Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp các văn bản nổi bật về Ngoại hối

Ngoại hối được hiểu là một loại phương tiện trao đổi từ tiền tệ này sang tiền tiện khác. Chủ đề này tổng hợp các văn bản nổi bật về Ngoại hối.

1. Ngoại hối là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa quy định ngoại hối là gì, chỉ có phần liệt kê những phương tiện nào được xem là ngoại hối. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, ngoại hối bao gồm:

- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực;

- Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;

- Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

- Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

- Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Tổng hợp các văn bản nổi bật về Ngoại hối (Hình từ Internet)

2. Sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam

Theo Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Về mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ được quy định tại Điều 23 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, cụ thể như sau:

- Người cư trú, người không cư trú được mở tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc thu, chi trên tài khoản ngoại tệ của các đối tượng này .

- Người cư trú là tổ chức tín dụng được phép được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động ngoại hối ở nước ngoài.

- Người cư trú là tổ chức kinh tế có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài hoặc có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay, để thực hiện cam kết, hợp đồng với bên nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

- Người cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, đơn vị lực lượng vũ trang, đại diện tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước sở tại.

- Người cư trú là công dân Việt Nam trong thời gian ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước sở tại.

3. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý ngoại hối

Theo Khoản 14 Điều 2 Nghị định 102/2022/NĐ-CP, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý ngoại hối được quy định như sau:

- Quản lý hoạt động ngoại hối trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối; hoạt động ngoại hối khu vực biên giới theo quy định của pháp luật;

- Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của pháp luật; mua bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối với ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo quy định của pháp luật;

- Công bố tỷ giá hối đoái; quyết định chế độ tỷ giá hối đoái, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái;

- Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

- Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài theo quy định của pháp luật;

- Quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là các đối tượng được thực hiện tự vay, tự trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn thủ tục, tổ chức thực hiện xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật;

- Quản lý hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.

4. Tổng hợp các văn bản nổi bật về Ngoại hối.

1

Nghị định 16/2014/NĐ-CP về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam

Nghị định 16/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 21/04/2014 quy định việc cung cấp, nhận thông tin, lập, theo dõi, dự báo và phân tích cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.

2

Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Nghị định 50/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/07/2014 quy định về dự trữ ngoại hối nhà nước, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, hạch toán kế toán, báo cáo và công bố thông tin dự trữ ngoại hối nhà nước.

3

Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi

Nghị định 70/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/09/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối về các hoạt động ngoại hối của người cư trú, người không cư trú tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4

Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Nghị định 88/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối được quy định tại Mục 7 Chương II Nghị định này.

5

Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nghị định 102/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ và quyền hạn trong quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối được quy định tại Khoản 14 Điều 2 Nghị định này.

6

Nghị định 23/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Nghị định 23/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

7

Thông tư 17/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 33/2013/TT-NHNN hướng dẫn về thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng được phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 17/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2013/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng được phép.

8

Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 12/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/11/2022 quy định về:

- Thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

- Việc mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của bên đi vay; việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của bên cho vay tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để thực hiện khoản vay nước ngoài;

- Việc rút vốn, trả nợ và chuyển tiền khác liên quan đến thực hiện khoản vay nước ngoài;

- Quản lý ngoại hối đối với các giao dịch chuyển tiền liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam, chuyển tiền bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài, hoàn trả khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh;

- Việc cung cấp, sử dụng và quản lý thông tin trên Trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là Trang điện tử);

- Chế độ báo cáo thống kê về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

9

Thông tư 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 20/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 hướng dẫn các hoạt động sau đây:

- Hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức cho mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP;

- Hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP;

- Hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác quy định tại điểm g khoản 6 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung).

10

Thông tư 16/2014/TT-NHNN hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 16/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/09/2014 hướng dẫn việc sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng được phép.

11

Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 24/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

12

Thông tư 40/2015/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động phát hành chứng khoán tại Việt Nam của người không cư trú là tổ chức do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Thông tư 40/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/03/2016 quy định việc mở và sử dụng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng đồng Việt Nam để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động phát hành chứng khoán tại Việt Nam của người không cư trú là tổ chức.

13

Thông tư 39/2015/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ để thực hiện việc phát hành chứng khoán ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Thông tư 39/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/03/2016 quy định việc mở và sử dụng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động phát hành chứng khoán ở nước ngoài dưới hình thức phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán của người cư trú là tổ chức.

14

Thông tư 13/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 45/2011/TT-NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 13/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 30/06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2011/TT-NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng.

15

Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 49/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 05/07/2019 quy định về tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổ chức, cá nhân.

16

Thông tư 23/2022/TT-NHNN sửa đổi một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 23/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối.

17

Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 42/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

18

Thông tư 03/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 03/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/05/2019 bổ sung điểm c vào khoản 16 Điều 4 của Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

19

Thông tư 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 06/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 06/09/2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: Góp vốn đầu tư; mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam; chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư.

20

Thông tư 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Thông tư 05/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 28/04/2014 quy định việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

21

Thông tư 11/2014/TT-NHNN quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất, nhập cảnh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 11/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/05/2014 quy định việc mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu, vàng trang sức, mỹ nghệ khi xuất cảnh, nhập cảnh trong một số trường hợp.

22

Thông tư 45/2011/TT-NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 45/2011/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/02/2012 quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng.

23

Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 32/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/02/2014 hướng dẫn thực hiện các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

24

Thông tư 33/2013/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận hoạt động xuất, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của ngân hàng được phép do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 33/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/02/2014 quy định thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối.

25

Thông tư 37/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 37/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 14/02/2014 quy định về việc:

- Mở và sử dụng tài khoản để thực hiện khoản cho vay ra nước ngoài, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc cho vay, bảo lãnh cho người không cư trú;

- Mở và sử dụng tài khoản để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài; đăng ký, đăng ký thay đổi khoản thu hồi nợ bảo lãnh phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế;

- Thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản thu hồi nợ bảo lãnh phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

26

Pháp lệnh ngoại hối năm 2005

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/06/2006 điều chỉnh các hoạt động ngoại hối tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

27

Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013

Pháp lệnh 06/2013/UBTVQH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.40.239
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!