Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách văn bản quy định về phòng, chống mua bán người mới nhất

Phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.

1. Nguyên tắc phòng, chống mua bán người

Căn cứ Điều 4 Luật Phòng, chống mua bán người 2011 quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người, cụ thể bao gồm những nội dung sau đây:

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.

- Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.

Danh sách văn bản quy định về phòng, chống mua bán người mới nhất (Hình từ Internet)

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng, chống mua bán người

Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng, chống mua bán người gồm có:

- Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự 1999 (văn bản hết hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và bị thay thế bởi Bộ Luật Hình sự 2015).

- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.

- Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.

- Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.

- Giả mạo là nạn nhân.

- Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

3. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân trong mua bán người

Căn cứ Điều 6 Luật Phòng, chống mua bán người 2011 thì nạn nhân của hành vi mua bán người có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

- Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.

4. Tổng hợp văn bản quy định về phòng, chống mua bán người mới nhất

1

Luật phòng, chống mua bán người năm 2011

Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 số 66/2011/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Trong đó, Chương III quy định về phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; Chương IV quy định về tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân; và Chương V quy định về hỗ trợ nạn nhân của hành vi mua bán người.

2

Bộ luật hình sự 2015

Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Trong đó, nội dung liên quan đến mua bán người trong Bộ luật Hình sự 2015 được quy định cụ thể tại Điều 150 về tội mua bán người, và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

3

Nghị định 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ

Nghị định 62/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người về căn cứ xác định nạn nhân và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người thân thích của họ tại Điều 3; quy định về căn cứ để xác định nạn nhân tại Điều 5; hay quy định về các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ tại Điều 7.

4

Nghị định 09/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống mua bán người

Nghị định 09/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người về cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; tổ chức, hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân.

Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về cơ sở hỗ trợ nạn nhân; Chương III quy định về chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân.

5

Thông tư 78/2013/TT-BQP quy định biện pháp của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong phòng, chống mua bán người do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Thông tư 78/2013/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 09/08/2013 quy định những biện pháp của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (gọi tắt là nạn nhân) ở khu vực biên giới, biển và hải đảo.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về các biện pháp phòng chống mua bán người tại Chương 2; quy định về bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ tại Điều 9; và quy định về hỗ trợ nạn nhân tại Điều 10.

6

Thông tư 84/2019/TT-BTC quy định về nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân, nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định 09/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống mua bán người do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 84/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân; nội dung, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người từ nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Trong đó, nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định tại Điều 3 về nội dung và mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân; và quy định tại Điều 4 về nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân.

7

Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 09/2013/NĐ-CP về Luật Phòng, chống mua bán người do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/02/2014 quy định về các nội dung:

- Quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở hỗ trợ nạn nhân và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

- Quy trình thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.

- Tiêu chuẩn chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại các cơ quan tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về điều kiện thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại Điều 3; quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại Điều 9; hay quy định về các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại Điều 11.

8

Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

Trong đó, Điều 2 Nghị quyết này quy định về một số tình tiết định tội; Điều 3 quy định về một số tình tiết định khung hình phạt; và Chương II quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể.

9

Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 193/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 09/02/2021, Quyết định này phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

10

Quyết định 793/QĐ-TTg năm 2016 về Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 793/QĐ-TTg năm 2016 có hiệu lực từ ngày 10/05/2016.

Theo đó, ngày 30/7 hàng năm được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

11

Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Ngoại giao ban hành

Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG có hiệu lực từ ngày 25/03/2014 hướng dẫn về trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán (gọi tắt là nạn nhân) quy định tại các Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật phòng, chống mua bán người. Trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế đó.

Trong đó, Chương II Thông tư liên tịch này quy định về xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài; Chương III quy định về tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán trong nước; và Chương IV quy định về tiếp nhận, xác minh, xác định và trao trả nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.115.139
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!