Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp quy định pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo

Tố cáo là quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, được cụ thể hóa trong Luật Tố cáo 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

1. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

Căn cứ Điều 9 Luật Tố cáo 2018, người tố cáo có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Về quyền

+ Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo 2018;

+ Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

+ Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

+ Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

+ Rút tố cáo;

+ Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

+ Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Về nghĩa vụ

+ Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật Tố cáo 2018;

+ Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

+ Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

+ Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Quy định pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo (Hình từ Internet)

2. Các biện pháp bảo vệ người tố cáo

Theo Điều 47 Luật Tố cáo 2018 thì bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Các đối tượng trên gọi chung là người được bảo vệ.

Các biện pháp bảo vệ người tố cáo nói riêng và người được bảo vệ nói chung được quy định từ Điều 56 đến Điều 58 Luật Tố cáo 2018, cụ thể như sau:

(1) Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây:

- Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp;

- Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo;

- Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật;

- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.

(2) Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm

- Đối với người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức:

+ Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ;

+ Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

+ Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử;

+ Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

- Đối với người làm việc theo hợp đồng lao động:

+ Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

+ Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

(3) Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm

- Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.

- Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết.

- Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm.

- Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, tùy vào đối tượng người được bảo vệ, tình hình cụ thể mà cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khác nhau.

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn tố cáo và bảo vệ người tố cáo

1

Luật Tố cáo 2018

Luật Tố cáo 2018 số 25/2018/QH14 có hiệu lực 01/01/2019 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. Một số quy định nổi bật là nguyên tắc xác định thẩm quyền tại Điều 12, trình tự giải quyết tố cáo tại Điều 28, rút tố cáo tại Điều 33.

2

Nghị định 31/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật tố cáo

Nghị định 31/2019/NĐ-CP có hiệu lực 28/05/2019 quy định chi tiết:

- Các chương, điều, khoản sau đây của Luật Tố cáo:

+Điều 30 về thời hạn giải quyết tố cáo;

+ Điều 33 về rút tố cáo;

+ Khoản 5 Điều 38 về giải quyết tố cáo đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết;

+ Điều 40 về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

+ Chương VI về bảo vệ người tố cáo.

- Các biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, bao gồm:

+ Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo;

+ Xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến;

+ Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.

Một số quy định nổi bật là thời hạn giải quyết tố cáo tại Điều 3, xác minh nội dung tố cáo tại Điều 10, làm việc trực tiếp với người bị tố cáo tại Điều 12.

3

Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động

Nghị định 24/2018/NĐ-CP có hiệu lực 15/04/2018 quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về lao động; giáo dục nghề nghiệp; hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động. Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lao động; giáo dục nghề nghiệp; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động. Một số quy định nổi bật là trình tự khiếu nại tại Điều 5, quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại tại Điều 10, thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu tại Điều 19.

4

Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân

Nghị định 22/2019/NĐ-CP có hiệu lực 15/04/2019 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự; trách nhiệm của Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc bảo vệ người tố cáo; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Một số quy định nổi bật là thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Công an nhân dân tại ĐIều 5, thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự tại Điều 10, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo tại Điều 13.

5

Nghị định 28/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân

Nghị định 28/2019/NĐ-CP có hiệu lực 05/05/2019 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ người tố cáo, người được bảo vệ; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân. Một số quy định nổi bật là nguyên tắc xác định thẩm quyền tại Điều 5, thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ tại Điều 14, quản lý công tác giải quyết tố cáo tại Điều 16.

6

Nghị định 55/2022/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Nghị định 55/2022/NĐ-CP có hiệu lực 10/10/2022 quy định về xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Một số quy định nổi bật là thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu tại Điều 6, thẩm quyền, phạm vi khai thác Cơ sở dữ liệu tại Điều 14, kết nối, chia sẻ dữ liệu tại Điều 18.

7

Thông tư 01/2020/TT-TANDTC quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân

Thông tư 01/2020/TT-TANDTC có hiệu lực 10/08/2020 quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân; trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số quy định nổi bật là thẩm quyền giải quyết khiếu nại tại Điều 6, phân loại và xử lý khiếu nại tại Điều 9, kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại tại Điều 13.

8

Thông tư 85/2020/TT-BCA quy định về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư­ 85/2020/TT-BCA có hiệu lực 19/09/2020 quy định việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trừ các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự; giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sĩ vi phạm các quy định của Bộ Công an; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Một số quy định nổi bật là xử lý ban đầu thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Công an nhân dân tại Điều 6, hình thức tố cáo tại Điều 9, trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo tại Điều 10.

9

Thông tư 129/2020/TT-BCA quy định về quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 129/2020/TT-BCA có hiệu lực 22/01/2021 quy định quy trình giải quyết tố cáo, giải quyết lại vụ việc tố cáo trong Công an nhân dân, bao gồm việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Một số quy định nổi bật là xử lý tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo tại Điều 7, tiếp nhận tố cáo, kiểm tra các điều kiện thụ lý tố cáo tại Điều 9, lập kế hoạch xác minh nội dung tố cáo tại Điều 12.

10

Thông tư 05/2021/TT-TTCP quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành

Thông tư 05/2021/TT-TTCP có hiệu lực 15/11/2021 quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Một số quy định nổi bật là phân loại đơn tại Điều 6, xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết tại Điều 8, xử lý đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật tại Điều 9.

 

11

Thông tư 13/2021/TT-BTP quy định về quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 13/2021/TT-BTP có hiệu lực 13/02/2022 quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự. Một số quy định nổi bật là tiếp nhận đơn tại Điều 5, thẩm quyền giải quyết khiếu nại tại Điều 7, xử lý đơn khiếu nại tại Điều 8.

12

Thông tư 01/2024/TT-TTCP quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành

Thông tư 01/2024/TT-TTCP có hiệu lực 05/03/2024 quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một số quy định nổi bật là báo cáo định kỳ tại Điều 4, thời gian chốt số liệu, đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo và thời hạn gửi báo cáo tại Điều 7, hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo tại Điều 8.

13

Thông tư 06/2024/TT-TTCP quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành

Thông tư 06/2024/TT-TTCP có hiệu lực 15/08/2024 quy định việc lập, nộp lưu, bảo quản, quản lý, khai thác hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo. Một số quy định nổi bật là trình tự lập hồ sơ thanh tra tại Điều 6, hồ sơ thanh tra tại Điều 7, hồ sơ giải quyết khiếu nại tại Điều 11.

14

Thông tư 07/2024/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành

Thông tư 07/2024/TT-TTCP có hiệu lực 15/08/2024 quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Một số quy định nổi bật nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra tại Điều 9, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Điều 13.

15

Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực 01/12/2020 quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ. Một số quy định nổi bật là quyết định, thay đổi, bổ sung và chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ tại Điều 5, trách nhiệm của người sử dụng người lao động tại Điều 7.

16

Thông tư 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Thông tư 03/2020/TT-BNV có hiệu lực 05/09/2020 quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

17

Thông tư 145/2020/TT-BCA quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 145/2020/TT-BCA có hiệu lực 15/02/2021 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số quy định nổi bật là trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ người được bảo vệ tại Điều 5, thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân tại Điều 7.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.169.60
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!