Tảo hôn là gì? Khi nào tảo hôn được công nhận vợ chồng?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
15/08/2022 15:18 PM

Tôi nghe báo đài có nghiêm cấm hành vi tảo hôn. Vậy tảo hôn là gì, khi nào tảo hôn được công nhận vợ chồng?

Tảo hôn là gì? Khi nào tảo hôn được công nhận vợ chồng?

1. Tảo hôn là gì?

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích tảo hôn như sau: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.

Như vậy, tảo hôn là hành vi thuộc một trong 03 trường hợp sau:

- Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi.

- Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.

- Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.

(khoản 8 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

2. Tảo hôn bị xử lý như thế nào?

2.1. Về hành chính

Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

2.2. Về hình sự

Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự, cụ thể:

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

3. Trường hợp tảo hôn được công nhận vợ chồng

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, các trường hợp kết hợp trái với quy định pháp luật, trong đó có tảo hôn vẫn được công nhận là vợ chồng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

- Hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.

Khi đó, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.

Điều kiện kết hôn bao gồm:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau:

+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

4. Quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn

Tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn:

- Cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người tảo hôn;

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

- Hội liên hiệp phụ nữ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 83,587

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn