Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Cơ sở trợ giúp xã hội và những văn bản cần biết

Cơ sở trợ giúp xã hội là nơi giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chủ đề này tổng hợp các văn bản nổi bật về cơ sở trợ giúp xã hội.

1. Cơ sở trợ giúp xã hội là gì?

Căn cứ Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, trong đó:

- Cơ sở trợ giúp xã hội công lập do cơ quan nhà nước thành lập, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

- Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

Tổng hợp các văn bản về cơ sở trợ giúp xã hội (Hình từ Internet)

2. Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội

Theo Điều 5 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm các loại hình sau đây:

- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi.

- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật.

- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

- Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội.

- Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội.

- Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội

Theo Điều 6 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm:

- Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

+ Đối tượng quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 5 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;

+ Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;

+ Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

- Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm:

+ Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;

+ Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú.

- Người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định pháp luật.

- Những người không thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội được trình bày ở trên nhưng có nhu cầu được trợ giúp xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí.

- Các đối tượng khác theo chương trình, đề án hỗ trợ hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

4. Kinh phí hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội

Kinh phí hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội được quy định tại Điều 9 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Đối với cơ sở trợ giúp xã hội công lập, bao gồm:

- Nguồn ngân sách nhà nước cấp;

- Nguồn thu phí dịch vụ từ các đối tượng tự nguyện;

- Nguồn thu từ hoạt động lao động sản xuất, dịch vụ của cơ sở trợ giúp xã hội;

- Nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

- Nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, bao gồm:

- Nguồn tự có của chủ cơ sở trợ giúp xã hội;

- Nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

- Nguồn thu phí dịch vụ từ đối tượng tự nguyện;

- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật;

- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.

5. Tổng hợp các văn bản nổi bật về cơ sở trợ giúp xã hội

1

Nghị định 26/2016/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công, viên chức và người lao động làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập

Nghị định 26/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/06/2016 quy định các chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập được thành lập, tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật.

2

Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập,tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội

Nghị định 103/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

3

Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2021 quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

4

Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em

Nghị định 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

5

Nghị định 76/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Nghị định 76/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2021/NĐ-CP về mức chuẩn trợ giúp xã hội.

6

Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/02/2018 quy định về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội.

7

Thông tư 02/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 02/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 30/03/2020 quy định về quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở và tại xã, phường, thị trấn.

8

Thông tư 05/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 26/2016/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 05/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/06/2016 hướng dẫn về nguồn kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định số 26/2016/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.201.217
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!