of rest area services have the right and obligation to:

a) organize services for road users and vehicles;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Provincial People’s Committees shall rely on types of transport stations to determine service fees for vehicles entering, exiting transport stations in accordance with price laws.

7. Provincial People’s Committees shall allocate land fund for construction of passenger, goods transport stations or passenger transit locations in city centers to increase connectivity between passenger transport modes in and outside of cities. Passenger transport stations must be located at transport hubs.

Article 73. Parking lot services

1. Providers of parking lot services are established in accordance with business laws and cooperative laws.

2. Parking lot service providers are allowed to provide the following services:

a) Temporary storage of road vehicles;

b) Maintenance and repair of road vehicles;

c) Fuel and energy resupply for road vehicles;

d) Other services as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) maintain order, security, environmental hygiene, and fire safety at parking lots;

b) publicly post regulations and service fees at parking lots, name and phone number of competent authority;

c) compensate for any loss or damage sustained by vehicles under temporary care;

d) collect vehicle parking service fees;

dd) prevent transport service providers from using the parking lots for passenger pick-up, drop-off or goods loading, unloading, transshipment;

e) deny services to vehicle owners who do not comply with parking lot regulations;

g) stay under inspection and supervision of competent authority.

Article 74. Goods transport agency services

1. Providers of goods transport agency services are established in accordance with business laws and cooperative laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Goods transport agency service providers are eligible for transport agency commission in accordance with agreement with transport service providers.

4. Providers of goods transport agency services must comply with this Law and other relevant law provisions for the purpose of loading, unloading goods.

Article 75. Ticket agency services

1. Providers of ticket agency services are established in accordance with business laws and cooperative laws.

2. Providers of ticket agency services must enter into ticket agency contracts with passenger bus service providers, fixed-route transport service providers.

3. Transport service providers and ticket agency service providers are not allowed to pick up, drop off passengers at location of ticket agencies unless ticket agencies are located inside coach stations.

Article 76. Goods consolidation, transshipment, storage services in road transport operations

1. Providers of goods consolidation, transshipment, and storage services are established in accordance with business laws and cooperative laws.

2. Providers of goods consolidation, transshipment, and storage services must preserve goods in accordance with rules of goods owners and must enter into contracts for goods consolidation, transshipment, or storage with the owners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 77. Vehicle loading and unloading services

1. Providers of vehicle loading and unloading services are established in accordance with enterprise laws, cooperative laws.

2. The loading of goods onto vehicles must not exceed amount of goods permissible for traffic under certificate of technical safety and environmental protection inspection of the vehicles and must comply with road traffic order and safety laws.

3. Individuals loading goods will be held accountable for violations relating to the loading of goods onto motor vehicles.

4. Individuals loading, unloading goods will be responsible for any loss or damage to the goods as per the law.

Article 78. Vehicle rental services

1. Vehicle rental services include:

a) Self-drive rental services mean services in which organizations and individuals lease passenger motor vehicles of less than 8 seats (not including the driver’s seat), mopeds, two-wheeled motorbikes, three-wheeled motorbikes to borrowers who operate the vehicles by themselves;

b) Business rental services for transport services or internal transport operations mean services in which organizations, individuals lease motor vehicles (excluding the drivers) to the borrowers who use the vehicles for transport services or internal transport operations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) only lease vehicles to renters with non-zero driver license points and valid driver license appropriate to the leased vehicles;

b) not offer drivers to renters;

c) enter into self-drive rental agreements with renters which contain copies of driver license of the renters.

3. Renters of self-drive vehicles must not use the vehicles to provide passenger, goods transport for profit.

4. Providers of business rental services for transport services or internal transport operations must:

a) be established in accordance with corporate laws and cooperative laws. Foreign service providers may only provide services by establishing joint venture with Vietnamese partners were percentage of capital is compliant with international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and relevant law provisions;

b) enter into rental agreements excluding drivers with the renters.

Article 79. Road traffic rescue services

1. Organizations and individuals providing road traffic rescue services must:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) maintain traffic safety and occupational safety during rescue;

c) not use rescue vehicles for goods transport services.

2. Providers of road traffic rescue services are responsible for complying with road traffic order and safety laws.

Article 80. Software services assisting connection of transport

1. Software services assisting connection of transport mean connection protocols between transport service providers, drivers and passengers or transport service buyers on electronic means.

2. Providers of transport services using motor vehicles that use software services assisting connection of motor vehicle transport must comply with regulations pertaining to business and business conditions for motor vehicle transport services, electronic transaction laws, and other relevant law provisions.

3. Providers of software services assisting connection of motor vehicle transport that provide services for transport service providers using motor vehicles must comply with e-commerce laws, electronic transaction laws, and other relevant law provisions.

Chapter V

STATE MANAGEMENT OF ROAD OPERATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Develop, promulgate, or request competent authority to promulgate and implement policies; technical regulations and standards, technical-economic norms regarding road operations.

2. Develop, promulgate, and implement planning and schemes pertaining to road operation.

3. Communicate, popularize, and educate regulations of the law on road operations.

4. Invest, construct, manage, operate, utilize, and maintain, and protect road infrastructures.

5. Manage transport operations and auxiliary services of road transport.

6. Study, apply science and technology; provide training and refresher training for human resources in road operations.

7. Inspect, examine, handle complaints and denunciation; deal with violations of the law in road operations.

8. Implement international cooperation in road operations.

Article 82. Responsibility for state management of road operations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Transport is responsible for assisting the Government in implementing state management of road operations.

