Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp quy định pháp luật về Hưởng án treo

Với mục đích răn đe, giáo dục, cải tạo người phạm tội hoàn lương trở thành người có ích, Nhà nước ban hành chế định về án treo thể hiện sự khoan hồng và nhân đạo của pháp luật.

1. Án treo là gì?

Theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018//NQ-HĐTP quy định về khái niệm án treo cụ thể như sau:

Án treo

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Theo đó, an treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Căn cứ Điều 65 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về án treo cụ thể như sau:

Án treo

1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Tổng hợp quy định pháp luật về Hưởng án treo (Hình từ Internet)

2. Điều kiện hưởng án treo theo pháp luật Việt Nam

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

(2) Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

- Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

- Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

- Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

(3) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ Luật Hình sự 2015.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

(4) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định Luật Cư trú 2020 mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

(5) Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

(6) Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018//NQ-HĐTP.

3. Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo pháp luật Việt Nam

Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 02/2018//NQ-HĐTP, cụ thể như sau:

- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;

- Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi ành án hình sự 2019; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

- Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

4. Tổng hợp văn bản quy định về Hưởng án treo

1

Luật Thi hành án hình sự 2019

Luật Thi hành án hình sự 2019 số 41/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Việc thi hành án treo được quy định cụ thể tại Mục 1 Chương V.

2

Bộ luật hình sự 2015

Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Điều 65 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về Án treo.

4

Thông tư 64/2019/TT-BCA quy định về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thay đổi nơi cư trú do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 64/2019/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/01/2020. Các trường hợp được xem xét, giải quyết thay đổi nơi cư trú với người được hưởng án treo được quy định tại Điều 3 Thông tư này.

5

Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết này.

6

Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 10/05/2022. Thời gian đã tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù để ấn định thời gian thử thách. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào thời gian chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới” là quy định mới được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP.

7

Công văn 58/TANDTC-PC năm 2021 xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Công văn 58/TANDTC-PC ban hành ngày 06/05/2021 trả lời vướng mắc có được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

9

Thông tư liên tịch 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp trong thực hiện quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Thông tư liên tịch 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC có hiệu lực từ ngày 10/03/2023 quy định việc phối hợp trong thực hiện một số quy định của Luật Thi hành án hình sự về trình tự, thủ tục thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; thi hành quyết định đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.193.11
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!