3. Ministries and ministerial agencies, within their tasks and powers, are responsible for taking charge and cooperating with Ministry of Transport in implementing state management of road operations.

4. People’s Committees of all levels, within their tasks and powers, are responsible for implementing state management of road operations.

Article 83. Road inspector

Road inspectors are tasked with:

1. Inspecting, examining, taking actions against violations of the law pertaining to road infrastructures; road transport at transport entities, transport stations, parking lots, rest areas, transport auxiliary service providers;

2. Inspecting, examining, and taking actions against violations of the law pertaining to training, examination, and issuance of driver license for motorized vehicles, technical safety and environmental protection inspection of motorized vehicles, other than training, examination, and issuance of driver license and technical safety and environmental protection inspection of vehicles of the people’s army, people’s public security in the performance of national defense and security duty in accordance with road traffic order and safety laws;

3. Carrying out other tasks in accordance with inspection laws and other relevant law provisions.

Chapter VI

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 84. Amendments to articles of relevant laws

1. Amend Point 1.1, add Point 1.1a after Point 1.1, sub-section 1 under Part V - Fees in transportation sector under List of fees and charges attached to the Law on Fees and Charges No. 97/2015/QH13 amended by the Law No. 09/2017/QH14, the Law No. 23/2018/QH14, the Law No. 16/2023/QH15, the Law No. 20/2023/QH15, and the Law No. 24/2023/QH15:

1.1

Road use charges collected per motor vehicle

The Government

1.1a

Expressway use fees for vehicles operating on expressways under public ownership where the Government acts as ownership representatives and directly manages, operates

The Government in case of expressways under management of Ministry of Transport; provincial People’s Councils in case of expressways under management of local government

2. Amend entry 23 under List of technical, field-specific planning under Appendix II attached to the Law on Planning No. 21/2017/QH14 amended in accordance with the Law No. 15/2023/QH15, the Law No. 16/2023/QH15, the Law No. 28/2023/QH15, and the Law No. 31/2024/QH15:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NAME OF PLANNING

LEGISLATIVE DOCUMENT

23

Road infrastructure planning

The Law on Road No. 36/2024/QH15

3. Amend the Law on Public-Private Partnerships Investment No. 64/2020/QH14 amended by the Law No. 03/2022/QH15 and the Law No. 28/2023/QH15:

a) Amend Clause 4 Article 45:

“4. In respect of projects under Point b Clause 9 Article 3 hereof, user-pays contracts do not apply except for renovation, upgrade, expansion, modernization, operation, utilization of existing expressway structures, infrastructures or renovation, upgrade of existing roads into expressways as long as users have the right to choose.”;

b) Amend Point b Clause 4 Article 52:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Amend Point b Clause 4 Article 70:

“b) Value of public property in accordance with public property management and use laws.

Value of existing road infrastructure property is not included in percentage of state capital in projects for renovation, upgrade, expansion, modernization, operation, and utilization of existing road structures and structures or renovation and upgrade of existing roads into expressways.”.

4. Amend Clause 5 and add Clause 5a after Clause 5 Article 51 of the Law on Electricity No. 28/2004/QH11 amended by the Law No. 24/2012/QH13, the Law No. 28/2018/QH14, the Law No. 03/2022/QH15, and the Law No. 16/2023/QH15:

“5. Where overhead power lines intersect with railways at a non-perpendicular angle, minimum height from the lowest point of the power lines to the highest point of the railways is 4,5 m plus electrical safety distance based on voltage.

Where the highest points on transport are more than 4,5 m in height from the ground, vehicle owners must contact entities managing high-voltage electrical grid to adopt necessary safety measures.

5a. Where overhead power lines intersect with roads at a non-perpendicular angle, minimum height from the lowest point of the power lines to the highest point of the roads equals vertical clearance of the roads plus electrical safety distance based on voltage.

Where the highest point of vehicles are a height above the distance determined in accordance with this Clause, vehicle owners must contact entities managing high-voltage electrical grid to adopt necessary safety measures.”.

Article 85. Entry into force

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Point a and Point b Clause 2 Article 42, Article 43, Article 50, Clause 1 Article 84 hereof comes into force from October 1 of 2024.

3. The Law on Road Traffic No. 23/2008/QH12 amended by the Law No. 35/2018/QH14 and the Law No. 44/2019/QH14 expires from the effective date hereof, except Article 86 hereof.

Article 86. Transition clauses

1. In respect of expressway projects where investment guidelines have been decided before the effective date hereof that have not met requirements under this Law, the investment process of these projects shall adhere to the investment guidelines approved by competent authority.

2. In respect of expressways that have been brought into operation before the effective date hereof and have not met Clause 1 Article 45 and Clause 2 Article 47 hereof and in respect of expressways under Clause 1 of this Article, roadmap for investment and construction compliant with this Law shall conform to regulations of the Government.

This Law is approved by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam in the 7th meeting on June 27 of 2024.

 

 

E-pass: 56294

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Đường bộ 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.889

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.47.79
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!